CHỐNG DỊCH 2019-nCoV Ở VIỆT NAM
bình tĩnh để chiến thắng
==================
BS Trần Văn Phúc
Virus nguy hiểm 2019-nCoV từ Vũ Hán có thể bay đến bất kì thành phố nào trên hành tinh, bởi đường hàng không đã kết nối tất cả các quốc gia thành một mạng lưới, nên chỉ mất chưa đầy 24 giờ. Nhưng một khi 2019-nCoV đã xâm nhập vào Internet, thì tốc độ lan truyền đến một thành phố cách xa Vũ Hán nhất, cũng chỉ tính bằng đơn vị vài giây.
Muôn thuở, dịch bệnh là sự nổi giận của tự nhiên, đòi hỏi con người phải thật bình tĩnh mới có thể hóa giải. Điều này tôi cảm thấy đúng hơn bao giờ hết, khi chính tôi trải nghiệm giữa tâm bão của dịch sởi, diễn ra cách đây tròn 6 năm.
Đó là buổi sáng đầu tháng 2 năm 2014, tôi vừa đến bệnh viện thì nhận được điện thoại mời hội chẩn cho một bệnh nhi 2 tuổi bị sởi biến chứng viêm phổi, suy hô hấp rất nặng phải thở máy. Sau hội chẩn, chúng tôi tiên lượng cháu bé tử vong, đứng nhìn đứa trẻ đang chết dần dưới tay mình, tôi và các đồng nghiệp chỉ biết cúi gằm mặt trong im lặng để giấu đi sự bất lực.
Ngay sau đó tôi hiểu rằng dịch sởi đã bước vào giai đoạn rất phức tạp.
Bệnh viện lập hẳn một khu điều trị chuyên biệt với hàng trăm giường, nhưng tất cả đều quá tải, bệnh nhi nào quá nặng thì may mắn được nằm giường ghép 4-5, còn lại la liệt dưới sàn, tràn ngập ngoài hành lang; bác sĩ đi khám bệnh rất khó để len chân. Ở khu vực tiêm truyền, có rất nhiều bệnh nhân dưới 5 tuổi nhưng phải ngồi truyền dịch, để tiết kiệm chỗ ngồi, nhiều bà mẹ bế con trên tay, ông bố đứng cạnh cầm chai dịch đợi chảy từng giọt. Đó vẫn còn may, bởi ghế ngồi để tiêm truyền cũng không đủ, nhiều phụ huynh phải rải bìa các tông cho con ngồi bệt xuống đất, có trẻ đến lượt tiêm truyền nhưng không còn chỗ trống để ngồi bệt nên đành phải đứng đợi.
Ở khu khám bệnh, từ sáng sớm đã không khác gì đàn ong vỡ tổ, những đứa trẻ bé xíu cùng bố mẹ đi xuyên đêm hàng trăm cây số, đợi khám 3 hoặc 4 giờ. Bác sĩ trực 24 giờ không ngủ, nhưng vẫn phải ở lại làm thêm 8 đến 10 tiếng của ngày hôm sau, hạn chế uống nước để khỏi đi tiểu, làm xuyên trưa, trong tâm trạng hết sức mệt mỏi, con số khám luôn từ 150 đến 200 bệnh nhi.
Trước đó, những người làm nghề y chúng tôi đã từng mơ tới một thế giới không có bệnh sởi, nhưng sự thật thì dịch sởi đã quay trở lại sau nhiều năm được khống chế một cách hiệu quả nhờ biện pháp tiêm phòng vắc xin. Nguyên do là những con virus dán nhãn “tin giả” chui vào Internet, mang theo những lời đe dọa như vắc xin có chứa thủy ngân gây ngộ độc chết người, vắc xin gây tự kỉ, vắc xin gây suy giảm trí tuệ và nòi giống; làm cho các bà mẹ sợ hãi không dám cho con mình đi tiêm phòng.
