[Chia sẻ, nghiên cứu] Những việc không tên

Rate this post
Cứ mỗi sáng thứ Bảy (và Chủ Nhật) tôi đem lại tin vui cho vài người. Lần này là tin mừng cho một nhóm tác giả Thuỵ Điển và một nhóm khác bên Thái Lan.
Sở dĩ có chuyện đó là vì tôi phụ trách biên tập (tiếng Anh gọi là ‘Academic Editor’) cho vài tập san khoa học, và trong vai trò này tôi phải quyết định chấp nhận cho công bố bài báo hay trả lại bản thảo cho tác giả. Tôi thường làm cái việc này vào ngày cuối tuần, và phải làm vào buổi sáng. Buổi sáng nó giúp cho mình tỉnh táo, nhứt là với tách cà phê, và do đó quyết định ít bị sai.
Nếu quyết định chấp nhận bài báo (acceptance) thì tác giả sẽ vui. Có khi đó là bài báo giúp họ thăng tiến trong sự nghiệp, hay bảo vệ luận án, hay xin thêm tài trợ. Họ vui là phải. Tôi cũng vui vì giúp được vài ‘linh hồn’, hay nói theo cách nói của Má tôi lúc sanh tiền là ‘tích đức’. Sáng nay, 2 bài báo về sự thay đổi chuyển hoá xương ở bệnh nhân tiểu đường (nhóm Thuỵ Điển) và một bài về vitamin D ở bệnh nhân viêm gan (nhóm Thái Lan) được chấp nhận sau 2 lần bình duyệt. Vậy là mình tích đức chút rồi.
Nhưng cũng có khi (thật ra là ‘nhiều khi’) tôi từ chối bài báo và trả lại bản thảo cho tác giả. Và, như vậy là tôi đem lại tin buồn cho tác giả. Tin buồn đó có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp của họ — không nhiều thì ít. Tin buồn đó có thể làm cho việc bảo vệ luận án bị kéo dài hơn. Có thể mất cơ hội được đề bạt. Nhưng nếu tất cả 2-3 chuyên gia bình duyệt đề nghị bác bỏ, thì tôi trong vai trò editor không có lựa chọn nào khác là phải từ chối bài báo. Thỉnh thoảng tôi dùng quyền editor bác bỏ bình duyệt (nếu họ phê bình vô lí và không công bằng) và quyết định theo cách đánh giá của mình. Tuy nhiên, đa số các chuyên gia làm việc rất nghiêm túc, nên tôi thường theo đề nghị của họ.
Viết thư chấp nhận thì rất dễ, nhưng viết thư từ chối thì rất khó. Viết sao cho họ thấy mình cũng cố gắng nhưng không cứu được, và họ có cơ hội ở tập san khác. Cứ mỗi lần từ chối bài báo, tôi cố gắng viết một lá thư rất tình cảm để tác giả thông cảm nỗi lòng của mình. Vậy mà thỉnh thoảng tôi vẫn bị tác giả viết thư chửi vì từ chối bài báo của họ, nhưng số này thì không nhiều và mình phải chấp nhận ‘sống chung với lũ’ thôi. Kinh nghiệm tôi cho thấy tác giả Á châu và Âu châu là lịch sự nhứt, còn tác giả Mĩ và Canada thì tương đối phách và khó chịu nếu bản thảo của họ bị từ chối.
Trong vai trò editor, tôi có rất nhiều tiếp xúc với các đồng nghiệp trên thế giới. Họ biết đến mình qua những editorial board và phụ trách bản thảo, và thế là nhờ mình làm ‘những việc không tên’ (và không lương) cho họ. “Họ” ở đây là các cơ quan hay quĩ tài trợ khoa học. Mấy quĩ lớn như NIH, NHMRC, Wellcome Trust, Bill & Melinda Gates Foundation thì cứ nhờ vả hoài thôi. Họ nhờ tôi bình duyệt các đề cương xin tài trợ. Còn các quĩ nhỏ hơn từ Á (Tân Tây Lan, China, Hồng Kông, Thái Lan, Singapore) sang Âu (Hà Lan, Ái Nhĩ Lan, Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy, Thuỵ Điển, Tiệp, Ba Lan) cũng nhờ mình cho ý kiến các đề cương nghiên cứu. Chỉ có Việt Nam là không nhờ vả thôi.
Tôi thường hay ‘lenient’ với các đề cương từ các nước kém phát triển vì một phần là đồng nghiệp mình cần tiền để nghiên cứu, một phần khác là giúp họ xây dựng nội lực khoa học. Chẳng hiểu sao tôi rất ‘thương’ các bạn Tiệp và Ba Lan, tôi chưa bao giờ nghị bác bỏ đề cương của họ.
Biên tập, bình duyệt, và phục vụ trong các hội đồng biên tập là một phần của hoạt động khoa học. Những việc này đa số là không có lương và thường là tự nguyện. Tôi đặt nó là ‘việc không tên’. Tuy là không tên và không lương nhưng những việc đó là một vế quan trọng trong đề bạt các chức danh khoa học và quan trọng trong việc xin tài trợ khoa học. Trong xét duyệt đề bạt và tài trợ, người ta rất kị những ứng viên cứ cắm đầu cắm cổ công bố, mà không có đóng góp gì cho khoa học qua các vai trò bình duyệt và biên tập.
Advertisement
Những lí do từ chối bản thảo bài báo khoa học. Hơn 3/4 là do phương pháp.
Một lá thư từ chối của một tập san kinh tế bên Tàu. Đọc rất vui. Tôi hỏi thật hay giả thì người gởi thư này nói là thật 100%.

Tạm dịch: “Chúng tôi đã đọc bản thảo bài báo của bạn với sự vui sướng vô bờ bến.

Nếu chúng tôi công bố bài báo của bạn, thì chúng tôi sẽ không thể công bố bất cứ bài báo nào có chất lượng thấp hơn trong tương lai.

Và, khó tưởng tượng rằng trong 1000 năm nữa, chúng tôi có thể tìm được một bài báo nào tương đương (với bài của bạn).

Chúng tôi đau lòng và bắt buộc phải trả lại bạn tác phẩm thần thánh này, và vái lạy bạn ngàn lần vì sự thiển cận và kém cỏi của chúng tôi.”

Hihi

Giới thiệu Huỳnh Tâm Nguyện

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …