[COVID-19] CHLOROQUINE ĐIỀU TRỊ COVID-19

Rate this post

Chloroquine điều trị Covid-19

BS. Trần Văn Phúc


Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát biểu hôm thứ Năm, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng rằng thuốc chloroquine trước đây dùng để chống sốt rét, nay đã được FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) phê chuẩn để điều trị bệnh COVID-19, nhưng tuyên bố này đã bị FDA bác bỏ.

Trump nói rằng FDA thường mất rất nhiều thời gian để phê duyệt các loại thuốc điều trị, nhưng lần này thì rất nhanh, chloroquine đã được phê duyệt cho bác sĩ kê đơn.

Ngay sau đó, Ủy viên FDA Stephen Hahn cho biết cơ quan này chưa phê duyệt bất cứ thuốc nào để điều trị COVID-19. Ông nói thêm rằng, chloroquine đã được FDA phê duyệt để điều trị các bệnh khác, nên các bác sĩ có thể kê đơn cho bệnh nhân COVID-19 nếu họ muốn. Kê đơn, nhưng sự an toàn và hiệu quả của chloroquine trong điều trị căn bệnh này vẫn chưa được chứng minh.

Ở Việt Nam: chị em đã lao đi mua chloroquine về tích trữ!

Thực ra, thuốc chloroquine đã được Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc chấp thuận từ ngày 19 tháng 2 năm 2020, được quy định rõ trong “Phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi do coronavirus chủng mới – Phiên bản 6”. Theo đó, thuốc chloroquine phosphate 500mg dạng viên uống chỉ định cho người lớn, 2 lần mỗi ngày.

Một phụ nữ trẻ ở Vũ Hán biết được thông tin này, mặc dù không bị nhiễm virus, nhưng cô vẫn mua thuốc trên internet về ăn, hậu quả suýt mất mạng tại phòng hồi sức cấp cứu đặc biệt của bệnh viện.

Câu chuyện xảy ra vào ngày 23 tháng 2 năm 2020.

Huỳnh Hải Đông, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Thành phố Vũ Hán, là bác sĩ trực tiếp cứu sống nạn nhân cho biết, người phụ nữ không có bất cứ dấu hiệu bệnh tật nào khi ở nhà, nhưng vì quá lo sợ cô mua thuốc chloroquine sulfate loại 500mg từ mạng xã hội, mua được 18 viên và uống hết trong 1 ngày. Hậu quả cô bị mê sảng, nhịp tim nhanh rung thất, may mắn được đưa đến bệnh viện kịp thời, cô thoát chết trong gang tấc.

Ở Việt Nam: tài tử điện ảnh Lê Công Tuấn Anh cũng được cho là chết vì loại thuốc này!

CHLOROQUINE LÀ THUỐC GÌ?
—————————————

Hơn 2 ngày nay, chị em thuộc làu 2 tên thuốc hydroxychloroquine và chloroquine, đã có những người đi mua về tích trữ.

Đây là 2 thuốc “anh em”. Bởi vì nó giống nhau về công thức hóa học cơ bản, chỉ khác biệt là hydroxychloroquine có thêm nhóm chức phụ   (-OH) làm cho thuốc dễ ion hóa hơn.

Trước đây, 2 thuốc này được sử dụng để điều trị các bệnh như sốt rét, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp. Để theo dõi lịch sử của thuốc này, chúng ta nên bắt đầu với quinine.

Quinine, thế hệ 7X trở lại ai cũng biết với tên gọi rất quen thuộc “kí ninh” là những viên nén màu vàng nhạt, những người mắc bệnh sốt rét thủ sẵn thuốc trong túi để mỗi khi cơn sốt ập tới là uống 1 viên. Kí ninh còn gắn với những cây rất quen thuộc như cây kí ninh, cây thanh hao hoa vàng, cây canh ki na.

Thuốc quinine thường được chiết suất từ vỏ cây canh ki na.

