>>> Kết quả âm tính giả – False Negative Result <<<
BS Vu Hong Nguyen
Mình chắc chắn là trong mấy ngày qua nhiều bạn đang rất quan tâm đến vấn đề này trong đại dịch virus SARS-CoV-2 (tên cũ là 2019-nCoV) gây bệnh viêm phổi Covid19. Để cho đơn giản với cái tên, mình gọi virus này trong bài hôm nay là nCoV. Phương pháp xét nghiệm virus này hiện nay là realtime RT-PCR (để hiểu được phương pháp này, các bạn nên xem video clip này:
Kết quả âm tính giả hay trong tiếng anh là “False Negative Result” được hiểu đơn giản là “đáng lẽ phải có nhưng không thấy”! Điều này trong nghiên cứu thỉnh thoảng gặp hoài do nhiều nguyên nhân từ “tay nghề” người làm, “sai số” dụng cụ, “trục trặc” máy móc cho đến “chất lượng mẫu thử”, v.v… dẫn đến suy luận sai về kết quả thí nghiệm. Để tránh những điều này, người ta phải thiết kế thí nghiệm với rất nhiều mẫu đối chứng như đối chứng dương, đối chứng âm (positive/negative controls), nội đối chứng (internal control) để biết quy trình làm có đạt tiêu chuẩn chưa, mẫu từ người bệnh còn nguyên vẹn không v.v… Mình tin rằng nhờ vào những mẫu đối chứng này mà tuần vừa rồi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (The Centers for Disease Control and Prevention, gọi tắt là CDC) đã thừa nhận trên báo chí là một số bộ kit kiểm tra virus nCoV mà họ gửi đến các tiểu bang để đẩy nhanh việc kiểm tra đã có lỗi dẫn đến kết quả không kết luận được (inconclusive results). CDC cho biết họ sẽ sửa lại các phần trong bộ kit mà họ nghĩ là nó trục trặc để hoàn thiện lại chúng.
Trong tình hình dịch bệnh do virus nCoV hiện nay thì việc có kết quả ÂM TÍNH GIẢ thực sự rất nguy hiểm vì 1️⃣người bệnh mất cơ hội hỗ trợ y tế mà họ cần có 2️⃣ khi họ trở lại cộng đồng trong tình trạng chứa virus trong người sẽ dễ dàng lây cho người trong gia đình hoặc những người khác trong môi trường công cộng như trường học, chỗ làm, nhà thờ, v.v… Tuy nhiên, thực sự tình trạng này đã xảy ra khá phổ biến trong thời gian vừa qua như các ví dụ từ các bài báo mình để trên hình: trường hợp một người đàn ông Nhật, tuổi khoảng 50, trở về từ Vũ Hán, được cách ly, sau 2 lần kiểm tra đều cho kết quả âm tính và đến lần thứ 3 trong ngày thứ 12 mới cho kết quả dương tính và rất nhiều trường hợp tương tự khác đã xảy ra ở Trung Quốc. Ngoài ra, trong một bài nghiên cứu của nhóm tác giả từ bệnh viện ở Hồ Nam đăng trên tạp chí chuyên ngành “Radiology” còn cho biết họ đã thấy một số bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR ban đầu là âm tính nhưng có dấu hiệu bệnh viêm đường hô hấp của virus nCoV qua phim chụp CT. Những người này sau khi được xét nghiệm lại đã cho kết quả dương tính với virus nCoV.
Cách đây vài ngày trước, có thông tin là một bệnh viện ở Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc cho thấy một người bị “tái nhiễm” sau khi điều trị khỏi nhưng cho đến ngày hôm nay thì các chuyên gia Trung Quốc đã bác bỏ thông tin trên và khẳng định đây là do xét nghiệm âm tính giả. Họ nghi ngờ là lượng virus quá ít trong dịch lấy từ mẫu quệt họng nên không đủ nhạy. Để phòng hờ hiện tượng này tái diễn họ sẽ phải kiểm tra dịch đường hô hấp trên lẫn đường hô hấp dưới và sẽ nâng số lần xác nhận âm tính từ 2 lần lên 3 lần, sau đó mới cho người bệnh xuất viện.
