[Sản khoa cơ bản số 44] Co giật trong thai kỳ

Rate this post

Mục tiêu bài giảng

Sau khi học xong, sinh viên có khả năng:

Trình bày được đặc điểm của các thuốc điều trị co giật dùng trong thai kỳ và nguyên tắc các dùng thuốc này

Phải loại trừ được chuẩn đoán sản giật khi đứng trước bất kỳ một trường hợp co giật nào xảy ra trong thai kỳ

Trong thai kỳ, khi xảy ra co giật thì hành động trước tiên là phải loại trừ bằng được tình trạng co giật này là sản giật.

Loại trừ sản giật được thực hiện bằng hỏi bệnh sử, tiền sử chi tiết và tìm hiểu các dấu hiệu của tiền sản giật. Trong trường hợp không thể loại trừ được sản giật thì phải xem co giật như sản giật cho đến khi có bằng chứng ngược lại.

Co giật được biết trước khi có thai

Khi co giật đã được biết từ trước, thì trong hầu hết các trường hợp, tần suất co giật không thay đổi trong thai kỳ.

Những yếu tố trong thai kỳ có thể làm tăng tần suất co giật là nôn ói làm giảm nồng độ thuốc, giảm nhu động ruột, giảm enzyme làm tăng chuyển hóa thuốc, tăng độ lọc cầu thận làm tăng thanh thải thuốc, tăng thể tích lòng mạch làm giảm nồng độ thuốc huyết tương.

Sản phụ bị co giật có nguy cơ biến chứng trong thai kỳ gấp hai lần bình thường: tiền sản giật, sẩy thai, sanh non.

Các cơn co giật gây thiếu O2 thai. Nguy cơ thai lưu cao.

Nếu không có cơn co giật nào trong ít nhất 2 năm thì có thể ngưng thuốc chống động kinh trước khi mang thai.

Trước tiên phải nhấn mạnh rằng không có thuốc chống co giật nào là lý tưởng nhất trong thai kỳ.

Tất cả các loại thuốc ngừa động kinh cần được xem như là có khuynh hướng gây quái thai.

Vì thế, nếu không có cơn co giật nào trong ít nhất 2 năm thì có thể ngưng thuốc chống động kinh trước mang thai.

Nếu phải điều trị thì nên dùng một loại thuốc với liều thấp nhất để có thể kiểm soát được co giật.

Nếu bệnh nhân đã mang thai và tình trạng co giậtđược kiểm soát tốt thì không thay đổi điều trị. Nên dùng 1 loại thuốc với liềuthấp nhất để có thể kiểm soát được co giật. Thuốc thường dùng nhất là phenobarbital và phenytoin

Phenobarbital được dùng với liều 100-250 mg/ngày, được chia thành nhiều liều. Nồng độ thuốc trong huyết thanh phải được theo dõi. Nồng độ này tăng từ từ cho đến khi đạt được nồng độ điều trị 10-40 μg/mL.

Phenytoin được dùng với liều 300-500 mg/ngày, đơn liều hay đa liều để đạt đến nồng độ huyết thanh là 10-20 μg/mL (1-2μg/mL thuốc tự do).

Có thể dùng một số thuốc chống động kinh thế hệ 1 như trimethadione, clonazepam, carbamazepine. Cũng có thể dùng một số thuốc chống động kinh thế hệ 2 như lamotriginen topiramate, gabapentin. Không nên dùng Valproate vì nó gây quái thai nhiều hơn các thuốc khác.

Tùy thuốc dùng, mà việc bổ sung một số chất gồm folate, vitamine K, vitamine D là cần thiết. Folate: Nên bổ sung folate 1 mg/ngày cho người đang dùng thuốc chống co giật. Nếu dùng carbamazepine hay valproate thì phải bổ sung folate 4mg/ ngày.

Vitamine K: Bổ sung thêm 10mg/ngày vitamine K trong những tháng cuối của thai kỳ nếu sử dụng enzyme-inducing AEDs như phenobarbital, carbamazepine, phenytoin, topiramate, oxcarbazepine.

Vitamine D: Những bệnh nhân được điều trị với phenobarbital, primidone, phenytoin nên được bổ sung vitamine D từ tuần lễ 34.

Tương tác thuốc có thể ảnh hưởng đến điều trị với phenyltoin.

Phenytoin gây cản trở hấp thu canxi ở ruột do đó làm hạ canxi ở mẹ và thai.

Antacids và antihistamine nên được tránh dùng ở những bệnh nhân đang điều trị với phenytoin vì làm giảm nồng độ thuốc trong huyết thanh và có thể gâyncơn co giật.

Điều trị cơn co giật không khác biệt so với khi không có thai gồm giữ thông đường thở, chống co giật và monitoring tình trạng thai. Xử trí trong chuyển dạ tùy chỉ định sản khoa.

Advertisement

Phải nhập viện để điều trị cơn co giật. Việc xử trí không khác biệt gì so với những bệnh nhân không có thai, gồm (1) làm thông thoáng đường thở, cung cấp oxy, (2) chống co giật bằng zepam tiêm mạch chậm, theo sau bằng (3) điều trị với phenytoin, với tốc độ không nhanh quá 25-50 mg/phút.

Nếu bệnh nhân tiếp tục co giật thì có thể thêm pentobarbital và đặt nội khí quản cho bệnh nhân.

Cần thực hiện monitoring tim thai liên tục. Xử trí trong chuyển dạ tùy theo chỉ định của sản khoa. Mặc dù thuốc chống co giật có thể qua sữa mẹ lượng ít nhưng không có chống chỉ định cho con bú.

Tài liệu đọc thêm

Obstetrics and gynecology 7th edition. Tác giả Beckmann. Hợp tác xuất bản với ACOG. Nhà xuất bản Wolters Kluwer Health 2014

Tài liệu tham khảo chính

1. Obstetrics and gynecology 7th edition. Tác giả Beckmann. Hợp tác xuất bản với ACOG. Nhà xuất bản Wolters Kluwer Health 2014

2. Trần Lâm Khoa, Ngô Thị Kim Phụng. Tài liệu sản khoa TBL sản

Xem tất cả các bài TBL Sản khoa tại: https://ykhoa.org/category/khoa-hoc/khoa-hoc-lam-sang/tbl-san/

Giới thiệu BinhPhan

Check Also

[Xét nghiệm 59] Hormon tạo hoàng thể (LH)

HORMON TẠO HOÀNG THỂ (LH) (Hormone lutéinisante / Luteinizing Hormone) Nhắc lại sinh lý Hormon …