[Gây mê hồi sức] Capnography

Rate this post
Capnography
Capnography là một phương tiện không xâm lấn, cho phép chúng ta có thể theo dõi áp lực riêng phần CO2 trong khí thở ra một cách tức thì và liên tục, một phương tiện theo dõi tiêu chuẩn ở mọi bệnh nhân gây mê toàn diện.
Như chúng ta biết hô hấp không đơn thuần chỉ là hít vào và thở ra, nó có hô hấp tại tế bào, vận chuyển O2 và CO2 giữa mao mạch phổi và tế bào, và thông khí. Cả 3 giai đoạn này đều có liên quan đến CO2, như vậy việc theo dõi CO2 trong khí thở ra có thể cho ta thấy một phần bức tranh về quá trình hô hấp. Tất nhiên bức tranh sẽ đủ đầy hơn nếu có thêm Pulse Oximetry.
Capnography có hai hệ thống khác nhau là mainstream và sidestream (xem hình), dù là hệ thống nào thì nguyên lý đo cũng giống nhau.
(Hệ thống mainstream và sidestream – trong sidestream, sẽ có ống dẫn hút khí khoảng 50-500ml/phút, và vì cần thời gian khí chạy trong ống đến sensor, nên nó có delay time.)
Capnography giống với Pulse Oximetry, tuy nhiên nó sử dụng chùm hồng ngoại bước sóng 4.26 micro mét vì CO2 hấp thu tốt tia ở bước sóng này (xem hình). Chùm tia chiếu qua mẫu khí (mẫu khí này được lấy liên tục), dựa trên lượng tia bị hấp thu người ta xác định được nồng độ của CO2. Từ đó tính được áp lực riêng phần. Vì áp lực riêng phần của CO2 trong quá trình hít vào và thở ra biến đổi có chu kỳ mà Capnography lại đo liên tục, từ đây họ xây dựng được đồ thị dạng sóng(capnogram) thể hiện sự biến thiên áp lực riêng phần CO2 theo thời gian ( như hình bên dưới )
Hãy xem xét các giai đoạn của 1 capnogram bình thường: (hình dung một chút về quá trình hít vào và thở ra các bạn sẽ hiểu điều này dễ dàng hơn)
Gd1: khí thở ra là khí khoảng chết ở trong ống NKQ và đường dẫn khí, vì lượng khí này không tham gia trao đổi khí nên CO2 = 0.
Gd2: sau khi thở khí khoảng chết là giai đoạn chuyển tiếp có sự hòa trộn giữa khí khoảng chết và khí trong phế nang, PCO2 (áp lức riêng phần CO2) tăng lên.
Gd3: thở ra khí trong phế nang, ở người bình thường thì hình ảnh trên capnogram có dạng bình nguyên. Cuối giai đoạn này trị số PCO2 thường cao nhất, gọi là EtCO2
Gd4: hít vào, khí đi vào không có CO2 nên PCO2 nhanh chóng rớt xuống 0.
Hình ảnh của các Capnogram trong một vài trường hợp đặc biệt (xem hình)
EtCO2
– Bình thường EtCO2 khá tương quan với PaCO2 và thường thấp hơn PaCO2 2-5 mmHg (khoảng 30-43 mmHg) do ảnh hưởng của khoảng chết, V/Q, và do shunt sinh lý…
– Vì CO2 được tạo ra từ quá trình chuyển hóa trong cơ thể, được vận chuyển trong máu đến mao mạch phổi để trao đổi khí, và được thải ra ngoài qua quá trình thông khí, các yếu tố ảnh hưởng đến các quá trình này đều ảnh hưởng đến EtCO2:
· Tại mức độ tế bào, rõ ràng CO2 chỉ được sinh ra từ quá trình chuyển hóa, nên mọi yếu tố ảnh hưởng đến chuyển hóa đều ảnh hưởng đến EtCO2, chuyển hóa càng tăng thì EtCO2 càng cao và ngược lại (vd: mức độ chuyển hóa nền, thuốc, thân nhiệt, bệnh lý…)
· Trong quá trình vận chuyển CO2: cung lượng tim và tưới máu phổi… sẽ ảnh hưởng lên giá trị EtCO2 (Ví dụ: trong thuyên tắc phổi giá trị EtCO2 sẽ giảm xuống đột ngột do một phần máu không đến được mao mạch phổi để trao đổi khí, nhưng PaCO2 lại cao)
· Tiếp theo là thông khí: các tình trạng làm tăng hay giảm thông khí đều dẫn đến làm giảm hay làm tăng giá trị CO2 tương ứng. (Xem hình bên dưới). Ngoài ra còn có những yếu tố về thiết bị ảnh hưởng đến giá trị này (xin được nói ở một bài khác )
Cardiogenic oscillation
Xuất hiện vào pha 4 của 1 capnogram, khi tim bóp sẽ đè đẩy lên phổi gây ra hình ảnh này.
Có thể thấy hinh ảnh này ở bệnh nhân nhi đang thông khí cơ học với tần số thở thấp và thời kỳ thở ra kéo dài

