[Covid-19] HÀ NỘI CHỐNG DỊCH NHƯ THẾ NÀO ?

Rate this post

Hãy coi phòng chống dịch COVID như một trận bóng đá.

“Chẳng bao giờ là quá muộn để xoay chuyển đại dịch và ngăn chặn virut – It is never too late to turn the pandemic around and contain the virus.”

Hà Nội đã chậm trễ bước 1 về xét nghiệm nhưng chưa muộn để chặn dịch.

Bằng những hiểu biết cá nhân, tôi tin chắc chắn rằng hơn 100 ngàn người Hà Nội đi du lịch trở về từ Đà Nẵng, nhưng số ca bệnh sẽ rất ít và lần lượt được phát hiện để xử lí, khả năng con số chỉ đếm trên đầu ngón tay của vài bàn tay và cùng lắm hơn thế một chút, Hà Nội sẽ không bùng phát dịch.

💥 1️⃣ PHẢI CÓ HLV & BHL ĐỘI BÓNG TỐT

Trong cuộc chiến 100 ngày đầu tiên chống COVID khó khăn nhất, theo đánh giá của tôi Hà Nội đã có huấn luyện viên cực giỏi và ban lãnh đạo đội bóng cực tốt, mang về thắng lợi giòn giã 1-0 và là bài học lớn để các đội bóng khác trong cả nước học tập và rút kinh nghiệm.

Cuộc chiến lần hai này, bắt đầu từ đêm 24 tháng 7 đến hôm nay, vi-rút khởi động tấn công từ Đà Nẵng theo chiến thuật “Hiệu ứng cánh bướm – Butterfly effect”, Hà Nội đỡ bóng lỡ một nhịp nên túm trượt ca bệnh, đội hình mất phương hướng và chệch choạc, nhưng điều quan trọng nhất là chiến thuật của đối phương đã thay đổi.

HLV trưởng và ban huấn luyện đã không bắt kịp.

Theo tôi, điều tối khẩn thiết lúc này HLV trưởng và BHL phải cần phải thay đổi, vấn đề thay đổi là xác định lại tầm nhìn rõ, nhất là tầm nhìn chiến thuật cần dựa trên những kiến thức khoa học. Tiếp theo, HLV trưởng và BHL phải thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ, rõ ràng, thu hút được sự ủng hộ của cả cộng đồng.

💥 2️⃣ DẸP BỎ CÁI TÔI TRONG ĐỘI

Đừng để cái tôi xuất hiện trong đội, mà phải xác định chỉ có sự đồng lòng đoàn kết thì mới đánh bại được COVID. Mỗi thành viên trong đội đều có vai trò quan trọng, từ tuyến đầu, cho đến tuyến 2 và tuyến 3, khu vực xét nghiệm, hay thậm chí những đồng đội làm các công việc khác của ngành y tế.

Tính chuyên nghiệp ở từng tuyến, chuyên nghiệp ở từng cầu thủ cũng đòi hỏi phải được nâng cao lên vượt bậc, không thể lẫy kĩ thuật chơi bóng phủi đi đá World Cup, càng không thể dựa vào chủ nghĩa kinh nghiệm dịch bệnh ổ nhỏ để chống đại dịch toàn cầu.

Bằng chứng là tuyến xét nghiệm, rõ ràng Hà Nội có 99 ngày vàng để làm công tác chuẩn bị và tập luyện, nhưng khi xung trận vẫn không nắm rõ tính năng từng loại xét nghiệm, chưa có quy trình xét nghiệp gộp tối ưu, trong lãnh đạo của đội hình mải mê với chiến thắng ở vòng loại ao làng; đó là bài học xương máu ở thời điểm hiện tại cũng như trong thời gian dài tới đây.

💥 3️⃣CÁCH PHÒNG THỦ TỐT NHẤT LÀ TẤN CÔNG

Điều này rất quan trọng, Hà Nội phải xác định một cách rõ ràng những nơi vi-rút ẩn náu có khả năng bùng phát nhiều nhất, phải tấn công vào những chỗ đó.

Trong tuần này, Nhật Bản đưa ra sáng kiến để phát hiện những ổ vi-rút rất hay, đó là “Ba chữ C – Three Cs”.

