[Covid 19] Test nhanh covid: dư đoán vắc-xin?

Rate this post
Cảm ơn bài chia sẻ của bác sĩ Trần Văn Phúc.
———————————————————————————————
TEST NHANH COVID: DỰ ĐOÁN VẮC-XIN?
(bài viết của bác sĩ Xquang hạng 3 đọc giải trí)
🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀
Test nhanh kháng thể SARS-CoV-2 có vẻ cũng giống với tình cảm của người phụ nữ dành cho người đàn ông: từ ngưỡng mộ sang yêu, từ yêu đến hôn nhân, từ hôn nhân đến thất vọng; tất cả chỉ diễn ra trong khoảnh khắc, nhưng dù quá thất vọng vẫn không thể từ bỏ.
Đó là điều tôi thấy rất buồn cười về test nhanh kháng thể COVID.
Cuối tháng 4 vừa rồi, chính phủ Úc hào hứng mua 2 triệu bộ test nhanh kháng thể từ công ti CTK Biotech Inc (Hoa Kỳ), sau đó phải tuyên bố vô ích nếu xét nghiệm cho bệnh nhân COVID, bởi Viện Doherty kiểm tra lại thấy độ nhạy chỉ còn 56,9%.
Nghĩa là, nếu test nhanh 1000 bệnh nhân đã mắc bệnh COVID, thì chỉ có 569 bệnh nhân dương tính thật, còn lại 431 trường hợp bị âm tính giả.
Con số 56,9% chỉ cao hơn một chút so với phép tung đồng xu.
Như vậy, với nhóm bệnh nhân SARS-CoV-2, làm test nhanh kháng thể chỉ cần cầm một đồng tiền xu tung lên, nếu ngửa là dương tính và sấp là âm tính, kết quả chẳng thua kém gì.
Đầu tháng 5 Úc mua thêm 5000 ngàn bộ test của công ti Wondfo (Trung Quốc) xong cũng vất đi.
Thổ Nhĩ Kỳ còn tệ hại hơn nhiều: bộ test của Trung Quốc sử dụng chỉ đảm bảo chính xác dưới mức 35%, thấp hơn nhiều so với chẩn đoán bằng cách tung đồng xu.
Các nước châu Âu đồng loạt nổi đóa, như Slovakia mất 16 triệu đô la, Tây Ban Nha mua 50 ngàn bộ test đòi trả lại, Ý cùng với Hy Lạp và Cộng hòa Séc cũng há miệng mắc quai, đến Pháp cũng bị dính. Ngay cả nước Anh, quốc gia được coi là cái nôi của y học dự phòng hiện đại, vậy mà cũng mất toi 20 triệu đô la mua test nhanh từ Trung Quốc rồi vất bỏ.
Và đây là công bố của Viện Doherty:
1️⃣CTK Biotech Inc (Hoa Kỳ)
– Công ti tuyên bố: độ nhạy = 96,86%
– Viện Doherty: độ nhạy = 56,9% và sau 14 ngày nâng lên 84,6%.
2️⃣Hàng Châu Alltest Biotech Co Ltd (Trung Quốc)
– Công ti tuyên bố: độ nhạy = 81,25% từ 4-10 ngày và năng lên 97,1% từ 11-24 ngày.
– Viện Doherty: độ nhạy = 51,8% và sau 14 ngày năng lên 78,5%.
3️⃣ Hàng Châu Alltest Biotech Co Ltd (Trung Quốc)
– Công ti tuyên bố: độ nhạy IgM = 85,0% và IgG = 100%
– Viện Doherty: độ nhạy = 60,6% và nâng lên 90,8% sau 14 ngày.
Gary Procop là chủ tịch của ủy ban khoa học, công nghệ và chính sách của Hiệp hội Bệnh học lâm sàng Hoa Kỳ; và hiện đang tiến hành xét nghiệm COVID-19 tại Phòng khám Cleveland. Ông cùng với cộng sự đã lấy 239 mẫu máu của bệnh nhân COVID để kiểm tra lại các bộ test đã được cấp phép bởi Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Kết quả các test nhanh đều rất kém chính xác.
