[COVID-19] Phòng chống Nờ-cô vi rửa tay bằng xà phòng thông thường là tốt nhất

Rate this post

PHÒNG CHỐNG NỜ-CÔ VI
rửa tay bằng xà phòng thông thường là tốt nhất
====================================

BS Trần Văn Phúc

Một ngày nọ, Hoàng gia Anh tổ chức một bữa tiệc tối ở London để chiêu đãi các vị khách đến từ Ấn Độ. Trong bữa tiệc, các quan chức chủ nhà và các chức sắc Ấn Độ đã cùng nhau vẽ tranh, cùng nhau bàn về hạnh phúc, và bầu không khí rất vui vẻ. Bữa tiệc chuẩn bị kết thúc, người phục vụ mang đến cho mỗi người một đĩa nước rửa tay.

Những vị khách Ấn Độ nhìn thấy những đồ dùng bằng bạc được chạm khắc tinh xảo, chứa đầy nước lấp lánh, họ nâng lên và càu nhàu đôi điều vì nước trong đĩa quá lạnh, rồi họ uống hết.

Các quý tộc Anh đã bị choáng sốc, họ nhìn nhau và không hiểu điều gì đang xảy ra với nghi lễ ngoại giao, cuối cùng họ đổ dồn ánh mắt về phía người chủ trì bữa tiệc là Công tước xứ Windsor lúc đó vẫn đang là Thái tử.

Công tước xứ Windsor bình thản như không có chuyện gì xảy ra, ông vừa nói chuyện vừa cười vui với các vị khách quý, rồi ông cầm đĩa nước rửa tay thản nhiên uống trước mặt mọi người. Ngay sau đó, các quý tộc Anh cũng làm theo, họ cùng nâng đĩa nước rửa tay lên và uống cạn. Sự bối rối và khó xử được giải tỏa ngay lập tức. Bữa tiệc đạt được thành công ngoài mong đợi, và tất nhiên, mối quan hệ giữa Anh và Ấn Độ cũng nhanh chóng được nâng lên một tầm cao mới.

Câu chuyện này, bỏ qua những nghi thức giao tiếp và cách ứng xử, thì rõ ràng không phải ai cũng biết rằng rửa tay là rất quan trọng, đặc biệt là rửa tay trước và sau khi ăn. Tìm hiểu ở Việt Nam, tôi không thấy thói quen rửa tay trước bữa ăn nhằm mục đích vệ sinh, mà chỉ thấy rửa tay cuối bữa ăn là nghi thức thể hiện sự gia trưởng trong xã hội phong kiến. Dưới lũy tre làng ở đồng bằng Bắc Bộ, cuối bữa ăn của những gia đình giàu có, người vợ hoặc con gái sẽ bê từ dưới bếp lên một chậu thau đồng đựng nước lã, kèm thêm khăn mặt và tăm để phục vụ những người đàn ông.

Việt Nam cũng như Ấn Độ, hay những quốc gia khác có ảnh hưởng của Phật giáo, thỉ rửa tay để đảm bảo vệ sinh không có trong đức tin nhà Phật. Theo thường lệ của Phật giáo, chỉ có hai tình huống đổ nước lên bày tay, cả hai đều có ý nghĩa tượng trưng. Đầu tiên là hành động rót nước vào tay người chết trước khi nhập quan nhằm thể hiện xóa bỏ thù hận, tha thứ cho nhau giữa người chết và người sống. Thứ hai, nhân dịp năm mới, là cử chỉ của người trẻ tuổi đổ một ít nước lên tay người lớn tuổi để chúc thọ và sức khỏe. Đến nay, Phật giáo không đưa ra hướng dẫn cụ thể nào về rửa tay trong cuộc sống hàng ngày, cũng như trong các dịp nghi lễ, ngoài hành động rửa tay sau mỗi bữa ăn để thể hiện tính gia trưởng như ở xã hội phong kiến của Việt Nam.