Khi sởi chỉ mới gặp rải rác vài ca nhưng có biến chứng nặng, ngay lập tức mạng xã hội ngập tràn những thông tin tiêu cực, đủ lời đe dọa kèm theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hết sức hoang đường, làm cho nhiều đứa trẻ hoàn toàn bình thường nhưng bỗng hạt bụi bay qua gây đỏ mắt, thế là bố mẹ mặc định con đang nhiễm bệnh nghiêm trọng, họ liên tục lo lắng và tìm mọi cách để con nhập viện. Đó là chưa kể những bệnh nhi chỉ cảm lạnh hoặc sốt ho thông thường, hoàn toàn có thể tự chăm sóc ở nhà hoặc yên tâm điều trị ở trạm xá, nhưng các bậc phụ huynh vẫn nhất quyết phải đưa con đến bệnh viện, bởi nỗi hoảng sợ dịch sởi có thể giết chết con họ.
Hàng trăm trẻ em chết vì sởi, y tế bị chỉ trích nặng nề, tôi thì chẳng bao giờ quên nổi từng bữa cơm gia đình lạnh ngắt với những giọt nước mắt nhỏ xuống, bởi chẳng có gì đau đớn hơn khi mỗi buổi tối muộn đặt lên bàn ăn là những ca bệnh nhi chết vì sởi. Điều tôi băn khoăn, rằng ai, Internet hay mạng xã hội, những tin giả nào sẽ phải chịu trách nhiệm trước những cái chết vô tội ấy. Thực tế chẳng có bất cứ một trách nhiệm pháp lý nào, nhưng cái chết của những đứa trẻ vô tội vì bệnh sởi là lời khép tội lớn nhất dành cho tất cả những ai vô trách nhiệm.
Là một bác sĩ đã trải qua các vụ dịch nghiêm trọng như SARS-CoV, dịch tả, dịch sởi, và đến bây giờ là đại dịch 2019-nCoV; tôi nhận thấy rằng công chúng dưới danh nghĩa truyền thông và mạng xã hội có thể góp phần ngăn chặn và khống chế dịch hiệu quả, nhưng một số ít lại có thể gieo rắc nỗi sợ hãi, gây hoảng loạn bao trùm, từ đó tìm các trục lợi cho bản thân.
Thống kê của Bộ Y tế năm 2014, cả nước có 35 ngàn ca sốt phát ban nghi sởi, hơn 6000 ca ghi nhận mắc bệnh sởi, 147 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Mới chỉ chừng ấy, nhưng sự hoảng loạn bao trùm đủ gây nên sự hỗn loạn cực kì nguy hiểm, trong đó có những đứa trẻ chỉ mắc bệnh nhẹ, nhưng vì nỗi lo sợ của phụ huynh nên phải đưa con nhập viện, hệ quả là sự lây chéo và bội nhiễm mà cuối cùng đứa trẻ phải gánh chịu.
Tôi cho rằng, nếu dịch 2019-nCoV nếu xảy ra ở Việt Nam ở quy mô lớn, sẽ không còn đơn giản như dịch sởi năm 2014 nữa.
Hãy thử tưởng tượng, 2019-nCoV đang bùng phát thành đại dịch nghiêm trọng ở Trung Quốc, chủng virus này đang đi “chu du” khắp thế giới gây nguy hiểm đến nỗi WHO vừa phải công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu, vậy điều gì sẽ xảy ra khi dịch bùng phát ở Việt Nam. Rõ ràng hệ thống y tế và bác sĩ chúng tôi đối phó với 2019-nCoV ngoài đời đã vô cùng khó khăn, nhưng khi virus ấy chui vào Internet thì cả xã hội tìm cách chống lại nó cũng khong hề đơn giản. Chỉ cần nhìn vào chiếc khẩu trang trong những ngày qua, từ hiện tượng găm hàng đến thổi giá, cho dù mới chỉ nghi vấn lác đác ở một số nhà bán lẻ đi chăng nữa, thì đó cũng là triệu chứng khởi điểm của căn bệnh mang tên “hỗn loạn”.
Những tin đồn thất thiệt, những tin giả mạo gây hoang mang, những đồn thổi thiếu nghiêm túc, những chỉ trích vô căn cứ, những hành vi găm hàng và thổi giá để trục lợi; tất cả gây nên sự lo lắng, u ám, lo sợ và hoảng hốt, vậy đâu là giải pháp?
