Hiện tại, trên thế giới đang có ít nhất vài chục thử nghiệm lâm sàng về các loại thuốc điều trị khác nhau cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 với mục đích chủ yếu là: rút ngắn thời gian phục hồi và giảm nguy cơ tử vong. Việc lựa chọn thuốc để trị bệnh Covid-19 cũng giống như việc đánh trận, tìm hiểu đường đi nước bước và các điểm yếu của kẻ thù để lên kế hoạch đánh. Tuy nhiên, các chiến thuật đưa ra “có vẻ hiệu quả trên giấy” thì chưa chắc có hiệu quả thật trên chiến trường thực tế… do vậy y học cần “thử nghiệm lâm sàng” để trả lời câu hỏi “thuốc đó có thật sự sử dụng được hay không trên người?”
Dựa trên con đường xâm nhiễm, sinh sản của nCoV (SARS-CoV-2) thì đã có nhiều loại thuốc được đưa ra với các chiến thuật khá tài tình. Tuy nhiên, khi đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người bệnh thì cũng có chiến thuật đã cho thấy thất bại như việc sử dụng kết hợp Lopinavir/Ritonavir không thấy khá hơn so với nhóm đối chứng hoặc kết quả của thử nghiệm sử dụng Chloroquine/Hydroxychloroquine thì còn nhiều tranh cãi, không ổn định (kết quả đối lập nhau giữa các nhóm nghiên cứu) và cho thấy nhiều nguy hiểm của triệu chứng phụ, v.v…
Trên con đường nhiều chông gai này thì hôm nay có vẻ đã có một điểm sáng từ một thử nghiệm lâm sàng với 1063 bệnh nhân Covid-19 ở Mỹ cho thấy kết quả khá khả quan với độ tinh cậy của số liệu dựa trên tính toán xác suất thống kê là khá cao. Kết quả sơ bộ chỉ ra rằng những bệnh nhân sử dụng Remdesivir có thời gian phục hồi nhanh hơn 31% so với những người dùng giả dược (chỉ số xác suất thống kê là p <0,001). Cụ thể, thời gian trung bình để phục hồi là 11 ngày đối với bệnh nhân được điều trị bằng Remdesivir so với 15 ngày đối với những người dùng giả dược. Kết quả cũng cho thấy thuốc này có thể tăng khả năng sống sót của người bệnh, với tỷ lệ tử vong là 8,0% đối với nhóm được điều trị Remdesivir so với 11,6% đối với nhóm giả dược (p = 0,059).
Remdesivir là thuốc được phát triển bởi một công ty của Mỹ tên là Gilead Science. Thuốc này được tạo ra với mục đích nhắm đến điều trị virus phổ rộng thông qua con đường ngăn chặn hoạt động của enzyme sao chép vật liệu di truyền RNA dựa trên khuôn RNA (RNA-dependent RNA polymerase), một enzyme thường được tìm thấy ở các virus có vật liệu di truyền là RNA như nCoV.
Chúng ta hãy tiếp tục hy vọng các nghiên cứu khác về thuốc và vaccine cũng có những tin tốt như vậy để sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Let’s HOPE,
Bảo trọng nhe bà con.
Các bài viết liên quan trước đó:
Ngày 23 tháng 4 năm 2020 (Vaccine Covid-19 đầu tiên cho thấy hiệu quả trên khỉ)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3399979036683110
Ngày 5 tháng 4 năm 2020 (Tiến độ các nghiên cứu về Covid-19)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3354115061269508
Ngày 23 tháng 3 năm 2020 (All Medicines are Poison – tất cả Thuốc là Độc Dược)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3319755238038824
Ngày 20 tháng 3 năm 2020 (Video clip – Vaccine phòng ngừa virus nCoV)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3314163535264661
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
Tài liệu tham khảo
https://www.niaid.nih.gov/…/nih-clinical-trial-shows-remdes…
https://www.jbc.org/…/…/2020/02/24/jbc.AC120.013056.full.pdf (The antiviral compound remdesivir potently inhibits RNA-dependent RNA polymerase from Middle East respiratory syndrome coronavirus)
Nguồn: Bác sĩ Nguyễn Hồng Vũ