Ở Việt Nam, canh ki na được người Pháp trồng thí điểm từ năm 1871, nhưng không thành công. Cho đến sau WW1, nhà khoa học A Yersin thí nghiệm trồng ở cao nguyên Lang Bian, rồi di chuyển tới Di Linh, Đơn Dương thì thành công. Năm 1927, Pháp đầu tư nghiên cứu trại giống canh ki na ở Ba Vì, cây dần phát triển phù hợp với thổ nhưỡng ở nhiều nơi, sản lượng sau WW2 có lúc đạt tới 30 ngàn tấn.

Kiến thức khoa học sớm nhất về quinine được biết đến là loại loại thuốc chữa đau khớp, giống như thứ thuốc ‘ma thuật’, lấy từ vỏ cây có tên gọi cinchona ở đất nước Peru.

Dãy núi Andes ở Nam Mỹ, cao hơn 3000 mét so với mực nước biển, có sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm vô cùng lớn. Đây là nơi sinh sản tự nhiên của bệnh sốt rét. Tuy nhiên, người dân bản địa Peru đã phát hiện ra rằng báo đốm và sư tử núi cũng mắc bệnh sốt rét, nhưng lại có khả năng “tự chữa lành” một cách kỳ diệu. Sau khi theo dõi, họ nhận thấy rằng khi báo và sư tử bị bệnh, chúng sẽ leo lên những ngọn núi và nhai vỏ cây để chữa trị. “Cây sự sống” kì diệu này chính là cinchona. Từ đó, người Peru và Ấn Độ bắt đầu bóc vỏ cây ngâm nước để điều trị sốt rét.

Khoảng 400 năm trước, thực dân châu Âu xâm chiếm châu Á và châu Mỹ, nhiều người châu Âu đặt chân lên những lục địa hấp dẫn này, họ bị nhiễm bệnh sốt rét nặng. Năm 1630, Thống đốc Tây Ban Nha bị sốt rét ở Peru, vào thời điểm ông bị bệnh, một cô gái địa phương yêu mến ông đã bí mật chuyển cho người vợ tên là Cinchona Ana một thứ vỏ cây, sau khi sắc nước uống Thống đốc đã thoát khỏi nguy hiểm. Năm 1742 Carl von Linnaeus đặt tên cho cây này là cinchona dựa theo câu chuyện cũ.

Năm 1820 , Pelletier và Caventou là hai dược sĩ người Pháp nổi tiếng đã chiết xuất thành công quinine từ vỏ cây cinchona, loại thuốc chống sốt rét sớm nhất trong lịch sử.

Năm 1894 , một bác sĩ người Anh tên là Payne lần đầu tiên báo cáo sử dụng quinine để điều trị bệnh lupus ban đỏ.

Năm 1934 , các nhà khoa học từ hãng dược phẩm Bayer ở Đức đã phát minh ra một loại thuốc chống sốt rét tổng hợp có cấu trúc hóa học tương tự quinine tự nhiên, nhưng nó an toàn và hiệu quả hơn quinine. Tuy nhiên, thời điểm đó người bệnh thường dùng quá liều, nên độc tính và tác dụng phụ vẫn còn chưa rõ ràng.

Năm 1944 , các nhà khoa học đã phát triển một loại thuốc chống sốt rét mới là hydroxychloroquine, dựa trên chloroquine. Hiệu quả điều trị tương tự như chloroquine, nhưng tác dụng phụ và độc hại đã giảm đáng kể. Thuốc mới thay thế một nhóm ethyl trong chloroquine bằng nhóm hydroxyethyl. Sự khác biệt nhỏ này làm cho hydroxychloroquine dễ ion hóa, tức là khả năng tan trong nước tốt, sẽ giúp hấp thu nhanh hơn ở đường tiêu hóa và phân bố rộng rãi hơn trong cơ thể.

Thời gian sau đó, một phần kí sinh trùng sốt rét đã trở nên kháng với chloroquine. Vào những năm 1960 , sốt rét kháng chloroquine lan rộng ở Đông Nam Á. Năm 1964, chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ bằng “nhiệm vụ 523”, Đồ U U đã phát hiện ra cây thanh hao hoa vàng có chứa artemisinin chống được sốt rét, chính bà đạt được giải Nobel y sinh vào năm 2015.

