[Tìm hiểu] Bệnh dịch sau mưa lũ

Rate this post
Trận lụt đầu tiên trong lịch sử đã được ghi lại trong câu chuyện thần thoại mang yếu tố quỷ dị, đó là khi Sơn Tinh lên đỉnh Tản Viên Sơn tránh lũ và dời núi chống lụt, Thủy Tinh dâng nước muốn đánh sập những ngọn núi nhưng thất bại.
Tản Viên Sơn nằm trong dãy núi cao nhất ở phía nam Kinh đô nước Đại Việt. Dãy núi này rất lớn, với những chân đồi kéo dài ra xa. Dãy núi có nhiều đỉnh, đỉnh cao nhất có hình tròn như chiếc ô, Sơn Tinh đã di tản lên đây tránh lũ nên người dân gọi là Tản Viên Sơn, dịch nghĩa là “núi ô trốn”.
Trận lụt xảy ra vào đời Vua Hùng thứ 18.
Trung Quốc xảy ra lụt lội sớm hơn, đó là khi thần nước Cung Công thị (共工) gây ra trận đại hồng thủy đầu tiên vào thời kì cổ đại, bà Nữ Oa đã chống lụt theo cách khó khăn nhất, đó là vá trời.
Tôi không tin bà Nữ Oa thành công, bởi đó là công việc quá khó, ngay cả khi cha của Thái Vũ Đế dời núi ngăn cơn đại hồng thủy thứ 2 của Trung Quốc cũng đã thất bại. Chỉ đến khi Thái Vũ Đế vừa ngăn dòng nước lũ, vừa nạo vét sông ngòi, thì từ đó Trung Quốc mới bắt đầu trị được lũ lụt.
Lũ lụt luôn là nỗi kinh hoàng với thế giới con người.
Trong sách Sáng Thế ký, Đức Chúa Trời cảm thấy loài người đã hư hỏng và biến chất, nên sẽ bị xóa bỏ bởi những trận đại hồng thủy. Chỉ có gia đình Nô-ê mới đáng được cứu thoát. Vào khoảng 5000 năm trước, Nô-ê đã làm một con tàu lớn bằng gỗ theo lệnh của Đức Chúa Trời, con tàu tránh lụt bị mắc cạn trên đỉnh đúi Ararat ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngọn núi cao nhất tới 4000 mét so với mực nước biển.
Khảo cổ học đã tìm thấy con thuyền gỗ của Nô-ê trên đỉnh Ararat.
Dựa trên những sự kiện được ghi lại trong truyền thuyết, kinh thánh, cũng như lịch sử và khảo cổ học cho thấy, người xưa khi phải đối mặt với một trân lụt, thì việc đầu tiên nghĩ đến là TRÁNH, tức là chuẩn bị thuyền bè chọn những nơi cao hơn để di tản.
Chủ động chống lụt như bà Nữ Oa và trời, Sơn Tinh dời núi ngăn dòng nước lũ của Thủy Tinh, Thái Vũ Đế nạo vét sông ngòi, hay như Tề Hoàn Công cho đào các hồ chứa; nó cho thấy tinh thần kiên cường chống lại số phận và quyết tâm thay đổi số phận. Nhưng không chỉ dừng lại ở việc phòng chống lũ lụt, từ xa xưa, cha ông đã rất đề cao phòng chống dịch bệnh liên quan đến mưa lũ.
Bởi sau lũ lụt sẽ luôn kèm theo dịch bệnh.
🍁 🍁 🍁 🍁 🍁 🍁
👉 NHÓM 1: BỆNH NGOÀI DA
Giang Phong, nhà văn từng đoạt “Giải thưởng Văn học Thiếu nhi Quốc tế” ở Osaka 2011 kể lại rằng, trong đại chiến thế giới thứ nhất, ông nhìn thấy những chiếc máy bay Nhật Bản rải chất bột trắng từ trên không xuống những cánh đồng.
Đó là chất khử trùng chống bệnh nước ăn chân?
Nước ăn chân có tên tiếng Anh là TINEA PEDIS, một bệnh nhiễm trùng do nấm thường bắt đầu từ những kẽ ngón chân. Tổn thương gây ngứa, mẩn đỏ, bong tróc da, mụn nước và lở loét, chân có mùi hôi thối. Bệnh có thể gặp ở háng nếu ngâm nước bẩn ngập sâu, ở bàn tay khi sử dụng tay gãi vào vùng tổn thương.
Điều trị nước ăn chân bằng kem chống nấm.
Tôi nhớ hồi những năm 80 trở lại trước, ở quê mỗi năm vài trận lụt, hầu hết người dân bị nước ăn chân. Sau này học y khoa tôi mới hiểu, những người ra mồ hôi chân nhiều dễ bị bệnh này, chủ yếu bàn chân trái. Kinh nghiệm dân gian điều trị khá hiệu quả, là dùng lá mướp khô đốt thành than, rắc lên vùng tổn thương. Ngoài ra, có thể ngâm chân trong nước lá trầu không, lá ổi, lá lốt, rau sam, hay ngâm trong giấm; sẽ thay đổi môi trường pH cũng có tác dụng chống nấm.
Có một tổn thương khác nguy hiểm hơn nước ăn chân, đó là bàn chân ngấm nước, tên tiếng Anh là TRENCH FOOT.
Tổn thương xảy ra khi chân ngâm trong nước một thời gian dài, gây nên tình trạng loạn dưỡng, da nhăn nheo, lạnh, tê buốt như kim châm và có thể khá đau. Tổn thương nặng hơn, xuất hiện ngứa, sưng nề, nổi các mụn nước, rồi lở loét.
Đáng sợ nhất khi bàn chân ngâm trong nước bẩn là bệnh Whitmore!
Whitmore, hay còn gọi là bệnh Melioidosis do sự xâm nhập của chủng vi khuẩn “ăn thịt người” là burkholderia pseudomallei.
Đức trong Chiến tranh Thế giới I và Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới II bị coi là sử dụng vi khuẩn “ăn thịt người” pseudomallei để gieo rắc chiến tranh sinh học trên quy mô lớn. Hàng loạt binh sĩ quân đội Trung Quốc, quân đội Mỹ và Anh đã mắc bệnh Whitmore.
Tiến sĩ bệnh học người Mỹ Martin Furmansky đã xem xét tài liệu lưu trữ của 731 binh sĩ quân đội Nhật được lưu trữ tại Hoa Kỳ, ông nhận thấy rằng các biểu hiện lâm sàng và kết quả nuôi cấy vi khuẩn phần lớn do chủng pseudomallei gây bệnh Whitmore.
Bệnh có thể tử vong hoặc nhiễm trùng mãn tính dai dẳng nhiều năm.
Để phòng tránh nước ăn chân hay hội chứng bàn chân ngấm nước, đặc biệt là bệnh Whitmore, điều quan trọng là giữ cho bàn chân khô ráo sạch sẽ. Trong lũ lụt, rất khó để không bị ngâm chân trong nước, nhưng bất cứ khi nào có thể giúp bàn chân khô ráo đều phải tận dụng, kể cả thời gian giữ cho bàn chân khô rất ngắn ngủi chỉ vài phút.
👉 NHÓM 2: BỆNH ĐƯỜNG TIÊU HÓA
Có câu “Đại tai chi hậu tất hữu đại dịch”, nghĩa là sau đại họa sẽ là đại dịch. Thông thường trong lũ lụt, khi nước rút khoảng 1 tuần, thì bệnh tật bắt đầu xuất hiện và có thể lan rộng khó kiểm soát.
Bệnh từ miệng mà vào nên nhóm bệnh đường tiêu hóa là phổ biến nhất: như tiêu chảy cấp, rotavirus, tả, lị, thương hàn, viêm gan A và E, các bệnh giun sán.
“Năm Ất Dậu ngày 3 tháng Tám
Dưới trần gian ngao ngán năm canh
Một đêm gió bão hoành hành
Cả tuần mưa lũ, trời giăng thêm sầu…”
Vào ngày 3 tháng Tám năm Ất Dậu (1945), một trận bão khủng khiếp đã gây mưa lũ, hậu quả vỡ đê sông Hồng tại 79 điểm, gây ngập 11 tỉnh miền Bắc với tổng diện tích 312.000 ha, ảnh hưởng tới cuộc sống của 4 triệu người. Sau cơn lũ, bệnh dịch tả lây lan nhanh và rộng khắp, cùng với nạn đói, đã gây ra cái chết cho hàng trăm ngàn người; trở thành nỗi ám ảnh không thể nguôi ngoai trong lịch sử dân tộc.
Nguyên do dịch bệnh là sau lũ lụt môi trường ẩm ướt, các mầm bệnh như vi khuẩn, virus, kí sinh trùng có cơ hội sinh sôi nảy nở. Nguồn nước bị ô nhiễm là tác nhân chính, đặc biệt là rác thải, nước thải sinh hoạt hòa vào dòng lũ, phân, xác động thực vật chết.
