[COVID-19] Dịch COVID-19 qua hình ảnh và biểu đồ

Rate this post

Dịch COVID-19 qua hình ảnh và biểu đồ

BS. Nguyễn Văn Tuấn


 

Dữ liệu gần đây cho thấy dịch COVD-19 càng ngày càng lan rộng. Tính đến nay, đã có hơn 90,000 người thuộc 60 quốc gia được báo cáo là nhiễm SARS-Cov-2. Rất nhiều thông tin khoa học đã được công bố (và cả thông tin giả-khoa-học lan truyền trên mạng). Trong loạt biểu đồ dưới đây, tôi cố gắng tóm lược những thông tin khoa học để chúng ta dễ cảm nhận hơn. Tôi sẽ tập trung vào các chủ đề sau đây:

Diễn tiến của dịch COVID-19;

Biểu đồ 1: Dịch COVID-19 (trước đây còn có tên là Dịch Vũ Hán) khởi đầu từ Thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Theo báo cáo của nhà chức trách Trung Quốc thì dịch bộc phát vào tháng 12/2019, nhưng tôi nghi rằng dịch bộc phát trước đó, vì đã có một ca được viện Vũ Hán từ tháng 11/2019. Cho đến nay (6/3/2020), dịch COVID-19 đã bộc phát ở 89 nước trên thế giới. Tổng số ca bị nhiễm trên thế giới tính đến ngày 6/3/2020 là 96217 ca; trong số này, đa số (gần 84%) là từ Trung Quốc. Số tử vong là 3303, nhưng đa số (91%) cũng là từ Trung Quốc.

 

Số người bị nhiễm và phân bố theo các quốc gia;

Biểu đồ 2: Số ca ghi nhận hàng ngày trên thế giới, tính từ 21/1/2020 đến 6/3/2020. Chú ý, số ca trong ngày 12/2/2020 tăng đột ngột vì nhà chức trách y tế Trung Quốc thay đổi cách đếm (họ đếm cả những ca nghi ngờ nhiễm hay ca lâm sàng), nhưng sau đó thì họ quay về cách đếm cũ, nên số ca lại ‘ổn định’. Trong thời gian tính từ 25/2/2020, số ca lại tăng vì một số nơi như Hàn Quốc thực hiện xét nghiệm trên qui mô cộng đồng. Tuy nhiên, số ca ở Vũ Hán thì giảm trong thời gian gần đây. Source of data: https://www.worldometers.info/coronavirus

 

Biểu đồ 3: Tổng số ca bị nhiễm (tính theo đơn vị log) được ghi nhận trên thế giới. Tính đến nay, Trung Quốc vẫn đứng đầu bảng, nhưng Hàn Quốc, Ý và Iran có số ca tăng nhanh. Source of data: https://www.worldometers.info/coronavirus

 

Biểu đồ 4: Những nơi có nhiệt độ cao (trên 20 độ C) có vẻ có ít ca nhiễm hơn những nước có nhiệt độ lạnh. Tuy nhiên, mối liên quan giữa số ca nhiễm và nhiệt độ không mạnh (không chặt chẽ). Đây là mối liên quan ‘ecologic’, có nghĩa là chúng ta không thể nói về nguyên nhân – hệ quả; chỉ là mối liên quan thống kê. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia hi vọng rằng khi nào mùa hè thì dịch COVID-19 sẽ suy giảm. Source of data: https://www.worldometers.info/coronavirus and my own data collection.

