[COVID-19] CẢ NƯỚC TRONG MỘT ĐÊM KHÔNG NGỦ

Rate this post

CẢ NƯỚC TRONG MỘT ĐÊM KHÔNG NGỦ
sợ hãi nguy hiểm hơn nhiều so với COVID-19
====================================

BS Trần Văn Phúc

Vào lúc 22 giờ đêm ngày 6 tháng 3, Chính quyền Hà Nội họp khẩn cấp, EOC Việt Nam phải làm việc đến 3 giờ sáng sau đó nghỉ 2 tiếng rồi lại bắt đầu làm việc từ 5 giờ, trước đó bệnh nhân số 17 nhiễm SARS-CoV-2 được công bố.

Hà Nội có một đêm mất ngủ…

Sau một đêm, số người nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn thế giới tăng chóng mặt, lên tới 101.606 người, lan ra 92 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 3.484 người chết.

Chiều mùng 7 tháng 3: Việt Nam công bố bệnh nhân số 18.
Sẩm tối mùng 7 tháng 3: công bố tiếp bệnh nhân số 19 và 20.

Hàng ngày, tin tức về dịch bệnh COVID-19 dường như đang lan nhanh hơn cháy rừng, những thông tin đáng sợ ấy đã kích hoạt bản năng sinh tồn, gây ra cơn ác mộng tập thể trong tất cả các cộng đồng.

Thực tế, ngay khi dịch bệnh được công bố, chính quyền Trung Quốc nơi xuất xứ của chủng coronavirus mới đã triển khai chiến tranh nhân dân, áp dụng biện pháp phòng chống dịch tối nghiêm khắc và tối triệt để, thực hiện cách li ban đầu 43 triệu công dân, sau đó là 53 triệu, rồi cách li luôn một loạt thành phố. Việt Nam cũng đã công bố dịch ở quy mô quốc gia, thời điểm xảy ra dịch được tính từ ngày 23 tháng 1 năm 2020, mức độ nguy hiểm của dịch được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu. Ngay sau đó, Chính phủ Việt Nam cùng với Bộ Y tế triển khai hàng loạt các biện pháp mạnh, quyết chặn dịnh từ biên giới không cho xâm nhập vào lãnh thổ, những ổ dịch nhỏ sẽ khống chế và có những biện pháp dập thật mạnh để dịch không bùng phát.

Tôi tin những biện pháp này chắc chắn có hiệu quả.

Dịch bệnh đã diễn ra 2 tháng, Việt Nam là quốc gia có chung đường biên giới dài nhất với Trung Quốc, giao thương và hoạt động dân sự giữa 2 nước cũng ở tần xuất rất cao, nhưng đến thời điểm trước ngày 6 tháng 3 vẫn chỉ vỏn vẹn có 16 ca dương tính đã điều trị khỏi; đó là thành công bước đầu trong việc kiểm soát dịch, có những thời điểm tôi tin COVID-19 sẽ kết thúc sớm hơn so với dự kiến ban đầu.

Nhưng,…

Khi dịch bùng phát ở Hàn Quốc thì tôi biết cuộc chiến sẽ gian nan và kéo dài.

Rồi đến Ý và Iran, tôi dự đoán châu Âu không thể kiểm soát dịch, Tây và Trung Á càng khó để kiểm soát, ngay cả Mỹ cũng đang chật vật đối đầu.

Coronavirus chủng mới rất đáng sợ, bởi nó mới xuất hiện, nên có nhiều điều chúng ta chưa biết về nó. Nhưng với 3.484 ca tử vong trong tổng số 101.606 ca bệnh được phát hiện, tỉ lệ chết do COVID-19 vào khoảng 3,4% rải khắp 92 quốc gia, thì đó không phải là con số quá lớn. Thử nhìn vào những nguyên nhân tử vong do tai nạn giao thông, do đột quỵ não hay các bệnh tim mạch và tiểu đườn, rõ ràng sẽ lớn hơn nhiều. Tại Mỹ, nơi có 327 người nhiễm bệnh COVID-19 với 16 trường hợp tử vong, nhưng cúm thông thường đã gây bệnh cho 19 triệu công dân, con số tử vong lên tới 10.000 người trong mùa cùm này.

Việt Nam trung bình 21 người chết mỗi ngày do tai nạn giao thông năm 2019.

Rõ ràng, nỗi sợ hãi trong cộng đồng chẳng khác gì virus, nó lây lan với tốc độ khủng khiếp hơn nhiều so với COVID-19. Tôi hiểu điều này, bởi sự vô hình và cách lây lan của coronavirus chủng mới đã kích hoạt bản năng sinh tồn sâu sắc nhất, nguyên thủy nhất ở trong mỗi con người.

