[COVID-19] Dịch Vũ Hán: Tại sao tỉ lệ tử vong lại khác nhau giữa các nước

Rate this post

Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Tuấn

>>>Dịch Vũ Hán: Tại sao tỉ lệ tử vong lại khác nhau giữa các nước??

Tỉ lệ tử vong liên quan đến dịch Vũ Hán ở Ý cao gấp 42 lần so với tỉ lệ ở Đức! Tại sao có sự khác biệt cao như thế là một câu hỏi làm bận tâm nhiều người quan sát tình hình dịch trong thời gian qua. Định không viết gì nữa, nhưng nhân một câu hỏi của một bạn ở Chợ Rẫy nên cuối cùng thì tôi cũng ngọ ngoạy vài ba chữ để bàn về lí do của sự khác biệt đó. (Kể từ hôm kia, tôi và nhiều người khác phải làm việc từ nhà — gọi là ‘working from home’).

>>> Tỉ lệ tử vong

  Hình 1Kiểm định giả thuyết hậu định (post-hoc test of hypothesis) về sự khác biệt về tỉ lệ tử vong liên quan đến dịch Vũ Hán giữa các nước ‘hàng đầu’. Bảng này trình bày trị số P theo 4 phương pháp kiểm soát tỉ lệ phát hiện giả (false discovery rate) giữa các quốc gia. Có tất cả 10*9/2 = 45 so sánh, nhưng tôi chỉ trình bày một số so sánh để minh họa cho cái note. Dòng đầu tiên cho thấy khác biệt về tỉ lệ tử vong giữa Ý và Đức có ý nghĩa thống kê; còn giữa Pháp, Thụy Sĩ, Mĩ, Nam Hàn thì không có ý nghĩa thống kê.

Nếu chỉ tính 10 quốc gia hàng đầu có nhiều ca nhiễm (Tàu, Ý, Iran, Tây Ban Nha, Đức, Mĩ, Pháp, Nam Hàn, Thụy Sĩ, và Anh) thì tỉ lệ tử vong trung bình là 4.3% (khoảng tin cậy 95% dao động từ 4.2% đến 4.4%). Nhưng mức độ khác biệt về tỉ lệ tử vong rất khác nhau giữa các quốc gia (Biểu đồ 1).

Câu hỏi đặt ra là những khác biệt này có ý nghĩa thống kê hay chỉ là dao động … ngẫu nhiên? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải sử dụng đến thống kê học. Phương pháp đơn giản nhứt mà có lẽ ai cũng đã học là dùng phương pháp Ki bình phương (các bạn có thể xem bài giảng 27 của tôi để biết thêm [1]).

Hình 2: Biểu đồ 1: Số ca nhiễm tính đến ngày 19/3/2020 ghi nhận tại 10 nước ‘hàng đầu’ (phần trên) và tỉ lệ tử vong cho 10 nước (phần dưới). Mức độ khác biệt về nguy cơ tử vong giữa Ý và Đức lên đến 42 lần. Các nước Pháp, Mĩ, Thụy Sĩ và Nam Hàn có tỉ lệ tử vong tương đương nhau (~1%).

Kết quả kiểm định Ki bình phương cho thấy quả thật sự khác biệt giữa các nước là có ý nghĩa thống kê. Nhưng câu hỏi kế tiếp là nước nào (cụ thể) khác với nước nào? Sách giáo khoa không có trình bày phương pháp để trả lời câu hỏi đó, nên chúng ta phải ‘sáng tạo’ một chút, bằng cách dùng phương pháp ‘post-hoc test’ như trong nghiên cứu genomics (xem ghi chú). Dùng phương pháp này chúng ta thấy các nước như Mĩ, Pháp, Thụy Sĩ, và Nam Hàn có tỉ lệ tử vong không khác nhau có ý nghĩa thống kê. Nhưng Đức và Ý thì khác nhau về tỉ lệ tử vong, với P < 0.0001.

Chẳng hạn như ở Đức, giới chức y tế ghi nhận 12327 ca nhiễm Chinese virus, nhưng chỉ có 28 người tử vong, với tỉ lệ tử vong là 0.23%. Ở Ý ghi nhận 35713 ca dương tính cho Chinese virus, nhưng số ca tử vong lên đến 2978, tức 8.3%. Tính đến nay, số ca tử vong ở Ý đã cao hơn số ca tử vong bên Tàu. Mức độ khác biệt về nguy cơ tử vong giữa hai nước láng giềng này lên đến 42 lần!

Tại sao có sự khác biệt lớn như thế?

Có người cho rằng lí do Đức có tỉ lệ tử vong thấp là vì họ làm xét nghiệm rất nhiều. Khi xét nghiệm nhiều thì có thể cho ra nhiều kết quả dương tính, mà có lẽ đa phần là những ca nhẹ. Do đó, tỉ lệ tử vong thấp trong điều kiện xét nghiệm nhiều là có thể hiểu được. Đức đã làm xét nghiệm cho nhiều người (khoảng 12000 mỗi ngày), nhưng Ý cũng làm xét nghiệm cho 148,657 người (tính đến 18/3/2020). Do đó, con số xét nghiệm khó giải thích sự khác biệt về tử vong.

