[COVID-19] Nhiễm và miễn nhiễm

Rate this post

Nhiễm và miễn nhiễm

Bác sĩ : Nguyễn V Tuấn

Bệnh nhân bị nhiễm virus Vũ Hán (và sống sót) có khả năng miễn nhiễm virus này trong tương lai? Đó là câu hỏi hay được đặt ra trong giới dịch tễ học, và câu trả lời có vẻ là “Yes”, nhưng với vài dè dặt cố hữu …

Từ rất lâu (thế kỉ 17) người ta đã phát hiện một qui luật quan trọng về nhiễm và miễn nhiễm. Những người sống sót hay bình phục sau một lần bị nhiễm bởi một virus, thì sau này người đó không còn bị nhiễm virus đó nữa. Năm 1846, một bác sĩ Đan Mạch tên là Peter Lugwig Panum ghé thăm quần đảo Faroe giữa mùa dịch, và quan sát thấy những bệnh nhân 65 tuổi trở lên sống sót sau trận dịch trước đó (năm 1781) không bị nhiễm [1]. Chính quan sát này cho ra đời chuyên ngành miễn dịch học mà chúng ta biết đến ngày hôm nay.

Tại sao người bị nhiễm và sống sót, sau này được ‘miễn nhiễm’? Lí do là vì người đó đã xây dựng được một hệ miễn dịch có thể chống lại virus đó trong tương lai. Do đó, hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống virus ngày hôm nay, nhưng còn phòng ngừa virus cho tương lai.

Chúng ta đã biết có 2 hệ thống miễn dịch trong người: hệ thống nội sinh (hay bẩm sinh) và ngoại sinh. Khi chúng ta sanh ra thì đã ‘thừa hưởng’ được hệ thống miễn dịch từ mẹ và cha, và theo thời gian mức độ miễn dịch tăng dần lên. Khi chúng ta còn trong độ tuổi sơ sanh và nếu bị cảm cúm (chẳng hạn), và nếu chúng ta được bú sữa mẹ thì hệ miễn dịch chúng ta không chỉ tạo thêm kháng thể (antibody) mà còn được tiếp nhận thêm kháng thể từ mẹ. Cứ mỗi lần chúng ta mắc bệnh, thì hệ thống miễn dịch tạo ra một đội quân’ kháng thể. Đội quân này sẽ giúp chúng ta chống lại các ‘thế lực ngoại xâm’ trong tương lai. Sự thật này nói lên một ý rất quan trọng: hệ thống miễn dịch có thể nhớ và học từ kinh nghiệm trong quá khứ.

𝟏 𝐌𝐢𝐞̂̃𝐧 𝐧𝐡𝐢𝐞̂̃𝐦 𝐯𝐚̀ 𝐯𝐢𝐫𝐮𝐬

Đối với virus Vũ Hán, ý tưởng trên (miễn nhiễm sau khi bị nhiễm) có đúng không? Đa số những gì chúng ta biết về virus này không phải qua các virus liên quan như SARS hay MERS, nhưng qua con virus gây cảm cúm cho nhiều người hàng năm.

Trong nghiên cứu đầu tiên trên 18 tình nguyện viên, sau khi họ đã được cho tiêm nhiễm 1 dòng coronavirus vào năm 1977 hay 1978 [2]. Sau đó, 6 người lại được cho nhiễm cùng 1 dòng virus, và ngạc nhiên thay, chẳng ai bị nhiễm nữa. Còn 12 người khác, khi được ‘challenge’ với một dòng khác 1 năm sau, thì họ cũng có miễn nhiễm nhưng không hoàn toàn.

Một nghiên cứu khác vào năm 1990 trên 15 tình nguyện viên (tuổi 18-50) được cho tiêm nhiễm một coronavirus (229E) [3]. Trong số này, 10 người có nồng độ antibody thấp và bị nhiễm; 8 người bị cảm cúm. Một năm sau, 14 người được tiêm nhiễm cũng con virus đó, và họ ít có triệu chứng nặng. Chưa ai làm nghiên cứu kiểu ‘challenge’ đó cho virus SARS và MERS, nhưng kháng thể (antibodies) trong máu ở những người đã bị nhiễm SARS và MERS và sống sót cho thấy họ có khả năng kháng virus rất tốt sau này. Những kết quả nghiên cứu đó cung cấp cho chúng ta một cơ sở khoa học để tiên lượng rằng bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán và sống sót cũng sẽ có được một hệ miễn dịch mạnh hơn để đối phó với virus trong tương lai.

𝟐 𝐂𝐨̀𝐧 𝐯𝐨̛́𝐢 𝐯𝐢𝐫𝐮𝐬 𝐕𝐮̃ 𝐇𝐚́𝐧 𝐭𝐡𝐢̀ 𝐬𝐚𝐨?