Lo lắng, đó là phản ứng rất cần thiết, vì nó giúp chúng ta cảnh giác và thận trọng, có biện pháp đề phòng tích cực thay vì chủ quan và đối phó hời hợt. Nhưng khi sự lo lắng bị đẩy lên quá mức, nó không được kiểm soát bởi lí trí, dẫn tới mất khả năng chứng thực, không còn tỉnh táo để phân tích thông tin dựa trên logic, sự kiện và số liệu trở thành thứ để hù dọa tinh thần, thì đó là mối đe dọa nghiêm trọng không chỉ với cá nhân, mà còn hết sức nguy hiểm cho cộng đồng.

Như tôi đã dự báo, con số người nhiễm bệnh trên lãnh thổ Việt Nam sẽ không dừng ở 16 như trước đây, mà nó sẽ còn tăng lên nữa.

Hôm qua là bệnh nhân số 20.
Ngày nay…
Ngày mai và những ngày tiếp theo…

Mới tối hôm qua, trong một bữa tiệc nhỏ liên hoan, 2 người bạn rất thân của tôi phải thốt lên rằng họ đã chán ngấy và tức giận, trong một tiếng thở dài họ có thể đọc hàng loạt những số liệu thống kê.

Tôi để ý ở những bàn khác: COVID-19 là chủ đề duy nhất trong bữa tiệc.

Chẳng ai chú ý đến người chết vì tai nạn giao thông, chết vì cúm, chết vì tiểu đường, mỡ máu, cao huyết áp và tim mạch. Tại sao lại có sự tương phản cực độ trong công chúng như vậy?

Tôi cho rằng, virus bản chất nó là loài quá thông minh, vì nó xuất hiện trên trái đất trước con người nhiều tỉ năm, số lượng cũng lớn hơn gấp nhiều tỉ lần. Nghĩa là, virus hiểu về con người khá chính xác. Nhưng ngược lại, sự hiểu biết của chúng ta về virus lại rất lơ mơ, không chính xác.

Con người khi đo lường về sự rủi ro luôn có những cách khác nhau.

Một trong những cách đó là nỗi sợ hãi bị kích hoạt. Tất nhiên, nỗi sợ về sự bùng phát của coronavirus đã càn quét Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý và Iran, ngay cả Mỹ Nhật hay những nơi khác trên thế giới, thì nỗi sợ hãi ấy không phải là dấu hiệu của sự bất hợp lý.

Khi nỗi sợ hãi được kích hoạt, một loạt những phím tắt được bật lên trong suy nghĩ, chỉ để đo lường sự nguy hiểm. Điều này là vô thức, bởi sợ hãi là cảm xúc bản năng nguyên thủy nhất của con người, bản năng ấy mạnh hơn rất nhiều so với tưởng tượng của chúng ta. Thế giới bên ngoài đầy những rủi ro, lớn và nhỏ; các phím tắt giúp chúng ta tìm kiếm những vấn đề mình quan tâm, nhưng không phải vấn đề nào cũng đúng và tốt.

Coronavirus là điển hình cho nỗi sợ hãi bị kích hoạt.

Đầu tiên là phím tắt về trực giác và định kiến. Nỗi sợ hãi SARS-CoV-2 làm chúng ta tập trung vào các mối đe dọa, tìm kiếm bất kì nguyên nhân nào gây dịch bệnh và lây nhiễm. Điều này có thể khiến chúng ta nghiện những tin tức xấu, càng những tin tồi tệ nhất, tiêu cực nhất thì lại càng kích thích sự quan tâm nhất; và như vậy, mối nguy hiểm về COVID-19 có cảm giác càng ngày càng lớn hơn bởi định kiến đã khắc sâu trong trí não.

Sau đó là phím tắt về cảm xúc. Đánh giá SARS-CoV-2, vì đó là virus chủng mới nên với các nhà khoa học, đó luôn là vấn đề vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, công chúng với bộ não bị kích hoạt bởi nỗi sợ hãi, dường như điều gì cũng có thể dễ dàng phán đoán và đưa ra kết luận. Nỗi sợ hãi đã biến trực giác thành cảm xúc, nên mọi vấn đề sẽ được suy diễn theo cách hợp lí và mặc định đó là sự thật, ngay cả khi nó ngược lại với dữ liệu khoa học.