Từ quinine đến chloroquine, rồi phát triển hơn nữa thành hydroxychloroquine, còn kết hợp thêm các thành phần như phosphate, sulfate giúp thuốc hòa tan tốt hơn, đó là những thành tựu. Các tác dụng phụ bao gồm chóng mặt, buồn nôn, bệnh về mắt giảm thị lực và có thể gây mất thính lực; nhờ sự tiến bộ đó cũng giảm bớt.

Việc sử dụng hydroxychloroquine trong điều trị bệnh thấp khớp cho thấy loại thuốc này không chỉ chống kí sinh trùng, mà còn có khả năng chống lại các cơn bão viêm. Như chúng ta đã biết, các bệnh có liên quan đến yếu tố miễn dịch như thấp khớp là các bệnh viêm cấp và mãn tính trong tự nhiên, xảy ra bởi sự kích hoạt quá mức của hệ thống miễn dịch, tạo ra nhiều loại kháng thể và các yếu tố gây viêm, làm tổn thương thậm chí là hoại tử các mô lành, hiện tượng này còn gọi là cơn bão cytokine. Đó là lí do để hiện nay, hydroxychloroquine được sử dụng như một loại thuốc cơ bản để điều trị lâm sàng các bệnh miễn dịch như lupus ban đỏ hệ thống, bệnh về khớp, Hội chứng Sjogren, u hạt hình khuyên.

Các nghiên cứu đã báo cáo rằng hydroxychloroquine có tác dụng chống viêm đáng kể. Nó có thể ức chế sự kích hoạt quá mức của hệ thống miễn dịch, ức chế sự sản sinh các yếu tố gây viêm bởi các tế bào viêm và ức chế sự di chuyển của các tế bào viêm như bạch cầu trung tính đến các mô viêm.

CHLOROQUINE ĐIỀU TRỊ HIV VÀ CÚM THẾ NÀO?
————————————————————–

Tác dụng của chloroquine chống lại sự nhân lên của virus cúm A và B đã được biết đến từ lâu, Miller DK mô tả năm 1981, sau đó Shibata M tiếp tục mô tả vào năm 1983.

Sau những thử nghiệm thành công của chloroquine trên cúm A/H5N9 và H5N2 ở Ý năm 2001, chloroquine/ hydroxychloroquine được các nhà khoa học nhắc đến nhiều hơn về khả năng chống lại sự nhân lên của virus HIV.

Năm 2004, chloroquine/ hydroxychloroquine lần đầu tiên được sử dụng để điều trị thử nghiệm lâm sàng cho 18 bệnh nhân HIV-1 ở Ấn Độ. Trong nghiên cứu này, phác đồ ARV dựa trên chloroquine kết hợp với hydroxyurea và lamivudine, thời điểm đó đây là liệu pháp bộ ba giá rẻ. Cụ thể, những bệnh nhân AIDS nhiễm HIV-1 với tải lượng virus trên 50 ngàn bản sao trong mỗi ml máu, sẽ được chỉ định chloroquine (250mg x 2 viên/ngày) kết hợp với hydroxyrua (500mg x 2 viên/ngày). Kết quả, 10 trong số 18 bệnh nhân có tải lượng virus HIV không thể phát hiện vào tuần thứ 24, sau điều trị.

Có một điều thú vị là chính tôi tư vấn cho một gia đình có bố mẹ và con trai đều bị HIV phát hiện từ năm 2000, chuyển sang điều trị ARV từ cuối năm 2004, đến năm 2008 thì cậu con trai âm tính và bây giờ đã 21 tuổi có vợ và con. Lí do tôi quyết liệt tư vấn bệnh nhân chuyển sang ARV, là bởi thuốc điều trị HIV ngày đó quá đắt, nếu theo phác đồ chính thức bệnh nhân sẽ chết vì không có đủ tiền để theo đuổi.

Người bác ruột của thanh niên này vẫn đọc tất cả các bài Fanpage của tôi!

