[COVID-19] VACCINE COVID-19 ĐẦU TIÊN CHO THẤY HIỆU QUẢ TRÊN KHỈ

Rate this post
>>> Vaccine Covid-19 đầu tiên cho thấy hiệu quả trên khỉ <<<
TS. Nguyễn Hồng Vũ.
Để ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 hoành hành thì một vaccine hiệu quả để phòng ngừa lây nhiễm virus nCoV (SARS-CoV-2) vẫn là một giải pháp bền vững và lâu dài. Cuộc chạy đua để tạo ra vaccine này đang diễn ra sôi nổi ở khắp nơi trên thế giới.
Trên trang thông tin của tạp chí khoa học uy tín Science hôm nay có đưa tin về một vaccine khá triển vọng cho thấy hiệu quả đầu tiên trên khỉ. Vaccine này đến từ một công ty tư nhân tên là “Sinovac Biotech” có trụ sở ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Công ty này đã phát triển một loại vaccine có tên là PiCoVacc giúp phòng ngừa lây nhiễm virus nCoV dựa trên phương pháp cổ điển đó là làm bất hoạt virus (các bạn có thể xem lại video của mình làm trước đó nói về vaccine để biết rõ hơn nó là loại nào trong 3 loại vaccine người ta thường dùng hiện nay: https://youtu.be/0WOQPubxJW0).
Trong bài báo khoa học công bố về công trình nghiên cứu này, họ đã cho thấy các con khỉ vẹt đuôi dài (rhesus macaque) được chích hai liều vắc-xin PiCoVacc khác nhau (liều cao và liều thấp), bằng cách chích vào cơ (intramuscular) trong 3 lần vào các ngày 0, 7 và 14 của cuộc thí nghiệm. Sau đó chúng bị cho nhiễm virus nCoV qua đường khí quản để kiểm tra hiệu quả của vaccine. Kết quả thí nghiệm cho thấy các con khỉ không được chích vaccine có lượng virus cao trong hệ hô hấp sau 1 tuần và xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm phổi nặng. Trong khi đó những con khỉ được chích vaccine thì lượng virus giảm rất nhanh, sau một tuần không tìm thấy virus ở những con khỉ được chích vacccine liều cao và chỉ còn rất ít trong những con khỉ được chích liều thấp hơn. Báo cáo khoa học này còn cho thấy không có phản ứng phụ nguy hiểm nào được quan sát thấy ở những con khỉ được chích vaccine.
Ngoài ra, trong báo cáo này còn cho thấy một điểm sáng trong nghiên cứu vaccine đó là cho đến nay các chủng virus nCoV vẫn chưa biến đổi đến mức trở nên khác hoàn toàn vì các biến thể lạ của virus có thể đặt ra một thách thức lớn đối với vắc-xin. Các nhà nghiên cứu Sinovac đã trộn các kháng thể lấy từ khỉ và chuột được chích vaccine với các chủng virus phân lập từ các bệnh nhân COVID-19 ở Trung Quốc, Ý, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh. Kết quả trong phòng thí nghiệm cho thấy các kháng thể này vẫn có khả năng bám và làm trung hòa (bất hoạt) tất cả các chủng virus này dù chúng được phân bố rộng rãi khắp nơi trên thế giới.
Tuy kết quả khá khả quan của nhóm nghiên cứu Sinovac nhưng bài báo khoa học này cũng nhận được những ý kiến trái chiều từ các chuyên gia như từ TS Douglas Reed thuộc Đại học Pittsburgh, người đang phát triển và thử nghiệm vắc-xin COVID-19 trong các nghiên cứu về khỉ, cho biết số lượng động vật quá nhỏ nên khó mang lại kết quả có ý nghĩa thống kê. Nhóm của ông cũng đang chuẩn bị một bản thảo của một bài báo khoa học với nội dung quan ngại về cách mà nhóm Sinovac nuôi virus corona dùng để thử nghiệm trên động vật, nó có thể đã gây ra những thay đổi khiến nó không giống với virus thực sự đang lây nhiễm ở người. Một ý kiến khác cũng tỏ ra quan ngại là khỉ không phát triển các triệu chứng nghiêm trọng nhất mà nCoV đang gây ra ở người, hay nói cách khác mô hình trên khỉ có thể không phù hợp để đánh giá vaccine.
Mặc dù kết quả này vẫn chưa làm thỏa mãn hoàn toàn các nhà khoa học trên thế giới nhưng nó vẫn có triển vọng rất cao với hiệu quả khá tốt trên khỉ. Do vậy, Sinovac đã khởi động thử nghiệm lâm sàng pha đầu tiên trên người từ ngày 16 tháng 4 vừa qua.
Ngoài nghiên cứu này thì hàng loạt các nghiên cứu về vaccine đề phòng ngừa lây nhiễm virus nCoV cũng đang được thực hiện trên thế giới. Chúng ta hãy hy vọng một trong số chúng sẽ sớm cán đích để trở thành một vũ khí của con người giúp chống lại bệnh dịch COVID-19.
Bảo trọng nhe bà con,
Một số bài viết liên quan trước đó:
Ngày 21 tháng 4 năm 2020 (Những mặt trận VIRUS nCoV tấn công)
Ngày 5 tháng 4 năm 2020 (Các tiến độ nghiên cứu về chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa Covid19)
Ngày 2 tháng 4 năm 2020 (Chuyện khẩu trang – Gió đổi chiều)
Ngày 23 tháng 3 năm 2020 (All Medicines are Poison – tất cả Thuốc là Độc Dược)
Ngày 20 tháng 3 năm 2020 (Video clip – Vaccine phòng ngừa virus nCoV)
Ngày 4 tháng 3 năm 2020 (Kết quả từ chuyến làm việc của WHO ở Trung Quốc)
Ngày 3 tháng 3 năm 2020 (Khẩu trang có tác dụng bảo vệ bạn giảm nguy cơ mắc bệnh trong mùa dịch bệnh đường hô hấp do virus nCoV hay không?)
Ngày 29 tháng 2 năm 2020 (Lây nhiễm cộng đồng)
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
Tài liệu tham khảo:
https://www.biorxiv.org/content/10.1101/2020.04.17.046375v1 (Rapid development of an inactivated vaccine for SARS-CoV-2)
Advertisement

Giới thiệu Lac Thu

Check Also

[COVID-19] “SƯƠNG MÙ NÃO” – DI CHỨNG COVID Y HỌC CHƯA THỂ LÝ GIẢI

“SƯƠNG MÙ NÃO” DI CHỨNG COVID Y HỌC CHƯA THỂ LÝ GIẢI  “Sương mù não” …