[Sản khoa cơ bản số 5] Chu kỳ buồng trứng và sự phát triển của noãn nang- Các hormone của buồng trứng trục hạ đồi-yên-buồng trứng và các phản hồi

Rate this post

Nội dung

MỤC TIÊU BÀI GIẢNG

Sau khi học xong, sinh viên có khả năng:
1. Trình bày được các giai đoạn của sự phát triển noãn nang
2. Trình bày được quá trình sinh tổng hợp steroid sinh dục tại noãn nang và cơ chế 2 tế bào, 2 hor-mone 3. Trình bày được hoạt động chế tiết hormone của hạ đồi, của tuyến yên và của buồng trứng
4. Trình bày được vai trò của AMH, các phản hồi của estrogen, của progesterone và vai trò của In-hibin B  5.Giải thích được cơ chế của một số ứng dụng phổ biến hay một số hiện tượng thường gặp trên trục hạ đồi-yên-buồng trứng.

Noãn bào được tồn trữ tại buồng trứng dưới dạng phức bộ noãn nguyên thủy. Tất cả các phức bộ noãn nguyên thủy này đều cùng ở trạng thái nghỉ.

Noãn nguyên bào (oogonia) là các tế bào sinh dục nguyên thủy, có nguồn gốc ngoài buồng trứng. Trong thời kỳ sơ khai của buồng trứng, chúng di chuyển từ bên ngoài để đến buồng trứng và trú đóng ở đó. Tại buồng trứng, chúng thực hiện phân bào nguyên nhiễm để tăng về số lượng. Trong quá trình này, mỗi noãn nguyên bào sẽ được bọc bởi vài tế bào tùy hành có nguồn gốc từ phúc mạc nguyên thủy và trung mô. Phức bộ gồm tế bào sinh dục nguyên thủy và các tế bào tùy hành được gọi là các nang noãn nguyên thủy (primordial follicle). Trong những tuần đầu tiên, khi vẫn còn ở giai đoạn phôi, số lượng của các nang noãn nguyên thủy tại buồng trứng sơ khai đã đạt được đến nhiều triệu.
Ở một thời điểm nhất định, toàn bộ các tế bào nguồn dòng sinh dục đều ngưng phân chia nguyên nhiễm một cách đột ngột, đồng thời đi vào kỳ phân bào giảm nhiễm thứ nhất. Phân bào giảm nhiễm diễn ra rất chậm chạp. Đến giữa thai kỳ, một lần nữa, đột nhiên phân bào giảm nhiễm đồng loạt bị đình chỉ, ở tất cả các noãn nguyên bào. Toàn bộ các nang noãn nguyên thủy đồng loạt đi vào trạng thái nghỉ (dor-mant follicles), cho đến khi được chiêu mộ lại sau này.

Ở mỗi chu kỳ buồng trứng, chỉ có một số ít nang nguyên thủy được chiêu mộ vào tiến trình phát triển noãn nang. Quá trình chiêu mộ lệ thuộc yếu tố nội tại của buồng trứng, không lệ thuộc vào các hormone ngoại vi lưu hành.

Chiêu mộ là hiện tượng mà trong đó các nang noãn nguyên thủy ở trạng thái nghỉ được gọi trở lại vào chu kỳ buồng trứng để tham gia vào tiến trình tạo giao tử cái.

Khi bé gái dậy thì, định kỳ một lần mỗi khoảng 30 ngày, ước chừng có 4×102 noãn nguyên thủy sẽ được chiêu mộ vào chu kỳ buồng trứng.

Trong tiến trình chiêu mộ, các phức bộ nang noãn nguyên thủy chỉ bị tác động bởi các yếu tố cận tiết (paracrine) hay tự thân (autocrine). Trong tiến trình này, các phức bộ nang noãn nguyên thủy không bị tác động bởi các hormone lưu hành trong máu ngoại vi. Con đường PTEN/PI3K/Akt và Anti-Mullerian Hormone (AMH) là các yếu tố điều hòa quan trọng nhất của tiến trình chiêu mộ các noãn nang nguyên thủy. Tiến trình chiêu mộ được thúc đẩy thông qua con đường PTEN/PI3K/Akt. Ngược lại, AMH có tác dụng ngăn cản tiến trình chiêu mộ.

