Một thai phụ 34 tuổi đến gặp bạn vì ngứa ngón trỏ và ngón giữa bàn tay phải trong suốt 2 tháng qua. Bệnh nhân cũng nhận thấy rằng bàn tay phải đang yếu đi và bắt đầu làm rơi đồ vật như cốc cà phê. Ngoài các vấn đề trên, bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh và không có bất kỳ chấn thương nào.
- Chẩn đoán có khả năng nhất là gì?
- Cơ chế giải phẫu?
LỜI GIẢI ĐÁP:
Hội chứng ống cổ tay (Carpal Tunnel Syndrome)
Tóm tắt: Một thai phụ phàn nàn ngứa và yếu ngón trỏ và ngón giữa bàn tay phải.
- Chẩn đoán có khả năng nhất: Hội chứng ống cổ tay
- Cơ chế giải phẫu:thần kinh giữa bị chèn ép khi đi qua ống cổ tay
TƯƠNG QUAN LÂM SÀNG
Nguyên nhân hay gặp nhất cho các triệu chứng của bệnh nhân này là hội chứng ống cổ tay. Ống cổ tay là một khoang cố định và hẹp ở cổ tay, chứa dây thần kinh giữa và 9 gân cùng với bao hoạt dịch của chúng. Bất kỳ tình trạng nào làm giảm không gian sẵn có trong ống cổ tay đều có thể gây chèn ép thần kinh giữa, gây tê và đau ở vùng nhận cảm da, yếu các cơ (do thần kinh giữa chi phối, đặc biệt là ngón tay cái) và nếu chèn ép kéo dài sẽ dẫn đến teo cơ. Tuy nhiên, chúng tôi không tập trung vào bệnh thần kinh trong trường hợp này. Thần kinh giữa có thể bị chèn ép ở một số vị trí dọc theo chiều dài của nó từ đám rối cánh tay đến bàn tay, nhưng ống cổ tay là vị trí thường gặp nhất. Hội chứng ống cổ tay đã được chứng minh là liên quan tới các tình trạng thay đổi nội tiết như đái tháo đường, suy giáp trạng, cường giáp trạng, to viễn cực, và thai nghén. Các nguyên nhân khác bao gồm bệnh tự miễn, u mỡ trong ống cổ tay, tụ máu và bất thường xương cổ tay. Tỷ lệ Nữ/Nam= 3:1.
Điều trị ban đầu là sử dụng nẹp đệm ban đêm của cổ tay và tránh vận động bàn tay quá tầm. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm, có thể phải chỉ định xẻ hãm gân gấp (giải phóng ống cổ tay).
TIẾP CẬN: Ống cổ tay
MỤC TIÊU
- Mô tả được các cấu trúc tạo nên và đi qua ống cổ tay
- Mô tả được đường đi, các nhánh, và chi phối cơ của thần kinh giữa ở cẳng tay và bàn tay
- Mô tả được các vùng da được nhận cảm bởi thần kinh giữa ở bàn tay
- Mô tả được đường đi của thần kinh trụ ở cổ tay cũng như liên quan của nó với ống cổ tay
ĐỊNH NGHĨA
BỆNH THẦN KINH (NEUROPATHY): bao gồm bất kỳ bệnh hoặc rối loạn nào của hệ thần kinh ngoại vi
HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY: thần kinh giữa bị kẹt trong ống cổ tay, dẫn đến đau, dị cảm và yếu cơ
TEO CƠ:mất mô cơ, thường là hậu quả của việc không được sử dụng, thứ phát do mất chi phối thần kinh
BÀN LUẬN
Ống cổ tay được tạo nên ở phía sau bởi bề mặt lõm của các xương cổ tay (xem lại giải phẫu của các xương này trong case 3). Giới hạn trước của ống được tạo nên bởi sự dày lên của cân sâu, tạo nên hãm gân gấp (hay dây chằng ngang cổ tay). Hãm gân gấp được gắn ở phía ngoài với củ xương thuyền và củ xương thang, và gắn ở phía trong với xương đậu và móc xương móc. Ống cổ tay là một kênh dẫn chứa 9 gân cùng với bao hoạt dịch của các cơ gấp của ngón cái và các ngón tay: 4 gân của cơ gấp các ngón tay nông (FDS) và 4 gân của cơ gấp các ngón tay sâu (FDP), gân cơ gấp ngón cái dài (FPL) và thần kinh giữa. Hãm gân gấp (và hãm gân duỗi ở mặt mu tay) ngăn không cho “dây cung” (bowstringing) của các gân cơ bàn tay ngoại lai bật ra khỏi cổ tay (Hình 4-1).
Thần kinh giữa (C6 đến T1) được tạo nên bởi bó ngoài và bó trong của đám rối cánh tay. Nó đi về phía xa dọc theo cánh tay cùng với động mạch cánh tay và đi vào hố trụ ở trong động mạch này. Thần kinh giữa cũng có nguy cơ bị tổn thương
- vùng hố trụ. Nó đi vào cẳng tay giữa các đầu của cơ sấp tròn và sau đó đi xuống cẳng tay giữa FDS và FDP. Ở cẳng tay, thần kinh giữa chi phối cho tất cả các cơ của khoang trước, ngoại trừ cơ gấp cổ tay trụ và bó cơ đến ngón nhẫn và ngón út của cơ gấp các ngón tay sâu. Khi đến gần ống cổ tay ở cổ tay, thần kinh giữa nằm ngay phía trong gân cơ gấp cổ tay quay và hơi phía sau gân cơ gan tay dài, nếu có. Thần kinh giữa đi vào bàn tay qua ống cổ tay cùng với gân của FDS, FDP, và
FPL và có nguy cơ bị rách ở cổ tay và nguy cơ bị chèn ép trong ống cổ tay ở dưới hãm gân gấp (dây chằng ngang cổ tay). Thông thường, nhánh cho ô mô cái của thần kinh giữa tách ra ở xa hãm gân gấp và ống cổ tay để chi phối cho 3 cơ: đầu nông cơ gấp ngón cái ngắn, cơ giạng ngón cái ngắn và cơ đối chiếu ngón cái. Các cơ giun của ngón trỏ và ngón giữa nhận chi phối thù nhánh tách ra từ thần kinh gan ngón chung liền kề.
Phần còn lại của thần kinh giữa chia thành các thần kinh gan ngón tay chung cho da của ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và mặt phía xương quay của ngón nhẫn, bao gồm cả giường móng mặt mu của chúng. Da của gan bàn tay và ô mô cái được nhận cảm bởi nhánh bì gan tay của thần kinh giữa, nhánh này thường tách ra từ thần kinh giữa ở phía xa của cẳng tay và không đi qua ống cổ tay. Như vậy, cảm giác da gan bàn tay còn nguyên vẹn chứng tỏ thần kinh giữa bị chèn ép ở
ống cổ tay, trong khi mất cảm giác của gan bàn tay cho thấy tổn thương nằm ở cao hơn.
Tổn thương thần kinh giữa ở phần trên cẳng tay làm mất động tác sấp, yếu động tác gấp cổ tay và nghiêng trong (nghiêng trụ), mất động tác gấp tại khớp gian đốt ngón gần của ngón trỏ, ngón giữa, ngón nhẫn
và ngón út, và mất động tác gấp tại khớp gian đốt ngón xa của ngón trỏ và ngón giữa. Tổn thương thần kinh giữa ở phần trên cẳng tay hoặc ở cổ tay cũng sẽ dẫn đến mất động tác gấp, giạng và đối chiếu ngón cái; và mất động tác gấp tại khớp bàn ngón của ngón trỏ và ngón giữa. Mất chức năng của thần kinh giữa dẫn đến “bàn tay ban phước lành – benediction” (ngón trỏ và ngón giữa duỗi, trong khi ngón nhẫn và ngón út gấp) khi yêu cầu bệnh nhân nắm tay lại và “bàn tay khỉ – ape hand” (khớp bàn ngón duỗi, các khớp gian đốt ngón gần và xa gấp) do tổn thương kéo dài kèm theo teo các cơ ô mô cái (Hình 4-2).Thần kinh trụ chi phối cho tất cả các cơ nội tại bàn tay mà chưa được đề cập ở trên. Nó đi vào bàn tay ở phía trước hãm gân gấp và đi ở bên trong động mạch trụ. Động mạch và thần kinh trụ được che phủ ở phía trước bởi cấu trúc do cân cẳng tay kết tụ lại, gọi là dây chằng gan cổ tay. Do đó, thần kinh và động mạch trụ nằm trong ống Guyon, được giới hạn phía trước bởi dây chằng gan cổ tay, phía sau bởi hãm gân gấp, phía trong bởi xương đậu, và phía ngoài bởi móc xương móc.
Tài liệu tham khảo:
Eugene C. Toy, MD
Vice Chair of Academic Affairs and Program Director Houston Methodist Hospital Obstetrics and Gynecology Residency Program Houston, Texas
Clinical Professor and Clerkship Director Department of Obstetrics and Gynecology University of Texas Medical School at Houston Houston, Texas
John S. Dunn Senior Academic Chair St. Joseph Medical Center Houston, Texas
Lawrence M. Ross, MD, PhD
Adjunct Professor Department of Neurobiology and Anatomy University of Texas Medical School at Houston, Texas
Han Zhang, MD
Associate Professor, Research Department of Neurobiology and Anatomy University of Texas Medical School at Houston, Texas
Cristo Papasakelariou, MD, FACOG
Clinical Professor, Department of Obstetrics and Gynecology University of Texas Medical Branch Galveston, Texas Clinical Director of Gynecologic Surgery St.Joseph Medical Center Houston, Texas
Tham khảo bản dịch của nhóm “Chia sẻ ca lâm sàng”
Xem tất cả case lâm sàng tại:
https://ykhoa.org/category/khoa-hoc/ca-lam-sang/