[Case lâm sàng 173] Viêm amidan tái diễn (Recurrent Tonsillitis)

Rate this post

Một cậu bé 7 tuổi được đưa đến bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng sau khi trải qua nhiều đợt viêm amidan tái diễn với áp xe quanh amidan. Theo mẹ bệnh nhi, đã có 7 đợt nhiễm trùng trong 8 tháng qua, tất cả đều đã được điều trị bằng kháng sinh. Sau khi bàn bạc phương pháp điều trị với gia đình, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khuyên cắt amidan (tonsillectomy). Phẫu thuật cắt amidan sau đó xảy ra tai biến chảy máu từ giường phẫu thuật, và bệnh nhi bị mất vị giác tạm thời ở phần sau của lưỡi. Hiện tại bệnh nhi tiến triển rất tốt và không phàn nàn gì.

  • Chảy máu trong khi phẫu thuật cắt amidan là từ mạch máu nào?
  • Tại sao bệnh nhi này bị mất vị giác tạm thời?

LỜI GIẢI ĐÁP:

Viêm amidan tái diễn (Recurrent Tonsillitis)

Tóm tắt: Một cậu bé 7 tuổi hiện đang trong giai đoạn hậu phẫu của phẫu thuật cắt amidan vì viêm amidan tái diễn. Phẫu thuật có tai biến chảy máu và mất vị giác tạm thời 1/3 sau của lưỡi. Hiện tại bệnh nhi tiến triển rất tốt

  • Chảy máu trong mổ là từ: tĩnh mạch khẩu cái ngoài
  • Mất vị giác tạm thời: do chèn ép dây thần kinh thiệt hầu (IX)

TƯƠNG QUAN LÂM SÀNG

Đối với các bệnh nhân viêm amidan tái diễn hoặc áp xe quanh amidan (>4 đợt/ năm), có thể chỉ định cắt amidan. Mặc dù cắt amidan được coi như một phẫu thuật thường quy, nhưng không phải là không có biến chứng và rủi ro. Do đó, cần thiết phải nắm được giải phẫu vùng hầu họng để giảm thiểu tối đa các tai biến và biến chứng. Giường amidan là vị trí cực kỳ giàu mạch máu và chảy máu trong mổ thường gặp nhất là từ tĩnh mạch khẩu cái ngoài xuất phát từ mặt ngoài của giường amidan. Ngay cả khi không có tổn thương trực tiếp, sự chèn ép do phù nề cũng có thể gây ra tổn thương tạm thời như trong case này. Chèn ép các nhánh của thần kinh thiệt hầu sẽ gây ra mất vị giác tạm thời ở phần sau của lưỡi. Khi tình trạng sưng nề tăng, sẽ gây tổn thương thần kinh nặng hơn. Nhiều mạch máu, thần kinh và cấu trúc quan trọng nằm gần với amidan, và vì thế phải cẩn thận để tránh gây ra tổn thương.

TIẾP CẬN:

Các amiđan (hạnh nhân)

MỤC TIÊU

  • Mô tả được các phần của hầu
  • Liệt kê được các cơ vùng hầu
  • Mô tả được các thành phần của vòng amidan
  • Xác định được cấp máu cho vùng hầu, đặc biệt là nhánh đi qua giường amidan
  • Xác định được các thần kinh sọ chi phối vận động và cảm giác cho vùng hầu

BÀN LUẬN

Hầu là một khoang trong đầu, nối khoang miệng và khoang mũi với thực quản và khí quản. Các khoang chứa đầy khí trong xương thái dương (tức là hòm nhĩ và xoang chũm) kết nối với hầu thông qua vòi nhĩ (ống nhĩ hầu). Các thành của hầu được lót bởi niêm mạc. Sâu hơn lớp niêm mạc là tập hợp một vài mô lympho tạo nên vòng bạch huyết quanh hầu, giúp hệ thống miễn dịch sẵn sàng để chống lại các tác nhân gây bệnh (Hình 49-1).

Giới hạn trên của hầu là nền sọ. Các cơ của thành hầu tạo thành một hình nón hẹp dần về phía thực quản. Cơ chân bướm trong củng cố cho thành ngoài của tỵ hầu. Thân của các đốt sống cổ củng cố cho thành sau. Thành trước bị gián đoạn bởi lỗ. Một lỗ thông với khoang mũi, một lỗ khác thông với khoang miệng, và lỗ thứ thông với thanh quản. Vì vậy, hầu được chia thành 3 vùng tương ứng: hầu mũi

(tỵ hầu), hầu miệng (khẩu hầu) hầu thanh quản (thanh hầu). Tỵ hầu và khẩu hầu liên tiếp với nhau nhưng được ngăn cách bởi sự nâng lên của khẩu cái mềm trong khi nuốt để ngăn sự trào ngược của thức ăn và dịch vào tỵ hầu. Khẩu hầu và thanh hầu liên tiếp với nhau. Sự hạ xuống của sụn nắp thanh quản trong khi nuốt sẽ ngăn cách khẩu hầu và thanh hầu ngăn không cho thức ăn và dịch được hít vào khí quản và phổi.