AMH là hormone cận tiết, có nhiệm vụ điều hòa tiến trình chiêu mộ bằng cách khống chế số lượng noãn nang nguyên thủy được chiêu mộ.

Ở người nữ trưởng thành, AMH hoạt động như một yếu tố cận tiết. AMH có nguồn gốc từ các tế bào tùy hành của các phức bộ nang noãn lân cận. AMH cân bằng tiến trình thúc đẩy chiêu mộ của PTEN/PI3K/Akt nhờ vậy hạn chế được số nang noãn được chiêu mộ. AMH có vai trò như “người gác cổng”, chỉ cho phép một số lượng hạn chế nhất định các phức bộ noãn nguyên thủy đi vào chu kỳ buồng trứng.

Hình 1: Điều hòa chiêu mộ noãn nang qua con đường PTEN/PI3K/Akt và Anti-Mullerian Hormone. PTEN/PI3K/Akt thúc đẩy tiến trình chiêu mộ noãn nang. AMH ức chế tác động của PTEN/PI3K/Akt, qua đó, khống chế được số nang noãn được chiêu mộ. AMH có vai trò như “người gác cổng”, chỉ cho phép một số nhất định các phức bộ noãn nguyên thủy đi vào chu kỳ buồng trứng.
Nguồn: Roness H. Cell Cycle. 2013 Oct 15;12(20):3245-6.

AMH được sản xuất từ tế bào hạt của các phức bộ nang noãn đã được chiêu mộ, từ giai đoạn nang tiền hốc đến nang hốc nhỏ.

Tế bào hạt của các phức bộ noãn nang đã được chiêu mộ chế tiết AMH. AMH tác động trở lại trên những nang noãn nguyên thủy khác chưa được chiêu mộ và ngăn cản chúng được chiêu mộ. Trên những nang noãn đã được chiêu mộ, AMH đóng vai trò yếu tố bảo vệ cho nang noãn thoát khỏi hiện tượng thoái triển, đồng thời kìm hãm nang noãn không bước quá sớm vào giai đoạn phát triển lệ thuộc gonado-tropin.

Sau chiêu mộ, các nang noãn vẫn tiếp tục phát triển không lệ thuộc gonadotropin, đến giai đoạn nang thứ cấp muộn.

Sau chiêu mộ, các phức bộ noãn nguyên thủy được chiêu mộ tái tục tiến trình phân bào giảm nhiễm đã bị đình trệ trước đó, để chuẩn bị cho việc tạo thành giao tử (gamete) cái. Chúng lần lượt qua các giai đoạn noãn sơ cấp (primary follicle), rồi thứ cấp sớm (early secondary follicle) và thứ cấp muộn (latesecondary follicle).
AMH giữ một vai trò quan trọng trong kiểm soát sự phát triển của các noãn nang đã được chiêu mộ. Tiến  trình này không lệ thuộc gonadotropin.
Trong quá trình này, phần lớn các phức bộ đã được chiêu mộ sẽ thoái triển. Sau 60 ngày, chỉ còn lại khoảng 10 trong số chúng là đến được giai đoạn kế tiếp. Trên các tế bào tùy hành của nang thứ cấp muộn đã có các thụ thể với gonadotropin.

Hạ đồi phóng thích các xung GnRH vào hệ thống mạch cửa hạ đồi-yên, làm tuyến yên sản xuất các gonadotropin.

Hạ đồi là cơ quan cao nhất của trục hạ đồi-yên-buồng trứng. Nhân cung (Arcuate), một nhân xám hạ đồi, định kỳ phóng thích các xung Gonadotropin Releas-ing Hormone (GnRH) vào hệ thống mạch cửa nối hạ đồi và tuyến yên.

Dưới ảnh hưởng của các xung GnRH, tuyến yên đáp ứng bằng cách chế tiết 2 hormone hướng sinh dục (gonadotropin) là Follicle Stimulating Hormone (FSH) và Luteinizing Hormone (LH). Tùy tần số của
xung GnRH mà tuyến yên đáp ứng khác nhau, với đáp ứng bằng FSH chiếm ưu thế hay đáp ứng bằng LH chiếm ưu thế.

