[COVID-19] Sử dụng điều hòa đúng cách

Rate this post

Sử dụng điều hòa đúng cách

BS. Trần Văn Phúc


Chiều 30 Tết, tôi có chuyến đi dài từ Hà Nội cho đến tận miền Trung, dọc theo dải Trường Sơn. Trong lúc cả nước đang nô nức chuẩn bị cho đêm giao thừa, nhưng tại thời điểm ấy, đến đâu tôi cũng bắt gặp thời tiết có những dấu hiệu của sự xấu hổ.

Cung đường tôi đi, bầu trời được phủ bởi những đám mây rất dày với màu sắc kì lạ. Từ màu đỏ sẩm, đến màu vàng đất hoặc màu đen, đôi khi mây đen và các cạnh bao quanh màu vàng.

Những đám mây mà tôi biết chắc sẽ có một trận bão giông dữ dội, sấm sét kèm mưa đá!

Tôi dừng chân bên bờ sông Mã và nhìn về phía Bắc, thấy một đám mây mưa đá đang trong giai đoạn phát triển, có đặc điểm ngoại hình giống như đám mây đối lưu. Phần trên của đám mây mưa đá bao gồm nhiều tháp mây khác nhau, thân mây đang bồi đắp nhiều hơn nữa, với sự gia tăng kích thước, mỗi tháp mây càng trở nên cồng kềnh và nặng nề, chuẩn bị rơi xuống những cục đá.

Đám mây mưa đá bao giờ cũng màu tối.

Đến giai đoạn trưởng thành, đám mây mưa đá có đỉnh không còn phát triển hoặc phát triển rất chậm, tháp mây trên cùng bị cuốn đi dần và biến mất. Các tháp mây tách rời lúc ban đầu dần dần hợp nhất thành một khối đặc quánh, đỉnh của đám mây trở nên mịn màng hoặc hình vòm, mở rộng thành một cái đe.

Tiếng sấm bao giờ cũng liên tục và buồn tẻ.

Chiều tối 30 Tết, cả miền Bắc rung lắc vì bão giông, sấm sét đùng đùng; mưa đá khởi đầu ở Bắc Kạn, sau đó lan ra các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Lạng Sơn. Những viên đá rơi xuống từ đám mây, trắng và lạnh, to như quả trứng gà.

Tôi truy cập số liệu khí tượng thủy văn, thấy có một dòng đối lưu không khí cực mạnh, gấp 4 lần so với những trận mưa giông bình thường. Dòng đối lưu ấy bắt đầu từ phía bờ bắc sông Thu Bồn ở Hội An, leo dọc dãy Trường Sơn đến sông Lam ở Hà Tĩnh, qua Bến Thủy vượt bờ bắc sông Hồng, rồi đến Kỳ Cùng ở địa danh Lạng Sơn là dòng sông chảy ngược duy nhất trên thế giới.

Đêm giao thừa miền Bắc ngập lụt trong mưa.

Bản đồ giông lốc cứ thế lan dần đến nhiều khu vực ở Trung Quốc, kèm theo sấm sét và mưa đá. Sau giao thừa hàng loạt các tỉnh Quý Châu, Hồ Nam, Quảng Tây và Quảng Đông xuất hiện Giông bão dày đặc. Hai bên bờ sông Hoàng Hà và Dương Tử, mưa bão dữ dội, kéo dài sang tận trưa ngày mùng 1 Tết. Nền nhiệt phía tây và nam Trung Quốc cho đến Huế của Việt Nam bắt đầu giảm mạnh.

Thời điểm đó, có một cơn lốc mang tên COVID-19 đang cuốn cả thế giới vào nó.

Vào ngày mùng 10 tháng 12 năm 2019, Ngụy Quý Hiền, một tiểu thương ở chợ bán thịt và hải sản đông lạnh phía nam thành phố Vũ Hán, cô bắt đầu cảm thấy không khỏe. Nghĩ rằng mình bị cảm lạnh, người phụ nữ 57 tuổi này đã tìm đến một phòng khám nhỏ trong thành phố để xem bệnh tình của mình, sau đó cô trở về nhà với một đơn thuốc nhỏ.

Đúng 8 ngày sau: Ngụy Quý Hiền nằm trong bệnh viện và bất tỉnh!

