Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường típ 2 được dự đoán sẽ tiếp tục tăng và cứ ba người Singapore thì có một người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường trong đời. Một số biến chứng tim mạch chuyển hóa thời còn trẻ giúp xác định các quần thể có nguy cơ cao và áp dụng các chiến lược phòng ngừa bệnh đái tháo đường trọng điểm.
Trong số các nhóm có nguy cơ cao có những phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường khi mang thai, thường được gọi là đái tháo đường thai kỳ. So với nhóm phụ nữ khỏe mạnh nói chung, những phụ nữ này có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường típ 2 cao gấp 10 lần.
Đến hiện tại nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, thay vì dùng đồ uống có đường và ngọt nhân tạo, uống hai đến năm tách cà phê chứa caffein hoặc không chứa caffein mỗi ngày lành mạnh hơn, có tiềm năng trong việc trì hoãn sự khởi phát hoặc ngăn ngừa bệnh đái tháo đường típ 2
Điều này có thể là do các thành phần hoạt tính sinh học trong cà phê, chẳng hạn như polyphenol, là vi chất dinh dưỡng thực vật tự nhiên. Các thành phần hoạt tính sinh học là các loại hóa chất được tìm thấy với lượng nhỏ trong thực vật và một số loại thực phẩm, chẳng hạn như trái cây, rau, quả hạch, dầu và ngũ cốc nguyên hạt, và chúng có thể tăng cường sức khỏe.
Thức uống thông thường và phổ biến này dường như làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường típ 2 trong dân số nói chung. Tuy nhiên, liệu nó có lợi ở những phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ hay không vẫn chưa được biết.
Để điều tra vấn đề này, Giáo sư Cuilin Zhang, Giám đốc Trung tâm Toàn cầu về Sức khỏe Phụ nữ Châu Á (GloW) và là giáo sư Khoa Sản phụ khoa tại Trường Y Yong Loo Lin, Đại học Quốc gia Singapore (NUS Medicine), cùng với nhóm của bà tại GloW, phối hợp với Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan và Viện Y tế Quốc gia (NIH), đã xem xét vai trò của việc tiêu thụ cà phê dài hạn sau đợt thai kì có biến chứng và nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường típ 2 sau đó ở những phụ nữ có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra thêm mối liên hệ giữa việc sử dụng cà phê với bệnh đái tháo đường típ 2 bằng cách thay thế đồ uống có đường thông thường bằng cà phê. Các phát hiện từ nghiên cứu này đã được công bố gần đây trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ: “Một nghiên cứu tiền cứu về thói quen uống cà phê và nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường típ 2 ở những người có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ”
Trong nghiên cứu của họ, các nhà nghiên cứu đã theo dõi hơn 4.500 người tham gia chủ yếu là phụ nữ da trắng có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ trong hơn 25 năm và kiểm tra mối liên hệ giữa việc uống cà phê trong thời gian dài với nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường típ 2 sau đó.
Việc tiêu thụ cà phê chứa caffein ở phụ nữ sau khi mang thai, được phát hiện là có tỉ lệ nghịch với nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường típ 2. So với những người hoàn toàn không uống cà phê chứa caffein, trong số những người uống một tách cà phê chứa caffein hoặc ít hơn, hai đến ba cốc và bốn cốc trở lên mỗi ngày, có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường típ 2 lần lượt giảm 10%, 17 % và 53%.
Điều thú vị là cà phê không chứa caffein không liên quan đến nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường típ 2 trong nghiên cứu của họ. Tuy nhiên, phát hiện vô giá trị này có thể là do số lượng phụ nữ tiêu thụ cà phê không chứa caffein tương đối ít, do đó nghiên cứu không thể phát hiện ra mối liên quan đáng kể nào.
Quan trọng hơn, việc thay thế đồ uống có đường và ngọt nhân tạo bằng cà phê chứa caffein cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh, 10% đối với một cốc đồ uống có đường nhân tạo và 17% đối với một cốc có đường.
Giáo sư Zhang lưu ý rằng: “Cho đến nay, những phát hiện tổng quan cho thấy rằng cà phê chứa caffein, khi được tiêu thụ đúng cách (2-5 tách mỗi ngày, không đường và sữa nguyên kem/giàu chất béo), có thể được xem là một lối sống tương đối lành mạnh cho một số người nhất định,”
Giáo sư Zhang kết luận: “Vai trò có lợi của cà phê đã được biết đến nhất định giữa các nhóm dân số khác nhau, bao gồm cả người châu Á. Cà phê là thức uống phổ biến được lựa chọn ở Singapore, nhưng văn hóa và hành vi uống cà phê của địa phương có thể khác nhau giữa các cá nhân, chẳng hạn như phương pháp pha cà phê, tần suất uống và các loại gia vị khác đi kèm trong cà phê. Vì vậy, cần có nhiều nghiên cứu hơn để xem xét vai trò của việc tiêu thụ cà phê trong bối cảnh địa phương với các kết quả y tế chính”.
Bổ sung vào quan điểm của Giáo sư Zhang, Dr. Jiaxi Yang, tác giả đầu tiên của nghiên cứu và là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại GloW và Khoa Sản phụ khoa tại NUS Medicine, cho biết: “Mặc dù cà phê được coi là một lựa chọn thay thế có tiềm năng lành mạnh hơn cho đồ uống có đường, nhưng lợi ích sức khỏe của cà phê khác nhau và phụ thuộc nhiều vào loại và lượng gia vị, như đường và sữa, mà bạn thêm vào cà phê của mình.” Dr. Yang hiện đang lãnh đạo nhóm làm việc về Dinh dưỡng và Lối sống tại Glow.
Tuy nhiên, khi uống cà phê với số lượng quá nhiều cũng đáng lo ngại. Cần nhấn mạnh thêm rằng một số nhóm nhất định nên cẩn thận khi uống cà phê. Không có nhiều thông tin về tác dụng của cà phê đối với thai kỳ, thai nhi và trẻ em.
Nguồn thông tin:
Tài liệu do Đại học Quốc gia Singapore, Trường Y Yong Loo Lin cung cấp. Lưu ý: Nội dung có thể được chỉnh sửa về phong cách và độ dài.
Tài liệu tham khảo:
- The American Journal of Clinical Nutrition
Jiaxi Yang, Deirdre K Tobias, Shanshan Li, Shilpa N Bhupathiraju, Sylvia H Ley, Stefanie N Hinkle, Frank Qian, Zhangling Chen, Yeyi Zhu, Wei Bao, Jorge E Chavarro, Frank B Hu, Cuilin Zhang. Habitual coffee consumption and subsequent risk of type 2 diabetes in individuals with a history of gestational diabetes – a prospective study, 2022
DOI:https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0002916523037024?via%3Dihub
Nguồn: https://www.sciencedaily.com/releases/2022/12/221213094806.htm
Người dịch: Dương Minh Minh – Võ Thị Thảo Ngân
Hiệu đính: BS. Huỳnh Lê Thái Bão
Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – vui lòng không reup khi chưa được cho phép!