Các tế bào tùy hành của các nang noãn thứ cấp đã có thụ thể với gonadotropin.

Các gonadotropin tác động trên các nang noãn thứ cấp, và là động lực thúc đẩy sự phát triển các noãn nang thứ cấp.

Lúc này, các noãn bào được bao bọc bởi, lần lượt từ ngoài vào trong, là các tế bào vỏ (theca cell) và các tế bào hạt (granulosa cell). Các nang noãn ở giai đoạn này được gọi là các nang thứ cấp (secondary follicle). Trên bề mặt của tế bào vỏ có thụ thể với LH, và trên bề mặt của tế bào hạt có thụ thể với FSH. Các tế bào này bắt giữ các gonadotropin để phát triển, tăng về số lượng để tạo nên sự phát triển của các nang thứ cấp. Tại các nang thứ cấp đang phát triển, các noãn bào vẫn tiếp tục phân bào giảm nhiễm một cách chậm rãi. Trong khi đó, dưới tác động của gonado-tropin, các tế bào tùy hành phân chia nguyên nhiễm, đồng thời tổng hợp thụ thể với gonadotropin, làm cho chúng ngày càng nhạy với gonadotropin hơn.
Tại các nang noãn thứ cấp, noãn bào vẫn chậm rãi tiếp tục phân bào giảm nhiễm. Trên DNA của noãn bào, xảy ra tiến trình methyl hóa cytosine của các đảo CpG. Tiến trình methyl hóa cytosine các đảo CpG sẽ hoàn tất khi noãn bào đạt đến metaphase II của phân bào giảm nhiễm.

Dưới tác dụng của LH, tế bào vỏ sản xuất andro-gen. Dưới tác dụng của FSH, tế bào hạt sản xuất estrogen.

Tế bào vỏ tổng hợp androstenedione từ cholesterol, dưới tác dụng của LH. Androstenedione từ tế bào vỏ được chuyển đến các tế bào hạt ở phía trong của noãn nang.

Tại tế bào hạt, dưới tác động của FSH, androstene-dione được thơm hóa thành estrone (E1) nhờ men aromatase P450. Estrone sẽ chuyển đổi thành estra-diol (E2).

E2 từ tế bào hạt sẽ lưu hành trong máu ngoại vi và tác động lên cơ quan đích. Nang noãn càng phát triển thì tổng khối tế bào hạt càng tăng nhanh, làm nồng độ E2 huyết thanh tăng dần.

Hình 2: Thuyết hai tế bào, hai hormone. Dưới tác dụng của LH, tế bào sản xuất androstenedione từ cholesterol.  Andro-stenedione được chuyển cho tế bào hạt. Tại đó, nó chịu sự thơm hóa bởi aromatase tạo ra E1 dưới tác động của FSH.
 Nguồn: researchgate.net

Do các nang thứ cấp khác nhau không sở hữu lượng thụ thể gonadotropin như nhau, nên khả năng bắt gonadotropin của chúng khác nhau, dẫn đến sự phát triển khác nhau.

Tuy nhiên, do mỗi nang thứ cấp có số lượng thụ thể với LH và FSH khác nhau, nên khả năng bắt giữ gonadotropin và phát triển của các nang thứ cấp là không giống nhau. Hiện tượng này tạo ra một sự không đồng bộ trong phát triển của các nang thứ cấp. Một số ít nang thứ cấp nào sở hữu nhiều thụ thể với gonadotropin hơn sẽ bắt giữ gonadotropin dễ dàng hơn, phát triển tổng khối tế bào tùy hành tốt hơn và tự tổng hợp ra nhiều thụ thể với gonadotropin hơn, làm cho chúng càng có khả năng bắt giữ gonadotro-pin tốt hơn nữa.

Trong khi đó, đa số các nang thứ cấp còn lại sở hữu ít thụ thể với gonadotropin hơn, do đó ít có cơ hội bắt giữ gonadotropin, gây hệ quả là chúng không phát triển được khối tế bào tùy hành, và không tổng hợp thêm được thụ thể mới với gonadotropin, làm cho chúng càng khó có cơ hội bắt thêm gonadotropin để tiếp tục phát triển.