👉 Closed spaces = Không gian kín (tàu du lịch, khu chế biến thịt đông lạnh).
👉 Crowded places = Nơi đông người.
👉 Close-contact settings = Khu vực thiết lập liên hệ chặt chẽ (quán bar, hộp đêm, tụ họp xã hội, nhà thờ, các cuộc tụ họp hội thảo đông đúc).

Hà Nội phải chủ động tấn công vào các vị trí này, đặc biệt là hệ thống bệnh viện ở thủ đô luôn quá tải bệnh nhân và người nhà, thời tiết lại nắng nóng nên các buồng bệnh đóng kín bật điều hòa vài chục người ở bên trong; phải coi bệnh viện là nơi nguy hiểm nhất. Vi-rút mắt thường không nhìn thấy được, nên bác sĩ có giỏi mấy thì cũng sẽ bị lây, vì thế mà phải xét nghiệm cho tất cả các bệnh nhân theo chu kì 14 ngày bắt đầu từ lúc vào viện cho đến khi ra viện.

💥 4️⃣KHÓA CHẶT CÁC MŨI TẤN CÔNG ĐỐI PHƯƠNG

Phải nhanh chóng phát hiện ca bệnh, để cách li điều trị, truy vết người tiếp xúc. Hà Nội sử dụng biện pháp xét nghiệm test nhanh riêng rẽ ở cuộc chiến thứ 2 này là không phù hợp, điều mà hàng loạt quốc gia như Úc, Anh và toàn châu Âu, cả Mỹ đã mắc phải; không có cách nào khác là phải cập nhật nhanh chóng rút kinh nghiệm.

Test kháng thể (+) cho biết:

– Có thể đã nhiễm vi-rút và đã sinh kháng thể.
– IgM (+) và IgG (-): chứng tỏ vi-rút đang hoạt động.
– IgM (+) và IgG (-): vi-rút đang hoạt động rất mạnh.
– IgM (-) và IgG (+): có thể bệnh đã ổn định.

Test kháng thể được nhà sản xuất khuyến cáo âm tính giả chỉ 1-2%, nhưng thực tế ở thời điểm này lên tới vài chục phần trăm, thậm chí trên 50% và không khác tung đồng xu. Lí do có thể do vi-rút chưa đủ thời gian sinh kháng thể (thường IgM sớm nhất dương tính từ 5-7 ngày sau nhiễm). Một lí do khác tôi dự đoán, có thể vi-rút đã biến đổi gen để trốn tránh sự phát hiện của test kháng thể.

Test kháng thể (+) giả khi có phản ứng chéo: gặp trong sốt xuất huyết, viêm não mô cầu, Ebola.

Xét nghiệm gen rt-PCR là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán, nhưng cũng bị âm tính giả nhiều (nghiên cứu ở Mỹ có 10-15% âm tính giả), lí do âm tính giả vì lấy dịch tị hầu sai kĩ thuật, hoặc do vi-rút cư trú quá sâu trong phổi mà không ở hầu họng.

Phải nhanh chóng phát hiện ca bệnh!

Chìa khóa để phòng chống dịch là phát hiện ca bệnh, với câu thần chú “xét nghiệm, xét nghiệm, và xét nghiệm – test, test, and test”, nhưng với những lí do hạn chế của test nhanh kháng thể và rt-PCR, cần thiết phải tối ưu hóa bằng bộ 3 chẩn đoán.

– Tiền sử dịch tễ.
– Test nhanh kháng thể.
– rt-PCR.

Tôi nhấn mạnh vai trò cực kì quan trọng của bộ 3 = (Tiền sử dịch tễ + Test nhanh kháng thể + rt-PCR). Và những người dù đã làm xét nghiệm test nhanh kháng thể và PCR âm tính nhưng vẫn phải cách li ít nhất 14 ngày.

💥 5️⃣DI CHUYỂN ĐẾN NƠI CÓ BÓNG

Trong trận bóng đá, cầu thủ có khỏe và giỏi đến mấy, nếu tất cả đều chạy và chạy khắp mặt sân, thì cũng chỉ trụ được vài chục phút, rồi tự lăn ra đầu hàng.

Từng nhóm cầu thủ phải di chuyển đến nơi có bóng.