Tiếp theo là phím tắt về ám thị. Khi mối nguy hiểm thể hiện sự đặc biệt đau đớn và đáng lo ngại, chúng ta sẽ bị ám thị, luôn nghĩ nguy cơ có thể xảy ra với mình. Thông tin về COVID-19 thường mang những hình ảnh u ám, như chợ hải sản ở Vũ Hán bị đóng cửa, lệnh phong tỏa cả một thành phố, bệnh viện quá đông, số ca mắc mới và tử vong tăng vọt. Mối đe dọa của virus không được chúng ta hiểu đầy đủ, càng mù mờ, thì càng tự ám thị nó đang đe dọa trực tiếp đến bản thân, có thể chết đến nơi.

Đến đây chúng ta đã bắt đầu hiểu, rằng tại sao ở nước Mỹ văn minh người ta sợ chết vì khủng bố hơn nhiều so với chết vì tai nạn giao thông. Theo số liệu thống kê năm 2017 ở nước Mỹ, trung bình mỗi ngày có 102 người chết vì tai nạn giao thông, trong khi cả năm mới có 95 người chết vì khủng bố. Tất cả những điều đó, là ảnh hưởng của cảm giác khi trải nghiệm các mối đe dọa, nó không phải là số liệu thống kê rủi ro, mà là cảm giác rủi ro.

Điều tương tự cũng đúng với đại dịch COVID-19, người ta sẽ sợ hãi hơn nhiều so với cúm mùa quen thuộc, so với các bệnh mãn tính như tiểu đường hay tim mạch, hoặc so với tai nạn giao thông.

Mỗi ngày trong bệnh viện, tôi phải tiếp xúc với hàng chục bệnh nhân sốt virus các chủng loại, tất cả đểu rất dễ lây nhiễm, nhưng tôi hay các nhân viên y tế khác chưa ai sợ hãi hay bỏ cuộc vì điều này. Ngay cả khi những dịch bệnh nguy hiểm có sức hủy diệt kinh khủng như SARS năm 2003, MERS-CoV 2015, hay Ebola với tỉ lệ tử vong đến 34%, thì cả ở Việt Nam cũng như khắp thế giới, tôi chưa thấy hiện tượng nhân viên y tế đào ngũ.

COVID-19 cũng chưa có một y bác sĩ nào bỏ trốn.

Ngược lại, họ vẫn siết chặt tay nhau, cùng tiến về tiền tuyến, quyết tâm giành chiến thắng, cho dù đã có nhiều người nằm xuống, nhưng chưa một ai vì sợ hãi mà lùi lại phía sau.

Công chúng lại không như vậy, họ đang bị nỗi sợ hãi đe dọa vượt ngoài tầm kiểm soát, nguy cơ bùng phát mạnh hơn cả dịch bệnh, có thể gây ra phản ứng nguy hiểm tương tự, khiến mọi người tìm cách lấy lại quyền kiểm soát.

Một trong những cách kiểm soát đó là đổ xô đi mua tích trữ.

Ngay buổi sáng thứ 7 hôm qua, tôi đi một vòng khảo sát sự hoảng loạn của người dân, rồi kiểm chứng bằng cách vào một siêu thị nhỏ nhặt 2 túi nước xà phòng rửa tay, xếp hàng thanh toán từ lúc 8 giờ nhưng phải đến 10 giờ 30 xong. Tôi để ý, người mua hàng ít nhất là một bà già, tổng số tiền 1,7 triệu; có những cặp vợ chồng mua 4-5 triệu là bình thường.

Tôi nhận thấy có 2 lí do để người dân đi mua hàng tích trữ. Một là họ sợ dịch bệnh xảy ra, tôi gặp những người sợ đến nỗi không dám bước ra khỏi cửa đi đổ rác, mẹ con không dám đứng gần nhau quá 2m, vợ chồng phải mỗi người một buồng và cấm khẩu, vì thế họ phải mua tích trữ đồ để ăn và dùng dần. Hai là, tâm lí sợ dịch bệnh khan hàng sẽ tăng giá, nên thà mua tích trữ trước với giá mới chỉ tăng 30-40%, còn hơn là sau này đắt gấp vài lần. Cả hai trường hợp này, đều là hậu quả của nỗi sợ hãi làm cho lú lẫn.

Một cách kiểm soát khác là kiểm soát những điều mất kiểm soát.

Sợ hãi không chỉ làm cho công chúng bất tuân những hướng dẫn của chuyên gia, mà còn vượt xa hơn, họ cho mình quyền được yêu cầu Bộ Y tế phải làm thế này, chỉ đạo Chính phủ phải thế kia, cá nhân hay tập thể ngược lại với họ là sai, là ngu dốt, phải theo ý chủ quan của họ mới đúng.

Một cách kiểm soát nữa là tự ý hành động và phán xét.