Số ca tử vong và nguy cơ tử vong theo nhóm tuổi và bệnh đi kèm;

Biểu đồ 5: Số ca nhiễm (biểu đồ trên) và số ca tử vong (biểu đồ dưới) theo độ tuổi. Đa số (70%) ca nhiễm có tuổi dưới 60, nhưng đa số (81%) ca tử vong tuổi từ 60 trở lên. Source of data: https://github.com/cmrivers/ncov/blob/master/COVID-19.pdf

 

Biểu đồ 6 (phía trái): Nguy cơ tử vong tính bằng tỉ suất trên 100 người-tháng theo độ tuổi (bên trái) và tính theo CFR (bên phải: tức tỉ lệ tử vong trên 100 người bị nhiễm — bất kể thời gian theo dõi). Người trên 60 tuổi có nguy cơ tử vong tăng gấp 2.2 lần so với trung bình (4.6 / 100 người-tháng).
Biểu đồ 6 (bên phải): Nguy cơ tử vong tính bằng tỉ suất trên 100 người-tháng theo bệnh đi kèm. Bệnh nhân tim mạch, tiểu đường, ung thư, hô hấp mãn tính có nguy cơ tử vong liên quan đến SARS-Cov-2 tăng cao. Source: “The Epidemiological Characteristics of an Outbreak of 2019 Novel Coronavirus Diseases (COVID-19) — China, 2020”, CCDC Weekly / Vol. 2 / No. x.

 

Biểu đồ 7: Nguy cơ tử vong tăng cao nếu bệnh nhân có những bệnh đi kèm như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, hô hấp mãn tính, và ung thư. Ở bệnh nhân không có bệnh đi kèm, tỉ lệ tử vong là 1.6 trên 100 tháng-người. Nhưng ở bệnh nhân với bệnh tim mạch thì nguy cơ này tăng lên 20.4 / 100 tháng-người. Các bệnh đi kèm khác nguy hiểm là tiểu đường, cao huyết áp, hô hấp mãn tính, và ung thư. Source: “The Epidemiological Characteristics of an Outbreak of 2019 Novel Coronavirus Diseases (COVID-19) — China, 2020”, CCDC Weekly / Vol. 2 / No. x.

 

Biểu đồ 8: Tỉ lệ tử vong (%; tính theo case fatality rate) tính đến ngày 6/3/2020 cho một số quốc gia có tương đối nhiều ca nhiễm. Kết quả cho thấy Mĩ là nước có nguy cơ tử vong cao nhứt, kế đến là Trung Quốc, Ý, Iran, Nhật, và sau cùng là Nam Hàn. Source of data: https://www.worldometers.info/coronavirus

• Số ca được xét nghiệm và tỉ lệ dương tính từ xét nghiệm;

Biểu đồ 9:  Số người được xét nghiệm (phần trên) và tỉ lệ dương tính (phần dưới). Tính chung các nước vừa kể (Anh, Áo, Hàn Quốc, Mĩ, Pháp, và Ý), tỉ lệ dương tính là 2.7%. Tuy nhiên, tỉ lệ này dao động lớn giữa các nước: những nơi có tỉ lệ dương tính cao như Ý (5%), Mĩ (3%), Hàn Quốc (khoảng 2.5%), so với những nơi có tỉ lệ dương tính dưới 1% như Anh và Áo. Sự khác biệt về tỉ lệ dương tính có lẽ do cách lấy mẫu và độ chính xác của phương pháp xét nghiệm.

 

Hệ số lây nhiễm (R0);

Biểu đồ 10: Thời gian ủ bệnh của SAR-Cov-2 là 5.3 ngày (trung bình), nhưng dao động trong khoảng 2 đến 14 ngày. So với dịch SARS thì thời gian ủ bệnh của dịch COVID-19 có vẻ lâu hơn một chút. Sources: many published papers in Lancet and JAMA

 

Biểu đồ 11: Hệ số lây lan của các virus gây cúm mùa (seasonal flu), SARS, và COVID-19. Tính trung bình hệ số lây lan của cúm COVID là 2.8 (từ 2.0 đến 3.1), thấp hơn một chút khi so sánh với SARS (trung bình 3.0). Sources: many published papers in Lancet and JAMA

 

Chủng loại coronavirus;

Biểu đồ 12: Phân loại coronavirus. Protein: nucleocapsid, envelope, membrane và spike. Protein nucleocapsid có chức năng hình thành các chất liệu di truyền cơ bản, và có hình trái banh tròn. Bề ngoài của nucleocapsid là cái ‘bao thư’ (envelope) và màng nhầy (membrane). Còn cái protein ‘spike’ nó có hình dáng của một cái dùi cui, và nó cắm trên ‘trái banh’. Thành ra, nhìn con siêu vi khuẩn này thì chúng ta thấy nó giống như cái vương miện hình tròn. Chính vì vậy mà người ta đặt cho nó cái tên hơi vương giả là ‘corona’. Có lẽ chúng ta đặt tên Việt cho nó ‘Vương miện khuẩn’. Nguồn: Peiris et al. Nature Medicine 2004; 10:S88-97.

