[Gây mê hồi sức] SpO2 – DẤU HIỆU SINH TỒN THỨ 5

Rate this post
Bài mở đầu của series GÂY MÊ – HỒI SỨC.
SpO2 – DẤU HIỆU SINH TỒN THỨ 5.
Tác giả: BSNT. Bùi Văn Nam
Các bạn đi lâm sàng chắc hẳn đã thấy các anh chị theo dõi dấu hiệu sống của bệnh nhân rồi đúng không nào. Bên cạnh mạch, nhiệt, huyết áp, nhịp thở thì ở nhiều bệnh nhân còn có ghi nhận thêm một thông số nữa là SpO2. SpO2 là cái gì vậy? nó cho chúng ta biết vấn đề gì bên dưới ? SpO2 có giống với SaO2 không? Ưu điểm,hạn chế… Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Để xác định độ bão hòa Oxy máu động mạch thì chính xác nhất vẫn là làm khí máu động mạch (Arterial Blood Gas – ABG), tuy nhiên ABG có nhược điểm đây là một xét nghiệm xâm lấn, đau, có biến chứng và quan trọng nó không cho chúng ta biết độ bão hòa Oxy máu tức thì. Để giải quyết vấn đề này một phương thức mới đã ra đời là Pulse Oximetry.
Pulse Oximetry cung cấp một phương thức đơn giản, không xâm lấn và “đáng tin cậy” để theo dõi độ bão hòa Oxy trong máu động mạch một cách liên tục và tức thì, nó còn free nữa . Vì những tiện lợi đó, nó nhanh chóng trở thành phương tiện tiêu chuẩn để theo dõi bệnh nhân trong phòng mổ, phòng hồi tỉnh, ICU cũng như nhiều khoa lâm sàng khác. Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích mà nó mang lại, thì cũng song hành những mặt hạn chế riêng. Do đó để sử dụng nó một cách hợp lý trên lâm sàng thì những nguyên lý của nó phải được hiểu.
Từ định luật Beer Lambert: “Độ hấp thụ quang của một dung dịch với một chùm sáng đơn sắc tỷ lệ với độ dày truyền quang và nồng độ chất hòa tan trong dung dịch”. Các chất khác nhau lại hấp thụ tia sáng ở một mức độ khác nhau. Từ đây người ta tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể xác định được nồng độ của một chất trong dung dịch dựa trên định luật này. Và đó là ý tưởng đầu tiên cho sự ra đời của Pulse Oximetry
Pulse Oximetry mà các bạn thường thấy trên lâm sàng là Pulse Oximetry hai bước sóng , tức là probe phát ra hai chùm tia với bước sóng khác nhau.
Tia đỏ, bước sóng 660 nm cho Hb khử ( reduced Hb) vì Hb khử hấp thu tia này tốt hơn HbO2
Tia hồng ngoại, 940 nm cho HbO2 vì HbO2 hấp thu tia này tốt hơn Hb khử (xem hình bên dưới)
Khi kẹp Probe vào đầu ngón tay, từ một bên của Probe sẽ phát ra những chùm tia đi xuyên qua ngón tay, nó sẽ bị hấp thu bởi mô liên kết, da, xương, máu tĩnh mạch,… tuy nhiên lượng tia bị hấp thu này hằng định vì những bộ phận này không thay đổi theo thời gian, với mỗi nhát bóp của tim, chỉ có thêm một lượng máu động mạch đến và làm tăng lượng tia bị hấp thu. Bằng cách ghi nhận lại những biến động về hấp thu tia sáng, những ảnh hưởng của các mô khác ngoài động mạch sẽ bị loại bỏ và bởi vậy chiều dày da, mỡ, kích thước ngón tay… không ảnh hưởng lên độ chính xác của Pulse Oximetry. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể dùng một Probe cho cả già, trẻ, gái, trai, lớn, bé…
