Tác giả: Bác sĩ Trần Văn Phúc
>> COVID-19: HẠ SỐT BẰNG IBUPROFEN CÓ NGUY HIỂM?
cập nhật: WHO không khuyến cáo như vậy
================================
Tại sao thuốc ibuprofen lại bị WHO khuyến cáo không nên dùng để hạ sốt khi bị COVID-19? Bằng cách nào để một cô giáo Việt lọt vào tốp ’50 giáo viên toàn cầu’ và có thể giành giải thưởng 1 triệu đô la Mỹ? Hai thông tin này chẳng có điểm gì chung, ngoài việc nó có liên quan đến bệnh dịch COVID-19, riêng thông tin cô giáo dân tộc Mường dạy học online từ xa tên là Hà Ánh Phượng có thể giành giải ‘Giáo viên Toàn cầu’ các bạn tự tìm đọc các báo.
Tôi xin gửi đến các bạn thông tin về thuốc ibuprofen.
Các phương tiện truyền thông đăng tải trong cuộc họp báo vào ngày 17 tháng 3 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra lời cảnh báo rằng, những người mắc bệnh COVID-19 nên tránh dùng thuốc ibuprofen để hạ sốt.
Ibuprofen là thuốc được rất nhiều chị em tích trữ sẵn.
Truyền thông phương Tây đưa tin phát ngôn viên của WHO Christian Lindmeier đã khuyên dùng paracetamol để hạ sốt, thay vì ibuprofen với những trường hợp nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2.
Trước đó, vào ngày 14 tháng 3 năm 2020, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cũng cảnh báo trên Twitter rằng các loại thuốc chống viêm NSAIDS như ibuprofen có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh phổi Covid-19. Thay vào đó, Véran khuyên rằng paracetamol nên được ưu tiên.
Twitter của Véran sau đó nhận được sự ủng hộ của một số nhà khoa học và bác sĩ cao cấp.
Jean-Louis Montastruc, giáo sư dược lý lâm sàng và y học tại Bệnh viện Đại học Trung ương ở Toulouse cho biết, những tác dụng không mong muốn như vậy của NSAIDS đã được cảnh báo từ năm 2019 bởi Cơ quan Quốc gia về An toàn Thuốc và các Sản phẩm Sức khỏe, nhân viên y tế ở Pháp đã được khuyên không nên sử dụng ibuprofen để điều trị sốt hoặc nhiễm trùng.
Paul Little, giáo sư nghiên cứu chăm sóc ban đầu tại Đại học Southampton, cho biết có bằng chứng tình trạng bệnh kéo dài hoặc biến chứng nhiễm trùng đường hô hấp có thể phổ biến hơn với bệnh nhân sử dụng NSAID. Giáo sư người Anh nói rằng, ông căn cứ vào 2 thử nghiệm ngẫu nhiên cho thấy sử dụng ibuprofen có mối liên quan với tình trạng bệnh nặng hơn hoặc biến chứng, ibuprofen trong nghiên cứu quan sát có thể được coi là nguyên nhân, lời khuyên sử dụng paracetamol cũng có thể giảm bớt các biến chứng.
Ian Jones, giáo sư về virus học tại Đại học Reading, nói rằng các đặc tính chống viêm của ibuprofen có thể gây suy giảm hệ thống miễn dịch, làm chậm quá trình phục hồi. Ông nói thêm rằng có khả năng, dựa trên sự tương đồng giữa SARS-CoV-2 và SARS-CoV-1, khả năng bệnh covid-19 làm giảm một loại enzyme chủ yếu điều chỉnh nồng độ nước và muối trong máu, đó có thể góp phần thúc đẩy tình trạng viêm phổi. Giáo sư người Anh cho rằng Ibuprofen có thể làm trầm trọng thêm điều này, trong khi paracetamol thì không.
Charlotte Warren-Gash, giáo sư dịch tễ học tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Luân Đôn, cho biết với bệnh COVID-19 cần có thêm nghiên cứu về tác dụng của NSAID cụ thể ở những người có bệnh nền khác nhau, còn trong trường hợp điều trị các triệu chứng như sốt và đau họng sẽ hợp lí hơn khi sử dụng paracetamol.
Vậy cụ thể ibuprofen ảnh hưởng như thế nào với COVID-19?
Đi tìm các bằng chứng khoa học, tôi mới chỉ thấy bài viết nổi bật nhất là của tác giả Lôi Phương và cộng sự, đăng trên tạp chí The Lancet ngày 11 tháng 3 năm 2020.
Bài viết của Lôi Phương dựa trên 3 nghiên cứu mô tả quan sát:
Nghiên cứu 1: của tác giả Dương Hiểu Ba, với 52 bệnh nhân COVID-19 (trong đó bệnh nền có 22% bệnh nhân tiểu đường và 22% bệnh nhân tai biến mạch não) ở đơn vị chăm sóc đặc biệt, 32/52 bệnh nhân đã tử vong.
Nghiên cứu 2: của tác giả Quan Vĩ Kiệt, với 1099 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 173 bệnh nặng với bệnh tăng huyết áp (23.7%), đái tháo đường (16.2%), bệnh tim mạch vành (5.8%) và bệnh mạch máu não (2.3%).
Nghiên cứu 3: của tác giả Trương Kim Tiến, với 140 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 30% bị bệnh nền tăng huyết áp và 12% bị tiểu đường.
SARS-CoV-2 được cho là có ái tính rất mạnh với thụ thể ACE2 (là enzyme chuyển đổi angiotensin 2 có trong các tế bào biểu mô của phổi, ruột, thận và mạch máu). Lôi Phương lập luận rằng, những bệnh nhân tiểu đường type 1 hoặc 2, sẽ tăng ACE2 rất mạnh, những bệnh nhân này đều được điều trị các thuốc ức chế men chuyển angiotensin 2. Tăng huyết áp cũng được điều trị thuốc ức chế men chuyển như vậy.
