[Chia sẻ] Ung thư

Rate this post

Bước chân vào ngành y gần 10 năm, chứng kiến nhiều cái chết của bệnh nhân, tôi không còn tin vào Thần và Phật. Nhưng tôi vẫn đi chùa. Mỗi lần đứng giữa bảo điện, tôi lại chắp tay nguyện ước trên đời không có bệnh tật, thuốc nào cũng thành tro bụi.

Trước ca mổ hôm ấy tôi cũng đi chùa.

Bệnh nhân của tôi là người phụ nữ 53 tuổi, quê ở Phú Thọ, con trai bà ở cùng chỗ trọ với tôi. Mùa hè năm 2000, anh đưa mẹ về thủ đô, đợi xem Lễ hội 990 năm Thăng Long – Hà Nội. Nhưng lễ hội phải đến mùa thu mới tổ chức. Anh tranh thủ đưa mẹ đến viện tôi khám sức khoẻ, siêu âm phát hiện ung thư buồng trứng, khối u đã to hơn 20cm. Ung thư buồng trứng do không có triệu chứng, nên khi chẩn đoán xác định thì đa số người bệnh đã ở giai đoạn cuối, hôm qua còn sống như người bình thường mà hôm nay đã phải lo tang lễ. Thời điểm ấy, ung thư là bản án tử hình, nên bác sĩ chúng tôi phải dùng chữ “ca”, hay chữ “ma-s” hoặc “tuy-mơ” thay thế từ “ung thư”, vừa để tránh suy sụp đột ngột cho bệnh nhân, vừa che chở cho những người thân trong gia đình. Người phụ nữ cũng không tránh khỏi hoảng sợ. Bà nói mình mắc căn bệnh này quá oan uổng, cuộc sống chưa một ngày được nghỉ ngơi, thậm chí còn chưa được ăn một bữa thật ngon.

“Hay bác sĩ cho tôi xin về!”

Gần 10 năm bước vào nghề y, tôi đã thấy quá nhiều bệnh nhân ung thư, hầu hết bỏ cuộc, chỉ số ít người khát khao được sống đến tuyệt vọng nhưng cũng phải khuất phục trước sự tấn công của bệnh tật, vài người chiến đấu đến giây phút cuối cùng rồi buông xuôi. Rất nhiều người bỏ cuộc ngay từ đầu. Với những người ở quê, xin về là câu cửa miệng, bởi nói tới ung thư là nói tới cái chết, người ta thường nghĩ xin về nhà chữa lá lẩu, rồi cúng bái để sống thêm được ngày nào hay ngày ấy. “Thèm gì cho ăn đấy” là câu bác sĩ hay giải thích cho gia đình. Người đến thăm sẽ hỏi thèm ăn gì, con cháu mua đủ thứ của ngon vật lạ cho ăn, để chết không hối hận.

“Đời tôi chưa được ăn 1 miếng thịt lợn thật ngon!”

Tôi đã hứa với người phụ nữ rằng, nếu bà sống đến lần sinh nhật thứ 63 của mình, thì tôi sẽ nói với con trai của bà thịt hẳn một con lợn, đích thân tôi và con bà nấu nướng, bà sẽ được ăn tất cả những gì ngon nhất của con lợn trong một bữa.

Không ngờ câu nói của tôi lại có tác dụng.

Người phụ nữ 53 tuổi đã không quan tâm đến sự sống và cái chết, bà đặt niềm tin vào tôi, nhờ tôi chữa cho bà một cách tốt nhất. Với một bác sĩ trẻ vừa ra trường được vài năm, lại là bác sĩ ngoại khoa, được bệnh nhân ung thư tin tưởng như vậy, tôi thực sự cảm động. Thái độ tin tưởng của bệnh nhân chính là sự kính trọng lớn nhất với bác sĩ.

Tôi đã cùng đồng nghiệp phẫu thuật cho bà.

Buổi chiều trước phẫu thuật một ngày, tôi lại đi chùa, đứng giữa bảo điện tôi đã nghĩ nếu Đức Phật xuất hiện, tôi sẽ cầu xin bằng được Ngài ban cho người phụ nữ chữa khỏi căn bệnh ung thư, có một cuộc sống thực sự tốt đẹp.

Từ đó tôi đồng hành với bệnh nhân ung thư.

