[COVID-19] ĐẠI DỊCH 2019-NCOV những điều cần biết để phòng tránh

Rate this post

ĐẠI DỊCH 2019-NCOV
những điều cần biết để phòng tránh
=============================

BS Trần Văn Phúc

Ngày 30 tháng 1 năm 2020, vào lúc 18 giờ 35 phút theo giờ Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố sự bùng nổ của của 2019-nCoV gây nên tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC), WHO chấp nhận lời khuyên của Ủy ban khẩn cấp về các quy định y tế quốc tế, đồng thời đưa ra lời Khuyến nghị tạm thời theo IHR.

Điều đó có nghĩa rằng: 2019-nCoV đã bước vào giai đoạn phức tạp!

2019-NCOV LÀ GÌ?
———————–

2019-nCoV là kí hiệu của virus gây đại dịch viêm phổi ở Vũ Hán với tên gọi đầy đủ là novel coronavirus 2019. Chữ novel nghĩa là mới, do chủng virus mới được tìm thấy ở Vũ Hán, khác với các virus trước đó như MERS-CoV và SARS-CoV.

Coronavirus là một nhóm virus lớn tồn tại trong tự nhiên. Đây là virus có bộ gen là ARN đơn chuỗi, được chia thành 4 chi gồm alpha, beta, gamma và delta. Trước đại dịch viêm phổi Vũ Hán, có tổng cộng 6 loại coronavirus có thể lây nhiễm ở người.

4 virus rất dễ lây nhiễm + gây bệnh tương đối nhẹ:

– HCoV-229E (vật chủ ban đầu là dơi)
– HCoV-OC43 (vật chủ là gia súc)
– HCoV-NL63 (vật chủ là dơi và cầy hương)
– HCoV-HKU1 (vật chủ là chuột)

2 virus không dễ lây + gây bệnh rất nặng:

– SARS-CoV (vật chủ là dơi và cầy hương)
– MERS-CoV (vật chủ là lạc đà)

Virus gây viêm phổi Vũ Hán được các nhà khoa học Trung Quốc phân lập ngày 6 tháng 1 năm 2020, thuộc chi beta coronavirus.

Theo nghiên cứu trước đây về các tính chất vật lí và hóa học của coronavirus như SARS và MERS, bao gồm cả 2019-nCoV, thì coronavirus rất nhạy cảm với nhiệt, bị bất hoạt và tiêu diệt 30 phút ở 56°C, ether, ethanol 75% (cồn sát trùng), thuốc khử trùng chứa clo, axit peracetic và các dung môi lipid như chloroform. Nhưng cần phải nhấn mạnh rằng chlorhexidine (chlorhexidine) có thể vô hiệu hóa virus này rất hiệu quả.

Hiện nay, 2019-nCoV vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu về nguồn gốc, phương thức truyền nhiễm, đường lây chuyền, phương thức chẩn đoán và điều trị.

Từ nghiên cứu 41 bệnh nhân cho đến nghiên cứu 99 bệnh nhân bị viêm phổi do 2019-nCoV đã công bố trên tạp chí danh tiếng The Lancet, cho thấy 2019-nCoV có các triệu chứng lâm sàng của các bệnh hô hấp tương tự như SARS, không nên đánh giá thấp tỷ lệ tử vong.

Người dân phải hết sức cảnh giác phòng ngừa!

Chính phủ, y tế, các tổ chức liên quan cần phải hiểu mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh hiện nay và phải được thực hiện nghiêm túc công việc phòng và dập dịch.

NGUỒN GỐC 2019-nCoV CÓ PHẢI TỪ DƠI KHÔNG?
——————————————————————

Ngày càng có nhiều bằng chứng 2019-nCoV có nguồn gốc từ dơi. Nhưng vấn đề quan trọng là vật chủ trung gian tiếp theo là con vật gì, bởi khi xác định được vật chủ trung gian, sẽ rất có giá trị trong việc phòng và dập dịch. Có những tài liệu công bố “nghi phạm” là rắn, hoặc ếch và các động vật khác, nhưng cần phải chờ thêm các bằng chứng.

Nhưng dù vật chủ trung gian là gì, thì tại thời điểm hiện tại cần tránh tiếp xúc hay ăn thịt động vật hoang dã, về lâu dài cần từ bỏ thói quen ăn chuỗi thực phẩm này bởi con người đã từ bỏ nó quá lâu nên hôm nay sẽ rất khó thích nghi.

