[COVID-19] – Cầy hương, tê tê và heo có thể là vật kí chủ lây truyền Covid-19

Rate this post

Một trong những câu hỏi trong dịch Vũ Hán là virus 2019-nCoV lây lan từ dơi sang người qua con vật trung gian nào. Nghiên cứu mới công bố trên Nature ám chỉ rằng kí chủ trung gian rất có thể là [theo thứ tự] tê tê, cầy hương, và heo. Kết quả nghiên cứu cũng xác định rằng 2019-nCoV và virus SARS đều dùng thụ thể ACE2, hàm ý rằng vaccine điều trị SARS cũng có thể dùng cho 2019-nCoV.

Hai công trình nghiên cứu quan trọng

Để đặt kết quả trong bối cảnh, cần nhắc lại rằng siêu vi khuẩn SARSr-CoV là nguyên nhân của dịch SARS vào năm 2002-2003. Nó cũng thuộc ‘dòng họ’ corona. Chính con corona cũng là thủ phạm của trận dịch MERS. SARS ảnh hưởng đến chừng 8096 người và tử vong là 774 (~10%). Tính đến 12/2019, MERS ảnh hưởng đến 2499 người; trong số đó 861 người 34%) tử vong. Đa số bệnh nhân MERS là từ Saudi Arabia.

Công trình nghiên cứu thứ nhứt (1) do nhóm Viện Vi khuẩn học Vũ Hán thực hiện. Đối tượng nghiên cứu là sinh phẩm từ 7 bệnh nhân đã được chẩn đoán là nhiễm 2019-nCoV. Sáu trong số 7 người là công nhân làm việc trong chợ thủy sản Vũ Hán, nơi được xem là khởi đầu của dịch Vũ Hán. Để xác định nguồn gốc của virus mới, nhóm nghiên cứu phân tích toàn bộ hệ gen của virus lây nhiễm bệnh nhân, so sánh với virus SARS-CoV và virus corona trong dơi. Kết quả cho thấy:

(a) Gần 70% trình tự gen (sequence) của 7 sinh phẩm giống nhau;

(b) Trình tự gen của 7 mẫu này trùng hợp với 80-87% trình tự gen của con SARS-CoV;

(c) Quan trọng hơn nữa, 95% trình tự gen của 2019-nCoV trùng hợp với con virus corona tìm thấy trong loài dơi bên Tàu.

Nghiên cứu thứ hai (2) do nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Phục Đán (Fudan, Thượng Hải) thực hiện. Nghiên cứu này giải trình tự gen của virus gây bệnh cho 1 người đàn ông 41 tuổi, người này cũng làm việc tại chợ thủy sản ở Vũ Hán. Kết quả phân tích cho thấy trình tự gen của virus gây bệnh trùng hợp 89% với một nhóm virus có tên là ‘beta-coronaviruses’. Trước đây, beta-coronaviruses đã được tìm thấy trong dơi.

Dơi là kí chủ của các siêu vi khuẩn gây dịch Ebola, SARS, và MERS trước đây.

Ai là kẻ trung gian dẫn virus Covid-19 đến người?

Nhưng bằng cách nào mà siêu vi khuẩn 2019-nCoV ‘nhảy’ sang người? Không ai biết rõ ràng. Nhưng một điều chắc chắn là cả virus gây dịch SARS (SARSr-Cov) và 2019-nCoV đều dùng một thụ thể (3) có tên là ACE2 (angiotensin II receptor blocker) (4) trong phổi. Đó chính là lí do tại sao phổi là mục tiêu tấn công của các virus corona.

Thụ thể ACE2 còn tìm thấy trong dơi, heo, cầy hương (civets). Do đó, có thể heo và cầy hương là những vật trung gian ‘đưa đường dẫn lối’ virus từ dơi sang người. Trước đây, người ta nghi ngờ rằng rắn hổ mang là vật trung gian gây nhiễm 2019-nCoV, nhưng các phân tích mới nhứt cho thấy nghi ngờ này không có cơ sở khoa học.

