Vì sao có khả năng tái nhiễm bệnh Covid-19?
========
Tôi nhận được câu hỏi “Nhiều thông tin từ giới y khoa quốc tế cảnh báo về khả năng người bệnh tái nhiễm Covid-19. BS nhận định vấn đề này ra sao? ” do báo Thanh Niên đăng tin ” ông Triệu Kiến Bình, Trưởng khoa Hô hấp và Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Đồng Tế thuộc Đại học Khoa học kỹ thuật Hoa Trung (Trung Quốc) cảnh báo có nhiều bệnh nhân nhiễm dịch Covid-19 sau khi bình phục tiếp tục cho thấy vẫn còn dấu vết của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) khi thực hiện các xét nghiệm a xít nucleic. (1)
Tôi nghĩ những trường hợp này có thể là do cơ thể người bệnh chưa phát triển đầy đủ các kháng thể đặc hiệu với virus Sars-Cov-2. Một khả năng khác, ít xảy ra hơn, là virus này có thể thay đổi gene antigenic drift/shift (như virus Influenza) nhưng virus thường cần nhiều thời gian hơn có điều này.
Để hiểu vì sao có trường hợp tái nhiễm, chúng ta nên hiểu kỹ hơn về hệ miễn dịch. Ở người khoẻ mạnh, khi chúng ta gặp virus lần đầu tiên, cơ thể sẽ chiến đấu và sản sinh ra các kháng thể đặc hiệu (antibodies) cho con virus này. Lần sau khi con virus vào cơ thể lần nữa, cơ thể chúng ta sẽ “nhớ” và dùng các kháng thể này tiêu diệt các con virus. Đây cũng là cách chúng ta dùng vaccine để ngăn ngừa bệnh. Vaccine đưa vào cơ thể một phần con virus hoặc một con virus rất yếu, tập luyện cho cơ thể chúng ta “đánh” con virus này thành công, và tạo ra các kháng thể đặc hiệu.
Tuy nhiên, quá trình tạo ra đủ kháng thể đặc thù có thể mất vài tuần cho đến vài tháng (xem hình). Vì vậy, nếu bệnh nhân ở vùng dịch (nơi có mật độ virus Sars-Cov-2 rất cao) thì khả năng tái nhiễm hoàn toàn xảy ra do cơ thể bệnh nhân có thể chưa sản xuất đầy đủ kháng thể Antibodies. Lưu ý là để chẩn đoán khỏi bệnh Covid-19 là cơ thể phải hết triệu chứng và xét nghiệm phải âm tính virus (hoàn toàn không có virua Sars-Cov-2). Tuy nhiên, khả năng âm tính giả trong xét nghiệm virus Sars-Cov-2 là khá cao. Theo GS Wang Chen, trong bài PV trên CCTV vào ngày 5 tháng 2, ông nói chỉ có khoảng 30-50% bệnh nhân mắc bệnh có thể dò ra NAT test RNA Sars-Cov-2 . Vì vậy, nhiều khả năng một số bệnh nhân đã “khỏi bệnh” thật ra vẫn còn có virus (âm tính giả) trong người.
Một bài nghiên cứu đang trên tạp chí Virology minh hoạ cách virus có thể tái nhiễm ở bệnh nhân, ví dụ như virus cúm mùa Influenza (2). Trong bài này, có 3 ca bệnh tái nhiễm cúm mùa, xác nhận bằng lab nhiễm virus influenza, và cả hai lần nhiễm virus influenza cách nhau khoảng 3 tuần. Cả 3 bệnh nhân đều ở tâm dịch nên mật độ virus rất cao và khả năng họ tái nhiễm là do cơ thể họ chưa sản sinh đủ kháng thể.
Có thể các bệnh nhân tại Trung Quốc tái nhiễm bệnh Covid-19 vì lý do này. Chúng ta cần biết thêm các thông tin về bệnh nhân như tuổi tác, tình trạng sức khoẻ, để biết khả năng miễn dịch, cũng như nồng độ kháng thể, và đo lượng viral load để biết chi tiết.
Riêng phần tái nhiễm do biến đổi gene (dạng như antigenic drift/shift) thì ít khả năng hơn do virus Sars-Cov-2 cần thời gian mặc dù đã có một số nghiên cứu chỉ ra một họ virus Corona khác (coronavirus NL63 (HCoV-NL63) đã gây ra tái nhiễm ở người do đổi gen trong dịch viêm phổi trẻ em tại Keyna năm 2018 (3).
1. https://thanhnien.vn/…/chuyen-gia-viet-nam-nhan-dinh-gi-ve-…
2. http://www.virology.ws/…/reinfection-with-2009-influenza-h…/
3. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6037089/…
Nguồn: Dr Huynh Wynn Tran