[Vypo] Bất đồng nhóm máu mẹ – con

Rate this post
Bs. Phan Trúc
Nhắc đến bất đồng nhóm máu mẹ con, người ta thường nhắc đến hệ nhóm máu Rh, gây nên bệnh lý tán huyết dị miễn dịch ở thai nhi và trẻ sơ sinh (Hemolytic disease of fetus and newborn – HDFN). Sự thật thì bất đồng nhóm máu hệ ABO mới đứng đầu bảng trong HDFN (như trong trường hợp bà mẹ này), tuy nhiên vì sao Rh lại được “ưu ái” nhiều như vậy. Để hiểu điều này, chúng ta sẽ cùng điểm qua một số gợi ý:
(1) Khi nào thì có sự bất đồng?
Khi một kháng thể trong người mẹ có khả năng gắn lên kháng nguyên trên hồng cầu của đứa con
(2) Vậy có phải trường hợp nào có kháng thể “bất đồng” như vậy đều gây nên HDFN?
Không phải như vậy, giữa mẹ và con là cả một hàng rào nhau thai phức tạp. Chỉ có kháng thể nào kích thước đủ nhỏ mới có thể đi qua được.
(3) Vậy kháng thể này đã có sẵn hay khi mang thai mới có?
Tuỳ trường hợp, với hệ nhóm máu ABO, kháng thể anti-A/ anti-B là kháng thể tự nhiên, và có sẵn trong cơ thể người mẹ. Hầu hết các nhóm máu còn lại (bao gồm Rh) đều là kháng thể miễn dịch, hình thành qua quá trình “dị miễn dịch” – nghĩa là phải phơi nhiễm với kháng nguyên thì mới hình thành được.
(4) Chỗ này không đúng lắm thưa bác sĩ, ở câu 2 bác sĩ có nói là giữa mẹ và con có hàng rào nhau thai phức tạp, làm sao một hồng cầu của đứa bé “to” như vậy lại có thể đi qua được hàng rào này để vào cơ thể người mẹ mà kích thích sinh đáp ứng miễn dịch?
Ừm, câu hỏi hay đấy. Nhưng có một sự thật sẽ gây bất ngờ cho em đấy. 75% các thai kỳ ghi nhận có sự “vượt rào” của máu con đi vào máu mẹ ở một thời điểm nào đó trong “9 tháng 10 ngày” do: nứt vỡ (không triệu chứng) bánh nhau/ khi chuyển dạ/ trong lúc sinh. Có thể dự đoán tỷ lệ này tăng dần theo thời gian thai kỳ: 3% ở quý I, 12% ở quý II, 45% ở quý III, 64% ở lúc sinh.
(5) À, em hiểu rồi. Thưa bác sĩ, như vậy đứa bé đầu tiên chắc chắn sẽ an toàn vì thời gian phơi nhiễm kháng nguyên ngắn, mà đáp ứng miễn dịch đòi hỏi hàng tháng mới tạo nên hiệu giá có ý nghĩa đúng không bác sĩ?
Hừm, gần đúng nhưng không hẳn, ví dụ như trường hợp bà mẹ này thì sao? Bà mang đứa con đầu lòng và đã bị HFDN.
(6) Em không hiểu tình huống này, có khi nào bà mẹ khai không đúng thông tin không bác sĩ, có thể bà đã từng sảy thai chẳng hạn?
Tui không nghĩ vậy, vì nếu bất đồng miễn dịch nhóm máu mà làm cho đứa trước bị thai lưu thì đứa sau chắc tệ lắm em nhở. Nhưng tui có bằng chứng khó có thể chối cãi, bất đồng nhóm máu trong trường hợp này là bất đồng của hệ ABO, tuy nhiên nó có quy luật của nó và bà mẹ không thể nào biết được quy luật này để tưởng tượng ra câu chuyện.
(7) Thưa bác sĩ, em phản đối, em còn nhớ kháng thể của hệ ABO là kháng thể tự nhiên loại IgM (dạng ngũ phân – pentame) không thể nào đi qua hàng rào nhau thai được. Chỉ có kháng thể hình thành do đáp ứng miễn dịch (IgG, dạng đơn phân – monome) mới có thể đi qua được.