Chống dịch COVID cũng vậy, giãn cách xã hội toàn diện trên phạm vi cả nước chỉ vì một đợt bùng phát dịch, cách li cả thành phố chỉ vì vài trăm ca bệnh, khóa chặt cả một phường xã chỉ vì vài trường hợp dương tính; làm như vậy phù hợp ở cuộc chiến chống vi-rút 100 ngày, còn ở giai đoạn này nếu áp dụng cách đó sẽ là cực đoan, nếu kéo dài có thể dẫn đến hệ lụy sụp đổ kinh tế.

Chống dịch ở thời điểm này phải bằng cái đầu.

Nghĩa là phải sử dụng khoa học, đội ngũ chuyên gia không ngừng nghiên cứu, cập nhật những nghiên cứu và những biện pháp chống dịch trên thế giới để học hỏi, áp dụng.

Lịch sử nhắc nhở chúng ta ghi nhớ thời đại Victoria hoàng kim, khi các hệ tư tưởng nòng cốt của đế quốc tuân theo “lí thuyết chướng khí – the miasma theory” về bệnh tật, phủ nhận lí thuyết vi khuẩn của Robert Koch. Sự giáo điều bảo thủ đã dẫn tới “thảm họa diệt chủng cuối thời Victoria – late Victorian holocaust”, với gần 60 triệu người chết vì nạn đói và bệnh tật từ năm 1877 – 1910, trong đó có không ít người dân Việt trong thảm họa này.

Hà Nội với hơn 100 ngàn du khách trở về từ Đà Nẵng, thay vì cách li cả thủ đô, thì chính quyền đã yêu cầu những người này tự cách li theo dõi ở nhà, F1 sẽ được cách li tập trung; tôi cho rằng đây là cách làm rất phù hợp, bộ phận chuyên môn và chức năng phòng chống dịch đã biết tìm đến nơi có bóng, thay vì chạy loạn xạ vô hướng khắp mặt sân cỏ.

Với thời tiết khí hậu nóng ẩm của mùa hè, cùng với ý thức phòng bệnh rất cao của người dân, hiểu biết về bệnh dịch ở từng người cũng rất tốt, tôi tin chắc Hà Nội dịch COVID không có cơ hội lây lan ngoài cộng đồng, chỉ là những ca lây nhiễm cục bộ sẽ được phát hiện và khống chế.

Tôi không phủ nhận có những người chưa có ý thức.

Nhưng số đó rất ít, không thể nhìn vào vài người không có ý thức để quy kết cho hơn 100 ngàn người dân Hà Nội, càng không thể mong đợi tất cả trong số đó đều có ý thức cao, bởi đó là phi thực tế.

💥 6️⃣THÀNH CÔNG LÀ CỦA TOÀN ĐỘI

Kết thúc mỗi trận đấu bóng đá, báo chí sẽ chọn ra 1 cầu thủ xuất sắc nhất của đội chiến thắng để phỏng vấn, đó là cầu thủ ngôi sao được đứng lên bục nhận khen thưởng.

Và cầu thủ đó bao giờ cũng trả lời rất tự ti: “Tôi xin cám ơn HLV trưởng và cám ơn BHL! Thủ môn của chúng tôi hôm nay thật tuyệt vời. Hàng hậu vệ và tiền vệ của chúng tôi rất xuất sắc. Các cầu thủ tuyết trên đã làm tất cả mọi công việc, họ chuyền bóng và nhiệm vụ của tôi rất đơn giản, đó là ghi bàn. Đội của chúng tôi hôm nay ai cũng là ngôi sao, tôi chỉ có một chút may mắn hơn là ghi bàn để đứng lên bục này, bàn thắng hôm nay là phần thưởng dành cho toàn đội chơi.”

Cầu thủ đó không bao giờ tự khen mình!

Trong cuộc chiến chống COVID cần sự “tự ti” hơn thế nữa. Một cái vỗ lưng của lãnh đạo dành cho đồng nghiệp đang căng mình chống dịch, một sự chia sẻ với các thành viên trong nhóm luôn được đánh giá cao, nó có tác dụng khích lệ và trấn an rất lớn. Những hành động giúp đỡ lẫn nhau dù nhỏ thôi nhưng luôn được trân trọng.

Sau cuộc chiến 100 ngày thành công chúng ta nên rút kinh nghiệm.

