Tôi xin dừng viết về Covid-19
Bs. Trần Văn Phúc
Thưa các bạn!
Kì nghỉ Tết Nguyên Đán 2020 đáng lẽ phải là những ngày hạnh phúc và vui vẻ nhất cho mọi gia đình. Nhưng đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, là thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt kể từ sau Thế chiến thứ hai. Ngay sau khi vi-rút SAR-CoV-2 xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm ngoái, dịch bệnh nhanh chóng đã lan rộng ra mọi châu lục ngoại trừ Nam Cực, với số ca mắc cứ tăng lên mỗi ngày. Việt Nam là một trong những tâm điểm của sự đe dọa, từ tết Nguyên đán cho đến tận kì nghỉ lễ dài ngày hôm nay, tất cả chúng ta, chẳng ai có được một ngày vui vẻ trọn vẹn.
Dịch bệnh đã đẩy loài người đến bên bờ vực.
Các quốc gia đang chạy đua để làm chậm sự lây lan của virus bằng cách xét nghiệm và điều trị bệnh nhân, thực hiện các biện pháp khá cực đoan như cách li công dân, hạn chế đi lại, hủy bỏ các cuộc tụ họp lớn như các sự kiện thể thao, buổi hòa nhạc và đóng cửa trường học, giãn cách xã hội, thậm chí là cách li hay phong tỏa.
Đại dịch COVIS-19 như một trận sóng thần, nó có thể gây bệnh cho mọi cá nhân từ nghèo khó nhất cho đến những người giàu có nhất hay chính trị gia, nó nhấn chìm mọi cộng đồng, mọi quốc gia kể cả đó là cường quốc.
Mấy ngày trước, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết ông đã nhiễm COVID-19, đã phải bàn giao lại công việc và nằm viện. Trước đó là Thủ tướng Anh Boris Johnson phải điều trị chăm sóc tích cực ICU, 4 Bộ trưởng Bộ Y tế của các quốc gia, hàng loạt các bộ trưởng và quan chức chính phủ khác cũng bị mắc căn bệnh, một vài người trong số đó đã tử vong.
COVID-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng về sức khỏe.
Với mỗi quốc gia mà COVID-19 chạm vào, nó có khả năng tạo ra những cuộc khủng hoảng xã hội, kinh tế và chính trị tàn khốc, để lại những vết sẹo sâu không thể khắc phục.
Mỗi ngày trên báo chí và truyền hình, chúng ta lại thấy hàng chục thành phố lớn nhất thế giới bị bỏ hoang, vì mọi người phải ngồi yên trong nhà theo lựa chọn hoặc theo lệnh của chính phủ. Trên khắp thế giới, các cửa hàng, nhà hát, nhà hàng và quán bar, trường học, công sở đang phải đóng cửa.
Cách đây 1 tháng, vào ngày 30 tháng 3 năm 2020, cậu bé Yasin 13 tuổi bị cảnh sát Kenya bắn chết khi đang đứng bên cửa sổ tò mò xem cảnh sát tuần tra trên đường. Một viên đạn xuyên thấu qua bụng, cậu bé không có đủ thời gian để chữa trị, cuối cùng đã chết. Thời điểm xảy ra vụ việc, cha của Yasin, ông Hussein nghe thấy tiếng súng nổ, đứa con gái 5 tuổi đã khóc và chạy đến nói với cha mình rằng Yasin đã bị bắn. Hàng xóm giúp đỡ đưa Yasin đến viện nhưng không kịp. Và bây giờ, đứa em gái 5 tuổi rất sợ hãi, thỉnh thoảng lại hỏi mẹ rằng liệu cảnh sát có tiếp tục bắn chết cả gia đình. Để hạn chế sự lây lan của SARS-CoV-2, Kenya đã áp dụng lệnh giới nghiêm trên toàn quốc từ hoàng hôn đến rạng sáng, thời gian thực hiện giới nghiêm bắt đầu từ ngày 27 tháng 3. Đến nay, 16 người ở Kenya đã bị cảnh sát bắn chết, trong đó có một cậu bé 5 tuổi cũng vì tò mò đứng trên ban công xem cảnh sát đi tuần.