Từ đó Lôi Phương đưa ra giả thuyết: Các thuốc NSAID có thể gây kích thích ACE2 làm tăng nguy cơ nặng ở bệnh nhân COVID-19 và gây tử vong!
Giải thuyết của Lôi Phương đưa ra khá thú vị, bởi theo như tác giả nếu giả thuyết này đúng sẽ dẫn đến cuộc xung đột về điều trị với nhóm bệnh nhân COVID-19 mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch.
Tôi cho rằng, có thể Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran, sau đó là các nhà khoa học và chuyên gia quốc tế khác, rồi đến phát ngôn viên WHO Christian Lindmeier có thể đã dựa vào bài báo của Lôi Phương để đưa ra khuyến cáo không sử dụng ibuprofen điều trị hạ sốt trong trường hợp COVID-19.
Tuy nhiên, bài báo của Lôi Phương chỉ dựa vào 3 nghiên cứu mô tả quan sát, mà bất cứ bác sĩ nào cũng hiểu nghiên cứu mô tả quan sát chưa được coi là bằng chứng khoa học đủ sức thuyết phục để có thể đưa ra khuyến cáo chắc chắn, đó cũng là lí do để The Lancet xếp bài báo với mức độ ý nghĩa yếu.
Trong thực tế điều trị lâm sàng, sử dụng hạ sốt vẫn ưu tiên acetaminophen mà paracetamol là thuốc đầu tay. Các bác sĩ sử dụng ibuprofen trong những trường hợp sốt cao trên 39,5˚C ngay từ đầu, nhất là khi tuần hoàn của bệnh nhân có dấu hiệu suy giảm, nhưng không phải bệnh nhân thận và tim mạch nào cũng dung nạp được với ibuprofen.
COVID-19 có thể sốt cao, nhưng với 85% bệnh nhân nhẹ, nên dù có sốt cao cũng chỉ cần dùng paracetamol là đủ. Để hiểu biết SARS-CoV-2 có thực sự nặng hơn khi dùng ibuprofen hay không thì cần phải có những nghiên cứu phân tích can thiệp mới sáng tỏ được.
Nhưng sự thận trọng của Bộ trưởng Pháp và WHO là cần thiết.
Ở Việt Nam, nhiều chị em tích trữ sẵn thuốc hạ sốt có thành phần là ibuprofen, là những sản phẩm nhập từ Úc, Newzealand, Pháp, Đức, Canada; tích trữ để dùng dần khi bị sốt. Điều này là không nên. Khi trẻ hoặc người thân sốt đơn thuần, hãy dùng paracetamol, nếu sốt cao trên 39,5˚C và không hạ hoặc kèm theo những dấu hiệu khác, thì phải đi khám hoặc ít nhất tư vấn bác sĩ. Ibuprofen trong những trường hợp bệnh COVID-19 nhưng cần thiết, bác sĩ vẫn có thể chỉ định ibuprofen, khuyến cáo của WHO hay các chuyên gia hiện tại vẫn chỉ là kênh tham khảo thêm.
Hãy nhớ sốt đơn thuần ở nhà chỉ dùng sản phẩm chứa paracetamol!
Nhưng,
Có thật WHO đã khuyến cáo ‘không nên dùng ibuprofen với bệnh nhân COVID-19’ hay không? Tôi đi tìm bản gốc khuyến cáo của WHO nhưng không thấy, mà chỉ tìm được ở trên truyền thông đại chúng phương tây ghi khuyến cáo như vậy.
Cập nhật đến thời điểm ngày 19 tháng 3 trên Twitter chính thức WHO đã công bố hiện không khuyến nghị tránh Ibuprofen cho các triệu chứng COVID-19.
Nguyên văn được WHO viết như sau: “Based on currently available information, WHO does not recommend against the use of ibuprofen – Dựa trên thông tin hiện có, WHO không khuyến nghị sử dụng ibuprofen.”
Vậy các bác sĩ vẫn CÓ THỂ SỬ DỤNG ibuprofen với bệnh nhân COVID-19!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
—————————
1. Lei Fang, George Karakiulakis, Michael Roth. Are patients with hypertension and diabetes mellitus at increased risk for COVID-19 infection? The Lancet. DOI:https://doi.org/10.1016/S2213-2600(20)30116-8 (Published:March 11, 2020).
2. Michael Day. Covid-19: ibuprofen should not be used for managing symptoms, say doctors and scientists. BMJ 2020; 368 doi: https://doi.org/10.1136/bmj.m1086 (Published 17 March 2020).
3. Updated: WHO Now Doesn’t Recommend Avoiding Ibuprofen For COVID-19 Symptoms. Science, AFP17 MARCH 2020.
—————————————————-
🌻 Tham gia Y học Hội để theo dõi các vấn đề về sức khỏe tại: https://fb.com/groups/yhochoi
🌻Tham gia Nhóm Y Lâm Sàng nhận tài liệu và case miễn phí tại: https://www.facebook.com/groups/858633861249240/
🌻Đọc các bài viết cập nhật mới nhất tại: https://ykhoa.org
🌻Tải tài liệu Y khoa miễn phí tại: https://ykhoa.org/category/tai-lieu
🌻Xem kho video bài giảng tại: https://www.facebook.com/pg/ykhoa.org/videos/
🌻Tra cứu Uptodate miễn phí tại: https://ykhoa.org/uptodate
🌻Tham gia cùng làm việc tại địa chỉ: https://forms.gle/cQ5M7AdaesKCTcjt9