Chúng ta sẽ sống với con virus Sars-CoV-2 vĩnh viễn?
Cảm ơn bài chia sẻ rất hay của GS.Nguyễn V Tuấn.
==========================
- Ngay từ lúc dịch bùng phát tôi nghĩ đến viễn cảnh chúng ta sẽ phải làm quen sống với con virus này trong tương lai vì nó chẳng đi đâu cả; nó ở lại với chúng ta. Càng ngày càng có nhiều chuyên gia nghĩ như vậy.
Tại sao virus này sẽ ở lại với chúng ta?
- Đại gia đình corona. Trong thực tế, chúng ta đã sống chung với 4 con virus trong đại gia đình corona: 229E, NL63, OC43, và HKU1. Con virus mới (SARS-Cov-2) cũng thuộc đại gia đình này, chớ không phải là quá mới. Nó cũng đã hiện diện trong loài dơi khá lâu, có thể cả 100 năm nay. Trong người, theo một nghiên cứu genomics công bố trên Nature Medicine, thì con virus này cũng đã tồn tại chừng 40 năm nay.
- Điều đáng chú ý là con virus Sars-CoV -2 có dấu hiệu giống như các con virus khác trong gia đình corona. Nó khá phổ biến trong cộng đồng. Rất có thể nó lan truyền từ người sang người. Có dấu hiệu gần đây cho thấy nó có thể gây ra dịch đợt 2, và nếu đúng thì nó sẽ còn gây ‘phiền phức’ trong tương lai.
Mức độ lây lan và tái nhiễm.
- Yếu tố quan trọng để biết một virus thành endemic hay không là khả năng tiêu diệt con virus. Hiện nay, đã có báo cáo về một số ca bị nhiễm, rồi lại tái nhiễm. Điều này nói lên rằng khả năng miễn dịch (immunity) không lâu dài. Và, suy ra, con virus này sẽ ở lại trong chúng ta (cũng giống như nhiều virus khác).
Đột biến.
- Tỉ suất đột biến là một yếu tố quan trọng khác để biết mức độ nặng nhẹ của endemic virus. Sở dĩ chúng ta bị cúm mùa là vì con virus cúm mùa đột biến rất nhanh, nó có thể trốn khỏi hoặc gián tiếp làm tê liệt hệ thống miễn nhiễm của chúng ta. Do đó, kháng thể không đủ khả năng phòng vệ, và hậu quả là hầu hết chúng ta đều bị con virus này làm phiền mỗi năm. Thật ra, không chỉ ‘làm phiền’, con virus cúm mùa giết chừng 600 ngàn người mỗi năm trên thế giới.
Sentinel testing
- Trong khi chưa có vaccine cho con virus này thì chỉ còn cách là học sống chung với nó và giảm thiểu qui mô nhiễm bệnh. Tôi nghĩ biện pháp ‘lockdown’ hay ‘giãn cách xã hội’ (social distancing) sẽ không thể nào áp dụng lâu dài. Ở những nước khuyến cáo dân đeo khẩu trang cũng không thể nào đeo suốt đời được. (Nếu đeo khẩu trang chống dịch thì nên đeo suốt đời vì con virus cúm mùa nó cũng lây lan giống như con virus Sars-CoV-2). Chỉ còn cách là áp dụng chiến lược ‘sentinel testing’, có thể hiểu là ‘xét nghiệm giám sát’.
- Xét nghiệm giám sát có nghĩa là xét nghiệm những người trong cộng đồng cho dầu họ không có triệu chứng. Nhưng không thể xét nghiệm toàn dân số, vì tài nguyên không đủ. Do đó, tôi vẫn giữ ý kiến trước đây là xét nghiệm ngẫu nhiên trong cộng đồng. Cách thiết kế xét nghiệm giám sát có thể là lấy mẫu theo cụm hay lấy mẫu ngẫu nhiên. Cũng có thể dùng phòng mạch bác sĩ để thực hiện xét nghiệm giám sát.
- Một cách khác là xét nghiệm các cống rãnh và nguồn nước. Khoảng 60% người bị nhiễm Covid-19 thải ra qua chất thải và nước. Do đó, Úc, Hà Lan, Pháp đã thực hiện xét nghiệm cống rãnh, và kết quả giúp phát hiện những ổ dịch có tiềm năng lây lan.
Tóm lại, viễn cảnh tương lai là chúng ta sẽ sống chung với con virus Sars-CoV-2, vì không có cách nào tiêu diệt nó. Phải làm quen với Bình Thường Mới (“New Normal”) thôi.