Ngược lại, đạo Hồi yêu cầu các tín đồ phải thực hiện tẩy rửa đúng phương pháp trước khi cầu nguyện, có hướng dẫn rõ ràng và chính xác. Nhà tiên tri Mohammed luôn kêu gọi người Hồi giáo rửa tay thường xuyên và đặc biệt là sau khi làm một số công việc bắt buộc phải rửa tay. Theo đó, đạo Hồi quy định khi rửa tay phải thực hiện ở dòng nước chảy tự do, không được để đọng nước, bản chất chính là rửa tay dưới vòi nước chảy. Ngoài rửa tay, đạo Hồi cũng quy định bắt buộc phải rửa mặt, mũi, miệng, rửa cả chân 3 lần mỗi ngày ở 5 thời điểm.

Liên quan đến hành vi vệ sinh tay, Kitô giáo ngoại trừ nghi thức rảy nước thánh lên tay trước khi dâng bánh thánh và rượu, rửa tay sau khi chạm vào dầu thánh, những nghi thức này được Chúa Kitô đề cập nhiều hơn đến hành vi tâm linh; rửa tay, vệ sinh cá nhân và chăm sóc cơ thể, thực sự không quan trọng trong đời sống Kitô giáo.

Hơn hai thập niên cuối của TK20, nhận thấy hành vi của con người ngoài chịu sự cho phối của tôn giáo và văn hóa, thì còn có vai trò rất quan trọng của nhận thức. Bởi vậy, thói quen rửa tay được WHO tổng hợp từ các nghiên cứu, cho rằng cần được giáo dục từ nhỏ, bắt đầu ngay từ lúc trẻ được dạy cách sử dụng nhà vệ sinh. Tuy nhiên, để thay đổi hành vi thói quen của một cộng đồng, hay cả xã hội chưa bao giờ là dễ dàng.

Nhưng câu chuyện rửa tay không đơn giản như vậy.

Lịch sử của việc rửa tay liên quan đến sức khỏe, mới chỉ bắt đầu từ năm 1846 bởi Ignaz Semmelweis, một bác sĩ người Hungary làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Vienna. Ngay sau đó, một nhà thống kê y tế và cũng người sáng lập ngành điều dưỡng người Ý tên là Florence Nightingale, bà cũng yêu cầu tất cả các bác sĩ khi làm việc ở bệnh viện phải tuân thủ chặt chẽ kĩ thuật rửa tay. Nhưng thật tiếc những khuyến nghị của Sammenlweis và Nightingele đều không được cộng đồng y khoa ủng hộ, rửa tay, cũng vì thế bị lãng quên hơn một thế kỉ.

Mãi đến những năm 1980, khi hàng loạt các bệnh nhiễm trùng liên quan đến viêc chăm sóc y tế trở thành vấn đề nghiêm trọng, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã phải xem xét vấn đề nghiêm túc, kể từ đó rửa tay mới được công nhận là một biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn và vi rút.

Ngày rửa tay toàn cầu đã chính thức được công nhận là 15 tháng 10 hàng năm!

Bản thân tôi cũng chỉ biết rửa tay là rất quan trọng để tránh nhiễm trùng, kể từ bài học thực hành ngoại khoa đầu tiên, khi chúng tôi đi thực tập tại bệnh viện. Ngày ấy kháng sinh rất ít và không có kháng sinh tốt như bây giờ, nhưng các thầy mổ xẻ rất hiếm khi nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng vết mổ, bởi các thầy tuân thủ rất chặt chẽ quy trình rửa tay, cũng như việc sát trùng vết mổ. Và chắc chắn, một trong những điều ấn tượng nhất với sinh viên y khoa, là bài học rửa tay mặc áo đi găng.