Test của Abbott có tỉ lệ âm tính giả 15%, của DiaSorin Simplexa âm tính giả 11%, ngay cả test của CDC Hoa Kỳ cũng bị âm tính giả tới 1,8%. Thời điểm hiện tại, với gần 200 sản phẩm test nhanh trên toàn thế giới, nhà sản xuất luôn đảm bảo độ nhạy rất cao, trong khi thực tế lại khác xa.
💥 Kết luận 1: Nhiều nước đã có ý định test nhanh để sàng lọc COVID, nhưng đều bị hớ, phải dừng lại. Tôi không lạ khi Hà Nội sử dụng test nhanh và xảy ra ca âm tính sau đó bệnh nhân đi khám phát hiện COVID bằng xét nghiệm PCR. Theo tôi dự đoán, Hà Nội làm lại xét nghiệm rt-PCR cho hơn 100 ngàn ca từ Đà Nẵng về, khả năng xuất hiện thêm ca bệnh dương tính rất thấp, nếu có chắc không quá 5 ca. Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát và còn thời gian vàng để xét nghiệm, cách tốt nhất là làm “group test” để không bỏ lỡ thời gian vàng.
🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀
Test nhanh kháng thể có cách làm hao hao giống với thử thai.
Trên que thử có 3 vạch (ảnh minh họa):
– Vạch chuẩn C: khi làm test sẽ hiện lên vạch đỏ để so sánh
– Vạch kháng thể IgM: dương tính khi vi-rút đang hoạt đông.
– Vạch kháng thể IgG: dương tính thể hiện nhiễm vi-rút đã lâu.
Khi làm test, nhân viên y tế sẽ lấy mẫu máu, rồi nhỏ vào que thử tại vị trí S, vạch chuẩn C xuất hiện màu đỏ để đối chứng, các vạch ở vị trí kháng thể IgM và IgG có thể xuất hiện màu đỏ khi dương tính hoặc không xuất hiện khi âm tính.
☘️ IgM (-) và gG (-)
Nghĩa là hệ thống miễn dịch chưa có kháng thể với COVID.
Nếu chưa đủ 7 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, thì chưa thể loại trừ có nhiễm COVID. Trường hợp đã hơn 7 ngày, thì khả năng không phải COVID nhưng vẫn chưa chắc chắn với những trường hợp hệ miễn dịch yếu không tạo được kháng thể.
☘️☘️ IgM (+) và IgG (-)
Thông thường, kháng thể IgM được cơ thể sản xuất cho phép phát hiện bằng test nhanh sau 5-7 ngày kể từ ngày đầu tiên phơi nhiễm với vi-rút, tăng cao từ 14-21 ngày, sau đó bắt đầu giảm.
IgM dương tính chứng tỏ vi-rút đang hoạt động, nhưng IgG âm thể hiện mới nhiễm vi-rút, nên cần phải cách li khẩn cấp các đối tượng F1 và F2 và nguy cơ bị lây nhiễm của các F này là rất cao.
☘️☘️☘️ IgM (-) và IgG (+)
Khoảng 14 ngày sau khi cơ thể khởi phát triệu chứng, cơ thể sản xuất IgG đủ ngưỡng cho phép phát hiện bằng test nhanh, sau đó IgG tiếp tục tăng từ 28-35 ngày sau, rồi giảm dần khi bệnh nhân ổn định và khỏi.
IgG dương chứng tỏ đã nhiễm vi-rút từ lâu, khả năng nhiễm vi-rút từ vài tuần trước, hoặc có thể trên 14 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng COVID. IgM âm tính thể hiện khả năng vi-rút không còn hoạt động, nên tại thời điểm xét nghiệm bệnh nhân không có khả năng lây lan vi-rút.
☘️☘️☘️☘️ IgM (+) và IgG (+)
Khả năng nhiễm vi-rút diễn ra từ 14 ngày trước, vi-rút đang hoạt động rất mạnh nên cơ thể đang đẩy mạnh sản xuất kháng thể, nguy cơ lây lây cho người khác rất cao nên phải cách li tuyệt đối.
