Virus Vũ Hán từ phòng thí nghiệm?
Bs. Nguyễn V Tuấn
Hôm qua, lại có thông tin cho rằng con virus Vũ Hán là xuất phát từ phòng thí nghiệm, do nhân tạo. Lần này thì tiếng nói nặng kí hơn, vì người phát kiến quan điểm đó là Luc Montagnier, khôi nguyên giải Nobel năm 2008 do có công khám phá HIV. Nhưng giả thuyết của ông có cơ sở khoa học không? Tôi nghĩ là không.
Theo bản tin này [1] thì ông Montagnier nói (dịch sang tiếng Anh) đại khái rằng có một đoạn RNA trong con virus Vũ Hán giống như virus AIDS, và có thể do ai đó đưa [đoạn RNA] đó vào. Ông mô tả / chê việc làm đó là của một tay “sorcerer” (phù thuỷ). Ổng nói thêm rằng “sự thật” này đã được một nhóm Ấn Độ phát hiện và công bố nhưng vì bị áp lực nên họ rút xuống.
Bài của nhóm Ấn Độ (tựa đề là “Uncanny similarity of unique inserts in the 2019-nCoV spike protein to HIV-1 gp 120 and Gag”) có thể tóm lược như sau. Họ tìm thấy 4 “inserts” trong bộ gen của virus Vũ Hán trùng hợp với [virus] HIV-1, và họ nhận xét rằng đây là điều không thể xảy ra một cách tự nhiên.
Có nhiều nhà khoa học chỉ ra những sai sót hiển nhiên về phương pháp và suy luận của bài báo. Chẳng hạn như tất cả 4 cái inserts mà họ phát hiện trùng với HIV-1 thật ra đã được tìm thấy trong coronavirus ở loài dơi. Ngoài ra, cách họ phân tích dữ liệu cũng hoàn toàn sai (như dùng dữ liệu tóm lược không đúng, và chọn database sai), và vi phạm những giả định cơ bản nhứt trong mô hình thống kê. Khi phân tích đúng thì cả 4 inserts chẳng có dính dáng gì với HIV-1 [2]. Nhiều chuyên gia Úc chê bài báo đó là “complete nonsense” và tôi đồng ý. Do đó, bài báo của nhóm Ấn Độ mới công bố trên bioRxiv có vài ngày thì tác giả xin rút xuống. Chẳng ai gây áp lực lên họ cả.
Nay ông Montagnier khơi dậy giả thuyết virus Vũ Hán là từ HIV, nhưng ông không đưa ra bất cứ một chứng cớ nào cả. Cho dù ông là khôi nguyên Nobel, chúng ta vẫn cần xem dữ liệu, chớ không nên nghĩ rằng những gì khôi nguyên Nobel nói ra là chân lí. Không nên nghĩ vậy. Trong khoa học, dữ liệu quan trọng hơn ý kiến cá nhân. Giả dụ như ông tìm ra một đoạn RNA của con virus Vũ Hán trùng với HIV (như ông nói), thì chúng ta có thể hiểu như thế nào?
DNA/RNA có thể ví von như là một quyển sách, do đó tôi xin lấy một ví dụ để giải thích cho các bạn dễ hiểu. Giả dụ tôi đọc một cuốn sách về xương khớp, và trong sách có câu “… là một bệnh lí của hệ miễn dịch”. Nếu cuốn sách về tiểu đường mà bạn đang đọc cũng có đoạn đó (“… là một bệnh lí của hệ miễn dịch”), bạn có đủ chứng cớ để nói câu chuyện trong cuốn bạn đang đọc là từ câu chuyện tôi đọc? Dĩ nhiên là không. Bởi vì mệnh đề đó rất phổ biến và bình thường trong các cuốn sách y khoa.
Tương tự, một đoạn RNA của virus Vũ Hán nếu trùng với HIV thì cũng là bình thường. “Bình thường” ở đây hiểu theo 2 nghĩa: nghĩa thứ nhất đó là ngẫu nhiên, và nghĩa thứ hai là chức năng của con virus. Nếu chúng ta đọc RNA của hai con virus khác nhau, thì xác suất rất cao là sẽ có 1 đoạn RNA giống nhau — một cách ngẫu nhiên (như 2 người có cùng tên họ). Các con virus có một số chức năng giống nhau, nên chúng có cùng chất liệu RNA là … bình thường (cũng như tôi và bạn có vài biến thể gen giống nhau vậy). Cái này, di truyền học gọi là homology, tức là hai con virus ‘chia sẻ’ một ‘tổ tiên’ chung – rất bình thường.
Ông này (Montagnier) từ ngày được trao giải Nobel có nhiều phát biểu và quan điểm gần như đi ngược lại với khoa học. Chẳng hạn như ổng chống việc tiêm chủng vaccine, rằng hệ miễn dịch tốt có thể diệt HIV trong vài tuần, rằng đu đủ có thể sử dụng để điều trị AIDS, bệnh Parkinson’s, v.v. Đó là những giả thuyết rất táo bạo và bất thường. Lần này, giả thuyết virus Vũ Hán là do nhân tạo cũng thuộc loại bất thường. Có thể ổng đúng, cũng có thể ổng sai, nhưng chứng cớ khoa học hiện nay chưa đủ để kết luận rằng con virus Vũ Hán đó do nhân tạo. Ngay cả những đồng nghiệp Pháp của ông ở Viện Pasteur cũng nói rằng giả thuyết này vô lí và “does not make sense”.
===
[1] http://thejewishvoice.com/…/2008-nobel-prize-for-medicine-w… [2] https://www.tandfonline.com/…/full/10…/22221751.2020.1727299
Xin cảm ơn bài chia sẻ của Bs. Nguyễn V Tuấn!