Hình 3: Sự phát triển không thuần nhất của đoàn hệ. Ghi nhận các nang noãn khác nhau về số tế bào tùy hành.
Nguồn: academic.pgcc.edu

Nồng độ tăng dần của E2 lưu hành trong máu ngoại vi phát khởi phản hồi âm, ức chế tuyến yên sản xuất FSH.

Phát triển của các nang thứ cấp tạo nên sự tăng của nồng độ E2 trong máu ngoại vi.Sự tăng nồng độ E2 sẽ tác động ức chế hoạt động sản xuất FSH của tuyến yên. Đây chính là phản hồi âm (negative feedback) của E2 trên tuyến yên (còn gọi là phản hồi thứ nhất của E2). Nồng độ E2 càng cao thì phản hồi càng mạnh, FSH
càng xuống thấp. Nồng độ FSH giảm dần, biến thiên theo chiều nghịch với sự tăng của E2.

Tế bào hạt của nang noãn thứ cấp sản xuất ra In-hibin B. Inhibin B cũng ức chế tuyến yên sản xuất FSH.

Ngoài E2, các tế bào hạt của các nang noãn thứ cấp còn sản xuất một hormone quan trọng nữa là Inhibin
B. Inhibin B là một hormone protein, thuộc nhóm các transforming growth factor β.
Các nang noãn thứ cấp sớm không sản xuất Inhibin B. Inhibin B chỉ được sản xuất kể từ khi các nang
noãn đạt đến giai đoạn nang thứ cấp muộn. Nồng độ Inhibin B biến thiên thuận với tổng khối tế bào hạt. Inhibin B phóng thích từ nang noãn, đi vào máu ngoại vi, để tác động trên tuyến yên. Ở đó, Inhib-in B ức chế sự chế tiết gonadotropin của tuyến này.

Như vậy, trong giai đoạn phát triển noãn nang, tuyến yên chịu sự “kiểm soát kép” bởi hai hormone từ buồng trứng là E2 và Inhibin B. Kiểm soát này gây nên tình trạng thiếu hụt FSH từ tuyến yên.
Hệ quả của tình trạng giảm sản xuất FSH này là tất cả các nang noãn thứ cấp đang phát triển phải đối mặt với sự thiếu hụt FSH.

Hình 4: Sản xuất AMH và Inhibin B từ tế bào hạt Cả AMH lẫn Inhibin B đều có nguồn gốc từ tế bào hạt của nang noãn. AMH được sản xuất từ các nang tiền hốc và nang hốc nhỏ. Inhibin B được sản xuất từ các nang hốc nhỏ và nang hốc lớn. AMH có vai trò chuẩn bị cho nang noãn đi vào giai đoạn lệ thuộc gonadotropin. Trong khi đó, Inhibin B (cùng phối hợp với estradiol) có nhiệm vụ kiểm soát tinh trạng chế tiết gonadotropin của tuyến yên.
Nguồn: researchgate.net

Thiếu hụt FSH là động lực của chọn lọc noãn nang.Chỉ có một nang noãn tốt nhất phát triển đến cùng.

Trong bối cảnh của sự thiếu hụt toàn thể về FSH, các nang noãn thứ cấp nào có sự phát triển tốt hơn, có nhiều tế bào hạt hơn, đồng nghĩa với có nhiều thụ thể và khả năng bắt giữ FSH tốt hơn sẽ thu gom dễ dàng các phân tử FSH hiếm hoi còn lưu hành để tiếp tục phát triển.

Trong khi đó, với các nang thứ cấp còn lại, do chúng sở hữu rất ít tế bào hạt và rất ít thụ thể với FSH, nên
chúng sẽ không thể cạnh tranh được về khả năng bắt giữ các phân tử FSH hiếm hoi còn lại. Như vậy tình trạng thiếu hụt FSH, kết quả của phản hồi âm của E2 và của tăng Inhibin B, là động lực của sự chọn lọc noãn nang. Các nang thứ cấp nào đã phát triển tốt sẽ phát triển ngày càng tốt hơn. Các nang thứ cấp nào đã phát triển kém thì ngày càng kém hơn và đi vào thoái triển. Sự cạnh tranh trở nên ngày càng khốc liệt, khi các nang thứ cấp lớn sản sinh càng nhiều E2, làm cho lượng FSH trở về mức cực thấp. Cuối cùng, chỉ có một nang noãn tốt nhất, sở hữu nhiều tế bào tùy hành nhất, có nhiều thụ thể với gonadotropin nhất, sản xuất được nhiều E2 nhất mới có cơ hội phát triển đến tận cùng, gọi là nang trưởng thành (nang de Graaf).