👉 👉 Một số bạn hỏi tôi: tại sao test nhanh lại âm tính giả?
– Thứ nhất: do xét nghiệm ở thời điểm kháng thể chưa đạt ngưỡng, thường là dưới 7 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên.
– Thứ hai: ở những trường hợp có hệ miễn dịch bị suy giảm nên cơ thể không đủ khả năng tạo ra kháng thể cho phép test phát hiện dương tính (ví dụ những bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính).
– Thứ ba: nguyên nhân này theo tôi phỏng đoán theo logic, có thể SARS-CoV-2 đột biến gen tạo nên chủng mới, khi xâm nhập cơ thể, hệ miễn dịch tạo kháng thể IgM và IgG nhưng kháng thẻ này không phù hợp với kháng nguyên trên que thử test (kháng nguyên là những mảnh gen của vi-rút được tạo ra).
👉 👉 Bốn điều cần xem xét khi làm test nhanh:
– CÓ hay KHÔNG có triệu chứng tại thời điểm test?
– Nếu có triệu chứng thì khởi phát từ khi nào?
– IgM (-) hay (+)
– IgG (-) hay (+)
💥💥 Kết luận 2: Với ha đặc tính quan trọng là kháng thể tạo ra chậm và kháng thể còn lưu hành sau khi đã khỏi bệnh, nên test nhanh được khuyến cáo không sử dụng độc lập để chẩn đoán COVID; nhưng sẽ là tuyệt vời nếu sử dụng bộ 3 bao gồm “Điều tra dịch tễ + Test nhanh kháng thể + Xét nghiệm phân tử như rt-PCR”.
🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀
Khả năng miễn dịch là một điều không chắc chắn!
Ngay cả với những người đã nhiễm SARS-CoV-2, chúng ta vẫn chưa thể biết liệu bằng cách nào, mất bao lâu thời gian, thì người đó có thể miễn dịch với COVID-19. Đối với một số người, miễn dịch có thể kéo dài suốt đời, nhưng với người khác thời gian lại rất ngắn ngủi.
Vì thế mà tôi băn khoăn về vắc-xin phòng COVID.
Mỹ tuyên bố sẽ có vắc-xin tiêm chủng mở rộng vào cuối năm nay, Nga tuyên bố trong tháng 8, Trung Quốc lại khẳng định vắc-xin sẽ được chào đời đầu tiên ở quốc gia này chứ không phải nơi nào khác.
Tôi không tin hiệu quả của vắc-xin thần tốc như vậy!
Khoa học rất nghiêm ngặt, đặc biệt là khoa học vắc-xin. Quá khứ chúng ta đã từng thấy, với cúm lợn Mỹ vắc-xin sản xuất ra trở nên vô giá trị, thậm chí có hại nhiều hơn có lợi. Lịch sử cũng chưa từng ghi nhận vắc-xin lại xuất hiện thần tốc trong đại dịch.
Tôi ghi nhận cuộc chạy đua của 3 nhà sản xuất vắc-xin hàng đầu thế giới hiện nay:
– AstraZeneca và Đại học Oxford (Mỹ).
– Moderna (Mỹ).
– Sinovac Biotech (Trung Quốc).
Ngày càng có sự lạc quan rằng, cả 3 ứng cử viên này sẽ nhanh chóng về đích, nhưng tôi e công chúng đang tưởng tượng đến bữa tiệc ăn mừng quá sớm.
Điều mà tôi nghi ngờ đầu tiên là SARS-CoV-2 đang biến đổi theo cách trốn tránh vắc-xin.
Hãy nhìn vào test nhanh kháng thể, nhà sản xuất dựa trên nguyên lí chọn những đoạn gen di truyền của vi-rút làm kháng nguyên mẫu, nếu cơ thể đã nhiễm bệnh và sản sinh kháng thể, thì sẽ xuất hiện phản ứng kết hợp kháng nguyên – kháng thể, tức là que thử dương tính.
Rõ ràng nhà sản xuất luôn công bố độ nhạy gần 100%.