Ấn Độ với dân số 1,3 tỉ dân như quả bom nhiệt hạch đe dọa thế giới, nên quốc gia này đã thực hiện lệnh phong tỏa đất nước dài nhất, bắt đầu từ ngày 25 tháng 3 cho đến ngày 3 tháng 5 mới dỡ bỏ. Lệnh phong tỏa ở Ấn Độ = ấn nút “off” xã hội + “cầm chân” tất cả mọi người. Cảnh sát Ấn Độ đã đi tuần, họ trừng trị bất cứ ai ra đường, bằng roi da và gậy. Dự kiến ngày mai Thủ tướng Ấn Độ sẽ bấm nút “on” và thôi “cầm chân”, nhưng lệnh này vẫn chưa được dỡ bỏ qua đêm, chính phủ cũng chia đất nước thành 3 màu đỏ – cam – xanh, tùy theo màu để xác định mức độ ấn nút.
Trên toàn thế giới, mỗi ngày, mọi người đang mất việc làm và thu nhập, không có cách nào biết khi nào sự bình thường sẽ quay trở lại. Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch, tất cả khách sạn đều trống rỗng, những bãi biển đẹp như thiên đường trở nên hoang vắng. Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính có 195 triệu người đã bị mất việc.
Việt Nam hứng chịu sự đe dọa kinh khủng nhất!
Đến thời điểm này COVID-19 đã tấn công Việt Nam với 3 mũi giáp công: 1/- Từ phương Bắc là Trung Quốc với đường biên giới dài 1.449 km; 2/- Từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đều là những ổ dịch nguy hiểm, đặc biệt là đường biên giới phía Tây giáp với Lào và Campuchia dài 3.260 km; 3/- Từ các quốc gia phương Tây như Mỹ và châu Âu.
Nhưng điều đó không thể phá vỡ được ý chí sắt đá của người Việt Nam anh hùng.
Virus càng tấn công mạnh, người Việt càng chiến đấu kiên cường, chiến đấu để giành được thắng lợi hoàn toàn.
Khi chúng ta đã nỗ lực hết sức, chúng ta không thể thất bại!
Và chỉ có nỗ lực hết sức, chúng ta mới giành được chiến thắng.
Cuộc chiến chống COVID-19 có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm như các nhà khoa học đang lo lắng; nhưng với người dân Việt Nam, điều đó không bị đe dọa.
Chính phủ đã đặt quốc gia vào tình trạng đặc biệt nguy hiểm, công bố dịch ở mức cảnh báo cao nhất, phát động cuộc chiến toàn dân không có tiếng súng chống lại “giặc” COVID-19. Y tế là đội quân xung kích đi đầu, mỗi cán bộ nhân viên trong ngành y là một chiến sĩ xung trận, người chiến sĩ ấy chỉ được phép thắng để trở về, không được phép thua.
Việt Nam đã có 21 ngày tất cả các thành phố không bóng người, các làng quê người dân chấp nhận sự khó khăn tuân thủ mọi quy định của chính phủ. Và thành quả, đó là một chuỗi ngày dài sau đó, Việt Nam không có ca mắc trong cộng đồng, trong khi thế giới đang rơi vào hỗn loạn.
Thưa các bạn!
Bản thân tôi chỉ là một bác sĩ Xquang hạng 3 ngồi trong căn buồng tối mỗi ngày, không trực tiếp thăm khám bệnh nhân, bệnh viện nơi tôi công tác cũng không phải ở vị trí tuyến đầu phòng chống dịch. Nhưng ngay khi dịch mới xảy ra ở bên Trung Quốc, tôi tự coi mình phải có trách nhiệm đóng góp tích cực, thể hiện vai trò gương mẫu, thúc đẩy thực hiện công tác phòng ngừa, chuẩn bị chu đáo sẵn sàng đối phó với mọi tình huống, cùng với hệ thống y tế cả nước quyết tâm phòng, chống và dập dịch hiệu quả nhất.
Thực tế tôi chỉ chống dịch trên Facebook!
Cuối tháng 12 năm 2019, tôi tìm hiểu và được biết ở Vũ Hán (Trung Quốc) đang có căn bệnh viêm đường hô hấp lạ, với những thông tin nghi ngờ nó giống như dịch SARS năm 2003. Vì thế, ngày 30 tháng 12 tôi đã viết bài “Hắt hơi cũng phải học”, để cảnh báo về sự nguy hiểm của những bệnh lây truyền qua giọt bắn đường hô hấp.
Ngày mùng 8 tháng 1 tôi viết bài đầu tiên về dịch bệnh này, bài viết có nhan đề “Bùng phát bệnh cúm Vũ Hán giống SARS – người Việt cần cảnh giác”.