Một nghiên cứu chưa được công bố (5) từ Đại học Nông nghiệp, Quảng Châu (Guangzhou) cho rằng con tê tê mới là con vật trung gian. Nhóm nghiên cứu so sánh trình tự gen của virus corona lây nhiễm con tê tê và người thì thấy trùng hợp đến 99%. Mức độ tương đồng này cao nhứt so với các vật kí chủ khác, nên rất có thể tê tê là ‘thủ phạm’ trung gian đưa con 2019-nCoV đến người.

Sự thật này (virus 2019-nCoV và SARSr-CoV dùng thụ thể ACE2) có vài ý nghĩa quan trọng. Ý nghĩa quan trọng nhứt là có thể dùng các kháng thể ức chế ACE2 để điều trị bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV. Như vậy, các vaccine điều trị dịch SARS [ức chế ACE2] cũng có thể sử dụng để điều trị bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV. Tuy nhiên, đó chỉ mới là giả thuyết, chứ trong thực tế thì cần phải có thử nghiệm lâm sàng mới biết được giả thuyết đó đúng hay sai. Cũng cần nói thêm rằng cho đến nay, y khoa vẫn chưa có vaccine đặc trị cho SARS.

Một triển vọng khác là ‘lấy bệnh trị bệnh’. Theo quan sát của các nhóm nghiên cứu thì bệnh nhân bị nhiễm 2019-nCoV có khả năng sản sinh ra kháng thể (antibody). Và, rất có thể kháng thể này là loại protein có thể hóa giải tác động của virus. Một nguồn kháng thể khác từ ngựa, từng dùng để điều trị bệnh nhân SARS, cũng có thể dùng để chống lại siêu vi khuẩn 2019-nCoV.

Tóm lại, hai công trình nghiên cứu từ Vũ Hán và Thượng Hải xác nhận những gì người trong chuyên ngành đều nghi ngờ từ lâu: siêu vi khuẩn 2019-nCoV rất giống như SARS-CoV, và cả hai siêu vi khuẩn đều xuất phát từ dơi. Điều này cho thấy dơi là động vật kí chủ đầu tiên của siêu vi khuẩn mới.

Cả hai 2019-nCoV và SARS-CoV đều dùng thụ thể ACE2, và thụ thể này được tìm thấy trong heo và cầy hương, ám chỉ hai loài vật này cũng có thể là vật trung gian để lây lan virus từ dơi sang người.

Phân tích trình tự gen phát hiện một kí chủ trung gian khác là con tê tê. Con tê tê là động vật sắp tuyệt chủng, và chỉ người giàu có mới có đặc lợi ăn thịt nó; do đó có thể suy đoán rằng người đầu tiên bị nhiễm 2019-nCoV chắc là một nhân vật quyền thế và giàu có. Phát hiện này có ý nghĩa đối với Việt Nam và Tàu, vì một số người giàu có thích ăn thịt hai loài vật được xem là ‘exotic’ này.

===

(1) https://www.nature.com/articles/s41586-020-2012-7
A pneumonia outbreak associated with a new coronavirus of probable bat origin

(2) https://www.nature.com/articles/s41586-020-2008-3
A new coronavirus associated with human respiratory disease in China

(3) Receptor hay ‘thụ thể’ có lẽ khó hiểu đối với nhiều người, nhưng có thể giải thích bằng cách ví von với cái xe hơi, garage và cửa garage. Để đậu chiếc xe trong garage, chúng ta trước hết phải mở cửa, rồi mới đưa xe vào garage. Tương tự, virus như là chiếc xe, garage là phổi, và thụ thể như là cái cửa của garage.

(4) Thụ thể ACE có một lịch sử rất thú vị liên quan đến các bệnh lí khác. Người làm về y khoa ai cũng biết thụ thể ACE2 đóng vai trò kiểm soát chức năng của tim.

 

 

 

Advertisement

Giới thiệu Donny

Check Also

[COVID-19] “SƯƠNG MÙ NÃO” – DI CHỨNG COVID Y HỌC CHƯA THỂ LÝ GIẢI

“SƯƠNG MÙ NÃO” DI CHỨNG COVID Y HỌC CHƯA THỂ LÝ GIẢI  “Sương mù não” …