Bổ sung vitamin D bằng đường uống gần như giảm đi một nửa tỉ lệ tự tử và tự hại có chủ đích trong một nghiên cứu về các cựu chiến binh Mỹ, với hiệu quả rõ rệt hơn ở các cựu chiến binh người da đen.
Nghiên cứu thuần tập hồi cứu cũng chỉ ra rằng liều lượng bổ sung vitamin D hằng ngày cao hơn dường như đem đến khả năng bảo vệ tốt hơn đối với nguy cơ tự tử và tự hại so với liều lượng thấp hơn, có tác dụng cao hơn ở những người thiếu hụt hoặc không đủ vitamin D cơ bản và việc bổ sung cả vitamin D2 (ergocalciferol) và D3 (cholecalciferol) cũng có hiệu quả.
“Là một loại thuốc tương đối an toàn, dễ tiếp cận và giá cả phải chăng, nghiên cứu bổ sung vitamin D tại [Cơ quan quản lý cựu chiến binh] có thể có tiềm năng nếu được xác nhận trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng để ngăn chặn các hành vi cố gắng tự tử và hành động tự tử” – tiến sĩ Jill E. Lavigne và tiến sĩ Jason B. Gibbons trình bày trong phần nghiên cứu của họ và đăng tải trực tuyến vào ngày 1 tháng 2 trên PLoS One.
Trong khi chờ đợi những cuộc thử nghiệm xác minh, họ khuyên: “Các nhà chăm sóc sức khỏe có thể nên bắt đầu bổ sung vitamin D ở dạng liều thấp, ví dụ, ở mức [nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị] của Mỹ là 600 IU mỗi ngày, mà không cần sàng lọc ở những bệnh nhân có tiền sử hành vi tự tử hoặc có ý định tự tử hoặc những người có dấu hiệu cảnh báo về hành vi tự tử.”
Nhóm chuyên trách về dịch vụ phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ khuyến cáo không nên sàng lọc vitamin D định kỳ, và trong cuộc đánh giá của 11 thử nghiệm, không tìm thấy sự khác biệt nào ở các cộng đồng khác nhau về tỉ lệ tử vong hay tỷ lệ trầm cảm trong việc bổ sung vitamin D.
Tuy nhiên, “các đối tượng trong các nghiên cứu đó đã bổ sung đủ lượng vitamin D nên họ không hề bị thiếu hụt. Đó là một hạn chế lớn và là lý do tại sao cần phải nghiên cứu thêm. Bài báo của chúng tôi sử dụng dữ liệu đời thực,” Lavigne của Trung tâm Cựu chiến binh xuất sắc về Phòng chống tự tử ở thành phố Canandaigua, New York, nói với tạp chí y khoa Medscape Medical News.
Một phần ba quân nhân bị thiếu hụt vitamin D
Xấp xỉ một phần ba quân nhân Hoa Kỳ đã được chứng minh là có mức 25-hydroxyvitamin D [25(OH)D] dưới 20 ng/mL, được cho là thiếu hụt.
Thiếu hụt vitamin D đặc biệt phổ biến ở nam giới và những người có làn da sẫm màu. Cùng lúc đó, tỷ lệ tự tử cũng như hành vi tự sát của các quân nhân và cựu chiến binh tăng cao, Lavigne và Gibbons lưu ý trong bài báo của họ.
Gibbons, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Khoa Quản lý & Chính sách Sức khỏe, Đại học Johns Hopkins, Baltimore, Maryland, có nói với Medscape Medical News: “Ít nhất đã có một vài dấu hiệu cho thấy vitamin D là một chất bổ sung tiềm năng cho bệnh trầm cảm giúp những người mắc bệnh trầm cảm nặng cải thiện tốt hơn. Vì vậy, có khả năng những tác động to lớn mà chúng ta đang thấy có phần tùy thuộc vào việc đây là một nhóm người mắc bệnh trầm cảm nặng hơn lúc ban đầu.”
Khi được yêu cầu bình luận, giáo sư, thạc sĩ, bác sĩ Michael F.Holick của trường Y khoa Chobanian & Avedissian trực thuộc đại học Boston, Massachusetts, nói với Medscape Medical News: “Theo cá nhân tôi thì đây là ấn phẩm cực kỳ quan trọng vì nhiều lý do khác nhau. Chỉ với một nhóm đối tượng thôi nhưng con số là vô cùng lớn.”
Holick lưu ý rằng đã có tranh cãi trong tài liệu về việc liệu vitamin D2 (ergocalciferol) có hiệu quả như D3 (cholecalciferol) hay không, nhưng nghiên cứu này lại ủng hộ nghiên cứu trước đây của ông cho thấy chúng có hoạt tính tương đương nhau. “Điều này bây giờ cũng chứng minh rằng vitamin D2 có hiệu quả như vitamin D3 trong trường hợp giảm nguy cơ tự tử.”
Hơn nữa, Holick cho biết, “Khi bạn nhìn vào biểu đồ hiển thị tỷ lệ tự tử so với các nhóm chứng, thật ấn tượng…nguy cơ giảm gần 50%… Nghiên cứu này có tầm ảnh hưởng rất lớn.”
Sự chênh lệch “đáng kinh ngạc” về tỷ lệ hành vi tự sát ở nhóm dùng vitamin D so với nhóm chứng.
Bằng việc sử dụng dữ liệu sức khỏe điện tử, Lavigne và Gibbons đã tiến hành nghiên cứu thuần tập hồi cứu cho 1,3 triệu cựu chiến binh Hoa Kỳ trong giai đoạn 2010 đến 2018. Có khoảng 490,885 cựu chiến binh được bổ sung vitamin D3 (cholecalciferol) cùng 169,241 cựu chiến binh được bổ sung vitamin D2 (ergocalciferol) được so sánh trực tiếp với các cựu chiến binh có nhân khẩu học và tiền sử bệnh tương tự nhưng không được bổ sung.
Tỷ lệ hành vi tự sát không thành/tự hại có chủ đích trong mẫu D2 là 0,27% đối với những người được điều trị so với 0,52% đối với những người không được điều trị. Tỷ lệ phần trăm tương ứng cho D3 lần lượt là 0,20% so với 0,36%.
Bổ sung vitamin D2 có liên quan đến việc giảm 48,8% nguy cơ tự tử/tự hại, và vitamin D3 thì giảm 44,8%, cả hai đều là những con số rất có ý nghĩa (P<0,001). Việc giảm thiểu nguy cơ là tương tự cho cả nam và nữ.
Tuy nhiên, có sự khác biệt theo chủng tộc. Hiệu quả bổ sung của cựu chiến binh người da đen thì lớn hơn so với cựu chiến binh người da trắng, với việc giảm nguy cơ tự tử/tự hại lần lượt là 57,9% so với 46,3% (đối với vitamin D2) và 63,8% so với 38,7% (đối với vitamin D3).
Và theo mức vitamin D huyết thanh cơ bản, trong số những người bị thiếu hụt (0-19 ng/mL) thì vitamin D3 có liên quan đến việc giảm đáng kể 64,1% so với nhóm chứng không điều trị. Mỗi điểm phần trăm tăng thêm trong liều trung bình hàng ngày có liên quan đến việc giảm nguy cơ nhiều hơn 13,8%, con số này cũng rất đáng kể.
Đối với các cựu chiến binh có nồng độ vitamin D cơ bản trong máu là 20-39 ng/mL, trong khi mối liên quan tổng thể là không đáng kể, việc bổ sung vitamin D3 có liên quan đến việc giảm đáng kể 9,6% nguy cơ có hành vi tự sát và tự hại với mỗi điểm phần trăm tăng thêm trong liều lượng trung bình hằng ngày.
Trong số những người có đủ vitamin D (≥ 40 ng/mL), không có mối liên hệ đáng kể nào về tổng thể hoặc liều – đáp ứng giữa vitamin D2 hoặc D3 và nguy cơ tự tử/tự hại.
Nghiên cứu này được hỗ trợ 1 phần nguồn lực từ Trung tâm xuất sắc về Phòng chống tự tử của Bộ Cựu chiến binh. Việc hỗ trợ dữ liệu VA/CMS được cung cấp bởi Bộ Cựu chiến binh, Dịch vụ Phát triển và Nghiên cứu dịch vụ Y tế, Trung tâm Tài nguyên Thông tin VA được trao cho Lavigne và Gibbons. Holick đã nhận được tài trợ nghiên cứu từ Carbogen và Solius, đồng thời là cố vấn cho Pulse và Solius.
Nguồn: https://www.medscape.com/viewarticle/987738#vp_2
Người dịch: Nguyễn Bình Minh – Trần Gia Minh
Người hiệu đính: Bác sĩ Đỗ Trung Kiên
Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – vui lòng không reup khi chưa được cho phép!