1. TIẾP CẬN ĐIỆN TÂM ĐỒ
Thông thường, điện tâm đồ được chuẩn hoá là 1.0 mV mỗi 10 mm, và tốc độ giấy là 25 mm/s (mỗi ô nhỏ theo hàng ngang = 0.04 s).
Nhịp tim
Nhát bóp/phút = 300 chia cho số ô lớn (mỗi 5 mm) giữa hai phức bộ QRS liền kề nhau. Với nhịp tim nhanh hơn, lấy 1500 chia cho số ô nhỏ (mỗi 1mm) giữa mỗi phức bộ QRS.
Loại nhịp
Gọi là nhịp xoang nếu mỗi sóng P được theo sau bởi một phức bộ QRS, khoảng PR ≥ 0.12 s, mỗi phức bộ QRS đi trước bởi một sóng P, và sóng P dương ở các chuyển đạo I, II, và III. Loạn nhịp tim sẽ được bàn luận trong Chương. 131 và 132.
Trục điện học
Nếu phức bộ QRS dương ở các chuyển đạo chi I và II, thì đây là trục trung gian. Ngược lại, tìm các chuyển đạo chi có QRS gần như đẳng điện (R = S). Trục điện học lúc này vuông góc với chuyển đạo đó (Hình 120-1). Nếu phức bộ QRS dương ở chuyển đạo vuông góc đó, thì trục điện học cùng hướng với chuyển đạo đó; nếu QRS âm, thì trục điện học nằm ở hướng ngược lại với chuyển đạo đó.
Trục lệch trái (âm hơn −30°) xảy ra trong bệnh lý ảnh hưởng toàn thất trái, nhồi máu cơ tim thành dưới; cũng như trong block phân nhánh trái trước (sóng R nhỏ, sóng S sâu ở II, III, và aVF).
Trục lệch phải (>90°) xảy ra trong phì đại thất phải (R > S ở V1 ) và block phân nhánh trái sau (sóng Q nhỏ và sóng R cao ở chuyển đạo II,
III, và aVF). Trục lệch phải nhẹ cũng gặp ở những người gầy, khoẻ mạnh (đến 110°).
2. CÁC KHOẢNG (GIÁ TRỊ BÌNH THƯỜNG TRONG DẤU NGOẶC)
PR (0.12–0.20 s)
• Ngắn: (1) hội chứng tái cực sớm (tìm đoạn dốc nhẹ của phức bộ QRS của sóng “delta”), (2) nhịp nút nhĩ thất (sóng P đảo ngược ở aVF).
• Dài: block AV độ I (Chương. 131).
QRS (0.06–0.10 s)
Dãn rộng: (1) nhịp ngoại tâm thu thất, (2) block nhánh: phải (RsR′ ở V1 , sóng S sâu ở V6 ) và trái [RR′ ở V6 (Hình 120-2)], (3) ngưỡng gây độc của một số thuốc (v.d flecainide, propafenone, quinidine), (4) hạ kali máu nặng.
QT (<50% khoảng RR; QT hiệu chỉnh ≤0.44 s)
Kéo dài: bẩm sinh, hạ kali máu, hạ calci máu, các thuốc (v.d thuốc chống loạn nhịp loại IA và loại III, tricyclics).
3. PHÌ ĐẠI
• Nhĩ phải: sóng P ≥2.5 mm ở chuyển đạo II.
• Nhĩ trái: sóng P hai pha (dương tính, sau âm tính) ở V1 , với pha âm rộng hơn 0.04 s.
• Thất phải: R > S ở V1 và R ở V1 > 5 mm; sóng S sâu ở V6 ; trục lệch phải.
• Thất trái: sóng S ở V1 cộng R ở V5 hoặc V6 ≥35 mm hoặc R ở aVL >11mm.
Nhồi máu (Hình 120-3 và 120-4)
Diễn tiến nhồi máu cơ tim cấp ST chênh tái tưới máu thất bại: sóng Q bệnh lý ( ≥ 0.04 s và ≥ 25% tổng biên độ QRS) tại các chuyển đạo theo trong Bảng 120-1; nhồi máu cơ tim cấp ST không chênh có sự thay đổi ST-T ở những chuyển đạo mà không hình thành sóng Q bệnh lý. Một số trường hợp khác (ngoài nhồi máu cơ tim cấp) cũng có thể gây ra sóng Q (Bảng 120-2).
4. SÓNG ST-T
• ST chênh lên: Nhồi máu cơ tim cấp, co thắt mạch vành, viêm ngoại tâm mạc (cong lõm) (xem Hình 125-1 và Bảng 125-2), phình thất trái, hình ảnh Brugada (block nhánh phải với ST chênh lên ở V1–V2 ).
• ST chênh xuống: do Digitalis, kéo căng thành cơ (do phì đại tâm thất), thiếu máu, hay nhồi máu không xuyên thành.
Nguồn: Harrison Manual of Medicine 18th
Tham khảo bản dịch của nhóm ” chia ca lâm sàng”