Nang de Graaf là nang noãn ở trạng thái sẵn sàng cho hiện tượng phóng noãn.Nang de Graaf gồm noãn bào và các tế bào tùy hành.

Lúc này, noãn bào trong nang de Graaf vẫn còn đang chậm chạp trong tiền kỳ của phân bào thứ nhất của phân bào giảm nhiễm. Trong nhân của noãn bào, tiến trình methyl hóa cytosine các đảo CpG của DNA vẫn đang tiếp diễn.Trong khi đó, các tế bào hạt của nang de Graaf vẫn đang phân chia mãnh liệt theo cấp số nhân dưới ảnh hưởng của lượng FSH dồi dào mà nang de Graaf đã tước đoạt được từ máu ngoại vi. Các tế bào vỏ phát triển mạnh và chứa đầy các thụ thể với LH, cung cấp androgen cho tế bào hạt. Tổng khối tế bào hạt dồi dào đảm bảo cho nang de Graaf tiếp tục sản xuất ra một lượng lớn E2, đẩy nồng độ E2 lên cao, vượt một
nồng độ ngưỡng, trong một thời gian đủ dài. Ở thời điểm này, Inhibin B giữ nhiệm vụ kiểm soát,
tinh chỉnh đáp ứng của tuyến yên với nồng độ E2 cao.

Hình 5: Nang de Graaf. Là nang noãn sở hữu nhiều thụ thể với gonadotropin nhất, vì thế bắt giữ gonadotropin tốt nhất. Nang de Graaf đáp ứng các điều kiện cho quá trình phóng noãn, thụ tinh, làm tổ và mang thai.
Nguồn: c1.staticflickr.com

Nồng độ E2 vượt ngưỡng và duy trì trên ngưỡng trong thời gian đủ dài sẽ kích hoạt phản hồi dương của E2, tạo đỉnh LH, gây hiện tượng trưởng thành cuối cùng của noãn bào.

Nồng độ E2 tiếp tục tăng cao và vượt một nồng độ ngưỡng xác định. Ngưỡng này là ngưỡng nhạy của tuyến yên. Khi nồng độ E2 cao hơn ngưỡng này, tuyến yên sẽ ở trạng thái sẵn sàng cho phản hồi dương với E2. Đây là điều kiện cần để E2 tạo phản hồi dương.
Đáp ứng của tuyến yên với nồng độ cao của E2 được tinh chỉnh bằng Inhibin B. Inhibin B chỉ cho phép tuyến yên trả lời với nồng độ cao E2 khi nồng độ này được duy trì trên ngưỡng trong thời gian đủ dài.
Nồng độ E2 được duy trì trên ngưỡng trong thời gian đủ dài là điều kiện đủ để tuyến yên cho phản hồi dương với nồng độ cao E2.
Nồng độ E2 vượt ngưỡng và được duy trì trên ngưỡng trong thời gian đủ dài chứng minh rằng nang de Graaf hiện hành này là một nang tốt nhất, đáp ứng các điều kiện cho quá trình phóng noãn, thụ tinh, làm tổ và mang thai.
Khi thỏa cả hai điều kiện trên, E2 sẽ kích hoạt phản hồi thứ nhì của nó trên hạ đồi- yên. Đây là một phản hồi dương (positive feedback). Trong phản hồi này, tuyến yên sẽ đáp ứng bằng cách phóng thích một lượng lớn LH, trong một thời gian rất ngắn, tạo một đỉnh LH trong máu ngoại vi.
Dưới ảnh hưởng của đỉnh LH, noãn bào nhanh chóng hoàn thành phân bào thứ nhất của phân bào giảm nhiễm, ngay sau đó đi vào phân bào thứ nhì của phần bào giảm nhiễm. 36 giờ sau khi xuất hiện đỉnh LH, noãn bào đã đi đến tiến kỳ (metaphase) của phân bào thứ nhì của phân bào giảm nhiễm. Tiến trình trưởng
thành cuối cùng của noãn bào đã hoàn tất. Tiến trình methyl hóa cytosine các đảo CpG của DNA đạt đến
cực đại. Phân bào giảm nhiễm dừng lại ở kỳ này, cho đến khi nó được một tinh trùng xâm nhập.
Sau đỉnh LH, tiến trình phân bào nguyên nhiễm tại các tế bào hạt sẽ dừng lại. Các tế bào hạt ở quanh nang noãn sẽ tách khỏi các tế bào hạt còn lại, và cùng với noãn bào tạo ra một cấu trúc sẵn sàng rời khỏi buồng trứng, được gọi là đám mây noãn bào (cumulus oophora).
Bề mặt buồng trứng nơi có nang noãn cũng mỏng dần do tác dụng của prostaglandin tại chỗ. Cuối cùng, nang noãn bị vỡ và phóng thích cumulus oo-phora. Như vậy, kết quả của phản hồi thứ nhì của E2 là đỉnh LH tiền phóng noãn.