Nói chung, để hạn chế hiện tượng âm tính giả của việc xét nghiệm virus nCoV thì ngoài việc chuẩn hóa các thao tác phòng thí nghiệm, các mẫu đối chứng thì việc thu mẫu người bệnh cũng rất quan trọng. Nhìn vào biểu đồ trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí “The New England Journal of Medicine” mình đã nói trong post lần trước, virus được thấy nhiều hơn ở trong dịch lấy từ mũi của người bệnh so với mẫu lấy từ họng, tuy nhiên nếu bạn nhìn vào 3 người bệnh ký hiệu E,C và H bạn sẽ thấy trong một số ngày lượng virus trong mẫu lấy từ mũi là rất thấp mặc dù sau đó tăng lên lại. Do vậy, có vẻ mẫu lấy từ vòm họng và mũi là khá đơn giản, dễ làm, đang được thực hiện ở nhiều nơi nhưng lại không cho độ tin cậy cao do lượng virus không ổn định. Có nhận định cho rằng khi người bệnh ít ho có thể sẽ làm lượng virus nằm trong phần dưới của hệ hô hấp khó phát tán lên phần trên. Nếu các bạn đã xem video clip của mình về cách phát hiện người nhiễm virus ở phút thứ 6:14 sẽ thấy mẫu thử mà CDC lấy để xét nghiệm gồm 3 mẫu: mẫu từ phần trên hệ hô hấp (upper respiratory tract), phần dưới hệ hô hấp (lower respiratory tract) và mẫu máu, có lẽ việc xét nghiệm nhiều mẫu ở nhiểu vị trí trong cơ thể người bệnh sẽ giúp làm giảm nguy cơ có kết quả âm tính giả hơn.
Ngoài ra, trong bảng hướng dẫn các nhân viên y tế của CDC (fact sheet for healthcare providers) còn ghi rõ “kết quả âm tính từ xét nghiệm 2019-nCoV bởi Real-Time RT-PCR không nên được sử dụng làm cơ sở duy nhất cho các quyết định điều trị hoặc quản lý bệnh nhân. Nên xem xét khả năng “kết quả âm tính giả” khi 1️⃣ người bệnh đã có tiếp xúc gần đây với nguồn nhiễm/người nhiễm 2️⃣ người bệnh cho thấy kết quả âm tính với các tác nhân gây bệnh viêm phổi khác 3️⃣ sự hiện diện của các dấu hiệu/triệu chứng lâm sàng phù hợp với nhiễm 2019-nCoV (sốt, ho, khó thở). Một xét nghiệm lại có thể là cần được xem xét và thực hiện để đảm bảo.”
2019-ncoV là một virus mới nên chúng ta còn quá ít hiểu biết về nó, các nhà khoa học vẫn đang từng bước, từng ngày tối ưu hóa các phương pháp xét nghiệm để tăng độ chính xác! Do trong đại dịch virus nCoV, hiện tượng “ÂM TÍNH GIẢ” là rất nguy hiểm đối với sự an toàn của cộng đồng và sự thành công của việc kiểm soát dịch bệnh, mình hy vọng các cơ quan y tế phải thật cẩn trọng trong công tác xét nghiệm và luôn tối ưu hóa quy trình xét nghiệm cũng như quy trình lấy mẫu để giảm hiện tượng âm tính giả tối đa!
Bảo trọng nha bà con,
Các bài viết “quan trọng” liên quan trước đó:
Ngày 20 tháng 2 năm 2020 (Khủng hoảng số lượng người nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Hàn Quốc)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3247771908570491
Ngày 17 tháng 2 năm 2020 (Video clip – Ý thức của người bệnh là quan trọng)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3238953606118988
Ngày 9 tháng 2 năm 2020 (Video clip – Hệ Miễn Dịch & Cuộc chiến với Virus Corona 2019-nCoV)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3222592294421786
Ngày 8 tháng 2 năm 2020 (thời gian sống của Virus Corona ngoài môi trường và các dung dịch sát khuẩn)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3219808308033518
Ngày 5 tháng 2 năm 2020 (Ca nhiễm virus 2019-nCoV nhỏ tuổi nhất)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3213522581995424
Ngày 2 tháng 2 năm 2020 (Video clip – Phát hiện người nhiễm Virus corona 2019-nCoV)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3206772559337093
Ngày 31 tháng 1 năm 2020 (Hãy mang khẩu trang để tự bảo vệ mình)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3202343806446635
Ngày 30 tháng 1 năm 2020 (Video clip – Dịch VIRUS Corona 2019-nCoV và Những điều cần biết)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3198344746846541
Ngày 26 tháng 1 năm 2020 (Các tin đồn liên quan đến 2019-nCoV)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3191346670879682
Ngày 24 tháng 1 năm 2020 (Những điều cần biết về Corona Virus và ngăn dịch bệnh phát triển)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3184877124859970
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
Thông tin tham khảo:
https://www.cnn.com/…/h…/us-coronavirus-test-kits/index.html
https://www.straitstimes.com/…/new-coronavirus-found-in-jap…
https://vtc.vn/…/virus-corona-qua-xao-quyet-benh-nhan-xet-n…
https://vov.vn/…/chuyen-gia-trung-quoc-phan-bac-thong-tin-b…
https://news.zing.vn/benh-nhan-trung-quoc-tai-nhiem-covid-1…
https://www.fda.gov/media/134920/download
https://pubs.rsna.org/doi/full/10.1148/radiol.2020200343 (Chest CT for Typical 2019-nCoV Pneumonia: Relationship to Negative RT-PCR Testing)