Thường do giảm thông khí, tăng tốc độ chuyển hóa, hoặc tăng thân nhiệt nhanh (tăng thân nhiệt ác tính)

Thường do tăng thông khí, có thể gặp ở giảm chuyển hóa hoặc hạ thân nhiệt

Đặt NKQ vào thực quản

“dò khí”
dò cuff hoặc chọn ống NKQ quá nhỏ

Thở lại CO2, thường gặp do bình vôi hết hạn.
(EtCO2 cũng tăng)

Co thắt phế quản

Các nguyên nhân làm tăng giảm EtCO2

Advertisement

Bonus thêm
Khoảng chết: Gồm khoảng chết giải phẫu, khoảng chết phế nang và khoảng chết cơ học, trong đó khoảng chết giải phẩu được tạo ra bởi các cấu trúc không tham gia vào trao đổi khí (khí quản, phế quản chính -> phế quản tận), khoảng chết Phế nang: là phế nang nhưng lại không thực sự trao đổi khí do bệnh lý của phế nang hay do thiếu tưới máu, và khoảng chết cơ học: mọi yếu tố nằm sau đầu chữ Y đều làm tăng khoảng chết cơ học như ống nkq, đầu lọc khuẩn…
Thông khí/tưới máu (V/Q): thể hiện mối tương quan giữa lượng khí trong phế nang và lượng máu trong mao mạch phổi. Nếu hoàn hảo thì tỷ lệ này là 1, tuy nhiên do thông khí và tưới máu không giống nhau giữa các vùng phổi nên chung quy lại tỷ lệ này bình thường là 0.8 .
Bất cứ khi nào vùng nào được thông khí mà không được tưới máu thì gọi là khoảng chết (thuyên tắc phổi, ngưng tim…).
Vùng được tưới máu mà không được thông khí là shunt (xẹp phổi, tắc do đàm, ống nkq đặt vào phế quản chính..)
CO2 có khả năng kích thích hô hấp nhưng nó chỉ kích thích hô hấp khi PaCO2 < 100 mmHg mà thôi, trên giá trị này nó sẽ ức chế hô hấp.
CHỦ ĐỀ GÂY MÊ HỒI SỨC
Tác giả: BS. Bùi Văn Nam
Mọi người muốn thảo luận thì vào group: https://www.facebook.com/groups/diendanbacsitrevietnam/
Muốn xem lại các bài viết dễ hơn thì vào website: https://vypo.ykhoa.org

Giới thiệu Diễn đàn Bác sĩ trẻ Việt Nam

Y khoa không phải là một nghệ thuật, Y khoa là một khoa học thật sự, một khoa học vô cùng phức tạp đòi hỏi người hành nghề y phải khéo léo vận dụng kiến thức để không bỏ qua cơ hội cứu chữa người bệnh. Nếu mỗi người y khoa Việt Nam góp lên một tiếng nói, liên kết lại, chúng ta có thể thay đổi căn bản giáo dục Y khoa nước nhà. Hãy tham gia với chúng tôi tại: https://www.facebook.com/groups/diendanbacsitrevietnam

Check Also

[Cập nhật] Xuất huyết tiêu hoá-nội soi càng sớm càng tốt?

XUẤT HUYẾT TIÊU HÓA: NỘI SOI CÀNG SỚM CÀNG TỐT? (phần 1_nghiên cứu) Với suy …