Suốt 3 tuần tiếp theo, các bác sĩ tìm mọi cách để đánh thức người phụ nữ, để cố gắng tìm ra mối liên hệ giữa cô và những trường hợp mắc bệnh sớm khác. Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã nhanh chóng làm tê liệt Trung Quốc, rồi lan khắp thế giới, phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu.

Ngụy Quý Hiền chỉ là một trong những người nghi ngờ sớm nhất.

Vào khoảng đầu tháng 2, có một tin đồn trên Internet rằng “Ngô Hoàng Diễm Linh, một cựu sinh viên của Viện virus học Vũ Hán, cô chính là bệnh nhân Z0 mắc bệnh viêm phổi do virus chủng mới”. Sau đó 2 tuần, toàn bộ thông tin này biến mất, trang web đăng tải cũng bốc hơi, người ta tin rằng cô gái Ngô Hoàng Diễm Linh thậm chí còn không có ở trên đời.

Cho đến nay, Trung Quốc và thế giới đang cố gắng viết lại trang lịch sử virus gây ra dịch bệnh khủng khiếp này, đặc biệt là ngày 12 tháng 3 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố đại dịch virus COVID-19, khi mà hơn 130.000 người mắc và gần 5000 người tử vong. Nền kinh tế toàn cầu đang ở trong thòng lọng treo cổ, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã giảm hơn 1.400 điểm, chính thức chấm dứt thời kì tăng trưởng kéo dài 11 năm.

Nhưng ai là bệnh nhân số 0 thì vẫn đang là bí ẩn.

Đêm 30 rạng sáng ngày mùng 1 tết Nguyên Đán, khi cả thế giới chìm trong hoảng loạn, người Việt không ít người sợ hãi trước trận cuồng phong, kèm sấm chớp và mưa đá lớn chưa từng có; thời điểm đó tôi ngồi viết bài dự báo về dịch bệnh.

Sấm chớp trong tiết mùa đông, lại có mưa đá, xảy ra đúng đêm giao thừa và ngày mùng 1 Tết, nhiều người lo sợ đó là điềm gở. Hiện tượng thời tiết này thông thường chỉ xảy ra vào mùa hè. Đó là điều làm cho tôi dự đoán, rằng nền nhiệt những tháng ngày sau đó sẽ dần tăng cao, độ ẩm cũng tăng cao; không chỉ ở miền Bắc của Việt Nam, mà còn ở cả những tỉnh phía tây và nam Trung Quốc nơi có hiện tượng thời tiết bất thường tương tự.

Điều tôi quan tâm đến là SARS-CoV-2 đang gây ra dịch viêm phổi.

Đây là chủng virus mới, nên muốn biết về các tính chất lý hóa của nó, bắt buộc tôi phải dựa vào các nghiên cứu của các chủng coronavirus trước đó, đặc biệt là SARS-CoV và MERS-CoV. Tôi nhận thấy họ coronavirus có chung đặc điểm rất nhạy cảm với ánh sang, tia cực tím, nhiệt độ và độ ẩm.

Và như thế, nền nhiệt và độ ẩm ở Việt Nam sẽ tăng dần lên, điều đó không thuận lợi cho virus, nên tôi đoán khả năng lây truyền và gây bệnh sẽ giảm đi; kết hợp với việc y tế dự phòng của chúng ta có truyền thống phòng chống dịch rất tốt, tôi tin Việt Nam sẽ không để xảy ra dịch COVID-19. Cả những khu vực chịu ảnh hưởng của sấm sét và mưa đá trong đêm giao thừa ở Trung Quốc, tôi cũng dự đoán như vậy.

Đến nay tôi vẫn giữ nguyên dự đoán này.

Ngày 9 tháng 3, tôi có đọc một bài phân tích về nhiệt độ và vĩ độ để dự đoán mức độ cũng như thời vụ lan truyền COVID-19, của nhóm tác giả danh tiếng do Mohammad M. Sajadi dẫn đầu. Sajadi là chuyên gia của Viện virus học ở con người tại Đại học Y Maryland (Mỹ).

Bài báo này cho rằng khu vực có nguy cơ lây lan dịch COVID-19 nằm trong khoangr từ 30-50 vĩ độ Bắc với nhiệt độ vào khoảng 5-11 độ C, độ ẩm 47-79%. Việt Nam nằm ngoài những điều kiện đó, nên tôi càng có thêm niềm tin để củng cố cho dự đoán của mình.