Hình 6: Hai feed-back của E2. Cơ chế kiểm soát kép E2-Inhib-in B. Feed-back thứ nhất của E2 cùng với Inhibin B ức chế sự sản xuất FSH của tuyến yên. Chúng dẫn đến hiện tượng chọn lọc noãn nang. Feed-back thứ nhì kích hoạt hạ đồi, qua đó gây xuất hiện đỉnh LH. Inhibin B đóng vai trò tinh chỉnh, chỉ cho phép tuyến yên cho phản hồi khi nồng độ E2 vượt một ngưỡng đủ cao trong một thời gian đủ dài.
Nguồn: tankonyvtar.hu

Hoàng thể được thành lập từ khối tế bào hạt và tế bào vỏ còn lại trên buồng trứng, bắt đầu chế tiết progesterone.
Advertisement

Sau khi đã vỡ và phóng thích cumulus oophora, phần còn lại của noãn nang co cụm lại. Các mạch máu xâm nhập vào các tế bào bên trong của cấu trúc nang noãn trước đây, cung cấp cholesterol cho chúng và biến chúng thành một cấu trúc mới gọi là hoàng thể (corpus luteum). Hoàng thể được tạo lập và được duy trì nhờ LH của tuyến yên.
Về phương diện nội tiết, hoàng thể tiếp tục sản xuất E2, nhưng quan trọng nhất là một steroid sinh dục mới, đặc hữu của hoàng thể: progesterone. Hormone này là steroid sinh dục có vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị tiếp nhận trứng đã được thụ tinh và duy trì thai kỳ

Nồng độ progesterone tăng cao dần, tạo ra một phản hồi âm trên hạ đồi và tuyến yên, ức chế sản
xuất LH.

Dưới tác dụng của LH, các tế bào hoàng thể chế tiết E2 và progesterone. Sản xuất steroid sinh dục của hoàng thể đạt đến đỉnh cao vào khoảng 7 ngày sau phóng noãn.
Nồng độ progesterone tăng cao trong máu ngoại vi sẽ có tác động ức chế lên các tầng trên của trục. Trên hạ đồi, progesterone làm giảm nhịp điệu của các xung GnRH. Do suy giảm kích thích, sản xuất LH
của tuyến yên bị sút giảm. Đó chính là phản hồi âm của progesterone.

Sút giảm LH dẫn đến tiêu vong của hoàng thể, chấm dứt chế tiết steroid sinh dục và chấm dứt chu kỳ buồng trứng.

Do không còn được nuôi dưỡng bởi LH, hoàng thể sẽ dần dần đi vào thoái triển, để lại một sẹo trên buồng trứng, gọi là bạch thể (corpus albicans). Một chu kỳ phát triển của nang noãn tại buồng trứng đã chấm dứt.
Hoàng thể thoái triển không còn sản xuất steroid sinh dục nữa, tạo ra một sự sút giảm của cả E2 và pro- gesterone trong máu ngoại vi. Sự sút giảm của nồng độ các steroid sinh dục giải phóng trục hạ đồi-tuyến yên khỏi các ràng buộc của chu kỳ buồng trứng trước và sẵn sàng cho một chu kỳ buồng trứng mới.