Cần nhớ rằng, coronavirus ở động vật hoang dã nó vô hại, nhưng khi truyền sang con người lại trở nên nguy hiểm hết sức.

CÁCH THỨC 2019-nCoV TRUYỀN TỪ NGƯỜI SANG NGƯỜI
—————————————————————————-

Đến nay, 95% bệnh nhân viêm phổi đều liên quan đến Vũ Hán, nghĩa là họ đến Vũ Hán hoặc từ Vũ Hán đến. Nhưng vẫn có 5% còn lại. Cùng với nhóm người mắc bệnh là nhân viên y tế, đó là bằng chứng rõ ràng 2019-nCoV lây truyền từ NGƯỜI SANG NGƯỜI, có sự lây truyền trong cộng đồng ở mức độ nhất định.

Một bằng chứng khoa học khác cho thấy 2019-nCoV lây từ người sang người, đó là nhóm bệnh nhân ở Thẩm Quyến, virus phân lập từ các bệnh nhân có đặc điểm rất giống nhau, điều đó gợi ý họ cùng chung một nguồn lây nhiễm.

Có 3 cách lây truyền virus: 1/- Lây nhiễm qua giọt nước bọt, do hắt hơi, ho, tiếp xúc gần khi nói chuyện… virus từ các giọt nước bọt xâm nhập qua niêm mạc mũi, miệng hoặc mắt; 2/- Lây qua tiếp xúc, như chạm vào miệng, mũi, mắt của người bệnh rồi sau đó lại đụng chạm vào mũi, miệng hoặc mắt của mình; 3/- Lây truyền qua không khí.

2019-nCoV có thể lây truyền theo cả 3 con đường trên!

Đến nay, 2019-nCoV đã được xác nhận lây truyền từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp. Người cao tuổi, người suy giảm hệ thống miễn dịch đặc biệt do các bệnh mãn tính, cần chú ý tự bảo vệ bản thân. Những người trẻ tuổi hiếm khi bị bệnh nhưng cũng nên có biện pháp bảo vệ. Cần phải nhấn mạnh rằng đối với những người mắc bệnh cấp và mãn tính gây suy giảm hệ thống miễn dịch mạnh mẽ, thì 2019-nCoV thực sự là mối đe dọa. Theo công bố từ The Lancets, 72% người nhiễm bệnh trên 40 tuổi và 64% nam giới mắc bệnh, 40% người nhiễm bệnh mắc các bệnh khác như tiểu đường và cao huyết áp.

CÓ PHẢI 2019-nCoV ĐANG “SIÊU LÂY NHIỄM”
———————————————————–

Hiện tại, số liệu báo cáo từ Trung Quốc và được WHO sử dụng, thì chưa thể khẳng định 2019-nCoV là “siêu lây nhiễm”, tức là lây nhiễm với tốc độ chóng mặt.

WHO vẫn sử dụng hệ số lây nhiễm R0 từ 1,4 đến 2,5.

Nghĩa là 1 người mắc bệnh thì có thể lây nhiễm cho 1,4 đến 2,5 người. Và 1000 người nhiễm bệnh có thể lây cho 1400 đến 2500 người. Khi nào R0 giảm xuống con số dưới 1 thì dịch sẽ được khống chế và tự hết dần.

Hệ số lây nhiễm R0 chắc chắn thay đổi và phụ thuộc nhiều yếu tố.

Một trong những yếu tố đó, rất quan trọng, là quy luật tiến hóa sinh học, nghĩa là 2019-nCoV thay đổi thích nghi với môi trường thuận lợi cho sự sinh tồn của nó. Sự sinh sản của 2019-nCoV phụ thuộc hoàn toàn vào nơi virus cư trú là các tế bào ở một tạng nào đó của cơ thể người và các chất cần thiết. Thông thường, để vi rút tồn tại và phát triển, thì bản thân virus phải tiến hóa theo cách là tăng cường khả năng lây nhiễm và giảm khả năng gây bệnh. Bởi vì nếu tế bào nhiễm virus bị giết chết, hay bệnh nhân tử vong nhiều, thì virus cũng khó có cơ hội tồn tại; SARS-CoV và MERS-CoV có lẽ là tình huống như vậy. Khi virus biến đổi trong cơ thể người và làm tăng khả năng lây nhiễm, thì người bị nhiễm bệnh có thể sẽ là một “siêu lây nhiễm”. Và hiện tượng một người lây nhiễm nhiều người sẽ tạo ra cơ hội cho nhiều bệnh nhiễm trùng khác.