Ở phía bên kia của probe là bộ phận nhận cảm (sensor), từ lượng tia sáng phát ra và thu được người ta sẽ tính được lượng tia sáng bị hấp thu theo thời gian, từ đây xây dựng nên biểu đồ như những gì chúng ta thấy trên monitor.
Trên thực tế không một thuật toán nào được xây dựng để tính SpO2 cả, những con số trên máy đều dựa trên những dữ liệu thực tế, người ta chọn các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu và ở mỗi mức “R” (trong hình bên dưới) khác nhau lại ghi nhận lại trị số SaO2 để xây dựng nên dữ liệu. Ví dụ khi R=1 thì người ta đo SaO2 = 85…. Vì chỉ hạ SaO2 từ 100 xuống 70 trên đối tượng nghiên cứu nên SpO2 chỉ đúng trong giới hạn đó, càng dưới ngưỡng này sự sai lệch càng lớn. Đó là hạn chế đầu tiên. Tiếp đến..
SpO2 đo được là tỷ HbO2/(HbO2 + Hb khử). Tức là nếu như có MetHb, COHb.. thì kết quả sẽ bị ảnh hưởng, và nó có thể sai số một cách nghiêm trọng. Ví dụ như :
Trong trường hợp COHb : khi có COHb trong máu, thì cả Hb khử và HbO2 đều giảm. Tại mức bước sóng 660nm, thì lượng tia đỏ bị hấp thu bởi Hb khử sẽ giảm đi, nhưng lượng tia được hấp thu bởi HbO2 và HbCO vẫn được duy trì hay tăng nhẹ. Tuy nhiên vì Hb khử vẫn hấp thu tia này tốt hơn nhiều HbCO và HbO2 nên tính chung lại R vẫn giảm và SpO2 vẫn cao. (Xem hình bên dưới ) Hơi khó hiểu một chút phải không nào?? Để đơn giản hóa điều này, nhiều textbook chọn một cách giải thích khác, để dễ hiểu hơn và hoàn toàn tương thích với lâm sàng đó là : SpO2 = HbO2/(HbO2+Hb khử), tại bước sóng 660nm, thì HbO2 và HbCO hấp thu tia sáng như nhau (xem hình) Kết quả là máy coi HbCO như là HbO2 vậy dẫn đến SpO2 cao giả tạo. Ví dụ khi HbCO chiếm 50%, thì SpO2 có thể là 95% bất chấp sự thật là SaO2 < 50%.
Advertisement
Trong trường hợp nhiễm MetHb, do mức hấp thụ tia tại bước sóng 660 và 940 là 1:1 nên khi MetHb càng cao thì giá trị R càng có xu hướng về 1 và SpO2 xu hướng vê giá trị 85% …
Ngoài ra còn nhiều yếu tố làm SpO2 thấp “giả” như :thuốc nhuộm (xanh methylene ), giảm tưới máu ( cung lượng tim thấp, thiếu máu Hb<5 g/dl, hạ thân nhiệt, tăng sức cản mạch máu), đặt lệch sensor hay bệnh nhân bị rung cũng làm thấp giả giá trị này.
Cuối cùng, SpO2 hay SaO2 là tên gọi của phương thức đo mà thôi, chúng đều thể hiện độ bão hòa Oxy trong máu động mạch tức là cho chúng ta thấy sự oxy hóa máu động mạch (Oxygenation) chứ không cho biết sự thông khí (Ventilation ). PaCO2 mới cho thấy điều này, trên lâm sàng có một phương thức không xâm lấn cho biết trị số này là Capnography (trong bài sau)

Giới thiệu Diễn đàn Bác sĩ trẻ Việt Nam

Y khoa không phải là một nghệ thuật, Y khoa là một khoa học thật sự, một khoa học vô cùng phức tạp đòi hỏi người hành nghề y phải khéo léo vận dụng kiến thức để không bỏ qua cơ hội cứu chữa người bệnh. Nếu mỗi người y khoa Việt Nam góp lên một tiếng nói, liên kết lại, chúng ta có thể thay đổi căn bản giáo dục Y khoa nước nhà. Hãy tham gia với chúng tôi tại: https://www.facebook.com/groups/diendanbacsitrevietnam

Check Also

[Cập nhật] Xuất huyết tiêu hoá-nội soi càng sớm càng tốt?

XUẤT HUYẾT TIÊU HÓA: NỘI SOI CÀNG SỚM CÀNG TỐT? (phần 1_nghiên cứu) Với suy …