Sau thử nghiệm thành công ở Ấn Độ năm 2004, hàng loạt các thử nghiệm lâm sàng khác được thực hiện, như nghiên cứu ở Thái Lan năm 2004, ở Singapore năm 2005.

Nghiên cứu trong ống nghiệm được thực hiện bởi Savarino A, vào năm 1996, cho thấy cơ chế chống virus HIV của chloroquine là do ức chế quá trình glycosyl hóa của hạt virus. Những tác động này được coi là khá đặc hiệu, bởi kết quả ống nghiệm cho thấy chloroquine không tác động tới bất cứ quá trình nhân lên nào khác của virus HIV cũng như không gây ảnh hưởng tới tế bào.

Năm 2003, Savarino A tiếp tục thực hiện nghiên cứu trong ống nghiệm, đánh giá tác dụng của chloroquine đối với coronavirus gây ra dịch bệnh SARS khởi đầu ở Trung Quốc, sau đó Việt Nam cũng là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề. Không dừng lại, Keyaerts E nghiên cứu tác dụng của chloroquine với SARS vào năm 2004, rồi đến Vincent MJ năm 2005 cũng cho thấy chloroquine có tác dụng mạnh mẽ với coronavirus chủng cực độc gây bệnh SARS này; đây là 2 nghiên cứu ống nghiệm được đánh giá rất cao, là cơ sở để CDC Hoa Kỳ khuyến cáo sử dụng chloroquine điều trị SARS nếu căn bệnh giết người hàng loạt này quay trở lại.

Cơ chế tác động của chloroquine/ hydroxychloroquine ngăn chặn phản ứng tổng hợp nhân lên của virus, tôi xin tóm lược lại, có 3 nội dung chính sau.

1 LÀ: Chloroquine làm thay đổi pH của endosome, từ đó tác dụng ức chế đáng kể làm cho virus không thể xâm nhập tế bào thông qua con đường nội nhũ, chẳng hạn như virus gây bệnh Borna, virus gây ung thư bạch cầu, virus Zika.

2 LÀ: Chloroquine có thể ảnh hưởng đến sự nhân lên của virus thông qua ức chế tổng hợp gen virus. Các nghiên cứu ống nghiệm và xét nghiệm đã chỉ ra rằng chloroquine có thể thay đổi kiểu glycosyl hóa vỏ virus ở vị trí gp120 của virus HIV, từ đó ức chế sự nhân lên của virus HIV trong tế bào TCD4+. Tương tự, đối với SARS-CoV-1 và 2, thì chloroquine tác động lên quá trình glycosyl hóa thụ thể ACE2 của coronavirus, làm cho virus không thể bám dính vào tế bào để xâm nhập và nhân lên.

3 LÀ: Chloroquine ức chế quá trình thực bào làm cho virus không xâm nhập được tế bào chủ để nhân lên. Các thí nghiệm trên động vật cho thấy chloroquine có thể ức chế hiệu quả quá trình thực bào ở chuột bị cúm H5N1 giúp giảm thiểu đáng kể tổn thương biểu mô phế nang. Cũng đã có báo cáo chloroquine có thể ngăn chặn hiện tượng này ở virus Zika, ức chế sự nhân lên của virus, các thí nghiệm trên chuột cũng cho thấy chloroquine có thể cắt đứt virus Zika theo chiều dọc từ con đường lây từ mẹ sang con.

Như vậy: chloroquine được sử dụng điều trị HIV và SARS-CoV-1 không có gì mới lạ!

VỚI COVID-19: LIỆU CHLOROQUINE CÓ ĐƯỢC DÙNG?
———————————————————————-

Hiệu quả của chloroquine tác động lên SARS-CoV-2 lần đầu tiên được báo cáo bởi Vương Mãn Lệ và cộng sự, đăng trên tạp chí Cell Research ngày 4 tháng 2 năm 2020.