Từ đó đến nay tôi viết tất cả 62 bài về COVID-19.
Mỗi bài viết của tôi thường có độ dài từ 2000 – 4000 từ, để cung cấp cho bạn đọc những kiến thức về dịch bệnh, cách phòng ngừa, chống tin giả, cùng với những dự báo của tôi về dịch bệnh.
Bài viết của tôi hoàn toàn không có tiền, không chịu sự định hướng của bất cứ tổ chức nào, không bị chi phối bởi bất cứ ai. Cũng có những đơn vị truyền thông muốn tôi viết riêng, cứ 800 từ sẽ trả tôi 1 triệu tiền nhuận bút, nhưng tôi đều từ chối bởi vì công việc của tôi là khám chữa bệnh chứ không phải viết lách.
Tuy vậy, vẫn có những người cho rằng tôi ăn tiền để viết bài, nói tôi viết theo sự chỉ đạo, tôi tuyên truyền nhảm nhí. Những lời chửi mắng là thường xuyên, cho dù đó là đêm giao thừa hay mùng 1 tết Nguyên Đán, thậm chí không ít người đe dọa hành hung hoặc giết chết.
Cá nhân tôi không sợ những lời chửi bới hay đe dọa!
Nhưng để trang Facebook không bị những tương tác cực đoan, mang đến năng lượng xấu cho tôi, cũng như cho bạn đọc thực sự quan tâm đến điều tôi viết; chính vì thế mà từ tết Nguyên Đán đến nay, tôi quyết định chặn tất cả những ai có thái độ không đúng mực.
Mạng xã hội bị ảnh hưởng bởi trí tuệ nhân tạo AI, thông tin giả mạo và tiêu cực giống hệt virus, nó sẽ làm người ta lây nhiễm và bùng phát trở thành ổ dịch bệnh. Chưa kể, với mỗi cá nhân, rất dễ nhiễm những thông tin tiêu cực, dần dần trở thành nghiện, biến cuộc sống luôn trở nên cay nghiệt, thích phán xét với những lời ác độc, không có được sự bình tĩnh của tự biết, không sáng suốt để nhìn nhận vấn đề khách quan.
Tôi sẽ có bài viết riêng về “Căng thẳng Truyền thông Xã hội – Social Media Stress” trong thời gian tới.
Thưa các bạn!
Theo quan sát và dự đoán của tôi, đến nay Việt Nam cơ bản đã khống chế được dịch ở giai đoạn 1, cuộc sống vẫn phải tiến về phía trước nên Chính phủ đã khôi phục lại sản xuất và các hoạt động xã hội. Thế giới cũng đã qua giai đoạn 1, hiện các bệnh viện ở châu Âu số bệnh nhân đã giảm đi một nửa, Ấn Độ cũng đã khống chế tốt, Trung Quốc và cả châu Á cũng đang dần ổn định; nhưng thế giới đang có nguy cơ dịch bệnh bùng phát đợt thứ 2 còn nguy hiểm hơn. Vì thế mà chúng ta không được phép chủ quan; hôm nay, mai hay những ngày tới sẽ có thể xuất hiện thêm những ca mắc mới, những ổ dịch khu trú, hơn bao giờ hết chúng ta cần phải coi giai đoạn 2 là sống chung với dịch như một thách thức. Chỉ có sự đồng lòng và đoàn kết trên cở sở khoa học sáng suốt, thì chúng ta mới đanh được chiến thắng cuối cùng.
Nhiều người hỏi tôi có gì để viết tiếp về COVID-19?
Tôi đã trả lời, có quá nhiều thứ để tôi viết, tất cả đều quan trọng, chẳng biết bao nhiêu bài và đến khi nào thì tôi mới có thể viết hết được. Nhưng ở thời điểm hiện tại, viết nhiều quá về COVID-19 sẽ làm bạn đọc mệt mỏi, vì thế mà tôi xin tạm dừng chủ đề này, để dành thời gian cho những công việc khác và viết về chủ đề khác.
Đại dịch COVID-19 đã cho tôi rất nhiều điều, một trong số đó là tình cảm của bạn đọc dành cho tôi, để tôi hiểu rằng trái tim ấm áp của con người mới là trung tâm của vũ trụ, chứ không phải là thứ gì khác.
Xin cảm ơn bài chia sẻ của bs. Trần Văn Phúc!