Vậy tại sao hàng loạt quốc gia như Úc, Mỹ, Anh rồi cả châu Âu đều phải lắc đầu với test nhanh, khả năng chính xác của chẩn đoán từ gần 100% chuyển xuống còn gần 50/50, tức là chẳng khác gì việc tung đồng xu.
Tôi đoán theo logic, rất có thể chủng vi-rút đã đột biến quá nhiều, nó không còn là vi-rút thuần Vũ Hán nữa, nên test sử dụng kháng nguyên mẫu từ thời Vũ Hán sẽ không bị kháng thể của chủng vi-rút hiện nay phát hiện; đó là lí do để test nhanh âm tính giả quá nhiều so với công bố.
Điều này dự báo vắc-xin sản xuất theo mẫu vi-rút Vũ Hán, nếu có sinh kháng thể rất tốt, thì kháng thể đó nhiều khả năng không có mấy tác dụng với chủng vi-rút đã biến thể; nghĩa là bài học vắc-xin cúm lợn Mỹ sẽ lặp lại.
Điều tôi nghi ngờ thứ 2 là khả năng miễn dịch.
Tôi có cảm giác dường như SARS-CoV-2 tấn công vào hệ miễn dịch, làm suy yếu, vì thế mà cơ thể khó khăn trong việc tạo kháng thể, mà một trong những bằng chứng là thời gian xuất hiện IgM và IgG khá dài, có thể sau 2 tuần mới đạt ngưỡng phát hiện.
Cho dù vắc-xin có tạo ra kháng thể chống lại được vi-rút đột biến, nhưng nếu kháng thể yếu thì liệu miễn dịch có bền vững được lâu dài hay không, đó là điều tôi rất nghi ngờ. Nghiên cứu về miễn dịch của SARS-CoV-1 năm 2003 cho thấy, khả năng duy trì miễn dịch của những người đã bị SARS được 2 năm, sau đó giảm rất nhanh. Hai chủng coronavirus gây cảm lạnh là OC43 và HKU1 cũng chỉ có thời gian miễn dịch 45 tuần sau nhiễm.
Theo dõi các chủng vi-rút đột biến trong đại dịch này, tôi cho rằng SARS-CoV-2 ở thời điểm hiện tại khác rất xa so với chủng ở Vũ Hán, nó đã biết trốn tránh để không bị phát hiện bởi test nhanh kháng thể một cách ngoạn mục, thì tôi dự đoán vắc-xin ra đời sẽ chẳng có mấy tác dụng phòng bệnh.
Vì thế mà trong đại dịch COVID, theo tôi không nên quá kì vọng vào vắc-xin, chủng vi-rút biến đổi theo nguyên lí giảm độc lực và dễ lây, nghĩa là nó sẽ chuyển sang trạng thái gây bệnh theo mùa. Bởi vậy mà hơn tất cả, mỗi người trong chúng ta hãy chủ động sống chung với vi-rút, nhìn thấy nó bằng trí tuệ để tránh ra.
Những biện pháp rất đơn giản để tránh không bị nhiễm:
– Đeo khẩu trang đúng cách.
– Ho hay hắt hơi che kín mũi miệng đúng cách.
– Rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy 20 giây.
– Giữ khoảng cách tối thiểu 1m và được 2m càng tốt.
💥💥💥 Kết luận 3: Chủng SARS-CoV-2 hiện tại dường như đã đột biến khác xa so với chủng vi-rút ở Vũ Hán hồi đầu năm, nó có thể tránh được sự phát hiện bởi test nhanh kháng thể một cách ngoạn mục, nên có nhiều khả năng vắc-xin sản xuất ra sẽ ít tác dụng. Chúng ta không nên quá kì vọng vào vắc-xin, mặc dù chắc chắn vắc-xin sẽ được sản xuất trong thời gian không lâu nữa, nhưng Việt Nam hãy cẩn trọng khi bỏ ra hàng tỉ đô la để nhập khẩu vắc-xin. Nhiệm vụ của các nhà khoa học Việt Nam sẽ rất quan trọng, đó là khi vắc-xin ra đời, thì phải nhanh chóng trả lời được câu hỏi vắc-xin ấy có tác dụng phòng bệnh tốt hay không, để tránh đốt tiền vì sự thiếu hiểu biết.