Cảm ơn em đã nhắc lại nền tảng miễn dịch nhóm máu cho mọi người. Mấu chốt vấn đề ở chỗ này em ạ. Kháng thể anti-A trong người nhóm máu B và kháng thể anti-B trong người nhóm máu A thì đích thực là IgM như lời em nói. Nhưng em có biết, kháng thể anti-A và anti-B trong người nhóm máu O thì không giống hoàn toàn như ở trường hợp người nhóm máu A/B không?
(8) Thưa bác sĩ, em không biết, nhưng em cũng thắc mắc vì sao trường hợp khác nhóm máu người ta hay chọn máu O để truyền.
Vấn đề ở chỗ, kháng thể anti-A và anti-B ở người máu O là hỗn hợp của cả IgM và IgG, trong đó IgG chiếm ưu thế. Nhờ vậy, khi tán huyết có diễn ra do bất đồng truyền máu, thì tán huyết qua IgG vẫn nhẹ hơn (tán huyết ngoại mạch) so với IgM (tán huyết nội mạch). Tuy nhiên, quay lại vấn đề mang thai, như vậy với bất đồng nhóm máu ABO giữa mẹ – con, để kháng thể có thể đi qua nhau thai, thì người mẹ phải mang nhóm máu O và đứa con có thể là A hoặc B.
Advertisement
(9) Bác sĩ thiếu rồi, đứa con có thể là AB nữa chứ? Mẹ O sẽ phản ứng với con AB chắc chắn mà
Ừ thì phải phản ứng, nhưng mà có lẽ là con người khác chứ không phải còn của bà mẹ O rồi 😅
(10) Hì hì, em hiểu rồi. Vậy bất đồng nhóm máu ABO của mẹ – con có nghiêm trọng không bác sĩ?
May quá là không nghiêm trọng lắm, nhiều nhất thì là chiếu đèn chứ hiếm khi phải thay máu. Tuy nhiên, do kháng thể Anti-A và anti-B ở mẹ O là kháng thể tự nhiên, có sẵn trong cơ thể mẹ từ trước khi mang thai, nên có thể gây ra tai biến ngay ở lần mang thai đầu tiên. Đây chính là lý do cho trường hợp người mẹ này.
(11) Vậy mình sẽ trả lời câu hỏi của người mẹ này như thế nào hả bác sĩ?
Ở lần sinh tiếp theo, 88% sẽ xảy ra HDFN trở lại nếu đứa con sau cũng cùng nhóm máu A, có thể nặng hơn nhưng cũng hiếm khi đến mức nghiêm trọng. Phải theo dõi chuyên khoa để xử lý rồi!
Cảm ơn bác sĩ, một bài học thú vị. Em phải về xem lại video nhóm máu của bác sĩ thôi chứ rối quá, giới thiệu với mọi người để tìm hiểu thêm nhé:

Giới thiệu Diễn đàn Bác sĩ trẻ Việt Nam

Y khoa không phải là một nghệ thuật, Y khoa là một khoa học thật sự, một khoa học vô cùng phức tạp đòi hỏi người hành nghề y phải khéo léo vận dụng kiến thức để không bỏ qua cơ hội cứu chữa người bệnh. Nếu mỗi người y khoa Việt Nam góp lên một tiếng nói, liên kết lại, chúng ta có thể thay đổi căn bản giáo dục Y khoa nước nhà. Hãy tham gia với chúng tôi tại: https://www.facebook.com/groups/diendanbacsitrevietnam

Check Also

Tirzepatide hàng tuần cải thiện đáng kể cân nặng và kiểm soát đái tháo đường ở bệnh nhân béo phì và đái tháo đường loại 2.

Một nghiên cứu ngẫu nhiên đã chứng minh rằng tirzepatide giúp giảm cân và cải …