Thành hầu được tạo bởi 3 cơ khít hầu: trên, giữa và dưới. Phần dưới của cơ khít hầu dưới dày lên khi nó hợp nhất với thực quản, hình thành nên một cơ thắt gọi là cơ nhẫn hầu. 3 cơ khít hầu này được xếp chồng lên nhau giống như kem ốc quế. Giữa mỗi cặp cơ là các khoảng trống có nhiều thành phần quan trọng đi qua. Khoảng trống giữa cơ khít hầu trên và xương chẩm có các cấu trúc sau đi qua: vòi nhĩ (ống nhĩ hầu), cơ nâng màn khẩu cái,động mạch khẩu cái lên. Giữa cơ khít hầu trên và giữa là thần kinh thiệt hầu và cơ trâm hầu. Giữa cơ khít hầu giữa và dưới là thần kinh thanh quản trongđộng mạch thanh quản trên. Thần kinh thanh quản quặt ngược động mạch thanh quản dưới đi lên ở sâu hơn cơ khít hầu dưới.

Mô lympho vây quanh hầu thường được gọi vòng bạch huyết Waldeyer, được tạo nên bởi 3 khối mô lympho gồm hạnh nhân hầu (cũng được gọi là hạch hạnh nhân họng – adenoids khi tăng kích thước), các hạnh nhân khẩu cái, và hạnh nhân lưỡi. Hạnh nhân hầu nằm ở trần và thành sau của tỵ hầu. Lỗ mở của vòi nhĩ vào tỵ hầu được bảo vệ bởi một hạnh nhân. Các hạnh nhân khẩu cái nằm ở thành trước của khẩu hầu ở giữa cung khẩu cái hầu và cung khẩu cái lưỡi. Hạnh nhân lưỡi nằm ở dưới lớp niêm mạc của 1/3 sau lưỡi.

Hầu được cấp máu từ nhiều nguồn khác nhau, hầu hết là các nhánh của động mạch cảnh ngoài, đặc biệt là động mạch hàm trên, động mạch mặt, động mạch lưỡi, và động mạch giáp trên. Các cơ khít hầu cũng được cấp máu từ các nhánh của động mạch cổ sâu và động mạch giáp dưới. Đối với nghi ngờ trong case này, các mạch quan trọng nhất là các nhánh hạnh nhân và khẩu cái lên của động mạch mặt. Phẫu thuật cắt bỏ hạnh nhân khẩu cái (người dân vẫn thường gọi là amiđan) có thể gây tổn thương nhánh hạnh nhân, gây mất máu nhiều. Dẫn lưu tĩnh mạch của hầu đi song song với cấp máu động mạch tương ứng. Ngoài ra, có một đám rối tĩnh mạch hầu trải rộng trên mặt sau của các cơ khít hầu. Tĩnh mạch khẩu cái ngoài đi xuống dọc theo mặt ngoài của hạnh nhân khẩu cái để đổ vào đám rối tĩnh mạch. Vì vậy, những mạch này có thể bị tổn thương trong phẫu thuật cắt amidan, cũng gây ra mất máu nhiều.

Chi phối thần kinh cho hầu đến từ nhánh của thần kinh sọ IX và X. Thần kinh thiệt hầu (IX) cho các nhánh cảm giác chung chi phối cho niêm mạc hầu. Những nhánh này góp phần tạo nên đường truyền vào của cung phản xạ

Advertisement
hầu họng (gag reflex). Thần kinh IX cũng chi phối vị giác cho 1/3 sau của lưỡi. Dây thần kinh này thoát ra khỏi hộp sọ qua lỗ cảnh và đi xuống dọc theo cơ trâm hầu để đi qua khoảng trống giữa cơ khít hầu trên và cơ khít hầu giữa. Thần kinh lang thang (X) tách ra các nhánh vận động tự chủ cho các cơ khít hầu. Những nhánh này góp phần tạo nên đường truyền ra của cung phản xạ hầu họng. Thần kinh X cũng thoát ra khỏi hộp sọ từ lỗ cảnh nhưng đi xuống trong bao cảnh. Khi đi xuống, nó tách ra các nhánh để tạo nên đám rối hầu trên mặt sau của hầu. Trong case này, sưng nề do phẫu thuật cắt amidan đã chèn ép vào nhánh vị giác của thần kinh IX, gây mất vị giác ở 1/3 sau của lưỡi.

Tài liệu tham khảo:

Eugene C. Toy, MD

Vice Chair of Academic Affairs and Program Director Houston Methodist Hospital Obstetrics and Gynecology Residency Program Houston, Texas

Clinical Professor and Clerkship Director Department of Obstetrics and Gynecology University of Texas Medical School at Houston Houston, Texas

John S. Dunn Senior Academic Chair St. Joseph Medical Center Houston, Texas

Lawrence M. Ross, MD, PhD

Adjunct Professor Department of Neurobiology and Anatomy University of Texas Medical School at Houston, Texas

Han Zhang, MD

Associate Professor, Research Department of Neurobiology and Anatomy University of Texas Medical School at Houston, Texas

Cristo Papasakelariou, MD, FACOG

Clinical Professor, Department of Obstetrics and Gynecology University of Texas Medical Branch Galveston, Texas Clinical Director of Gynecologic Surgery St.Joseph Medical Center  Houston, Texas

Tham khảo bản dịch của nhóm “Chia sẻ ca lâm sàng”

Xem tất cả case lâm sàng tại:

https://ykhoa.org/category/khoa-hoc/ca-lam-sang/

Giới thiệu nguyentrungtin7

Check Also

[Xét nghiệm 59] Hormon tạo hoàng thể (LH)

HORMON TẠO HOÀNG THỂ (LH) (Hormone lutéinisante / Luteinizing Hormone) Nhắc lại sinh lý Hormon …