Thời đó, Gs Bính dạy chúng tôi bài rửa tay, thầy không bao giờ chấp nhận một ai bước ra khỏi khu vực phòng mổ mà vẫn còn mặc quần áo mổ, chắc chắn sẽ bị tạm đình chỉ công việc, để đảm bảo nguyên tắc chống nhiễm khuẩn. Tất cả các thầy khác đều nghiêm khắc như thế. Rửa tay và sát trùng vết mổ cũng vậy. Chúng tôi được dạy rửa tay 15 phút bằng xà phòng dưới vòi nước chảy có theo dõi bằng đồng hồ cát. Sau đó khử khuẩn tay bằng cách ngâm tay vào dung dịch sát trùng trong 3 phút. Tiếp theo là sát trùng tay bằng đổ cồn ướt đẫm tay nhưng cũng đợi đến khi tay khô khoảng 3 phút chứ không dùng khăn lau ngay. Trước khi đóng vết mổ, bao giờ cũng đổ các thuốc sát trùng ướt đẫm và đợi 5 phút, chứ không bao giờ đóng da sớm. Những năm tôi làm bác sĩ ngoại khoa, tuân thủ đúng nguyên tắc này, bệnh nhân của tôi đã không bị nhiễm trùng vết mổ.

Rửa tay bình thường không cần phải cầu khi như khi mổ.

Đầu tiên, CDC đưa ra hướng dẫn khi nào cần rửa tay, theo đó có 10 tình huống phải rửa tay sạch sẽ, bao gồm:

1. Trước, trong và sau khi chuẩn bị thức ăn.
2. Trước khi ăn.
3. Trước và sau khi chăm sóc một người bị bệnh nôn hoặc tiêu chảy.
4. Trước và sau khi điều trị một vết thương.
5. Sau khi đi vệ sinh.
6. Sau khi thay tã hoặc dọn dẹp một đứa trẻ đã sử dụng nhà vệ sinh.
7. Sau khi xì mũi, ho, hắt hơi.
8. Sau khi chạm vào động vật, thức ăn gia súc, chất thải động vật.
9. Sau khi xử lí thức ăn vật nuôi hoặc vật nuôi.
10. Sau khi chạm vào rác.

Những điểm chú ý trong khuyến cáo rửa tay của CDC, tôi chỉ xin lược ra, để bạn đọc cần lưu tâm, vì đó là những nội dung liên quan đến vụ dịch Nờ-cô Vi đang diễn ra.

1. Rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy là tốt nhất.
2. Thời gian rửa tay bằng nước và xà phòng là 20 giây.
3. Xà phòng thông thường tốt hơn xà phòng diệt khuẩn.
4. Không thể rửa bằng nước và xà phòng mới phải dùng chất sát trùng.
5. Chất sát trùng phải chứa ít nhất 60% cồn.
6. Chà chất sát trùng lên bàn tay khô với thời gian 20 giây.

Chắc chắn nhiều người tin rằng, dung dịch sát trùng tay sẽ tốt hơn rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy. Những công trình nghiên cứu khoa học uy tín mà tôi đọc được, lại cho thấy ngược lại, đặc biệt với vi rút.

Tôi lấy ví dụ nghiên cứu của Tiến sĩ Ryohei Hirose và cộng sự đăng trên tạp chí Hội Vi sinh vật Hoa Kỳ.

Đầu tiên, Ryohei thực hiện nghiên cứu trên 2 mẫu vi rút cúm = một mẫu vi rút trong nước muối sinh lí + một mẫu vi rút trong dịch nhầy. Khi sử dụng dung dịch sát khuẩn có 80% cồn, mẫu vi rút trong nước muối sinh lí phải mất 30 giây để loại bỏ vi rút cúm, trong khi mẫu dịch nhầy phải mất 4 phút.

Tiếp theo, Ryohei thử nghiệm dung dịch sát khuẩn ở tay người. Nếu bàn tay nhiễm vi rút ở trạng thái khô thì phải mất 30 phút, trong khi nhiễm các giọt chất nhầy ướt thì phải mất 4 phút mới loại bỏ hoàn toàn vi rút.

