[Chuyện nghành Y] 7 NĂM CHIẾN ĐẤU CÙNG BỆNH TROPICAL SPRUE

Rate this post

7 NĂM CHIẾN ĐẤU CÙNG BỆNH TROPICAL SPRUE

Chúng tôi gặp em vào khoảng đầu hè năm ngoái.
Cách đây 7 năm, khi em lên 13 tuổi thì triệu chứng tiêu chảy xuất hiện. Em đã đi khám rất nhiều nơi nhưng vẫn không rõ chẩn đoán. Em đến khám tại bệnh viện Nhi Đồng 1 thì đuợc giới thiệu qua bệnh viện Chợ Rẫy để nội soi ruột non. Ruột non của em khi ấy teo gần hết các nhung mao nên bác sĩ nghi ngờ em bị bệnh Tropical Sprue (tiêu chảy nhiệt đới). Em đuợc điều trị với steroids và cotrimoxazole thì giảm triệu chứng nhưng thường xuyên tái phát. Năm ngoái, em bị một đợt tiêu chảy kéo dài nhưng không thuyên giảm với phác đồ cũ nên em đến khám tại bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
Ấn tượng ban đầu về em là một trường hợp suy dinh dưỡng nặng, kèm hội chứng kém hấp thu toàn thể. Khi tiếp cận, chúng tôi điều trị tetracycline cho em theo hướng Tropical Sprue. Sau 2 tuần, em vẫn chưa cải thiện gì nhiều trong khi theo y văn thì bệnh Tropical Sprue sẽ sớm cải thiện với kháng sinh tetracycline hay doxycycline. Lật lại vấn đề, liệu rằng ngoài Tropical Sprue có bệnh nào giải thích đuợc hiện tượng teo nhung mao ruột non + hội chứng kém hấp thu hay không. Tra cứu y văn thì chúng tôi nghĩ một số khả năng:
1. Celiac sprue
2. Collagenous sprue
3. Unclassified sprue
4. Tropical sprue bội nhiễm kí sinh trùng
Chúng tôi tầm soát hết các xét nghiệm huyết thanh, phân chẩn đoán các tác nhân nhiễm trùng đuờng ruột thông thường nhưng tất cả đều âm tính. Em cũng đuợc thử huyết thanh chẩn đoán bệnh Celiac và kết quả cũng âm tính. Thế là chúng tôi nghĩ đến nhóm bệnh Collagenous Sprue nên khởi động steroid. Thật bất ngờ khi triệu chứng của em thuyên giảm khá nhiều trong vòng 1-2 tuần sau điều trị steroid. Tuy nhiên, sau đó triệu chứng tiêu chảy của em lại tái phát kèm theo đau quặn bụng rất dữ dội. Chúng tôi lại gửi em sang bệnh viện Chợ Rẫy để nội soi ruột non thì kết quả cũng tương tự như 5 năm trước với hình ảnh teo toàn bộ nhung mao ruột non. Lúc này, mọi hy vọng gần như đóng sập lại…
Khi tất cả gần như đã buông xuôi thì ánh sáng cuối đuờng hầm loé lên. Kết quả giải phẫu bệnh ruột non của em ngoài bệnh Tropical Sprue đã biết thì còn có hình ảnh nhiễm giun lươn. Thế là phác đồ điều trị giun lươn ngay lập tức đuợc khởi động và thật ngoạn mục khi các triệu chứng của em gần như biến mất chỉ sau 5 ngày. Sau đó, em đuợc xuất viện và tiếp tục hoàn thành 6 tháng điều trị bệnh Tropical Sprue với kháng sinh doxycycline.
Ngày hôm nay, em đến khoa để rút buồng tiêm dưới da. Kết thúc điều trị, em tăng 24kg và trở về cuộc sống bình thường. Niềm vui vỡ oà của tập thể khoa Tiêu Hoá bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, xin chia sẻ cùng mọi người.
Advertisement
Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến quý đồng nghiệp khoa Tiêu Hoá và Nội Soi bệnh viện Chợ Rẫy đã hỗ trợ nội soi ruột non cho em, góp phần chẩn đoán chính xác bệnh. Lời cuối cùng, xin chân thành cảm ơn TS.BS Võ Thị Ngọc Diễm- bộ môn Giải Phẫu Bệnh trường Đại Học Y Dược TP.HCM, người đã phát hiện ra tình trạng nhiễm giun lươn trên hình ảnh giải phẫu bệnh, bước ngoặt trong việc điều trị cho trường hợp này.
(*): hình ảnh đăng tải đã được sự đồng ý của bệnh nhân.
Link bài viết: https://www.facebook.com/groups/ylamsang/permalink/1154977458281544/
Trân trọng cảm ơn bài chia sẻ này của BS. Nguyễn Đình Chương trên Diễn đàn y khoa !

Giới thiệu Trần Thanh Hoàng Linh

Check Also

[Cấp cứu] SỐC NHIỄM TRÙNG

SỐC NHIỄM TRÙNG Bài viết này khá tốt cho những bạn mới bắt đầu tiếp …