Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng chỉ cần giảm một nửa lượng thịt đỏ và thịt chế biến (RPM) trong chế độ ăn uống đã có tác động đáng kể đến sức khỏe, làm giảm lượng cholesterol “xấu” LDL trong máu từ đó giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh tim.
Thịt đỏ và thịt chế biến (RPM) bao gồm thịt lợn tươi, thịt bò, thịt cừu, thịt bê và thịt đã được hun khói, ướp muối hoặc bảo quản (trừ đông lạnh) theo một cách nào đó. Những loại thịt này thường chứa nhiều axit béo bão hòa gây tăng cholesterol LDL. Loại cholesterol “xấu” này thường tích tụ trong thành mạch máu, gây tắc nghẽn và tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
Nâng cao nhận thức về những rủi ro liên quan đến việc ăn thịt đỏ và thịt chế biến đã dẫn đến ngày càng nhiều người áp dụng chế độ ăn chay, loại bỏ hoàn toàn thịt. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nottingham muốn tìm hiểu xem việc giảm lượng thịt đỏ ăn vào, thay vì ngừng ăn hoàn toàn, có tác động tích cực đến sức khỏe của các đối tượng tham gia hay không.
Giảm cholesterol
Kết quả được công bố trên tạp chí Food & Function cho thấy lượng cholesterol LDL trong máu đã giảm đáng kể và những người có nồng độ cholesterol cao nhất có mức giảm lớn nhất. Nhìn chung, lượng cholesterol LDL sụt giảm trung bình là khoảng 10% và nam giới giảm nhiều nhất (những người có nồng độ khởi đầu cao nhất).
Đối với thử nghiệm này, 46 người đã đồng ý giảm lượng thịt đỏ của họ trong khoảng thời gian 12 tuần bằng cách thay thế bằng thịt trắng, cá hoặc các sản phẩm thay thế hoặc bằng cách giảm khẩu phẩn thịt đỏ. Họ đã ghi nhật ký thực phẩm trong suốt quá trình nghiên cứu và được xét nghiệm máu đều đặn.
Giáo sư Andrew Salter (Trường Khoa học Sinh học thuộc Đại học Nottingham, người đứng đầu nghiên cứu này) cho biết: “Do hàm lượng axit béo bão hòa cao, thịt đỏ và thịt chế biến có thể gây bệnh tim và các bệnh mãn tính khác, đặc biệt là ung thư ruột già. Kết quả của nghiên cứu hiện tại cho thấy, ngay cả ở những người tương đối trẻ và khỏe mạnh, những thay đổi tương đối nhỏ đối với lượng RPM gây ra những thay đổi đáng kể về cholesterol LDL, nếu được duy trì trong một thời gian có khả năng làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tim.”
Cùng với việc giảm mức cholesterol LDL, các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi thấy sự sụt giảm bạch cầu và hồng cầu trong máu.
Tiến sĩ Liz Simpson (Trường Khoa học Đời sống của Đại học Nottingham là đồng tác giả của nghiên cứu) giải thích: “Thịt là nguồn giàu vi chất dinh dưỡng (vitamin và khoáng chất) cần thiết cho việc sản xuất tế bào máu, và mặc dù vẫn lấy được các chất dinh dưỡng này trong chế độ ăn uống chay, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những người giảm lượng thịt cần phải đảm bảo rằng chế độ ăn mới của họ có nhiều loại trái cây, rau, đậu và ngũ cốc để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng này.
Giáo sư Salter cũng tham gia chương trình “Ngọn đèn thực phẩm tương lai” tại Đại học Nottingham, thực hiện những nghiên cứu để tìm ra nguồn thực phẩm bền vững phục vụ dân số ngày càng tăng trong điều kiện khí hậu thay đổi. Ông giải thích: “Cũng như cải thiện sức khỏe của mọi người, việc giảm lượng thịt đỏ chúng ta ăn cũng rất quan trọng từ góc độ an ninh lương thực và phát bền vững, vì chăn nuôi sử dụng một tỷ lệ lớn tài nguyên thiên nhiên của chúng ta và là tác nhân chủ yếu tạo khí nhà kính Một phần trong nghiên cứu của chúng tôi tập trung vào việc tìm kiếm các nguồn thực phẩm thay thế bền vững hơn, cung cấp cho chúng tôi protein và các chất dinh dưỡng khác do thịt cung cấp, nhưng không có tác động xấu đến sức khỏe và môi trường”.
Sinh Huy. (Dịch từ https://www.sciencedaily.com/releases/2019/09/190930101521.htm)