Là một bác sĩ, tôi theo chủ nghĩa vô thần và coi vô thần cũng là một tôn giáo, tôi cũng tin vào y học chính thống, tin rằng khối u có thể được loại bỏ và bệnh nhân ung thư có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật, hoá chất, xạ trị, hay các phương pháp can thiệp khác nhờ nền văn minh công nghệ.

Nhưng tôi cũng nhận thấy ở bệnh nhân ung thư, bên cạnh y học hiện đại, vẫn còn có hai thứ rất quan trọng là “thân thể” và “tinh thần”. Trong vai trò của một bác sĩ, tôi có những điều kiện đặc biệt để quan sát bệnh nhân, sau nhiều năm tôi đã rút ra được nhiều điều về căn bệnh ung thư. Tôi cho rằng, điều trị bệnh nhân ung thư không chỉ có mỗi mình bác sĩ, mà phải bao gồm cả người bệnh và gì đình. Y học hiện đại là xương sống, nhưng còn thể chất và tâm hồn, điều trị ung thư là sức khoẻ tổng thể. Làm được như vậy thì rất nhiều bệnh nhân khỏi ung thư. Ung thư vòm họng, ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung, ung thư túi mật, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư hạch… đến nay đã có 33% được chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Nhưng tôi vẫn muốn con số nhiều hơn 33% như hiện nay, có thể là gấp đôi, tại sao lại không gấp ba; muốn vậy chúng ta cần hiểu hơn nữa về ung thư.

Các khối u có 2 đặc điểm = Di truyền + Hoàn cảnh.

Di truyền, như chúng ta đã biết con cái đều mang gen từ cha mẹ, có thể hiểu mỗi bộ phận trên cơ thể giống như một sản phẩm được sản xuất trên cùng một dây chuyền, ưu nhược điểm tương đồng, tuổi thọ cũng tương đương. Mọi người có tâm lí sợ bệnh di truyền. “Lấy vợ kén tông và lấy chồng kén giống”. Tôi biết ở những vùng quê vẫn có quan niệm, ông bà hay bố mẹ bị ung thư, là cháu con rất khó lấy vợ lấy chồng. Quan niệm này sai! Bởi vì, trong thực tế hầu hết các bệnh đều có tính di truyền, hoặc có khuynh hướng di truyền. Nếu kén chọn như vậy sẽ chẳng lấy được ai.

Vẫn có cách để vượt qua di truyền.

Tôi lấy ví dụ, một người có bố bị đau tim, xảy ra ở tuổi 60 chẳng hạn. Nếu người con thừa hưởng gen trội quả tim từ bố, có nghĩa là phần lớn cấu trúc quả tim của người con giống cha, nên người con có thể bị đau tim ở tuổi 60 trong tương lai. Nếu người con phải chịu áp lực công việc quá nhiều, căng thẳng và stress lặp đi lặp lại, thì 40 tuổi đã bị đau tim. Ngược lại, người con có một cuộc sống tích cực, công việc không bị áp lực, cuộc sống vui vẻ, có điều kiện chăm sóc bản thân, tối đi ngủ sớm và sáng dậy sớm, thể dục đều đặn; thì phải đến 80 tuổi mới bị đau tim. May mắn hơn, người con thừa hưởng gen trái tim khoẻ mạnh từ mẹ, thì phải 90 tuổi, thậm chí 100 tuổi vẫn chưa mắc bệnh, có khi chết vì những nguyên nhân tự nhiên của tuổi già.

Một ví dụ khác là cô Angelina Jolie.

Nữ diễn viên nổi tiếng Holywood, cô Angelina Jolie có mẹ bị ung thư vú, bác sĩ xét nghiệm phát hiện nguyên nhân liên quan đến gen di truyền BRCA. Gen này có nhiệm vụ ức chế các tế bào ung thư. Nếu gen BRCA bị khiếm khuyết, thì người mang mầm bệnh có nguy cơ rất cao mắc ung thư vú và ung thư buồng trứng, xác suất con cháu bị ung thư hai bộ phận này rất cao. Để không bị đêm trường lắm mộng, sau khi sinh đủ con, Angelina Jolie đã quyết định phẫu thuật cắt bỏ hai vú. Hôm vừa rồi, con trai của bà mẹ tôi kể ở phần đầu bài viết có mời tôi đi ăn, trong bữa ăn tôi nói về gen BRCA, khuyên gia đình anh nên xét nghiệm, nếu có đột biến gen BRCA thì nên định kì khám phát hiện sớm ung thư vú. Anh con trai cười rồi nói với tôi rằng, mẹ anh may mắn đến giờ 76 tuổi vẫn khoẻ mạnh, anh còn may mắn hơn vì bản thân là đàn ông nên không có buồng trứng và không có vú như phụ nữ. Khi nghe tôi giải thích đàn ông cũng bị ung thư vú, anh vội vàng lấy tay luồn vào trong áo, rồi sờ lên ngực.

