BS.Trần Văn Phúc.
COVID-19: NHÀ CAO TẦNG & BỆNH VIỆN CHÚ Ý
vi-rút có thể lan truyền từ đường ống nước thải
======================================S
Vào ngày 23 tháng 3, tạp chí y học danh tiếng nhất thế giới The Lancet đã đưa ra lời cảnh báo, cư dân sống trong các tòa nhà cao tầng, thậm chí là trong chính bệnh viện, có nguy cơ bị nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 từ đường ống nước thải.
Mặc dù phương thức lây truyền vi-rút phổ biến nhất vẫn là người sang người. Nhưng có một sự rủi ro chưa nhận được bất kì sự chú ý nào, đó là các tòa nhà hình khối kích thước lớn, như các tòa tháp cao tầng hay bệnh viện; nếu xảy ra lỗi hệ thống ống nước thải có thể là nguyên nhân lây truyền bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổng hợp số liệu từ Viện Thiết kế Xây dựng Bền vững tại Đại học Heriot-Watt, báo cáo cho thấy sự bùng phát của đại dịch SARS năm 2003 bắt đầu tại một khu chung cư ở Hồng Kông, cụ thể là các tòa nhà cao tầng ở Amoy Gardens. Trong khu phức hợp các tòa nhà từ 33 đến 41, nơi có khoảng 19.000 cư dân, đã có hơn 300 trường hợp SARS được xác nhận và 42 ca tử vong, chiếm một phần sáu trong tổng số tất cả các trường hợp nhiễm SARS và tử vong ở Hồng Kông.
Báo cáo chỉ ra rằng, đường ống dẫn nước thải bị khiếm khuyết, lỗi, hoặc hư hỏng chính là nguyên nhân tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển các giọt vi-rut qua các khúc cua chữ U trong phòng vệ sinh. Tuyến đường truyền vi-rút thông qua hình thức không vận (airborne) các giọt vi-rút (droplets), được hỗ trợ bởi hệ thống thông gió giải nén, đã phun không khí ô nhiễm từ đường ống vào phòng vệ sinh.
Sau thảm kịch SARS-2003, nhóm nghiên cứu của Đại học Heriot-Watt đã phối hợp với các nhà nghiên cứu David Kelly và Thomas Aspray, công bố kết quả thử nghiệm lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm trong tòa nhà cao tầng, mô hình nghiên cứu tương tự như ổ dịch SARS xảy ra ở Hồng Kông năm 2003.
Cụ thể vi-rút lan truyền như thế nào?
Bình thường, ngay dưới chỗ xả nước thải như chậu rửa (lavabo), bao giờ cũng có đường ống dẫn uốn cong hình chữ U, mục đích để duy trì lượng nước đầy ở vị trí này, nước sẽ là nút chặn các tác nhân gây bệnh, không cho phép các giọt chứa vi-rút không vận từ đường ống vào trong căn hộ.
Khi có nhiều người ở nhà, nhu cầu tắm rửa tăng đột biến sẽ tạo ra áp lực nước thải đủ mạnh, dẫn đến nước ở vị trí khuỷu tay hình chữ U bị cuốn trôi do tốc độ dòng nước xả quá cao, đó là một phần lý do tại sao khuỷu tay hình chữ U trong khu phức hợp Amoy Gardens đã bị khô, những giọt chứa vi-rút thoải mái lưu thông, dưới tác động của sự thông khí giải nén, vi-rút sẽ thoát từ đường ống vào nhà vệ sinh.
Ngược lại, nếu trường hợp tòa nhà cao tầng hay bệnh viện vì lí do gì đó ít sử dụng nước, dẫn tới lượng nước trong khuỷu tay hình chữ U bốc hơi hết, đường ống trở nên bị khô và rỗng, sẽ tạo điều kiện cho vi-rút lây truyền.
Kể từ sau báo cáo của Đại học Heriot-Watt cùng các nhà nghiên cứu David Kelly và Thomas Aspray năm 2017, hệ thống ống nước thải mới đã được các nhà thiết kế cải tiến, đảm bảo không phải là nơi chứa mầm bệnh.
Kiểm soát nhiễm khuẩn hệ thống đường ống nước thải là rất quan trọng.
Nhưng cho đến nay, chưa có quy định kĩ thuật đặc biệt cho thiết kế hệ thống thoát nước của các tòa nhà trên 50 tầng. Nhiều phương pháp thiết kế có từ giữa thế kỷ 20, một số tòa nhà thậm chí có nguồn gốc từ thời Victoria, khi chiều cao của tòa nhà thấp hơn nhiều so với ngày nay. Một khi đại dịch xảy ra, những điều này cần phải được ưu tiên chú ý, đặc biệt là đại dịch COVID-19.
Ngăn chặn vi-rút lây lan qua ống nước thải như thế nào?
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra 6 khuyến nghị trên tạp chí The Lancet, bao gồm cả khuyến nghị cho các nhà quản lí chung cư hay bệnh viện, đặc biệt là chủ sở hữu từng căn hộ, để đảm bảo rằng hệ thống ống dẫn nước thải được an toàn.
1. Chú ý đến mùi lạ không thể giải thích được trong phòng tắm, nhà bếp hoặc nhà vệ sinh.
2. Đảm bảo rằng tất cả các bồn rửa và nhà vệ sinh đều có khuỷu tay uốn cong hình chữ U.
3. Đổ nước vào tất cả các bồn rửa và nhà vệ sinh của căn hộ trong ít nhất năm giây mỗi sáng và tối, đặc biệt chú ý đến cống thoát sàn trong phòng vệ sinh.
4. Nếu đường ống nước thải của nhà vệ sinh, bồn rửa hoặc các thiết bị gia dụng khác dường như bị ngắt kết nối hay bị hở, hãy bịt kín nó ngay lập tức. Bịt kín các đầu ống bằng găng tay cao su, hoặc sử dụng túi ni lông hay một băng keo.
5. Nếu có bất kì vết nứt hoặc vết rò rỉ nào trong đường ống, hãy dán kín lại bằng băng dính thật chắc chắn.
6. Người quản lí tòa nhà cần theo dõi chặt chẽ toàn bộ hệ thống ống nước thải của tòa nhà, chú ý đến các vấn đề thoát nước hoặc nơi có mùi hôi.
…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
—————————-
1. Michael Gormley, Thomas J Aspray, David A Kelly. COVID-19: mitigating transmission via wastewater plumbing systems. The Lancet. March 23, 2020 DOI: https://doi.org/10.1016/S2214-109X(20)30112-1
2. WHO. Consensus document on the epidemiology of severe acute respiratory syndrome (SARRS). Working Group and the participants at the Global Meeting on the Epidemiology of SARS, 16-17 May 2003. https://apps.who.int/…/708…/WHO_CDS_CSR_GAR_2003.11_eng.pdf…