BẤT NGỜ THÚ VỊ VỀ COVID 19
Nguồn: Khoa Điều trị Rối loạn Nhịp BV Chợ Rẫy
Dịch Covid 19 đang tàn phá kinh hoàng trên thế giới. Đa số chúng ta đều nghĩ bệnh này ảnh hưởng đến hô hấp và ít liên quan đến tim mạch. Nhưng sự thật có phải vậy không? Sẽ có nhiều bất ngờ thú vị về cơ chế xâm nhập và khả năng gây chết người của virus này. Nhưng có một sự thật chúng ta phải công nhận là thế giới vẫn còn rất mù mờ về SARS-CoV 2, các hiểu biết hiện tại đều dựa trên nghiên cứu về SAR-CoV qua các đại dịch SARS 2003, MERS ở Trung Đông,… (xem sơ đồ trước sẽ dễ hiểu hơn, chú ý Angiotensin I và Ang-(1-7) là 2 chất khác nhau)
Về cơ chế xâm nhập tế bào: giống như virus SARS-CoV, virus SARS-CoV 2 gắn kết với men ACE2 (angiotensin converting enzyme 2) (nghe quen quen há 😁) với ái lực cao hơn rất nhiều. Một khi bám được vào ACE2, “spike protein” (không biết dịch ra là gì, thoát nghĩa có thể là protein xuyên phá màng tế bào) của virus sẽ được mồi bởi men TMPRSS2 giúp virus kết dính (fusion) vào màng tế bào.
Về tác dụng của men ACE2: đây là một men giúp chuyển hóa Angiotensin II thành Ang-(1-7). Ang-(1-7) có tác dụng đối kháng với Angiotensin II. Nó làm giãn mạch, giảm viêm, giảm oxy hóa, giảm tăng sinh và chống xơ hóa.
Dựa trên hiểu biết về corona virus qua đại dịch SARS, MERS,… các nhà khoa học phát hiện ra SARS-CoV gắn kết vào ACE2 làm cho lượng Angiotensin II tăng lên và giảm Ang-(1-7). Hậu quả là gia tăng phản ứng viêm, kích thích tế bào chết theo chương trình (apoptosis), suy giảm hoạt động tế bào nội mạc làm mất chức năng hàng rào bảo vệ. Kích hoạt cơn bão cytokine và đáp ứng viêm quá mức. Đây là cơ chế chính gây tổn thương phổi cấp và ARDS. Men ACE2 có ở nhiều cơ quan, nhưng đặc biệt rất nhiều ở phổi nên điều này giải thích tại sao phổi rất nhạy cảm với Covid 19.
Dựa trên các nghiên cứu báo cáo gần đây cho thấy những bệnh nhân Covid 19 nặng có tỉ lệ cao mắc tăng huyết áp đang uống ACEI/ARB kèm theo. Cơ chế tại sao vẫn chưa rõ, nhưng nhiều nghiên cứu báo cáo ACEI/ARB làm tăng ACE2 ở động vật và người. Mà Covid 19 xâm nhập tế bào qua men ACE2 nên đây có thể là cơ chế giải thích tại sao bệnh nhân tăng huyết áp dễ bị viêm phổi nặng hơn. Hiện tại vẫn chưa có guideline nào khuyến cáo ngưng ACEI/ARB chuyển qua nhóm khác như chẹn Calci, lợi tiểu,… để điều trị THA nhiễm Covid 19.
Mặt khác, cũng có giả thuyết trái ngược lại là ARB chẹn thụ thể AT1 của Angiotensin II làm gia tăng ACE2 lại là cơ chế bảo vệ phổi trước Covid 19. Điều này có thể được giải thích qua 2 cơ chế sau: 1) virus gắn kết ACE2 làm giảm lượng ACE2, ARB chẹn thụ thể AT1 làm cho lượng Angiotensin II tăng lên, feedback ngược lại làm cho ACE2 tăng lên do nhu cầu chuyển hóa Angiotensin II thành Ang-(1-7) (bất hoạt tác dụng của Angiotensin II) => lượng ACE2 được phục hồi. 2) gia tăng tổng hợp Ang-(1-7).
Hiện tại giới khoa học đang bàn cãi rất nhiều về 2 giả thuyết trái ngược này. Nhưng tất cả đều đồng ý là Ang-(1-7) có vai trò cực quan trọng trong bảo vệ phổi trước Covid 19. Do đó, chiến lượt sử dụng Ang-(1-7) hoặc các chất mimetics (giả Ang-(1-7)) đang được xem xét sử dụng để ngăn tổn thương phổi cho nhóm bệnh nhân nguy cơ cao.