Hãy thật sáng suốt khi nhập khẩu vắc-xin trong đại dịch COVID-19!
🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀
TÀI LIỆU THAM KHẢO
————————-
1. Australian Government Department of Health. Post-market evaluation of serology-based point of care tests. 5 June 2020
2. Lu H., Stratton C.W., Tang Y.W. Outbreak of pneumonia of unknown etiology in Wuhan, China: the mystery and the miracle. J Med Virol. 2020;92:401–402.
3. Abul K., Abbas A.H.L., Pillai S. Elsevier; Amsterdam: 2016. Basic Immunology: Functions and Disorders of the Immune System.
4. Davis D.M. Penguin Books Limited; New York, NY: 2013. The Compatibility Gene.
5. Nicholson L.B. The immune system. Essays Biochem. 2016;60:275–301.
6. Chen N., Zhou M., Dong X., Qu J., Gong F., Han Y. Epidemiological and clinical characteristics of 99 cases of 2019 novel coronavirus pneumonia in Wuhan, China: a descriptive study. Lancet. 2020
7. Wang D., Hu B., Hu C., Zhu F., Liu X., Zhang J. Clinical characteristics of 138 hospitalized patients with 2019 novel coronavirus-infected pneumonia in Wuhan, China. JAMA. 2020
8. Sohrabi C., Alsafi Z., O’Neill N., Khan M., Kerwan A., Al-Jabir A. World Health Organization declares global emergency: a review of the 2019 novel coronavirus (COVID-19) Int J Surg. 2020
9. Rothe C., Schunk M., Sothmann P., Bretzel G., Froeschl G., Wallrauch C. Transmission of 2019-NCOV infection from an asymptomatic contact in Germany. N Engl J Med. 2020
10. Li Q., Guan X., Wu P., Wang X., Zhou L., Tong Y. Early transmission dynamics in Wuhan, China, of novel coronavirus-infected pneumonia. N Engl J Med. 2020
11. FDA. Contains Nonbinding Recommendations This document supersedes “Policy for Diagnostics Testing in Laboratories Certified to Perform High-Complexity Testing under Clinical Laboratory Improvement Amendments (CLIA) prior to Emergency Use Preface Public Comment.
12. Murphy K.P. 8th. Taylor & Francis Group; New York, NY: 2012. Janeway’s Immunobiology.
13. Li Z., Yi Y., Luo X., Xiong N., Liu Y., Li S. Development and clinical Application of A rapid IgM-IgG combined antibody test for SARS-CoV-2 infection diagnosis. J Med Virol. 2020
14. Wu F., Wang A., Liu M., Wang Q., Chen J., Xia S. Neutralizing antibody responses to SARS-CoV-2 in a COVID-19 recovered patient cohort and their implications. MedRxiv. 2020
15. Zhao J., Yuan Q., Wang H., Liu W., Liao X., Su Y. Antibody responses to SARS-CoV-2 in patients of novel coronavirus disease 2019. Clin Infect Dis. 2020
16. Kissler S.M., Tedijanto C., Goldstein E., Grad Y.H., Lipsitch M. Projecting the transmission dynamics of SARS-CoV-2 through the post-pandemic period. MedRxiv. 2020
17. Callow K.A., Parry H.F., Sergeant M., Tyrrell D.A.J. The time course of the immune response to experimental coronavirus infection of man. Epidemiol Infect. 1990
18. Liu Y., Gayle A.A., Wilder-Smith A., Rocklöv J. The reproductive number of COVID-19 is higher compared to SARS coronavirus. J Travel Med. 2020
Advertisement

Giới thiệu Lac Thu

Check Also

[COVID-19] “SƯƠNG MÙ NÃO” – DI CHỨNG COVID Y HỌC CHƯA THỂ LÝ GIẢI

“SƯƠNG MÙ NÃO” DI CHỨNG COVID Y HỌC CHƯA THỂ LÝ GIẢI  “Sương mù não” …