Có lẽ do hệ thống y tế của Đức tốt hơn Ý? Có thể. Nhưng nên nhớ rằng Ý là nước có hệ thống y tế tốt đứng vào hàng thứ 2 trên thế giới, thậm chí còn cao hơn cả Đức. Do đó, có thể không phải do hệ thống y tế của nước nào tốt hơn có thể giải thích sự khác biệt về tỉ lệ tử vong.

Có thể do gen của người Đức tốt hơn gen của người Ý? Tiếng Anh có chữ ‘unlikely’ để trả lời cho câu hỏi này.

Vậy tại sao có sự khác biệt quá lớn về nguy cơ tử vong giữa các quốc gia? Câu trả lời đơn giản nhứt là không biết. Đây sẽ là chủ đề cho rất nhiều nghiên cứu trong tương lai. Báo chí gọi là ‘mystery’ [2].

>>> Độ tuổi và bệnh đi kèm

Riêng tôi thì qua phân tích dữ liệu của Tàu trước đây nghi rằng lí do chánh là do khác biệt về độ tuổi và sự phân bố về các bệnh đi kèm rất khác nhau giữa các quốc gia. Sau đây là vài con số có thể giải thích cho giả thuyết độ tuổi:

Advertisement

• Theo báo cáo của Viện Richard Koch (Đức) thì tuổi trung bình của người bị nhiễm là 47, và 80% người bị nhiễm tuổi từ 15 đến 59 [3].

• Còn bên Ý, thì tình hình rất khác: tuổi trung bình ở những người bị nhiễm là 63 [4]. Tuổi trung bình những người chết là 79.5. Số liệu của Ý còn cho biết 99% ca tử vong có những bệnh đi kèm như cao huyết áp (75%), tiểu đường (35%), và bệnh tim mạch (~33%).

Như vậy, người bị nhiễm ở Ý có tuổi cao hơn người bị nhiễm ở Đức (63 vs 47). Mà, chúng ta biết rằng tuổi càng cao thì nguy cơ tử vong cũng càng cao [5] và điều này có thể giải thích tại sao Ý có số ca tử vong quá cao. Do đó, cao tuổi và bệnh đi kèm là yếu tố nguy cơ tử vong số 1 mà chúng ta phải quan tâm. Bài học là phải kiểm tra và điều trị cả bệnh đi kèm ở những bệnh nhân cao tuổi.

Hình 3: Phân bố số ca tử vong liên quan đến dịch Vũ Hán ở Ý. Tuổi trung bình lúc tử vong là 79.5. Gần 100% (99%) ca tử vong có những bệnh đi kèm như cao huyết áp (75%), tiểu đường (35%), và bệnh tim mạch (~33%). Nguồn: https://www.bloomberg.com/news/articles/2020-03-18/99-of-those-who-died-from-virus-had-other-illness-italy-says

[1] https://www.youtube.com/watch?v=biT0_Je3-Dk

[2] https://www.cbc.ca/…/analysis-steven-lewis-why-covid-deadly…

[3] https://www.rki.de/…/…/Situationsberichte/2020-03-19-en.pdf…

[4] https://www.bloomberg.com/…/99-of-those-who-died-from-virus…

[5] https://www.facebook.com/drnguyenvtuan/posts/920264375087547

————————————————————————————————
🌻 Tham gia Y học Hội để theo dõi các vấn đề về sức khỏe tại: https://fb.com/groups/yhochoi
🌻Tham gia Nhóm Y Lâm Sàng nhận tài liệu và case miễn phí tại: https://www.facebook.com/groups/858633861249240/
🌻Đọc các bài viết cập nhật mới nhất tại: https://ykhoa.org
🌻Tải tài liệu Y khoa miễn phí tại: https://ykhoa.org/category/tai-lieu
🌻Xem kho video bài giảng tại: https://www.facebook.com/pg/ykhoa.org/videos/
🌻Tra cứu Uptodate miễn phí tại: https://ykhoa.org/uptodate
🌻Tham gia cùng làm việc tại địa chỉ: https://forms.gle/cQ5M7AdaesKCTcjt9

 

Giới thiệu Xuân Hiền

Học Y Đa Khoa tại Đại học Duy Tân " Hãy làm hết mình với hiện tại, hãy tốt hơn mình ở quá khứ và luôn chia sẻ kiến thức bổ ích với mọi người "

Check Also

Tirzepatide hàng tuần cải thiện đáng kể cân nặng và kiểm soát đái tháo đường ở bệnh nhân béo phì và đái tháo đường loại 2.

Một nghiên cứu ngẫu nhiên đã chứng minh rằng tirzepatide giúp giảm cân và cải …