Nguyên cứu trong ống nghiệm của Vương chỉ ra rằng, chloroquine có tác động ở cả 2 pha ngoài và trong tế bào Vero E6. Bên cạnh hoạt động chống virus, chloroquine còn có tác động điều chỉnh miễn dịch, giúp tăng cường tác dụng chống virus trong cơ thể. Giá trị EC 90 của chloroquine so với SARS-CoV-2 trong các tế bào Vero E6 là 6,90 μM, có thể đạt được lâm sàng như đã được chứng minh trong huyết tương của bệnh nhân viêm khớp dạng thấp được dùng 500mg.

Trong ngày 4 tháng 2, nhóm nghiên cứu của Vương Mẫn Lệ đã đăng kí bản quyền “Hiệu quả của hydrochlorochloroquine trên coravavirus chủng mới (COVID-19)” và được Ủy ban Đạo đức của Bệnh viện Nhân dân Đại học Vũ Hán phê duyệt cho phép đăng ký trên nền tảng thử nghiệm lâm sàng.

Số đăng ký: ChiCTR2000029559.

Báo cáo thử nghiệm vào ngày 17 tháng 2, phác đồ “điều trị cơ bản + hydroxychloroquine” của Bệnh viện Nhân dân Đại học Vũ Hán đã ghi nhận 20 bệnh nhân bị viêm phổi COVID-19, kết quả cho thấy rằng sau khi điều trị bằng hydroxychloroquine, các triệu chứng lâm sàng đã cải thiện đáng kể sau 1-2 ngày, chụp CT ngực sau 5 ngày các tổn thương phổi cải thiện đáng kể ở 19 bệnh nhân, chỉ có 1 bệnh nhân (có bệnh nền suy thận) tiến triển nặng hơn về hình ảnh CT phổi nhưng các triệu chứng lâm sàng thì vẫn cải thiện đáng kể vào ngày thứ hai sau điều trị hydroxychloroquine.

Hiệu quả của chloroquine đối với bệnh viêm phổi COVID-19 gây ra sự chú ý đặc biệt trong cộng đồng y khoa. Tại cuộc họp báo về Cơ chế phòng ngừa và kiểm soát chung của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, diễn ra ngày 15 tháng 2, Trương Tân Dân – giám đốc Trung tâm Sinh học Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho rằng: “Một vài loại thuốc, chẳng hạn như chloroquine phosphate, Rendesivir (reddesvir) và fapivir, đã được đưa ra trong các thử nghiệm lâm sàng, và một số loại thuốc ban đầu cho thấy hiệu quả lâm sàng tốt.”

Giới y khoa bắt đầu đặt kì vọng khá lớn vào chloroquine!

Vào ngày 19 tháng 2, Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc đã phát hành ‘Phiên bản thứ 6’ phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi COVID-19, chloroquine phosphate đã chính thức cập nhật vào phiên bản này.

Ngày 20 tháng 2, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Đông và Ủy ban Y tế và Sức khỏe tỉnh Quảng Đông cùng với nhóm hợp tác đa trung tâm đã công bố “Sự đồng thuận của chuyên gia về chloroquine Phosphate trong điều trị viêm phổi coronavirus mới” đang trên Tạp chí Lao và bệnh Hô hấp Trung Quốc.

Tại cuộc họp báo do Hội đồng Nhà nước Trung Quốc tổ chức vào ngày 21 tháng 2, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Từ Nam Bình cho biết: “130 trường hợp COVID-19 có triệu chứng nhẹ được điều trị bằng chloroquine phosphate không chuyển nặng. Trong 5 bệnh nhân còn lại có tình trạng nghiêm trọng, 4 trường hợp đã được xuất viện và 1 trường hợp đã ổn định. Trung Quốc sẽ chứng minh hiệu quả của chloroquine trong các nghiên cứu với quy mô lớn hơn.”

