[ COVID-19] Khủng hoảng số lượng người nhiễm virus Covid-19 ở Hàn Quốc

Rate this post

TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím

>>> Khủng hoảng số lượng người nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Hàn Quốc <<<

(SARS-CoV-2 là tên mới của virus gây bệnh viêm phổi có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc. Tên cũ là Covid-19, tên trước đó nữa là 2019-nCoV,… tại sao có cái tên mà phải đổi liên tục hoài khiến mọi người cũng nhức đầu như những con số thống kê của Trung Quốc thay đổi cách tính liên tục thì tui cũng không biết! Nhưng do ý kiến của một bạn nói là cần gọi cho đúng tên theo thông báo quốc tế gần đây nhất thì tui đổi tên trên tựa đề và ghi rõ là thế nhe. Trong bài, tui vẫn để tên Covid-19 để các bạn khác chưa quen tên mới còn biết)

Hôm qua tới nay, mọi người ở Hàn đang nháo nhào lên khi số lượng người nhiễm Virus Corona Covid-19 đột ngột tăng vọt lên quá nhanh! Chỉ trong vòng 2 ngày (ngày 19-20 tháng 2) đã đạt tổng 156 người nhiễm so với 4-5 ngày trước đó chỉ có khoảng 30 người và còn rất nhiều người khác đang trong tình trạng nghi ngờ, chờ kiểm tra. Vụ việc tăng vọt người nhiễm này được cho là từ một phụ nữ 61 tuổi, mặc dù có triệu chứng sốt nhưng bà đã 2 lần từ chối đi kiểm tra virus Covid-19 và vẫn hăng hái đi nhà thờ làm lễ 4 lần trước khi bị phát hiện (bà trở thành người nhiễm thứ 31 ở Hàn). Nhà thờ nơi bà đến là một nhà thờ lớn tên là “Shincheonji Church of Jesus” có khoảng 120 ngàn thành viên, ở thành phố Daegu. Sự vụ này đã dẫn đến việc lây nhiễm 37 người bạn đạo khác được xác nhận cho đến nay (có thể số lượng nhiều hơn khi có kết quả xét nghiệm những người tình nghi khác). Đây là ca có số người lây nhiễm cực lớn vì cho đến nay tỉ lệ lây nhiễm trung bình chỉ khoảng 2.2 (có nghĩa là 1 người lây được hơn 2 người khác). Do vậy, người ta đã đặt cho bà biệt danh là “siêu lây nhiễm” (‘Superspreader’). Hiện nay các quan chức Hàn Quốc ở Daegu đã kêu gọi những người bạn đạo từng đi làm lễ chung với bà nên tự ở nhà cách ly với gia đình, các cư dân của Daegu (khoảng 2.5 triệu người) nên ở trong nhà và ra lệnh đóng tất cả các trường học cho trẻ nhỏ và thư viện công cộng.

Chúng ta đã thấy sự truyền nhiễm nhanh kinh khủng của Covid-19 ở Trung Quốc, trên tàu du lịch Diamond Princess ở Nhật Bản và nay là câu chuyện người bệnh số 31 với biệt danh “siêu lây nhiễm” ở Hàn Quốc. Sự lây nhiễm quá nhanh của virus này đã được giải thích bằng nhiều giả thuyết và bằng chứng khoa học gần đây như 1/ virus này có thời gian ủ bệnh dài; 2/ trong thời gian ủ bệnh cũng có thể lây; 3/ ái lực (affinity, khả năng bám dính) của virus này lên thụ thể (receptor) của tế bào người mạnh hơn 20 lần so với virus Sars,…

Hôm qua, mình thấy một bài bài báo khoa học khá thú vị mới đăng trên tạp chí chuyên ngành “The New England Journal of Medicine” ghi nhận các số liệu về lượng virus trong các mẫu bệnh phẩm lấy từ mũi và họng của 18 người nhiễm virus ở Quảng Đông, Trung Quốc. Trong bài báo này các bệnh nhân được đánh dấu bằng các chữ cái: B, C, D, E, F, H, I, K, L, N, O, P, Q, S, T, W, X, Z. Trong 18 người này có 14 người trở về từ Vũ Hán và xác định bị nhiễm bệnh, 3 người bị truyền nhiễm thứ cấp (secondary infection, tức là truyền nhiễm từ người trở về từ Vũ Hán) và 1 người (ký hiệu Z) cũng là người bị truyền nhiễm thứ cấp nhưng không hề có triệu chứng bệnh dù rằng có virus trong người.

Các mẫu bệnh này được xét nghiệm bằng phương pháp realtime-RT-PCR để định lượng tương đối lượng virus này có trong người bệnh (để hiểu phương pháp xét nghiệm này các bạn có thể xem video clip mình làm trước đó: https://youtu.be/Bfn0FfJEbAE). Theo phương pháp này thì “chỉ số Ct” (trục dọc) càng nhỏ sẽ cho thấy lượng virus càng nhiều và ngược lại, chỉ số Ct này càng lớn chứng tỏ lượng virus càng ít. Trên biểu đồ, các số liệu xét nghiệm được xếp theo ngày tính từ khi bắt đầu có triệu chứng bệnh (trục ngang). Nhóm người bệnh được chia ra 3 nhóm, nhóm người bệnh nặng, nhóm người bệnh nhẹ và nhóm người bệnh thứ cấp (những người này bị lây từ những người bệnh trên). Trong biểu đồ không có để số liệu của người thứ 18 (có ký hiệu là Z) vì người này không hề có bất cứ triệu chứng bệnh nào nhưng xét nghiệm cho thấy người này có virus với mẫu bệnh phẩm từ mũi cho giá trị Ct từ 22 đến 28 và từ họng cho giá trị Ct từ 30 đến 32 vào ngày 7, 10 và 11 sau khi tiếp xúc với người bệnh E.