Để phòng bệnh, cần thực hiện ăn chín, uống sôi, nguồn nước phải đảm bảo vệ sinh, tốt nhất dùng nước uống đóng chai, hoặc nước đã qua lọc và xử lí theo hướng dẫn của cán bộ y tế tại địa phương. Vì thời gian bùng phát dịch sau lũ khoảng 1 tuần, nên ngay khi nước rút, phải ngay lập tức tổng dọ vệ sinh, đảm bảo không để nước bẩn ứ đọng, bùn đất và chất thải phải được xử lí, phân và xác động vật phải được thu gom sạch sẽ.
👉 NHÓM 3: BỆNH DỊCH DO MUỖI TRUYỀN
Khi lũ lụt xảy ra, dòng nước lớn sẽ xóa sạch các nơi sinh sản của muỗi, nhưng muỗi sẽ quay trở lại phát triển mạnh mẽ ngay khi nước rút, thông thường sau lụt 6-8 tuần dịch bệnh xuất hiện.
Các dịch bệnh thường gặp gồm sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não Nhật Bản…
Ví dụ viêm não Nhật Bản, mầm bệnh thường ở gia súc gia cầm, muỗi hút máu động vật nhiễm virus, rồi truyền sang người qua vết đốt. Không để các vũng nước tù đọng, diệt cung quăng bọ gậy, diệt muỗi, ngủ màn là những việc hết sức quan trọng để phòng bệnh cho bản thân và dịch cho cộng đồng.
👉 NHÓM 4: BỆNH DO NGỘ ĐỘC
Advertisement
Ngộ độc thực phẩm, do thức ăn ôi thiu, không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh. Ngoài ra, ngộ độc hóa chất do nguồn nước bị ô nhiễm, đặc biệt là ngộ độc thuốc trừ sâu ở các vùng nông thôn.
👉 NHÓM 5: TAI NẠN THƯƠNG TÍCH
Nhóm tai nạn thương tích bao gồm đuối nước, tai nạn do tường đổ, cây cối đổ, điện giật, rắn rết cắn, chó dại cắn.
Nên nhớ sau mưa lũ, những loài động vật máu nóng đi lạc như chó, mèo, cáo, cầy, gấu trúc; đều có nguy cơ truyền bệnh cho người thông qua vết cắn, hoặc thông qua liếm vào vết xây sát da niêm mạc.
Những loài máu lạnh như gia cầm, chuột, thỏ không gây bệnh dại.
Virus dại từ vết thương di chuyển đến tủy sống và lên não mới gây ra triệu chứng, trung bình mỗi ngày virus di chuyển được 12-24mm, vì thế mà thời gian ủ bệnh có thể là 1 tuần nếu vết thương ở gần não như vùng mặt, cổ và ngực; nhưng cũng có thể ủ bệnh nhiều tháng cho đến vài năm.
Khi phát bệnh thì khả năng tử vong 100%.
Bởi vậy, phòng tránh không để các loài mang virus dại cắn, không chơi đùa với chó mèo chưa tiêm phòng dại đầy đủ hoặc không rõ nguồn gốc. Nếu không may bị cắn, hãy rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước chảy xả mạnh 15 phút, nước ấm càng tốt, sau đó rửa bằng cồn 70 độ; đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng dại.
👉 NHÓM 6: DỊCH BỆNH DO ĐÔNG ĐÚC
Để tránh mưa lũ, dòng người sẽ di cư đến nơi cao hơn và an toàn hơn, mật độ dân số tăng đột biến cũng là nguyên nhân xuất hiện các bệnh như đau mắt đỏ, viêm phổi, sởi, uốn ván, viêm mãng não mô cầu.
🍁 🍁 🍁 🍁 🍁 🍁
Dân gian có câu: “Thái thủy chi hậu chu phòng đại dịch”. Nghĩa là sau lũ lụt, đại dịch sẽ xuất hiện, nên phải chủ động phòng tránh. Nên nhớ, dịch bệnh sau mỗi trận lụt chủ yếu là bệnh truyền nhiễm, bởi vậy việc giữ cho bản thân không mắc bệnh, thì cũng chính là góp phần phòng bệnh cho cộng đồng.
Nguồn: BS. Trần Văn Phúc

Giới thiệu ngockhanh

Check Also

[UpToDate] Tiền sản giật: Sinh bệnh học (Phần 1)

[UpToDate] Tiền sản giật: Sinh bệnh học (Phần 1) Các tác giả: S Ananth Karumanchi, …