Vào ngày 24 tháng 2, Viện sĩ hàn lâm Chung Nam Sơn – người anh hùng của y học đương đại Trung Quốc, ông cùng nhóm điều trị ICU của Đội ngũ y tế Quảng Đông tại vị trí tiền tuyến Vũ Hán đã tổ chức một cuộc tư vấn qua video từ xa. Viện sĩ Chung đã trả lời các câu hỏi của phóng viên về hiệu quả của chloroquine phosphate và Abidol trong điều trị viêm phổi COVID-19: “Nếu các thuốc này được so sánh riêng lẻ, thời gian trung bình để Abidol và Kelizhi chuyển sang âm tính là 6-7 ngày. Đối với chloroquine, theo kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Trung Sơn, một nhánh nghiên cứu từ 108 bệnh nhân; theo quan sát, thời gian trung bình để bệnh nhân chuyển sang âm tính sau khi dùng thuốc là 4.2 ngày.”

Chloroquine đã trở thành một loại thuốc điều trị COVID-19.

Trong cuộc họp báo của Cơ chế phòng ngừa và kiểm soát Hội đồng Nhà nước vào ngày 6 tháng 3, đã có thông báo 285 người được sử dụng chloroquine phosphate như một loại thuốc điều trị tại Bệnh viện Liên minh Đại học Y khoa Đồng Tế, nơi chủ yếu điều trị cho các bệnh nhân bị bệnh nặng và nguy kịch.

Tính đến ngày 8 tháng 3, tổng cộng 22 loại thuốc chống sốt rét đã được đăng kí tại Trung tâm đăng ký thử nghiệm lâm sàng ChiCTR Trung Quốc.

Hiện nay, có 32 nhà sản xuất (như Tập đoàn Dược phẩm Kunya, Dược phẩm Bắc Trung Quốc, v.v.) đang chạy đua sản xuất chloroquine phosphate, với tổng số 43 lô. Trong bối cảnh COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu, nhiều nhà sản xuất trước đây đã từng xóa sổ chloroquine, thì này đang nối lại sản xuất, bao gồm tập đoàn Dược phẩm Quảng Đông Trung Thăng, Công ty TNHH Dược phẩm Thượng Hải, Nhà máy Dược phẩm Tây Nam Trùng Khánh.

Với rất nhiều nhà sản xuất như vậy: số lượng chloroquine sẽ không hiếm!

Vào ngày 18 tháng 3, tại cuộc họp báo về phòng chống và kiểm soát dịch bệnh lần thứ 46 tại Quảng Châu, viện sĩ Chung Nam Sơn nổi tiếng nhất đất nước Trung Quốc, người đại diện cho lãnh đạo nhóm chuyên gia cấp cao của Ủy ban Y tế và Y tế Quốc gia, cũng là thành viên của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc; ông đã đưa ra tuyên bố về tác dụng của chloroquine/ hydroxychloroquine.

Advertisement

Theo viện sĩ Chung, các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành khoảng sáu thử nghiệm ngẫu nhiên của hai phiên bản thuốc trên người, kết quả thu được một số dữ liệu sơ bộ đầy hứa hẹn.

Phát biểu của viện sĩ Chung đã gây chấn động trên mạng Internet!

Một nhà đầu tư cung cấp dữ liệu mã hóa có tên James Todaro đã đăng lên tweet rằng chloroquine, một loại thuốc trị sốt rét cách đây 85 năm, là một loại thuốc tiềm năng để điều trị và phòng ngừa bệnh COVID-19. Dòng tweet này nhanh chóng gây bão với các cuộc thảo luận sôi nổi trong Thung lũng Silicon và thậm chí CDC Hoa Kỳ cũng phải đưa ra các bình luận trên email.

Tuy nhiên, tác dụng không mong muốn của chloroquine cần phải được chú ý. Đầu năm 1988, một bài báo được công bố trên Tạp chí Y học New England cho thấy sử dụng quá liều (> 5g) chloroquine có thể gây ngộ độc nghiêm trọng và tử vong, các biện pháp cấp cứu sẽ không còn hiệu quả.

