[Medscape] 1 giờ/tuần đi bộ có thể làm tăng tuổi thọ ở người cao tuổi

Rate this post

Theo dữ liệu lấy từ hơn 7.000 người, người lớn tuổi từ 85 tuổi trở lên đi bộ một giờ hoặc nhiều hơn vào mỗi tuần đã giảm được 40% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân so với những người ít vận động hơn.

 

Bác sĩ Moo-Nyun Jin, Bệnh viện Sanggye Paik, Đại học Inje, Seoul, Hàn Quốc, trong một cuộc phỏng vấn đã cho biết: “Lão hóa đi kèm với giảm hoạt động thể chất và lười vận động, giảm hoạt động thể chất có liên quan đến giảm tuổi thọ”, 

Ông nói thêm rằng việc giảm hoạt động thể chất có thể xảy ra nhất ở người cao tuổi trong đại dịch COVID-19.

Jin nói: “Thúc đẩy đi bộ có thể là một cách đơn giản để giúp người lớn tuổi tránh việc không vận động và khuyến khích lối sống tích cực giúp giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân và bệnh tim mạch.”

Theo Jin và các đồng nghiệp mặc dù đi bộ nói chung là một hình thức tập thể dục dễ dàng cho người lớn tuổi, nhưng lợi ích cụ thể của việc đi bộ trong việc giảm tỷ lệ tử vong vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng.

Các tác giả đã viết trong một thông cáo báo chí kèm theo nghiên cứu của họ rằng đối với người lớn ở mọi lứa tuổi, các hướng dẫn hiện hành khuyến khích mỗi tuần hoạt động vừa phải ít nhất 150 phút hoặc hoạt động mạnh 75 phút, nhưng số lượng hoạt động thể chất có xu hướng giảm theo tuổi tác và các khuyến nghị đó khó được đáp ứng hơn.

Trong nghiên cứu sẽ được trình bày tại Hiệp hội Tim mạch Châu Âu vào ngày 28 tháng 8, các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ 7.047 người lớn từ 85 tuổi trở lên tham gia vào Chương trình Kiểm tra Sức khỏe Quốc gia Hàn Quốc. Độ tuổi trung bình của dân số nghiên cứu là 87 tuổi và trong đó có 68% là phụ nữ. Những người tham gia đã hoàn thành bảng câu hỏi về lượng thời gian họ dành cho các hoạt động vào thời gian rỗi mỗi tuần, bao gồm đi bộ với tốc độ chậm, hoạt động vừa phải (như đạp xe hoặc đi bộ nhanh) và hoạt động mạnh (chẳng hạn như chạy).

Những người đi bộ với tốc độ chậm ít nhất 1 giờ mỗi tuần giảm 40% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân và giảm 39% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch so với những người không hoạt động.

Người tham gia đi bộ, hoạt động vừa phải và hoạt động thể chất có cường độ cao có tỷ lệ lần lượt là 42,5%, 14,7% và 11,0%. Khoảng một phần ba (33%) trong số những người đi bộ chậm mỗi tuần cho biết họ có hoạt động thể chất vừa phải hoặc mạnh.

Tuy nhiên, đi bộ 1 giờ mỗi tuần làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân và tử vong do bệnh tim mạch ở những người cho biết rằng họ chỉ đi bộ mà không có thêm hoạt động thể chất vừa phải hoặc mạnh khác (tỷ lệ nguy cơ, tương ứng là 0,50 và 0,46).

Jin nói với tổ chức tin tức này: “Đi bộ có liên quan đến khả năng tử vong thấp hơn ở người lớn tuổi, bất kể họ có thực hiện hoạt động thể chất vừa phải hay mạnh”. Jin cho biết thêm “Nghiên cứu chỉ ra rằng đi bộ dù chỉ 1 giờ mỗi tuần cũng mang lại lợi ích cho những người từ 85 tuổi trở lên so với không hoạt động”. Jin nói thời gian đi bộ không cần quá lâu, điều cần làm là 10 phút mỗi ngày.

Những người tham gia được chia thành năm nhóm dựa trên số lượng đi bộ hàng tuần được báo cáo. Hơn một nửa (57,5%) cho biết họ không đi bộ chậm, 8,5% người đi bộ dưới 1 giờ mỗi tuần, 12,0% người đi bộ 1-2 giờ, 8,7% người đi bộ 2-3 giờ và 13,3% đi bộ hơn 3 giờ.

Mặc dù nghiên cứu còn bị hạn chế do phụ thuộc vào các dữ liệu tự báo cáo, nhưng kết quả đã được củng cố bởi kích thước mẫu lớn và giá trị của việc đi bộ dễ dàng đối với người lớn từ 85 tuổi trở lên so với không hoạt động.

Jin cho biết “Đi bộ có thể là cơ hội để thúc đẩy hoạt động thể chất của người cao tuổi, là cách đơn giản để tránh không hoạt động và tăng cường hoạt động thể chất, bằng cách sử dụng một thiết bị như đồng hồ thông minh. Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu để đánh giá mối liên quan giữa tỷ lệ tử vong và việc đi bộ bằng cách đo lường khách quan mức độ đi bộ, có thể sử dụng một thiết bị như đồng hồ thông minh, ông lưu ý.

 

Kết quả ban đầu 

Bác sĩ Maria Fiatarone Singh, một bác sĩ lão khoa chuyên nghiên cứu về tập thể dục sinh lý tại Đại học Sydney, cho biết: “Đây là một nghiên cứu quan sát, không phải một thử nghiệm, vì vậy nó có nghĩa là không thể đoán được mối quan hệ nhân quả”. Bà lưu ý “Nói cách khác, có thể các bệnh dẫn đến tử vong đã ngăn cản mọi người đi bộ hơn là ngược lại”. Nghiên cứu thử nghiệm duy nhất được công bố về tập thể dục và tỷ lệ tử vong ở người lớn tuổi được thực hiện bởi Fiatarone Singh và các đồng nghiệp ở Na Uy. Trong nghiên cứu đó, được công bố trên Tạp chí Y học Anh năm 2020, các chương trình tập luyện cường độ cao có liên quan đến việc giảm tỷ lệ tử vong do

Advertisement
mọi nguyên nhân so với nhóm đối chứng không hoạt động và những cá nhân tập luyện cường độ vừa phải.

Fiatarone Singh nói về nghiên cứu hiện tại “Cần phải kiểm soát nhiều yếu tố liên quan đến tỷ lệ tử vong, chẳng hạn như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường đường, suy dinh dưỡng và sa sút trí tuệ để xem lợi ích nào có thể liên quan đến việc đi bộ” 

Bà nhấn mạnh “Mặc dù đi bộ có vẻ dễ dàng và vô sự, nhưng trên thực tế, những người ốm yếu, suy nhược, loãng xương, hoặc bị ngã được khuyến khích nâng cao sức khoẻ và cân bằng đề kháng của mình hơn là đi bộ, và sau đó bổ sung việc đi bộ khi họ có thể thực hiện một cách an toàn”

 

Nguồn: https://www.medscape.com/viewarticle/979831?reg=1#vp_1

Người dịch: Nguyễn Thị Thuỳ Linh, Trần Gia Minh

Hiệu đính: BS. Huỳnh Lê Thái Bão

Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – Vui lòng không reup khi chưa được cho phép!

Giới thiệu thuylinh98

Check Also

[Medscape] Việc hòa ca nhạc đồng quê đã giúp bác sĩ tìm thấy sự cân bằng

Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi thường được hỏi làm thế nào để cân …