Nhưng khi rửa tay dưới vòi nước chảy, không cần dùng xà phòng, chỉ mất 30 giây cả vi rút khô và vi rút trong hạt nhầy ướt đều bị loại bỏ.

Như vậy, khi bàn tay bị nhiễm vi rút ở trạng thái khô, thì việc rửa tay dưới vòi nước chảy không cần xà phòng cũng chẳng khác gì rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, đều mất 30 giây.

Nhưng khi bàn tay bị dính những giọt nhầy chứa vi rút như giọt nước bọt, đờm, chất tiết; thì rửa tay dưới vòi nước chảy không cần xà phòng chỉ mất 30 giây, trong khi sử dụng dung dịch sát khuẩn phải làm ướt tay 4 phút mới loại bỏ được vi rút và điều này là không thể. Tiến sĩ Ryohei giải thích điều này, là do chất sát khuẩn bị suy giảm khi bởi các chất hữu cơ trong hạt nhày.

Tại sao tác dụng loại bỏ vi rút cúm bằng chất sát trùng cũng không khác gì rửa tay dưới vòi nước chảy? Tôi cho răng vi rút có cấu trúc rất đơn giản, chủ yếu là ARN dương hoặc ARN sợ ngắn, nên bản thân chất sát khuẩn rất khó để phá vỡ cấu trúc của vi rút, trong khi rửa tay dưới vòi nước có tác dụng rửa trôi, cuốn vi rút khỏi bàn tay.

Có 2 loại xà phòng: xà phòng thông thường + xà phòng diệt khuẩn.

Xà phòng diệt khuẩn có chất triclosan, tác dụng diệt vi khuẩn, diệt một số vi rút, diệt cả một số loài nấm; nhưng thực tế có tốt hơn xà phòng thông thường không?

Câu trả lời là: không tốt hơn!

Đặc điểm xà phòng là rửa trôi rất tốt, nên khi rửa dưới vòi nước chảy, cả vi rút và vi khuẩn đều bị cuốn trôi. Các nghiên cứu chỉ ra rằng sử dụng xà phòng kháng khuẩn và xà phòng thông thường chẳng khác gì nhau. Nhưng xà phòng kháng khuẩn lại có nguy cơ tạo ra những chủng vi khuẩn kháng thuốc sẽ rất tai hại. Chính vì vậy mà Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã yêu cầu loại bỏ xà phòng xát khuẩn khỏi các cửa hàng của Mỹ 2 năm nay.

Kết luận: Để phòng bênh, đặc biệt là vi rút thì rửa tay bằng xà phòng thông thường dưới vòi nước chảy mạnh là tốt nhất, chỉ không có xà phòng mới phải rửa tay bằng chất sát khuẩn. Nếu không có xà phòng hoặc chất sát khuẩn, thì rửa tay không dưới vòi nước chảy hơn 30 giây cũng có tác dụng tốt.
….

TÀI LIỆU THAM KHẢO
——————————

1. Ryohei Hirose et all. Situations Leading to Reduced Effectiveness of Current Hand Hygiene against Infectious Mucus from Influenza Virus-Infected Patients. American Society for Microbiology. doi: 10.1128/mSphere.00474-19

2. Allison E. Aiello, Elaine L. Larson, Stuart B. Levy. Consumer Antibacterial Soaps: Effective or Just Risky? Clinical Infectious Diseases, Volume 45, Issue Supplement_2, September 2007, Pages S137–S147

Advertisement

Giới thiệu Thien Khiem

"The original point of love is located beneath our bottom. We can help someone happy. One speech or action or thinking can lessen someone’s melancholy and enhance his or her happiness”.

Check Also

[Medicalnewstoday] Triệu chứng khi nhiễm biến thể Omicron

[Medicalnewstoday] Omicron: Triệu chứng khi nhiễm biến thể này Khi các ca nhiễm trùng biến …