Chỉ một phần của chu kỳ buồng trứng được thể hiện bằng các biến đổi tại cơ quan đích, thấy được trong giai đoạn nang noãn lệ thuộc gonadotropin.

Hình 7: Tiến trình phát triển noãn nang trong chu kỳ buồng trứng, từ noãn nguyên thủy đến bạch thể, được trình bày theo chiều kim đồng hồ
Nguồn: researchgate.net

Mỗi chu kỳ buồng trứng có độ dài 90-120 ngày, kể từ khi một đoàn hệ nang noãn nguyên thủy được chiêu mộ cho đến thành viên còn lại cuối cùng của đoàn hệ này là hoàng thể bị thoái hóa thành bạch thể.
Trong hơn 60 ngày đầu tiên kể từ khi được chiêu mộ, các nang noãn phát triển hoàn toàn độc lập với các hormone của trục hạ đồi- yên-buồng trứng.
Chỉ trong 4 tuần cuối cùng của chu kỳ buồng trứng thì các noãn nang mới chịu tác động của các hormone hạ đồi-yên, sản xuất các steroid sinh dục và Inhibin B, tác động ngược lại lên trục này qua các feed-back và cơ chế tinh chỉnh.

Tại một thời điểm cho trước, tồn tại cùng lúc nhiều đoàn hệ noãn nang được chiêu mộ ở các thời điểm khác nhau.

Như vậy, tại mỗi thời điểm nhất định, song song xảy ra 3-4 chu kỳ buồng trứng khác nhau. Một chu kỳ gồm các noãn nang vừa được chiêu mộ, không có những thay đổi về hình thái và nội tiết nhìn thấy được.
Một hay hai chu kỳ còn đang ở trong khoảng giữa của tiến trình, và sẽ được nhìn thấy ngay sau khi chu kỳ đang được thấy bị kết thúc. Chỉ có một chu kỳ là có thể quan sát được. Đó là chu kỳ đang ở trong 28 ngày cuối cùng, đang chịu tác động của các gonadotropin và đang sản xuất steroid sinh dục, với những thay đổi về hình thái và nội tiết. Chính các thay đổi về hình thái và nội tiết mà ta có thể quan sát được nó.

Hình 8: Các chu kỳ buồng trứng nối tiếp nhau
Nguồn: embryology.med.unsw.edu.au

Hình 9: Biến động của các hormone tuyến yên và của các hormone steroid sinh dục trong chu kỳ buồng trứng. Phần trên của hình cho thấy sự phát triển của noãn nang ở buồng trứng. Phần thứ tư của hình cho thấy biến động steroid sinh dục song hành với tiến trình phát triển của noãn nang trong chu kỳ buồng trứng. Phần thứ nhì của hình cho thấy biến động của các gonadotropin song hành với biến thiên của các steroid sinh dục và cho thấy rõ diễn biến của các phản hồi của steroid sinh dục trên trục hạ đồi-tuyến yên.
Nguồn: sbi4u3.weebly.com

TÀI LIỆU ĐỌC THÊM

Obstetrics and gynecology 7th edition. Tác giả Beck- mann. Hợp tác xuất bản với ACOG. Nhà xuất bản Wolters Kluwer Health 2014.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

Yen & Jaffe’s reproductive endocrinology, 6th edi-tion. Tác giả Jerome F. Strauss III và Robert L. Barbi-eri. Nhà xuất bản Saunders Elsevier 2010.

Xem tất cả các bài TBL Sản khoa tại: https://ykhoa.org/category/khoa-hoc/khoa-hoc-lam-sang/tbl-san/

Giới thiệu thien an

Check Also

[Xét nghiệm 59] Hormon tạo hoàng thể (LH)

HORMON TẠO HOÀNG THỂ (LH) (Hormone lutéinisante / Luteinizing Hormone) Nhắc lại sinh lý Hormon …