Nhớ lại những ngày tết Nguyên Đán, nhiều người đọc bài viết của tôi đã buông lời chửi, thậm chí có người còn nói sẽ đấm tôi vỡ mồm. Với tôi điều đó không quan trọng, nếu người nói với tôi như vậy cảm thấy giải tỏa được ẩn ức gì đó, thì tôi cũng sẵn sàng chấp nhận và coi đó là việc làm tốt của mình.

Còn bây giờ, dịch bệnh sẽ vào giai đoạn gian nan hơn nhiều, chúng ta chỉ chủ quan sơ sểnh thì tất yếu phải trả giá rất đắt bằng sinh mạng, sức khỏe và tiền bạc. Vì thế mà phần kết thúc của bài viết này, nôi muốn chia sẻ với các bạn cách dùng điều hòa nhiệt độ như thế nào cho đúng, bởi sang tuần cả nước sẽ nắng nóng như thiêu như đốt.

Tôi tin những điều tôi nói sau sẽ có một số người chưa biết.

Điều đầu tiên tôi muốn nhấn mạnh, là khi nhiệt độ môi trường cho phép, thì không dùng điều hòa nhiệt, hãy mở các cửa để đảm bảo thông thoáng không khí. Ngừng sử dụng điều hòa có nghĩa là cắt đứt sự lây lan của virus thông qua điều hòa.

Thứ hai, nếu thời tiết quá nóng thì phải bật điều hòa, nhưng hãy để ở 27˚C thay vì bật quá lạnh.

Thứ 3, là điều hòa tổng, đặc biệt ở các cơ quan công sở, trường học. Nên nhớ virus có thể đi qua các đường ống dẫn, vì thế mà khi dùng chung điều hòa tổng, sẽ có nguy lây nhiễm chung. Dùng điều hòa với cục nóng riêng rẽ sẽ đảm bảo an toàn hơn điều hòa tổng. Bởi vậy mà trong cơ quan hay trường học phát hiện có người mắc bệnh COVID-19 hoặc nghi ngờ, hay ở trong gia đình có người bị bệnh hay đang phải cách li, thì bắt buộc phải dừng việc sử dụng điều hòa tổng.

Thứ 4, ở các cơ quan, trường học, siêu thị, nhà hàng, cơ sở kinh doanh hay bất cứ nơi nào khác dùng điều hòa và đặc biệt là điều hòa tổng, phải đảm bảo vận hành với không khí trong lành, gió tươi, tăng cường làm sạch, khử trùng màng lọc và linh kiện. Chú ý không để nước đọng đường ống và hệ thống chống đông đảm bảo không bị hỏng.

Thứ 5, khi mới phát hiện bệnh nhân COVID-19 hoặc nghi ngờ, dù ở gia đình hay công sở, trường học, hoặc những nơi khác, lúc đó bắt buộc phải dừng sử dụng điều hòa để thực hiện làm sạch và khử khuẩn, chỉ khi điều hòa đã đảm bảo khử khuẩn an toàn mới được sử dụng.

Mọi thứ sẽ ổn thôi – cám ơn bạn đã đọc bài viết của tôi, xin hãy chia sẻ nó và đừng lan truyền những tin đồn!
——–

P/s: Vấn đề đường ống điều hòa, đặc biệt điều hòa tổng có thể lan truyền virus, đó vẫn chỉ là nhận định chủ quan của một số người (trong đó có tôi) khi xem xét con tàu du lịch ở Nhật Bản. Trung Quốc cũng đưa điều này vào hướng dẫn sử dụng điều hòa trong những văn bản của họ. Tuy nhiên, tôi chưa thấy bằng chứng khoa học rõ ràng về điều này. Trên tinh thần phòng sai còn hơn bỏ sót, tôi vẫn coi đó là khuyến cáo của cá nhân tôi, nhưng tôi cần chờ thêm thời gian và bằng chứng khoa học. Bỏi vậy mà lời khuyên chỉ dừng lại trên Fanpage này và các bạn chia sẻ nếu thấy phù hợp. Xin các báo không đăng lời khuyến cáo này của tôi.

 

Xin cảm ơn bài chia sẻ của BS.Trần Văn Phúc!

Advertisement

Giới thiệu Lê Minh Thư

Check Also

Tirzepatide hàng tuần cải thiện đáng kể cân nặng và kiểm soát đái tháo đường ở bệnh nhân béo phì và đái tháo đường loại 2.

Một nghiên cứu ngẫu nhiên đã chứng minh rằng tirzepatide giúp giảm cân và cải …