Chứng cớ ban đầu cũng cho thấy sau khi bệnh nhân bị nhiễm virus Vũ Hán, thì sau đó họ cũng có khả năng miễn nhiễm. Một nhóm gồm 12 bệnh nhân bị nhiễm virus Vũ Hán, và sau đó hệ miễn dịch tạo ra kháng thể chống lại virus này trong tương lai [4]. Giáo sư Lipsitch dùng mô hình thống kê dự báo rằng có thể trong vòng 1 năm sau thì chúng ta sẽ có kháng thể chống lại virus Vũ Hán. [5]

Một nghiên cứu rất hay cho rằng miễn dịch cộng đồng đôi với virus Vũ Hán đang diễn ra trong cộng đồng. Trong số 175 người có triệu chứng nhẹ liên quan đến virus Vũ Hán, 70% đã có sẵn kháng thể, và 25% có khả năng phản ứng kháng khuẩn, và 5% không có dấu hiệu kháng khuẩn [4]. Nên nhớ rằng cứ 1 người chúng ta phát hiện, thì có 10 người chưa phát hiện (vì chưa biểu hiện triệu chứng hay xét nghiệm âm tính giả). Do đó, nghiên cứu này có lẽ nói lên rằng trong dân số đã phát triển miễn dịch cộng đồng.

Nhưng còn tái nhiễm? Một báo cáo từ Nam Hàn ‘phản biện’ lại lí thuyết miễn nhiễm trên. Theo báo cáo này, có 91 bệnh nhân bị nhiễm virus Vũ Hán, và sau đó họ đã được xét nghiệm âm tính. Nhưng sau đó một thời gian thì xét nghiệm lại dương tính [6]. Nếu báo cáo này đúng thì lí thuyết miễn nhiễm có thể phải xem xét lại.

𝟑 𝐌𝐢𝐞̂̃𝐧 𝐧𝐡𝐢𝐞̂̃𝐦

Tổng quan một cách ngắn gọn là như sau: khi cơ thể chúng ta bị virus tấn công và xâm nhập (có thể qua mũi hay miệng), hệ thống miễn dịch lập tức tầm soát con virus. Chức năng của hệ miễn dịch là diệt virus, hoặc nếu diệt không được thì sẽ giúp chúng ta bình phục. Chống virus trong cơ thể cần thời gian, và thỉnh thoảng cần phải có thuốc để khống chế virus, nhưng hệ miễn dịch vẫn là nền tảng của phòng bệnh và hồi phục.

Điểm qua những nghiên cứu quan sát và can thiệp trên, chúng ta thấy mỗi lần bị nhiễm virus là một cơ hội để xây dựng hệ thống miễn nhiễm. Làm được việc đó là nhờ khả năng lưu trữ kí ức của hệ miễn dịch: hệ miễn dịch nhớ những ‘kẻ thù’ trước đây. Khả năng nhớ quá khứ và sản sinh ra kháng thể là hai chứa năng rất có ích để xây dựng khả năng miễn nhiễm.

Advertisement

Dĩ nhiên, quan sát thấy kháng thể từ bệnh nhân nhiễm virus chưa chắc là do virus hay do cơ chế khác. Trong thực tế, các bệnh đi kèm và tác nhân gây bệnh khác cũng có thể sản sinh ra kháng thể. Do đó, định hình được sự biến chuyển miễn dịch này có thể cung cấp cho khoa học một mục tiêu trị liệu mới cho bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán.

Một cách khác để cơ thể có hệ thống miễn dịch mạnh hơn là tiêm vaccine. Vaccine thật ra hàm chứa những vi sinh vật (thường là virus và bacteria) đã chết hay yếu. (Cũng ví lí do này mà nhiều nhóm ở VN chống việc tiêm chủng vaccine một cách cực đoan, vì họ cho rằng tiêm virus vào người là nguy hiểm.) Những vi sinh vật này có thể gây ra một bệnh nào đó, nhưng khi dùng để sản xuất vaccine thì đã được thay đổi cơ cấu sinh học để sao cho con người không bị bệnh. Chẳng những vaccine không gây bệnh mà còn kích thích hệ thống miễn dịch để sản sinh kháng thể tiêu diệt virus.

Tóm lại, những nghiên cứu mới công bố cho thấy sau khi bệnh nhân bị nhiễm virus Vũ Hán (và các virus khác cùng ‘gia đình’) thì sau đó họ có khả năng miễn nhiễm. Tuy nhiên, tỉ lệ miễn nhiễm có thể không phải 100%, vì dao động giữa các quần thể nghiên cứu. Qui luật nhiễm và miễn nhiễm đã được nghĩ đến như là một chiến lược để xây dựng một cộng đồng miễn dịch nhằm đề kháng những trận dịch bệnh.

====

[1] https://www.historyofvaccines.org/…/faroe-islands-yield-new…

[2] https://onlinelibrary.wiley.com/…/ep…/10.1002/jmv.1890130208

[3] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2271881/

[4] https://science.sciencemag.org/…/early/2020/04/14/science.a…

[5] https://www.medrxiv.org/conte…/10.1101/2020.04.01.20050542v2

[6] https://uk.reuters.com/…/south-korea-reports-recovered-coro…

Giới thiệu Haunguyen

Check Also

[COVID-19] “SƯƠNG MÙ NÃO” – DI CHỨNG COVID Y HỌC CHƯA THỂ LÝ GIẢI

“SƯƠNG MÙ NÃO” DI CHỨNG COVID Y HỌC CHƯA THỂ LÝ GIẢI  “Sương mù não” …