Nói đến virus Vũ Hán, cảm nhận của tuyệt đại đa số công chúng là nếu họ tiếp xúc với người bị nhiễm thì họ cũng sẽ bị nhiễm. Sự thật không phải như vậy: đa số những người tiếp xúc với người bị nhiễm sẽ không bị nhiễm. Câu hỏi đặt ra là mức độ lây lan của con virus này cao thấp ra sao. Một nghiên cứu bên Tàu [1] đã có câu trả lời …
Nhóm nghiên cứu theo dõi 391 người bị nhiễm virus Vũ Hán, tuổi trung bình 45 và gần phân nửa là nam giới. Đa số (91%) những ca này là nhẹ hoặc trung. Số ca bình phục là 225 người, và thời gian từ lúc bị nhiễm đến bình phục là 21 ngày. Có 3 người chết.
Những người bị nhiễm (391 người) có tiếp xúc gần với 1286 người chưa bị nhiễm (thân nhân trong nhà, bà con, người quen, hàng xóm). Sau 12 ngày theo dõi, ~11% trong số 1286 người tiếp xúc bị nhiễm qua xét nghiệm RT-PCR. Thuật ngữ dịch tễ học gọi hiện tượng này là ‘secondary attack rate’ (SAR). Tuy nhiên, SAR khác biệt giữa các nhóm, với những người trong nhà có SAR cao hơn trung bình (15%). Phân tích cụ thể hơn cho thấy:
• Nữ có xác suất bị tấn công cao hơn nam (10% vs 5%);
• Người tuổi 60-69 (15%) bị tấn công cao hơn giới trẻ (6-9%);
• Ăn chung hay chia xẻ bữa ăn (9%) bị tấn công cao hơn những người không chia xẻ (4.6%);
• Tiếp xúc thường xuyên bị tấn công cao hơn là không thường xuyên (13% vs ~3%).
Tóm lại, chỉ có chừng 11% những người tiếp xúc với bệnh nhân bị nhiễm virus Vũ Hán (tạm gọi như vậy) sẽ bị nhiễm virus đó. Xác suất bị nhiễm tăng cao nếu bạn là nữ, cao tuổi, và tiếp xúc nhiều lần. Đa số (~90%) người tiếp xúc không bị nhiễm. Xem ra, vấn đề virus Vũ Hán là vấn đề … xác suất. Nhưng xác suất này không phải ngẫu nhiên, và có thể tiên lượng được; tuy nhiên rất tiếc là tác giả chưa nghĩ đến hay không xây dựng một mô hình tiên lượng.
===
[1] https://www.thelancet.com/…/PIIS1473-3099(20)30287…/fulltextNguồn:
https://www.facebook.com/drnguyenvtuan