Hoàn cảnh là điều tối quan trọng!

Cơ thể con người giống như một quốc gia, não bộ giống như hoàng đế, hệ thống miễn dịch giống như cảnh sát, các tế bào giống như người dân bình thường. Nếu hoàng đế ra sức bóc lột người dân, rồi bỏ mặc họ sống vạ vật trong tuyệt vọng, thì sẽ có nguy cơ xuất hiện cuộc nổi dậy của một nhóm người nông dân, rất có thể cả một đế chế sẽ bị sụp đổ.

Tôi lấy ví dụ một người hút thuốc lá, do não bộ người đó thích hút để sảng khoái, vô hình trung tế bào biểu mô trong phổi bị đầu độc bởi chất nicotin. Hàng ngày có rất nhiều tế bào bị nicotin giết chết. Nicotin và xác những tế bào chết tạo ra môi trường vô cùng độc hại. Phổi sẽ phải sinh nhiều tế bào khác để lấp chỗ trống. Những tế bào này bị đầu độc. Một ngày nào đó, lợi dụng hệ miễn dịch suy yếu, có một tế bào trong số bị đầu độc nổi giận, chúng bất chấp mà nhân lên bất thường, tạo thành khối ung thư.

Một ví dụ khác, chẳng hạn những người uống rượu bia quá nhiều, ăn uống vô độ, làm cho gan phải tăng cường làm việc để xử lí lượng chất dư thừa qua gan. Để tăng công suất, thì gan phải tuyển thêm nhân công, tuyển nhiều và tuyển gấp sẽ đối diện với rủi ro, có khi tuyển phải nhóm công nhân toàn thằng lưu manh, chúng tụ tập nhau lại thành ung thư, sẽ rất phiền.

Còn một yếu tố tối quan trọng nữa là tâm lí.

Tôi nhắc lại, cơ thể con người giống như một quốc gia, có nhà vua là bộ não tinh thần, cảnh sát là hệ miễn dịch, dân thường là các tế bào. Đa số các tế bào đều chăm chỉ làm công việc của mình, không vi phạm pháp luật, đảm bảo cơ thể khoẻ mạnh. Nhưng đó đây vẫn xuất hiện những tế bào lạ được hiểu như những tên tội phạm, chúng nhởn nhơ khắp nơi, sểnh ra là gây án. Nếu vị hoàng đế là bộ não luôn để tinh thần sáng suốt, giữ gìn khí tiết và phẩm giá trong sạch, không đam mê rượu chè cờ bạc hay hút chích, không hoang dâm vô độ; thì đội ngũ cảnh sát là hệ miễn dịch sẽ răm rắp tuân lệnh, suốt ngày suốt đêm tuần tiễu, gặp những tên tội phạm là tế bào lạ sẽ khống chế không cho chúng gây án, hoặc bắt nhốt, thậm chí những tên ác ôn sẽ bị tiêu diệt từ trong trứng nước. Chìa khoá để phòng chống và chữa ung thư chính là tinh thần và hệ miễn dịch. Một người có lối sống tiêu cực, suốt ngày cay nghiệt chửi bới, vào FB chỉ nhăm nhăm đọc và chia sẻ những thông tin tiêu cực, luôn có tâm trạng lo lắng, bất an, đó là tinh thần không tốt. Tinh thần không tốt thì não bộ, vùng dưới đồi tuyến yên và tuyến thượng thận sẽ không tiết được những hormone tích cực, dẫn đến hệ miễn dịch bị ức chế, cơ thể sẽ uể oải mệt mỏi. Khi hệ miễn dịch bị ức chế, thì các tế bào lạ trong cơ thể không bị khống chế, không bị tiêu diệt, dẫn đến khả năng xuất hiện ung thư. Tôi để ý thấy các group bệnh nhân ung thư, mỗi khi có một người chết, là sẽ có nhiều người sợ hãi quá mức dẫn đến di căn. Không ít người đang khoẻ mạnh, đi khám sức khoẻ tình cờ phát hiện ung thư, về nhà chỉ sau vài tháng đã di căn và chết.