Khi công chúng hoảng loạn, sợ hãi và nghi ngờ, họ sẽ mất đi lí trí để nhận biết sự thật, có thể làm những điều nguy hiểm, thậm chí là mê tín, hoang tưởng hoặc phán xét đạo đức. Người mắc bệnh không chỉ là nạn nhân của căn bệnh, mà còn trở thành nạn nhân của một cộng đồng sợ hãi, ngay cả khi bệnh nhân đã hồi phục, vẫn có thể bị xa lánh và phân biệt đối xử. Cộng đồng, thậm chí gia đình, có thể bị xé tan.

Advertisement

Lịch sử đã cho chúng ta thấy điều này, từ các nạn nhân của AIDS, SARS và Ebola. Mới gần đây, dịch Ebola xảy ra ở Cộng hòa Congo năm 2019, công chúng sợ hãi đến mức họ thực hiện 300 cuộc tấn công nhân viên y tế bằng vũ trang, hậu quả làm chết 6 y bác sĩ và bị thương nặng 70 người.

Xa hơn nữa, thế giới đã từng trải qua một thời gian mắc chứng “hysteria AIDS” khá phổ biến, mà câu chuyện đau lòng xảy ra năm 1987 với một gia đình ở Florida (Mỹ), có ba đứa con trai bị nhiễm AIDS đã bị tẩy chay ở trường học, rồi bị đe dọa giết trước khi kẻ thủ ác đánh bom và làm cho ngôi nhà của họ bị thiêu rụi.

Chúng ta sống trong một thế giới với những mối đe dọa ngẫu nhiên: từ tai nạn giao thông, tai nạn thương tích hay bị tấn công, thiên tai, dịch bệnh; tất cả đều là những mất mát bất ngờ, đôi khi không thể giải thích được.

Trước mọi tình huống hiểm nguy, mỗi người hãy cố gắng tìm kiếm sự thật, lắng nghe một cách bình tĩnh, thái độ bình thản với một tâm hồn cởi mở và một trái tim ấm áp. Thay vì chạy trốn khỏi nỗi sợ hãi, hoặc bị mắc kẹt trong đó, hãy học cách đối diện với nó, biến khủng hoảng thành cơ hội, tận dụng những cơ hội ấy để làm điều tốt đẹp cho bản thân và cho cộng đồng.

Việt Nam, kể từ ngày 6 tháng 3 trở lại trước chỉ có 16 ca mắc COVID-19 và đã chữa khỏi, 22 ngày liên tục không ghi nhận ca nhiễm mới. Điều đó đủ để chúng ta thấy rằng, các biện pháp mà Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ ban ngành phối hợp, đã làm rất tốt trong đợt dịch này.

Nhưng sự thật ở trên mặt đất, nó trái ngược với nỗi sợ hãi của một bộ phận công chúng ở trong không gian mạng xã hội, vì thế mà khi có thêm một bệnh nhân số 17 đã làm cho cả nước nhiều người mất ngủ.

Là người trực tiếp làm chuyên môn y tế đã trải nghiệm qua nhiều dịch bệnh, tôi tự tin để nói rằng, Việt Nam đang phòng chống SARS-CoV-2 rất hiệu quả, dịch COVID-19 sẽ không có cơ hội bùng phát ở Việt Nam, chỉ vài chục bệnh nhân mắc so với quốc gia 90 triệu dân, liệu có đáng để công chúng hoảng loạn mất niềm tin.

Kết thúc bài viết, tôi xin đưa ra vài con số tôi tìm được khá thú vị, để các bạn chiêm nghiệm!
——————–

Một trong những ngày tồi tệ nhất trong dịch bệnh COVID-19, đó là ngày 10 tháng 2 năm 2020, coronavirus chủng mới đã giết chết 108 người Trung Quốc.

Nhưng cùng ngày,

– 26.283 người chết vì ung thư
– 24.641 chết vì bệnh tim
– 4.300 người chết vì bệnh tiểu đường

và ngày đó, thật không may, vị thần mang tên “tự tử” đã lấy đi nhiều sinh mạng hơn coronavirus, gấp 28 lần.

Chưa hết,

– Muỗi cắn chết 2.740 người mỗi ngày
– Rắn giết chết 137 người mỗi ngày
– Con người tự giết 1.300 đồng loại mỗi ngày.
————

CUỐI CÙNG: bạn hãy hít một hơi thật sâu và đi rửa tay!

Giới thiệu Thien Khiem

"The original point of love is located beneath our bottom. We can help someone happy. One speech or action or thinking can lessen someone’s melancholy and enhance his or her happiness”.

Check Also

[Medicalnewstoday] Triệu chứng khi nhiễm biến thể Omicron

[Medicalnewstoday] Omicron: Triệu chứng khi nhiễm biến thể này Khi các ca nhiễm trùng biến …