Nhìn vào đồ thị có thể cho ta thấy:

1️⃣ Số lượng virus ở mũi nhiều hơn ở họng. Lượng virus cao trong khoảng 10 ngày từ ngày xuất hiện triệu chứng bệnh.

2️⃣ Số lượng virus ở người bệnh nặng, ở người bệnh nhẹ và thậm chí ở người không có biểu hiện bệnh cũng có thể tương đương nhau.

Các thông tin trên một lần nữa khẳng định việc ho và hắt xì của những người mang virus (với độ khuếch tán có thể từ 2 đến 6 mét) sẽ khiến virus dễ dàng bám trong các hạt dịch văng ra và nhiễm vào người chung quanh. Thậm chí người không có triệu chứng bệnh vẫn có thể mang virus trong người, tuy người này có thể không hắt xì hoặc ho nhưng trong hơi thở của họ vẫn có thể có những hạt dịch mang virus và ảnh hưởng trong bán kính 1 mét như mình có phân tích trong bài post trước đó. Việc người phụ nữ 61 tuổi kia trở thành “siêu lây nhiễm” là một điều rất dễ hiểu khi bà ta đã có những triệu chứng bệnh và lại đến nơi đông người và có thể bà ta cũng không làm những việc cần làm để bảo vệ những người chung quanh như mang khẩu trang và không hắt xì và ho trong khủy tay áo,… Do vậy, một lần nữa mình muốn nhắc lại là “Ý thức của người bệnh là RẤT quan trọng” trong mùa dịch bệnh này, nếu có bất kỳ triệu chứng nào giống cảm cúm, các bạn nên làm những điều mình nói trong video clip ngày 17 tháng 2 (https://youtu.be/zgzdHGk_FVc

Advertisement
) để hạn chế tối đa việc lây nhiễm cho người khác!!

Mấy bữa nay mình thấy Việt Nam mình đang rất hân hoan sau nhiều ngày vẫn không phát hiện được ca nhiễm Covid-19 nào mới và tỉ lệ người khỏi bệnh đã là tuyệt đối 16/16. Mình chỉ mong là các bạn có vui thì cũng đừng vui quá mà hãy luôn đề phòng, vì thực sự nếu các bạn nhìn chung quanh thì tình hình có vẻ vẫn còn khá nghiêm trọng khi những ca nhiễm và chết vì virus này ngoài Trung Quốc ngày càng nhiều và tăng lẹ hơn! Chúng ta thực sự không dám chắc chắn không còn người nhiễm nhưng CHƯA ĐƯỢC PHÁT HIỆN trong cộng đồng, chúng ta cũng không dám chắc là những người Trung Quốc tiếp tục đổ vào Việt Nam có MANG MẦM BỆNH hay không,… hãy luôn cẩn trọng cho những bất ngờ mà mình không mong đợi!

Bảo trọng nha bà con,

Các bài viết “quan trọng” liên quan trước đó:

Ngày 17 tháng 2 năm 2020 (Video clip – Ý thức của người bệnh là quan trọng)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3238953606118988

Ngày 9 tháng 2 năm 2020 (Video clip – Hệ Miễn Dịch & Cuộc chiến với Virus Corona 2019-nCoV)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3222592294421786

Ngày 8 tháng 2 năm 2020 (thời gian sống của Virus Corona ngoài môi trường và các dung dịch sát khuẩn)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3219808308033518

Ngày 5 tháng 2 năm 2020 (Ca nhiễm virus 2019-nCoV nhỏ tuổi nhất)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3213522581995424

Ngày 2 tháng 2 năm 2020 (Video clip – Phát hiện người nhiễm Virus corona 2019-nCoV)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3206772559337093

Ngày 31 tháng 1 năm 2020 (Hãy mang khẩu trang để tự bảo vệ mình)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3202343806446635

Ngày 30 tháng 1 năm 2020 (Video clip – Dịch VIRUS Corona 2019-nCoV và Những điều cần biết)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3198344746846541

Ngày 26 tháng 1 năm 2020 (Các tin đồn liên quan đến 2019-nCoV)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3191346670879682

Ngày 24 tháng 1 năm 2020 (Những điều cần biết về Corona Virus và ngăn dịch bệnh phát triển)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3184877124859970

TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím

Thông tin tham khảo:

https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMc2001737 (SARS-CoV-2 Viral Load in Upper Respiratory Specimens of Infected Patients)

https://www.livescience.com/coronavirus-superspreader-south…

https://www.scmp.com/…/coronavirus-20-times-more-likely-sar…

Giới thiệu Xuân Hiền

Học Y Đa Khoa tại Đại học Duy Tân " Hãy làm hết mình với hiện tại, hãy tốt hơn mình ở quá khứ và luôn chia sẻ kiến thức bổ ích với mọi người "

Check Also

Tirzepatide hàng tuần cải thiện đáng kể cân nặng và kiểm soát đái tháo đường ở bệnh nhân béo phì và đái tháo đường loại 2.

Một nghiên cứu ngẫu nhiên đã chứng minh rằng tirzepatide giúp giảm cân và cải …