Ung thư chủ yếu do mình tạo ra.

Mọi người hay đặt câu hỏi tại sao mình lại bị ung thư? Và nguyên nhân thường đổ lỗi cho bên ngoài. Thực tế ung thư đa số do chính mình thực hành lối sống không bình thường. Cụ thể là ăn uống vô độ thiếu khoa học, ngủ muộn và ngủ không đủ giấc, công việc quá áp lực. Một người cứ ba ngày lại nhảy việc liên tục không thể gọi là bình thường. Làm việc nhiều giờ, làm việc không hoàn thành, những công việc phải chịu áp lực tâm lí như viết luận văn để theo đuổi bằng cấp giáo sư tiến sĩ, đó là những gánh nặng gây ra sự bất thường.

Để ngăn ngừa ung thư, cũng như bí quyết trường thọ, đó là sống điều độ, làm việc cường độ đều đặn và ổn định, tâm trạng vui vẻ, không đặt áp lực danh lợi, sống đơn giản, trong sáng và thiện lành.

Khi đã bị ung thư hãy tin tưởng bác sĩ.

Điều khó khăn nhất với bệnh nhân ung thư, không phải là quyết định, mà là sự lựa chọn. Ví dụ, bác sĩ nói khối u cần phẫu thuật, nhưng anh hàng xóm tốt bụng nói có người thân bị bệnh giống thế, uống thuốc sẽ khỏi; lúc này nghe thầy thuốc hay nghe hàng xóm?

Về nguyên tắc, ung thư và bác sĩ có mối tương quan, trong khi anh hàng xóm không có chuyên môn y, nên việc nghe theo bác sĩ là hợp lí. Thực tế tôi thấy nhiều người đã nghe anh hàng xóm. Thậm chí nghe chữa ông lang bà mế, uống lá lẩu, bói toán và cúng bái. Tất nhiên bác sĩ cũng chỉ có giới hạn. Với bệnh nhân ung thư bác sĩ cũng chỉ giúp được đến mức nào đó. Đôi khi bác sĩ có thể mắc sai lầm. Để tôi kể lại câu chuyện, Tào Tháo bị đau đầu, mời Hoa Đà chữa. Hoa Đà có tài châm cứu. Chỉ ba mũi kim đã mười phần đỡ chín. Nhưng bệnh không dứt. Tào Tháo thắc mắc và muốn điều trị khỏi dứt điểm. Hoa Đà giải thích trong não của Tào Tháo có khối u, muốn điều trị dứt điểm cần phải dùng dao bổ đầu, cắt bỏ khối u mới hết cơn đau. Tào Tháo không hiểu bằng cách nào Hoa Đà bổ đầu mình ra được. Ông nghi ngờ Hoa Đà không muốn chữa khỏi hẳn, mà cứ dai dẳng để lợi dụng, thậm chí có ý giết mình để báo thù cho Quan Vũ, nên đã chặt đầu Hoa Đà, một đại y sư đã bị Tào Tháo giết oan. Sau này con trai Tào Xung qua đời vì bạo bệnh, Tào Tháo mới hối hận vì đã giết Hoa Đà. Thực ra với y học bây giờ, bệnh của Tào Tháo có vẻ chỉ là chứng đau nửa đầu, không cần phẫu thuật. Tất nhiên vẫn có xác suất khối u não. Phải chụp CT hoặc MRI mới chẩn đoán được. Nhưng với trình độ y tế thời Tam Quốc, Hoa Đà không thể hiểu vô trùng và cũng không có kính hiển vi, CT và MRI không thể vẽ ra được, nếu Hoa Đà thực hiện ca mổ thì xác suất Tào Tháo chết vì nhiễm trùng và sơ xuất y tế là gần như chắc chắn.