Do đó, vài ngày sau khi công bố “Phiên bản thứ sáu – Phác đồ chẩn đoán và điều trị COVID-19″, Ủy ban Y tế và Sức khỏe tỉnh Hồ Bắc đã ban hành “Thông báo về Quan sát chặt chẽ các phản ứng bất lợi trong việc sử dụng Cloruaquine Phosphate” vào ngày 21 tháng 2. Thông báo cho biết theo Viện Virus học Vũ Hán và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, liều chloroquine phosphate gây chết người ở người trưởng thành là 2 đến 4 g. Do đó, các cơ sở y tế được yêu cầu phải theo dõi chặt chẽ trong quá trình điều trị bằng thuốc này. Thông tin về các trường hợp có phản ứng phụ nghiêm trọng phải được báo cáo kịp thời cho ủy ban y tế tỉnh.

Sau đó, vào ngày 28 tháng 2, Ủy ban Y tế Quốc gia cũng nhanh chóng điều chỉnh việc sử dụng và liều lượng chloroquine phosphate trong điều trị viêm phổi do vương miện mới, quy định rằng chloroquine phosphate trong điều trị viêm phổi do vương miện mới phù hợp cho người lớn từ 18 đến 65 tuổi. Cách sử dụng và liều lượng điều chỉnh là: 500 mg mỗi lần cho người nặng 50 kg trở lên, hai lần mỗi ngày trong 7 ngày, 500 mg mỗi lần cho người cân nặng 50 kg trở xuống, hai lần mỗi ngày trong 3 ngày đến 7 ngày 500mg mỗi ngày một lần trong 7 ngày.

Đến nay, chloroquine/ hydroxychloroquine điều trị COVID-19 đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Trung tâm lâm sàng y tế công cộng Thượng Hải, Bệnh viện Đại học Giao thông Thượng Hải, Bệnh viện Nhân dân Đại học Vũ Hán, Bệnh viện của Đại học Bắc Kinh, Bệnh viện Đại học Y Trùng Khánh và nhiều bệnh viện khác ở Trung Quốc. Trong lúc nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ở những bệnh viện này vẫn đang được tiếp tục, thì chloroquine/ hydroxychloroquine đã được đưa vào “Chuyên gia tuyên bố đồng thuận điều trị toàn diện về bệnh COVID-19”.

Đồng thuận này còn gọi tắt là: “Kế hoạch Thượng Hải”.

Ngày 16 tháng 3 năm 2020, Giáo sư Didier Raoult từ bệnh viện L’Institut Hospitalo-Universitaire (IHU) ở Marseille (Bouches-du-Rhône, Provence-Alpes-Côte Guyzur) của Pháp, đã công bố một video giải thích thử nghiệm điều trị hydroxychloroquine cho 24 bệnh nhân bị COVID-19 tình nguyện điều trị.

Theo đó, 24 bệnh nhân chẩn đoán xác định COVID-19 đã được uống 600mcg mỗi ngày trong 10 ngày, theo dõi chặt chẽ, vì thuốc có thể tương tác với các loại thuốc khác, và gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng trong một số trường hợp.

– Nhóm không dùng thuốc: 90% dương tính sau 6 ngày.
– Nhóm dùng thuốc: 25% dương tính sau 6 ngày.

Hoa Kỳ ngay lập tức ủng hộ nghiên cứu của Gs Raoult!

Và ngay sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông sẽ sử dụng chloroquine/ hydroxychloroquine trong điều trị viêm phổi vương miện mới, hãng dược phẩm Bayer Đức cũng đưa ra một tuyên bố trong cùng ngày nói rằng họ đã tặng 3 triệu sản phẩm chloroquine cho Hoa Kỳ. Dược phẩm Meilan của Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục sản xuất hydroxychloroquine ở Tây Virginia, và dự kiến sẽ bắt đầu cung cấp vào giữa tháng Tư.

Thuốc điều trị bệnh chưa bao giờ là vấn đề đơn giản!

Bởi vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm thứ Năm rằng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm đã phê duyệt loại thuốc chloroquine “rất mạnh” để điều trị coronavirus, nhưng chính cơ quan FDA này lại khẳng định chưa duyệt bất cứ thuốc nào.

Nghĩa là: các mẹ đừng tích trữ thuốc và phải nghe bác sĩ!

