Remdisivir và Covid-19
GS. Nguyễn Văn Tuấn
Thuốc Remdisivir (thuốc chống virus của công ti Gilead) được xem là một hi vọng cho bệnh nhân covid-19. Thế nhưng hôm nay, JAMA mới công bố kết quả của một thử nghiệm lâm sàng (RCT) cho thấy Remdisivir không có hiệu quả tốt hơn nhóm chứng [1].
Nghiên cứu này được thực hiện trên 584 bệnh nhân. Họ được chia ngẫu nhiên thành 3 nhóm: nhóm được điều trị bằng Remdisivir 11 ngày; nhóm Remdisivir 5 ngày; và nhóm được điều trị theo phác đồ chuẩn “standard care”. Kết quả chánh có thể tóm tắt như sau:
• Tính đến ngày thứ 11, số ca hồi phục là: 68% nhóm Remdisivir 11, 74% nhóm Remdisivir 5, và 64% nhóm standard care. Nhưng sự khác biệt giữa 3 nhóm không có ý nghĩa thống kê.
• Tử vong được ghi nhận 2 ca ở nhóm Remdisivir 11, và 4 ca ở nhóm standard care. Sự khác biệt cũng không có ý nghĩa thống kê.
Tác giả kết luận rằng ở những bệnh nhân nhiễm Covid-19 mức độ trung bình, các chỉ số lâm sàng ở nhóm được điều trị bằng Remdisivir trong 10 ngày không khác biệt so với nhóm standard care [1].
Đây là nghiên cứu RCT thứ 3 cho thấy Remdisivir không có hiệu quả như nhiều người kì vọng lúc đầu. Trước đây, một thử nghiệm lâm sàng ở bên Tàu [2] trên 236 bệnh nhân cũng cho thấy bệnh nhân điều trị với Remdisivir có tỉ lệ bình phục [sau 14 ngày] là 26%, còn nhóm chứng thì 23%. Mức độ khác biệt không có ý nghĩa thống kê.
Sau đó là một nghiên cứu công bố trên NEJM [3] dưới sự bảo trợ của NIH (Mĩ) cũng cho ra kết quả không khả quan. Nghiên cứu này, có tên là ACTT-1, trên 1063 bệnh nhân, và họ được chia ngẫu nhiên thành 2 nhóm: Remdisivir (541 bệnh nhân) và nhóm chứng (522). Kết quả cho thấy thời gian từ lúc điều trị đến lúc bình phục ở nhóm Remdisivir là 11 ngày (dao động trong khoảng 9 – 12 ngày), còn nhóm placebo thì 15 ngày (13 – 19 ngày). Sự khác biệt cũng không có ý nghĩa thống kê.
Vài tháng trước, khi dịch bộc phát, công ti Gilead giới thiệu Remdesivir như là một liệu pháp điều trị dù lúc đó thuốc chưa qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III. Vì nhu cầu cấp bách, nên FDA cho phép dùng Remdesivir cho những bệnh nhân nặng, đồng thời yêu cầu làm thử nghiệm RCT giai đoạn III. Lúc đó, nhiều người kì vọng vào Remdesivir. Thế nhưng cho đến nay đã có 3 RCT giai đoạn III, và cả 3 kết quả đều ‘âm tính’ hay có thể xem là ‘âm tính’.
Những thử nghiệm này cũng là bài học quí báu giữa kì vọng và thực tế. Nhiều khi kết quả thử nghiệm giai đoạn đầu thì thuốc rất triển vọng, nhưng đến giai đoạn ‘vàng’ thì thất bại. Trong thực tế, các loại vaccine cũng ở trong tình trạng bất định này. Chỉ khi nào kết quả thử nghiệm giai đoạn III có hiệu quả thì chúng ta mới an tâm dùng. Do đó, bài học là đừng nên quá tin vào những “bài thuốc” được quảng bá rầm rộ trên báo chí, và cũng đừng tin vào một liệu pháp nào đó thành công trên vài hay vài chục bệnh nhân. Sự thật khoa học phải được tiếp cận có phương pháp, chớ không phải qua tin đồn.
______
Xin cảm ơn bài chia sẻ của GS. Nguyễn Văn Tuấn!