Tôi đã thấy những lễ tôn vinh lòe loẹt và ồn ào, khen thưởng và tán dương ầm ĩ, nhưng tôi cũng nhìn thấy có những lời xì xào về phần thưởng, đặc biệt là đó đây chắc chắn có cảm giác tủi buồn, nhất là anh chị em bác sĩ hay điều dưỡng dự phòng nơi tuyến đầu, đội ngũ công an và quân đội, dân quân tự vệ hay các đoàn thể địa phương; cảm giác bỏ rơi đâu đó là có thật.

Advertisement

💥 7️⃣NGẨNG CAO ĐẦU & NGHĨ TỚI CHIẾN THẮNG

Các môn thể thao đối kháng, ngay cả khi rơi vào tình thế phòng thủ, thì các thành viên của đội vẫn phải ngẩng cao đầu để không bị đối thủ che mắt chạy qua.

Quan trọng hơn nữa là phải luôn nghĩ đến chiến thắng, trong một trận chiến chỉ khi nghĩ đến chiến thắng thì mới giành được chiến thắng. Điều kiện tiên quyết để đạt được chiến thắng là phải nghĩ đến chiến thắng, ngay cả khi đã bị đối phương dẫn bàn với tỉ số đậm, điều này thể hiện rõ ở các quốc gia phương Tây như châu Âu và Mỹ, họ luôn tin tưởng sẽ chiến thắng đại dịch COVID.

Phòng chống COVID ở Hà Nội hay các tỉnh khác cũng vậy.

Tất cả đội ngũ luôn phải ngẩng cao đầu, tỉnh táo để tìm kiếm những thông tin giá trị, những kiến thức chất lượng từ các nguồn tin cậy, học hỏi và thay đổi phương pháp sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Khi số ca nhiễm bùng phát ở Đà Nẵng và lan ra đến Hà Nội và nhiều tỉnh khác, thay vì co cụm phòng thủ tiêu cực để bảo vệ cầu môn, thì chúng ta phải nghĩ đến một cuộc sống bình thường mới (a new normal) mà ở đó chúng ta thiết lập một trạng thái hoạt động bình thường theo cách mới.

Hà Nội chỉ cần cách li tại nhà những công dân trở về từ Đà Nẵng, cùng lắm là cách li tập trung một số người thuộc F1, cách li vậy đã cực kì hiệu quả để dập dịch, cùng với tăng cường xét nghiệm test kháng thể nhanh và rt-PCR, tôi tin chắc đến 20 tháng 8 này về cơ bản Hà Nội yên ổn.

💥 8️⃣ CÁM ƠN NGƯỜI HÂM MỘ

Kết thúc trận bóng đá bao giờ cầu thủ cũng phải cám ơn khán giả.

Chiến thắng là của toàn dân, thành công trong việc phòng chống COVID ở Việt Nam tôi khẳng định 90% do ý thức của người dân Việt quá tốt, rất hiếm quốc gia nào có được người dân đồng tình với chính phủ và lực lượng phòng chống dịch như người Việt.

Bởi vậy cần phải cám ơn tất cả người dân Việt!

💥 9️⃣KẾT LUẬN

Bác sĩ kiêm triết gia người Pháp Georges Canguilhem đã từng nói: “Bệnh tật không phải là một chiều hướng biến thể của sức khỏe, mà nó là một chiều hướng mới của cuộc sống.”

Nếu hiểu dịch bệnh theo ý nghĩa của Georges Canguilhem, thì cuộc chiến 100 ngày đầu tiên giành thắng lợi của chúng ta, đó chỉ đơn giản là Việt Nam đã dùng mọi cách để xua đuổi SARS-CoV-2 ra khỏi biên giới. Chiến thắng dịch bệnh không phải là trở lại cuộc sống lạc quan không có SARS-CoV-2 của trước năm 2019, mà đúng hơn phải là một trạng thái mới mà ở đó chúng ta biết cách thích nghi và chấp nhận sự có mặt của COVID.

Nguồn: Bs. Trần Văn Phúc

Giới thiệu Nguyễn Quang Nhật

Tên: Nguyễn Quang Nhật Ngày sinh:27/07/2000 Quê quán: Tp.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

Check Also

[Medicalnewstoday] Triệu chứng khi nhiễm biến thể Omicron

[Medicalnewstoday] Omicron: Triệu chứng khi nhiễm biến thể này Khi các ca nhiễm trùng biến …