Advertisement

Ở thái cực khác, người bệnh và gia đình quá lo lắng, chỉ muốn bác sĩ nổi tiếng và phương pháp điều trị hiện đại. Trong thời đại hôm nay, bác sĩ nổi tiếng và bác sĩ giỏi, có khi là khác nhau. Bác sĩ càng nổi tiếng thì càng bận rộn. Một người bình thường còn chẳng nhớ nổi tối qua mình ăn gì, thì làm sao một bác sĩ nổi tiếng có thể nhớ rõ chi tiết từng bệnh nhân, chưa kể khám bệnh chỉ 5 phút. Những phương pháp gọi là tiên tiến đôi khi cũng vậy. Máy bay từ lúc phát minh đến khi bay thương mại cũng phải mất vài chục năm. Huống hồ một phương pháp điều trị y khoa. Với những công nghệ mới, có thể có những sai sót, nên cần thời gian hiệu chỉnh. Thuốc thần chỉ có trong phim Hàn Quốc. Không ít bệnh nhân bán cửa bán nhà lao ra nước ngoài chữa ung thư rồi trở về chết trong nghèo túng. Vì vậy, tôi khuyên người bệnh đừng cố lao đi tìm các phương pháp điều trị mới, nhất là phương pháp tốn kém quá nhiều tiền thì càng phải thận trọng.

Cuối cùng là chữ buông!

Bệnh nhân ung thư như đi trên một con đường, càng ngày càng hẹp lại, không ngừng thoả hiệp và từ bỏ, cuối cùng không thể phục hồi. Nhiều người vì thế mà tuyệt vọng. Càng tuyệt vọng thì con đường đi càng hẹp và càng ngắn. Vậy chỉ có cách đi chậm, bình thản và buông bỏ tất cả, thì hành trình mới bớt đi những khó khăn nhọc nhằn.

Tôi nhớ một chiều 27 Tết, có một bệnh nhân đặc biệt đến gặp tôi, chị cũng là bác sĩ của một bệnh viện trung ương. Căn bệnh của chị là ung thư dạ dày, đã mổ 3 lần, di căn toàn ổ bụng, di căn phổi và hạch trung thất. Chị đau đớn và không thở được. Gia đình đưa đến, chỉ mong tôi và đồng nghiệp diệt hạch thân tạng giúp giảm cơn đau, sống được qua ba ngày Tết.

“Tại sao chị không nghĩ về cuộc sống?”

Tôi ngồi xuống, nắm tay, hỏi chị và nói về cuộc sống sau ung thư. Tôi khuyên chị mỗi bữa ăn một miếng cơm cho cháu nội, thêm miếng nữa cho người chồng cũng là bác sĩ nghỉ hưu đang chăm sóc vợ, miếng nữa cho con trai, miếng nữa cho con dâu. Khuyên chị nghe nhạc, sau này tôi còn khuyên cả học đàn Piano, lời khuyên rất hay với bệnh nhân ung thư mà tôi dự định sẽ viết một bài riêng. Tôi khuyên chị tập thiền. Cứ thế, chị đã vịn vào chồng vào con vào cháu, vịn vào từng nốt nhạc, đứng dậy vui vẻ sống.

Hai năm sau chị gọi điện mời tôi đến nhà.

Chị nói sẽ nấu chiêu đãi tôi một món ăn, chơi cho tôi một bài Pinao, rồi nói lời chia tay vì chị biết mình sẽ không sống thêm được nữa. Nhưng chị rất mãn nguyện. Vì chị đã làm được rất nhiều việc trong hai năm, quãng thời gian hai năm ấy có giá trị hơn rất nhiều bao năm tháng tuổi trẻ.

Rất tiếc thời gian ấy tôi đang ở Bắc Âu.

Thời điểm ấy là cuối thu, tôi nhận điện thoại của chị, cũng là lúc tôi ngồi dưới gốc cây phong cổ thụ. Trên cây chỉ còn chiếc lá vàng cuối cùng. Lá phong châu Âu hình vương miện. Chiếc lá cuối chiều đã rơi về đất. Dù biết đó là điều bất đắc dĩ, nhưng đây là sự an bài của số mệnh, mặt trời rồi cũng phải lặn, lá cũng phải rơi, những người thân yêu rồi cũng phải nói lời từ biệt; và tôi đã viết tặng chị bài thơ cuối cùng.

Một chiếc lá phong khô héo
Chiều nay rơi xuống mặt đường
Lá rơi tựa như cánh bướm
Gửi đời bao nỗi nhớ thương

Chẳng có điều gì vĩnh cửu
Chẳng ai sống mãi trên đời
Những chiếc lá hình vương miện
Cuối chiều lá học cách rơi…

 BS Trần Văn Phúc

Giới thiệu Đào Thị Thanh Hiền

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …