[Bệnh học] SUY NGẪM VỀ LE CELL VÀ BỆNH TỰ MIỄN!

Rate this post

SUY NGẪM VỀ LE CELL VÀ BỆNH TỰ MIỄN!

Bs. Phan Trúc
Tuần vừa qua, may mắn được quý bạn đồng nghiệp từ BV Nhân Dân 115 gửi tặng bộ lam tuyệt đẹp về LE cell. Thấy có cảm hứng để viết đôi dòng về tế bào kỳ lạ này.
LE cell là viết tắt của Lupus Erythematosus cell, như trong tên gọi đã cho thấy nó có liên hệ mật thiết với Lupus ban đỏ – Một hình mẫu của bệnh lý tự miễn. Được phát hiện lần đầu trong tuỷ xương năm 1948 bởi Malcolm McCallum Hargraves tại Mayo Clinic (Hoa Kỳ), vì vậy nó còn có tên là tế bào Hargraves. Nó là gì và vì sao lại bí ẩn như thế?
Như trong hình chúng ta thấy, đây là một tế bào (a) đang chứa “vật thể bất thường khác (b)” trong bào tương. Vậy đó là gì?
Sau này khi LE cell còn tìm thấy được ở nhiều vị trí khác, như dịch màng phổi, màng tim,.. chúng ta biết rằng hiện tượng LE cell là một bạch cầu hạt (polymorphonuclear leukocytes) (a) thực bào lấy nhân của tế bào khác (b). Điều kỳ lạ nhất ở đây là tại sao nhân của một tế bào (trong cơ thể) lại có thể thoát ra ngoài để bị bắt giữ bởi bạch cầu hạt? Hiện tượng này đã mở ra một hướng đi mới về vai trò của nhân tế bào trong bệnh sinh của các bệnh tự miễn, mà trước hết là lupus ban đỏ hệ thống (gọi tắt là SLE).
Xem xét lại về SLE, chúng ta thấy bệnh cảnh nổi bật với sự viêm và phá huỷ cơ quan liên quan đến các tự kháng thể chống lại nhân tế bào (Antinuclear antibodies hay ANAs). Rất nhiều thành phần của nhân tế bào trở thành tiêu điểm của các kháng thể tự miễn như chuỗi kép DNA (anti-ds DNA); các kháng nguyên nhân có thể chiết xuất (Anti-Ro/SS-A, anti-La/SS-B, Anti-Sm, Anti-nRNP/anti-U1-RNP, Anti-Scl-70/anti-topoisomerase I, Anti-Jo-1); protein histone (Anti-histone antibodies); màng nhân (Anti-gp210 and anti-p62); tâm động (Anti-centromere antibodies); thể nhân (Anti-sp100); exosome (Anti-PM-Scl)… những tự kháng thể này hiện diện trong đa dạng các bệnh lý tự miễn khác nhau. Điều này có thể không quá bất ngờ, bởi vì nhân tế bào là một thành phần nội bào, chưa từng được “trình diện” trước đây, sự xuất hiện của nó hoàn toàn có thể là đích ngắm của hệ miễn dịch.
Chính sự hiểu biết sâu hơn về bệnh sinh của bệnh tự miễn mà tiêu chuẩn chẩn đoán đã có nhiều thay đổi. LE cell trước đây vẫn là một tiêu chuẩn quan trọng trong chẩn đoán SLE mãi đến năm 1997, khi sự phát hiện các kháng thể tự miễn đã thay thế LE cell do độ nhạy thấp của nó. Nhưng LE cell vẫn còn là một câu chuyện chưa có hồi kết? Bởi vì tại sao nhân tế bào lại có thể thoát ra nguyên vẹn như vậy được? Sàng lọc lại các kiểu chết tế bào “được lập trình” thì chúng ta biết rằng nó không thể là apoptosis (tiếng Hy lạp nghĩa là “rơi rụng” như chiếc lá rơi; xin xem lại bài giảng: https://www.youtube.com/watch?v=DIKaKAXP14o&t=1556s), bởi vì trong apoptosis, các thành phần nội bào đã được “xử lý”, phân mảnh, được màng tế bào bọc lại trong các túi để không tiếp xúc với hệ miễn dịch. Một cái nhân trọn vẹn đó trong LE cell làm chúng ta liên tưởng nhiều hơn đến kiểu chết của pyroptosis
Advertisement
[“pyro” = fire (ngọn lửa) và “ptosis” = falling (suy tàn)]; cách thức “tự sát” này đặc biệt ở chỗ, chúng đục lỗ màng tế bào, bộc lộ “tung toé” các thành phần bên trong với hai mục tiêu (1) tiêu diệt các thành phần ẩn nấp trong nội bào (như virus? đột biến?…) và thêm nữa (2) bộc lộ các “thành tố bí ẩn” này cho hệ miễn dịch huy động đáp ứng thêm vào.
Đến đây, câu hỏi còn bỏ ngõ là:
1. Liệu pyroptosis có phải là “mảnh vá” trong bệnh sinh của lupus cũng như các bệnh tự miễn?
2. Tác nhân nào đã làm tế bào phải “tự sát”? Có mối liên quan giữa vi sinh vật và bệnh tự miễn hay không?
Đã hơn 70 năm từ ngày phát hiện LE cell, chặng đường của bệnh tự miễn dường như chỉ mới bắt đầu!

Giới thiệu Diễn đàn Bác sĩ trẻ Việt Nam

Y khoa không phải là một nghệ thuật, Y khoa là một khoa học thật sự, một khoa học vô cùng phức tạp đòi hỏi người hành nghề y phải khéo léo vận dụng kiến thức để không bỏ qua cơ hội cứu chữa người bệnh. Nếu mỗi người y khoa Việt Nam góp lên một tiếng nói, liên kết lại, chúng ta có thể thay đổi căn bản giáo dục Y khoa nước nhà. Hãy tham gia với chúng tôi tại: https://www.facebook.com/groups/diendanbacsitrevietnam

Check Also

[Cập nhật] Xuất huyết tiêu hoá-nội soi càng sớm càng tốt?

XUẤT HUYẾT TIÊU HÓA: NỘI SOI CÀNG SỚM CÀNG TỐT? (phần 1_nghiên cứu) Với suy …