Advertisement

 

Biểu đồ 13: Coronavirus đã tồn tại trong dơi hơn 100 năm. Chứng cứ là kết quả giải trình tự gen cho thấy các trình tự gen của coronavirus trong dơi trùng hợp với coronavirus trong người lên đến 95%. Từ dơi virus lan truyền sang người.

Triệu chứng bị nhiễm và tình trạng bội nhiễm; 

Biểu đồ 14:  Đặc điểm lâm sàng của 138 bệnh nhân nhiễm SARS-Cov-2 được nhập viện Vũ Hán. Tuổi trung bình là 56. Gần 75% là nam giới. Các bệnh nhân này thường bị sốt (99%), mệt mỏi (70%), ho (59%), đau cơ (35%), và khó thở (31%). Source of data:https://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/2761044

 

Biểu đồ 15: Một số bệnh nhân bị bội nhiễm. Những virus thường bị nhiễm (trên nền SARS-Cov-2) bao gồm influenza A (cúm mùa), rhinovirus (~5%), và H3N2 (~5%). Source of data: https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2020.02.12.20022327v1.full.pdf

 

• Cách thức phòng ngừa lây nhiễm.

 

Con đường hay trạm để virus xâm nhập vào tế bào của chúng ta (người) là mắt, mũi, miệng. Ngay cả chia sẻ thức ăn mặt đối mặt cũng có thể có nguy cơ lây nhiễm. Nếu bạn có thể ngửi mùi thức ăn mà người đối diện đang ăn (mùi tỏi, cà ri, phở) bạn đang hít vào những gì mà người đối diện đang thở ra, và dĩ nhiên hơi thở đó có thể mang theo virus. Sau đây là vài câu hỏi và trả lời ngắn thu thập từ kết quả nghiên cứu khoa học:

Thế nào là “gần”?

1.8 mét được xem là gần, hiểu theo nghĩa nguy cơ nhiễm cao.

Tiếp xúc bao lâu được xem là “thời gian dài”?

Không rõ. Nhưng càng lâu càng tăng nguy cơ.

Có thể nhận ra người đang bị nhiễm?

Không.

Virus có thể sống trên màn hình, cột xe bus, hay bề mặt vật dụng như bàn ghế?

Rất có thể. Chúng có thể ‘sống’ lâu từ vài giờ đến 9 ngày.

Cách diệt virus hữu hiệu nhất là gì?

Rửa tay thường xuyên. Mỗi lần rửa tay phải ít nhứt là 20 giây. Khi hỉ mũi, hắt hơi, ho, nên dùng giấy tissue và dùng khuỷu tay.

Hôn nhau có tăng nguy cơ nhiễm?

Có.

Có an toàn khi ăn uống với người bị nhiễm?

Không hẳn.

Đeo khẩu trang có chống lây nhiễm?

Không hẳn. Đeo không đúng cách (đa số) còn tăng nguy cơ lây nhiễm.

Trẻ em có nguy cơ lây nhiễm thấp hơn người lớn?

Sai. Trẻ em vẫn có nguy cơ cao như người lớn.

 

Xin cảm ơn bài chia sẻ của BS. Nguyễn Văn Tuấn!

Giới thiệu Lê Minh Thư

Check Also

Tirzepatide hàng tuần cải thiện đáng kể cân nặng và kiểm soát đái tháo đường ở bệnh nhân béo phì và đái tháo đường loại 2.

Một nghiên cứu ngẫu nhiên đã chứng minh rằng tirzepatide giúp giảm cân và cải …