KHẨU TRANG MUỐI
=================
BS Trần Văn Phúc
Giao thừa, tôi có chuyến đi về phương Nam. Con đường tôi đi chỉ có núi trong núi, thỉnh thoảng gặp một dòng sông cạn kiệt nước. Sấm sét run rẩy vào mùa đông, mưa trút xuống dữ dội, những ngọn núi như bị san phẳng, những dòng sông khô bỗng chốc hỗn loạn, mưa không dứt nổi xen với những trận mưa đá lớn chưa từng thấy.
Sấm sét ⚡ trong đêm giao thừa: tôi tự hỏi liệu muối có đắt hơn vàng?
Bằng những kinh nghiệm và hiểu biết của bản thân, tôi cho rằng đó chỉ là hiện tượng của tự nhiên, báo hiệu tiết trời lạnh lẽo sẽ kết thúc sớm, chỉ sau Tết Nguyên Đán 2 – 3 tuần là trời sẽ nắng ấm. Để bạn bè của tôi bớt lo lắng, tôi đã viết 2 bài đăng vào đêm 30 và sáng mùng 1 Tết, nói về hiện tượng này, cùng với dự báo của tôi về đại dịch 2019-nCoV sẽ được khống chế thành công ở Việt Nam.
Trước đó tôi đã có bài viết đầu tiên về virus này vào ngày 8 tháng 1.
Từ đó đến nay, tôi viết tất cả 20 bài, ngắn nhất cũng phải 2000 từ, dài lên tới 3500 chữ. Tôi đã cố gắng cung cấp những thông tin kiến thức cập nhật nhanh nhất có thể, cung cấp những gì tôi hiểu biết về dịch bệnh này, cung cấp góc nhìn của tôi. Nhưng câu hỏi liệu muối có đắt hơn vàng, thực sự với tôi là nỗi lo lắng, bởi đại dịch 2019-nCoV chúng ta có thể khống chế, nhưng hiểu biết con người đôi khi là hệ lụy che khuất nhiều điều, sẽ gây nên những rối loạn nguy hiểm mà chúng ta không thể lường trước được.
Chiếc khẩu trang đã cho tôi biết rất nhiều câu chuyện.
Tôi cứ nghĩ, nếu một vài tuần tới chúng ta không nhập được màng lọc kháng khuẩn từ Trung Quốc, màng lọc kháng khuẩn là thứ thiết yếu nhất để sản xuất khẩu trang, cả thế giới này đang nhập màng lọc từ Trung Quốc; nếu thế giới và chúng ta không nhập được, thì điều gì sẽ xảy ra?!.
Lúc đó, chẳng còn lựa chọn nào khác, ngoài khẩu trang vải.
Đại học Bách khoa Hồng Kông đã phối hợp với Ngành Công nghiệp Dệt may, sản xuất ra hàng ngàn khẩu trang vải kháng khuẩn, có thể tái sử dụng 50-70 lần. Ngay tại Việt Nam, ĐH Bách khoa TPHCM cũng phối hợp với Dệt may Nam Định sản xuất hàng loạt khẩu trang kháng khuẩn. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã có đề tài khẩu trang công nghệ Nano diệt vi rút.
Khẩu trang cần phải ngăn chặn 2 tác nhân vi sinh vật gây bệnh xâm nhập qua đường mũi miệng gồm = vi khuẩn + vi rút.
Để ngăn chặn vi khuẩn không khó, chỉ cần khẩu trang cần có hàng rào vật lí để ngăn chặn sự xâm nhập, hoặc hàng rào hóa học để tiêu diệt, hoặc cả 2. Nhưng vi rút do cấu trúc quá đơn giản, kích thước quá bé, nên hàng rào hóa học gần như không thể diệt được vi rút, chỉ còn dựa vào hàng rào vật lí nhưng cũng rất khó khăn.
Đối với hàng rào hóa học, các hóa chất tẩm vào khẩu trang có thể tiêu diệt vi khuẩn, nhưng mỗi hóa chất chỉ có tác dụng với một vài chủng. Riêng hóa chất giải phóng ion bạc Ag+ có tính năng diệt khuẩn tốt và bản chất bạc không gây độc, nhưng chi phí rất đắt đỏ, nên khó để sản xuất đại trà. Đặc biệt, hóa chất hay ion bạc Ag+ tẩm vào khẩu trang, về logic sẽ rất khó để diệt được vi rút.
Đối với hàng rào vật lí cũng vậy, nếu sử dụng công nghệ nao no như khẩu trang của Mỹ, khẩu trang của Israel thì giá thành sẽ rất cao và dây truyền sản xuất không dễ để triển khai trong thời điểm này. Giải pháp công nghệ nano TiO2 của Đại học Quốc gia, đó là ý tưởng hay, nhưng sẽ rất khó để hiện thực hóa phục vụ đại dịch 2019-nCoV đang hoành hành. Ở thời điểm hiện tại và trong tương lai gần, công nghệ nano chỉ sản xuất ra những khẩu trang đặc biệt, sử dụng trong tình huống đặc biệt.
Tôi đã đọc nghiên cứu về khẩu trang muối của Fu-Shi Quan và cộng sự, đăng trên tạp chí Nature, số 7 ngày 4 tháng 1 năm 2017. Theo đó, khẩu trang có 3 lớp, lớp giữa được phủ bởi các tinh thể muối NaCl. Theo nghiên cứu, tinh thể muối sẽ hấp thụ các vi hạt chứa vi rút (tiếng Anh gọi là aerosol hoặc sol), NaCl sẽ nhanh chóng thẩm thấu hết nước trong vi hạt, vi rút bị làm khô và bị phá vỡ theo cơ chế tác nhân vật lí. Tôi đã nhìn ảnh phóng đại dưới kính hiện vi điện tử, tinh thể muối tạo thành mạng lưới, với kích thước lưới đủ để bắt giữ các hạt từ 1-5µm.
Như vậy, tôi cho rằng mọi ý tưởng đều có giá trị nhất định, nhưng khẩu trang muối có vẻ thuyết phục hơn cả về chức năng chặn và tiêu diệt vi rút, về giá thành, về khả năng thực hiện trong hoàn cảnh hiện tại. Nghĩa là, trong hoàn cảnh không thể nhập được nguyên liệu làm khẩu trang, chúng ta có thể thử nghiệm sản xuất khẩu trang vải 3 lớp, trong đó có lớp giữa tẩm muối theo nghiên cứu của Fu-Shi Quan và cộng sự.
Sấm sét ⚡ trong đêm giao thừa: nhưng tôi tin muối không thể đắt hơn vàng!