NHỮNG LƯU Ý VỀ KHẨU TRANG
——————————————

Hiện nay, thị trường khẩu trang đang cực kì sôi động, cần phải hiểu đúng ý nghĩa của từng loại.

Thứ 1 = khẩu trang vải + khẩu trang sợi polyurethane: Khả năng phòng chống 2019-nCoV cũng như các loại virus khác là rất thấp, do khả năng bám giữ trên mặt kém, không cô lập và cách li được các giọt nước bọt, các lỗ vải lớn không ngăn nổi tác nhân gây bệnh.

Thứ 2 = khẩu trang y tế dùng 1 lần: Khẩu trang y tế có 2 mặt, mặt ngoài màu xanh có tác dụng cách li các giọt nước bọt, mặt trong màu trắng có tắc dụng tăng thấm do hơi thở nhiều nước. Sử dụng khẩu trang này có hiệu quả ngăn người virus nhất định nhưng phải đeo đúng cách.

– Chỉ sử dụng 1 lần rồi vất vào thùng rác có nắp đậy.
– Khi đeo khẩu trang phải mặt xanh ra ngoài.
– Khẩu trang phải che kín cả mũi lẫn miệng.
– Khi đeo khẩu trang tuyệt đối tay không chạm vào mặt trong.
– Khi mang khẩu trang tuyệt đối không sờ tay vào.
– Tuyệt đối không cầm vào khẩu trang khi tháo ra.
– Chỉ được cầm vào dây để tháo khẩu trang.
– Rửa tay trước và sau khi tháo khẩu trang.

Advertisement

Thứ 3 = khẩu trang N95: Cũng như một số khẩu trang khác là KN95 và DS2D, giá thành rất cao, trong khi khẩu trang này chủ yếu ngăn các hạt bụi trên 5μm, hiệu quả ngăn virus không hơn gì khẩu trang y tế theo một số nghiên cứu thực nghiệm, trong đó có nghiên cứu đăng trên The Lancet tháng 3 năm 2019.

Nên nhớ = đeo khẩu trang đúng cách + rửa tay sạch = mới có hiệu quả phòng bệnh.

Ngược lại, không tuân thủ rửa tay, cùng với đeo khẩu trang sai, thì khả năng tác dụng ngược trở lại bởi khẩu trang khi đó lại chính là tác nhân gây nhiễm bệnh. Quan sát ngoài cộng động, thậm chí không ít nhân viên y tế đang đeo khẩu trang sai. Ví dụ thói quen rất nguy hiểm như chỉnh sửa khẩu trang, sờ tay nhiều lần vào khẩu trang, tháo khẩu trang khi nói chuyện rồi đeo lại, khi ho và hắt hơi tháo khẩu trang sau đó đeo vào.

Những người bắt buộc phải đeo khẩu trang là khi bị ho, hắt hơi, sốt; để tránh phát tán virus ra không khí, tránh lây bệnh cho người khác.

Những người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch, suy thận, xơ gan, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… cũng cần đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người, đến bệnh viện. Khẩu trang không cần thiết phải đeo ở những nơi không có nguy cơ lây nhiễm, như trong công sở làm việc, trong gia đình.

Ngoài rửa tay và đeo khẩu trang thì cần thay đổi những thói quen xấu như: khạc nhổ bừa bãi, xả rác đặc biệt là những giấy lau mũi miệng ra môi trường xung quanh, hôn hít trẻ em, thói quen thổi hoặc cho thức ăn vào miệng người lớn trước khi bón cho trẻ.

Khi nào trên đường phố Hà Nội vẫn có những xe siêu sang kéo cửa kính để xả rác thì chừng đó người Việt từ giàu đến sang còn phải đi một quãng đường rất dài!

Giới thiệu Thien Khiem

"The original point of love is located beneath our bottom. We can help someone happy. One speech or action or thinking can lessen someone’s melancholy and enhance his or her happiness”.

Check Also

[Medicalnewstoday] Triệu chứng khi nhiễm biến thể Omicron

[Medicalnewstoday] Omicron: Triệu chứng khi nhiễm biến thể này Khi các ca nhiễm trùng biến …