[COVID-19] Lựa chọn chích vaccine COVID-19 trong thời gian mang thai

Rate this post
Như trong bài viết hôm trước mình có nói là nguyên nhân chính cho những sự lưỡng lự trong thời gian qua về việc quyết định có nên hay không chích ngừa vaccine COVID-19 cho nhóm người gồm phụ nữ mang thai và cho con bú là do đến hiện nay vẫn còn quá ít thông tin khoa học nghiên cứu về ảnh hưởng của vaccine COVID-19 lên nhóm này. Hôm trước mình đã nói về các bà mẹ cho con bú (nên chích ngừa), thì hôm nay mình sẽ bàn về các thông tin liên quan đến phụ nữ mang thai.
So với các bà mẹ cho con bú thì nhóm phụ nữ mang thai cần cẩn trọng hơn vì quá trình phát triển của thai nhi là một quá trình phức tạp và nhạy cảm. Liên quan đến các nguy cơ của phụ nữ mang thai thì người ta thường quan tâm đến các vấn đề như sảy thai, thai chết lưu, sinh non, dị tật bẩm sinh, tử vong sơ sinh, v.v… Một nghiên cứu gần đây đăng tải trên tạp chí chuyên ngành “The New England Journal of Medicine” dựa trên số liệu thu thập từ hệ thống V-safe, là một hệ thống khảo sát thu thập các thông tin về tình trạng sức khỏe sau khi chích ngừa vaccine COVID-19 ở Mỹ. Trong số đó có 3958 người mang thai tham gia đăng ký khảo sát suốt quá trình sau khi chích ngừa đến khi có kết quả sinh con. Kết quả cho thấy có khoảng 12.6% bị sẩy thai, 9.4% sinh non, 3.2% sinh con có kích thước nhỏ, 0.1% thai chết lưu. Các tỷ lệ này được cho thấy khá tương tự với tỷ lệ được công bố trong các tài liệu nghiên cứu trước đó. Tuy nhiên, do đây không phải là một thử nghiệm lâm sàng nên không có nhóm đối chứng tương đồng. Việc so sánh tỷ lệ này với những kết quả đã công bố trước đó khá hạn chế về độ chính xác vì những khác biệt về độ tuổi, nhóm dân tộc, các đặc điểm xã hội và đặc điểm lâm sàng liên quan đến kết quả mang thai và trẻ sơ sinh. Một điểm cần quan tâm trong nghiên cứu này là trong số những người mang thai và sinh con thành công thì đa số (98.3%) là đã chích vaccine mũi đầu trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba (third trimester). Trong số những người tham gia khảo sát này cho rằng có hiện tượng dị tật bẩm sinh ở con của họ thì không ai trong số đó đã được tiêm vaccine COVID-19 trong thời gian tam cá nguyệt đầu tiên (first trimester) hoặc giai đoạn thai nghén (periconception).
Dù rằng các nghiên cứu cho tới bây giờ chưa cho chúng ta hiểu rõ ràng liệu có “nguy cơ nhỏ” nào đó trong việc chích vaccine COVID-19 trong giai đoạn mang thai hay không. Nhưng trong nhiều trường hợp “lợi ích” của việc chích vaccine COVID-19 vẫn lớn hơn rất nhiều vì các số liệu khoa học được thu thập cho đến hiện nay cho thấy rằng những người mang thai nếu mắc COVID-19 có nhiều khả năng phải nhập viện hơn những người cùng tuổi không mang thai. Đó có thể là do cơ thể người phụ nữ mang thai đã có một số thay đổi để thích ứng với việc mang đứa con trong người như: tử cung ngày càng lớn đẩy lên trên làm giảm dung tích phổi, hệ thống miễn dịch bị ức chế một phần nào đó để không gây hại cho em bé. Trong các nghiên cứu về phụ nữ mang thai nhập viện khi mắc COVID-19, nguy cơ sinh non dao động từ 10% đến 25%, với tỷ lệ cao nhất là 60% khi bệnh trở nặng. Do vậy, nhiễm COVID-19 đã là một nguy cơ xấu cho phụ nữ có thai và đặc biệt khi bệnh trở nặng sẽ ảnh hưởng xấu cho cả mẹ và thai nhi.
Advertisement
Tóm lại, cho đến hiện nay chưa có nghiên cứu hoàn chỉnh (có nhóm đối chứng phù hợp, số lượng người tham gia đủ lớn) nào chứng minh rõ ràng ảnh hưởng của vaccine COVID-19 lên phụ nữ mang thai. Nhưng các kết quả cho đến hiện nay dựa trên các thử nghiệm động vật và những dữ liệu thu thập từ người mang thai đã chích ngừa cho thấy khá an toàn, và “có vẻ” chích ngừa ở giai đoạn về sau của thai kỳ (ít nhất sau 3 tháng đầu) thì sẽ an tâm hơn. Do vậy, việc chích vaccine cho đối tượng phụ nữ mang thai vẫn cần cân đối kỹ lưỡng giữa “nguy cơ và lợi ích” trong tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nơi đang sinh sống.
Bài viết liên quan:
Ngày 9 tháng 8 năm 2021 > Tại sao phụ nữ cho con bú nên được chích vaccine COVID-19? < https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/4790772427603757
Bảo trọng nhe bà con,
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
Tài liệu tham khảo:
https://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/2776449 (COVID-19 Vaccination in Pregnant and Lactating Women)
https://www.jci.org/articles/view/147553 (COVID-19 vaccine testing in pregnant females is necessary)
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7884084/ (Coronavirus Disease 2019 (COVID-19) Vaccines and Pregnancy: What Obstetricians Need to Know)
https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/nejmoa2104983 (Preliminary Findings of mRNA Covid-19 Vaccine Safety in Pregnant Persons)
https://www.cdc.gov/…/clinica…/covid-19-vaccines-us.html (Interim Clinical Considerations for Use of COVID-19 Vaccines Currently Authorized in the United States)
TS. Nguyễn Hồng Vũ

Giới thiệu Lê Hồng Thắm

Check Also

[Thảo luận] Corticosteroid – Câu chuyện con dao hai lưỡi

        Corticoid hay tên gọi đầy đủ là Corticosteroid là một hợp …