TÀI LIỆU THAM KHẢO
—————————–

1. Wang M, Cao R, Zhang L, Yang X, Liu J, Xu M, Shi Z, Hu Z, Zhong W, Xiao G. Remdesivir and chloroquine effectively inhibit the recently emerged novel coronavirus (2019-nCoV) in vitro. Cell Research. 2020 Mar;30(3):269-271. doi: 10.1038/s41422-020-0282-0. Epub 2020 Feb 4.

2. Savarino A, Boelaert JR, Cassone A, Majori G, Cauda R. Effects of chloroquine on viral infections: an old drug against today’s diseases? Lancet Infect Dis. 2003; 3: 722-727

3. Joshi SR, Butala N, Patwardhan MR, Daver NG, Kelkar D. Low cost anti-retroviral options: chloroquine based ARV regimen combined with hydroxyurea and lamivudine: a new economical triple therapy. J Assoc Phys India. 2004; 52: 597-598

4. Lori F, Foli A, Groff A et al. Optimal suppression of HIV replication by low-dose hydroxyurea through the combination of antiviral and cytostatic (‘virostatic’) mechanisms. AIDS. 2005; 19: 1173-1181

5. Paton NI, Aboulhab J. Hydroxychloroquine, hydroxyurea and didanosine as initial therapy for HIV-infected patients with low viral load: safety, efficacy and resistance profile after 144 weeks. HIV Med. 2005; 6: 13-20

6. Luchters SMF, Veldhuijzen NJ, Nsanzabera D. et al. A phase I/II randomised placebo controlled study to evaluate chloroquine administration to reduce HIV-1 RNA in breast milk in an HIV-1 infected breastfeeding population: the CHARGE Study. XV International Conference on AIDS; Bangkok, Thailand; July 11–16, 2004. Abstract TuPeB4499.

7. Savarino A, Lucia MB, Rastrelli E et al. Anti-HIV effects of chloroquine: inhibition of viral particle glycosylation and synergism with protease inhibitors. J Acquir Immune Defic Syndr. 1996; 35: 223-232

8. Keyaerts E, Vijgen L, Maes P, Neyts J, Van Ranst M. In vitro inhibition of severe acute respiratory syndrome coronavirus by chloroquine. Biochem Biophys Res Commun. 2004; 323: 264-268

9. Vincent MJ, Bergeron E, Benjannet S et al. Chloroquine is a potent inhibitor of SARS coronavirus infection and spread. Virol J. 2005; 2: 69

10. Miller DK, Lenard J. Antihistaminics, local anesthetics, and other amines as antiviral agents. Proc Natl Acad Sci USA. 1981; 78: 3605-3609

11. Shibata M, Aoki H, Tsurumi T et al. Mechanism of uncoating of influenza B virus in MDCK cells: action of chloroquine. J Gen Virol. 1983; 64: 1149-1156

12. Donatelli I, Campitelli L, Di Trani L et al. Characterization of H5N2 influenza viruses from Italian poultry. J Gen Virol. 2001; 82: 623-630

13. Jones G, Willett P, Glen RC, Leach AR, Taylor R. Development and validation of a genetic algorithm for flexible docking. J Mol Biol. 1997; 267: 727-748

14. Kwiek JJ, Haystead TA, Rudolph j. Kinetic mechanism of quinone oxidoreductase 2 and its inhibition by the antimalarial quinolines. Biochemistry. 2004; 43: 4538-4547

15. Olofsson S, Kumlin U, Dimock K, Arnberg N. Avian influenza and sialic acid receptors: more than meets the eye? Lancet Infect Dis. 2005; 5: 184-188

 

Xin cảm ơn bài chia sẻ của BS. Trần Văn Phúc!

Giới thiệu Lê Minh Thư

Check Also

Tirzepatide hàng tuần cải thiện đáng kể cân nặng và kiểm soát đái tháo đường ở bệnh nhân béo phì và đái tháo đường loại 2.

Một nghiên cứu ngẫu nhiên đã chứng minh rằng tirzepatide giúp giảm cân và cải …