Tôi cho rằng, những đại dịch nguy hiểm ở tầm cỡ quốc gia, công tác phòng và chống dịch cũng giống như một trận đánh lớn. Mỗi chiến sĩ xung trận, ngoài nhân viên y tế phải huy động tổng lực toàn xã hội, khi bước vào trận đánh những người chiến sĩ chỉ được phép thắng chứ không được phép thua. Để giành được thắng lợi, thì ngay từ lúc chuẩn bị cho đến khi kết thúc trận đánh, mọi hành động không còn tranh luận sự đúng sai, mà bắt buộc phải tuân thủ một người chỉ huy, dù muốn hay không, bởi sự hỗn loạn sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều so với sức tàn phá của dịch bệnh.
Một người bạn của tôi đang du học ở Vũ Hán kể lại, khi dịch 2019-nCoV xảy ra, Trung Quốc thành lập đội khám chữa bệnh tinh nhuệ, hình thức tác chiến cấp “binh đoàn”, với 16 đội ngũ cấp quốc gia được biên chế 22.000 y bác sĩ, trong đó có người bác sĩ già nhất là giáo sư Zhong Nanshan 80 tuổi thuộc “cựu chiến binh” chống SARS-CoV; tất cả chia thành các mũi giáp công cùng tiến về Vũ Hán. Riêng thành phố Vũ Hán, có 16 bệnh viện với biên chế 1200 y bác sĩ, rồi các bệnh viện dã chiến đang xây dựng dự kiến 10 ngày sẽ đưa vào hoạt động. Hình ảnh mà người bạn gửi cho tôi rất ấn tượng, đó là bức ảnh chụp từ phía sau lưng bác sĩ Trần Oánh với 2 chữ “tất thắng” do chính bác sĩ tự tay viết lên.
Để hỗ trợ công tác khống chế dịch, với sự kêu gọi của Cục quản lý thị trường thành phố Vũ Hán, tất cả các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm đã tăng cường hành động, thành lập các phân đội khẩn cấp để cung cấp thực phẩm kịp thời, đặc biệt đảm bảo đầy đủ mọi nhu yếu phẩm cho phòng tuyến chống dịch. Ngoài 59 doanh nghiệp cung ứng thực phẩm, thì còn có các doanh nghiệp khác như tổ hợp nhà hàng, khách sạn, tất cả chung tay đảm bảo thực phẩm cho các cơ quan chính quyền, tổ chức, đơn vị xã hội, trường học, trong đó có Đại học Vũ Hán mà cô bạn của tôi theo học.
Cô bạn cũng kể lại với tôi, có một hiệu thuốc ở Thiên Tân trục lợi bằng cách tăng giá khẩu trang từ 19 tệ mỗi cái lên 68 tệ (gấp 3,4 lần), một nhà thuốc khác ở Bắc Kinh cũng trục lợi bằng cách tăng giá khẩu trang gấp 6 lần, cả hai nhà thuốc này ngay lập tức bị chính quyền phạt 3 triệu NDT, tương ứng với 10 tỉ đồng tiền Việt. Thực phẩm cũng vậy, một siêu thị ở thành phố Trịnh Châu thủ phủ tỉnh Hà Nam, nơi bán một cây cải thảo 63 tệ trong khi giá thực chỉ 28 tệ, chính quyền phạt 3 triệu NDT tương đương 10 tỉ đồng tiền Việt, thu luôn giấy phép kinh doanh.
Phòng chống dịch 2019-nCoV ở Việt Nam, chính quyền cũng đã vào cuộc và có chỉ đạo quyết liệt, công an đã xử lí những cá nhân phao tin đồn nhảm, quản lí thị trường đang kiểm tra và sẽ có hình thức xử lí với hiện tượng găm hàng thổi giá. Nhưng ở thời điểm cấp bách của thiên tai địch họa, nếu vẫn cứ nói chuyện đúng sai, vẫn phải căn cứ vào pháp luật hiện thời, thì việc xử phạt những hành vi sai trái ấy sẽ chỉ dừng lại ở con số một vài chục triệu đồng, chừng đó không thể tạo nên cảm giác yên tâm cho người dân.
Tôi cho rằng, để cuộc chiến chống dịch 2019-nCoV giành được thắng lợi, việc làm tối quan trọng là yên dân, bởi một khi dịch bệnh là sự nổi giận của tự nhiên thì con người phải thật bình tĩnh mới có thể hóa giải được dịch bệnh. Muốn yên dân, bắt buộc phải tạo ra một khoảng cách đủ lớn giữa nền văn minh và virus.
==============
P/s: Bài viết vừa đăng trên mục GÓC NHÌN của Vnexpress.