CHỦ ĐỀ : GÂY MÊ HỒI SỨC
Tác giả: Bs. Phạm Đăng Tính
Mình muốn bàn về dự trữ oxy trước đặt NKQ và trước rút NKQ (preoxygenation)
1, Người bình thường thở khí trời có thể ngưng thở bao lâu mà không hạ oxy máu?
Phổi chúng ta có thể tích khí cặn giúp trao đổi khí khi chúng ta ngưng thở. Thể tích này khoảng 30ml/kg, mình lấy ví dụ người 70kg thì thể tích khí cặn này vào khoảng 2100ml
Trong một phút chúng ta tiêu thụ bao nhiêu oxy để duy trì sự sống? :
Ta có sức chứa oxy trong 100ml máu động mạch là :
CaO2= 1,39 x Hb x SaO2 + 0,003 x PaO2
Sau khi máu động mạch đến mô, mô lấy 25% oxy cho quá trình chuyển hoá thì theo còn lại 75% lượng oxy trong máu tĩnh mạch về thất phải
Sức chứa oxy trong 100 ml máu tĩnh mạch là:
CvO2= 1,39 x Hb x SvO2 + 0,003 x PvO2
một người 70kg, Hb 15g/dl thì có cung lượng tim khoảng CO= 4900ml/phút, SaO2 98%, SvO2 = 73%, PaO2 100mmHg, PvO2 = 40mmHg
Thay vào các công thức trên ta có thể tính đươc
1 phút cơ thể tiêu thụ 264ml O2
Phổi chúng ta có thể tích khí cặn giúp trao đổi khí khi chúng ta ngưng thở. Thể tích này khoảng 30ml/kg, người 70kg thì thể tích khí cặn này vào khoảng 2100ml, trong đó có 21% là oxy thôi => thể tích khí cặn có 441ml oxy, lượng oxy này chỉ đủ để cơ thể ta tiêu thụ trong 2 phút. Tuy nhiên cơ thể ta trong tình trạng thiếu oxy sẽ dồn máu về tim, não, đồng thời tăng lấy lượng máu có trong động mạch thay vì 25% như bình thường nên có thể sống 4 phút.
2, Nếu như ta thay 21% oxy trong thể tích khí cặn của phổi thành 100% thì sao?
Lúc này thể tích khí cặn sẽ là 2100ml O2, với thể tích O2 lớn thế này có thể giúp cơ thể sống tới 2100/264= 8 phút.
Chính vị vậy mà trong trường hợp đặt NKQ không phải khẩn cấp thì chúng ta cho bệnh nhân tự thở với oxy 100% trong 3 phút, hoặc hít thở thật sâu 4 lần, nhằm thay khí N2 trong thể tích cặn của phổi bằng oxy,
Thực ra 3 phút thì thay được 87% thôi ( 3 phút là dựa vào hằng số thời gian theo công thức luỹ thừa mà các nghiên cứu đã đưa ra, mình không bàn ở đây để tránh dài dòng), Những monitor đời mới có thể đo nồng độ oxy trong khí thở ra(ETO2) thì dựa vào đó để biết chính xác.
3,Tại sao mình lại làm chuyện này???
Không phải khi nào đặt NKQ cũng dễ dàng, và nguy hiểm hơn là đặt NKQ không được mà thông khí bằng mask cũng không được, cũng như rút NKQ xong mà bệnh nhân bị co thắt…, thì bệnh nhân lúc này có 8 phút để mình xử trí thay vì 3-4 phút.
Ngoài ra còn có những cách phụ trợ thêm ( không thay thế) như Cung cấp oxy qua mũi lưu lượng 15l/ph khi bệnh nhân đã được tiêm thuốc ngủ, dù bệnh nhân ngưng thở nhưng do chênh lệch áp lực nên oxy lưu lượng cao vẫn đi vào phế nang một cách thụ động.Cơ sở sinh lí của phương pháp này như sau. Khi ngừng thở, ở người lớn, tiêu thụ oxy vào khoảng 260 mL/min, trong khi đó CO2 được vận chuyển đến phế nang chỉ vào khoảng 21 mL/min. 90% CO2 còn lại (hoặc hơn), làm đệm ở các mô trong cơ thế, vậy nên thể tích phổi giảm đi khoảng 239 mL/min, tạo nên chênh lệch áp suất giữa đường thở trên và các phế nang với điều kiện đường thở không bị tắc nghẽn.
Những cơ sở trên không đúng với người béo phì, sản phụ và trẻ em, lúc này thể tích khí cặn giảm và tiêu thụ oxy tăng nên dự trữ oxy không thể được 8 phút như tính toán, ngoài ra còn phụ thuộc nhiều yếu tố như Hb, cung lượng tim…
Rất mong được bàn luận, trao đổi và học hỏi từ các anh chị và các bạn ạ!