[COVID-19] SỨC MẠNH TINH THẦN VIỆT

Rate this post
Mùa đông sắp kết thúc, mùa xuân đang đến gần, thời gian đếm ngược, tết cổ truyền chỉ còn một tuần nữa; mọi người đang ưu tiên với suy nghĩ ăn gì vào đêm giao thừa và đi chơi ở đâu trong 7 ngày nghỉ tết.
Nhưng vi rút khuynh đảo thế giới đã quay lại Việt Nam.
Vào ngày 26 tháng 1 năm 2021, một nữ công nhân từ Hải Dương nhập cảnh vào Nhật Bản trước đó, đã phá vỡ sự yên tĩnh của cả nước. Bộ Y tế Nhật Bản thông báo cho Việt Nam kết quả giải trình gen ca nhiễm chủng vi rút biến thể mới từ nước Anh. Kết quả truy vết ngay trong đêm 26 tháng 1 và những ngày sau đó, đội đặc nhiệm phát hiện dấu chân COVID-19 đã in trên các nhà ga sân bay, trên các chuyến xe đường dài, đã kịp trải khắp một số tỉnh và thành phố.
Ngày 28/1: phát hiện 82 ca.
Ngày 29/1: phát hiện 62 ca.
Con số vẫn chưa dừng lại…
Mùa xuân 2021 sẽ là mùa xuân định mệnh, với chủng vi rút biến thể là thử thách, nhưng chúng ta sẽ lại một lần nữa chiến thắng đại dịch COVID-19, bởi chúng ta đang có thứ vũ khí lợi hại nhất, đó là sức mạnh tinh thần Việt.
Chiến đấu với đại dịch là một cuộc chiến không có thuốc súng, vi rút SARS-CoV-2 là một đối thủ thất thường và rất khó, cho đến nay đã có hơn bốn ngàn biến thể, đặc biệt với biến thể mới từ nước Anh có khả năng lây lan rất nhanh, đặc biệt hơn nữa là biến thể Nam Phi có nguy cơ trở thành đại dịch SARS thứ hai lớn hơn nhiều so với vi rút ở Vũ Hán cách đây một năm.
Tôi tin sức mạnh tinh thần Việt sẽ chiến thắng!
Khi ca bệnh đầu tiên xảy ra ở nước ta, tôi xem bảng xếp hạng Chỉ số An ninh Sức khỏe toàn cầu (Global Health Security Index) 185 quốc gia, thấy Việt Nam sau nhiều năm nỗ lực mới được xếp thứ 50. Mỹ luôn xếp thứ nhất và Anh luôn xếp thứ 2. Tốp đầu là những quốc gia giàu có ở châu Âu. Khu vực Đông Nam Á cũng có những đại diện xuất sắc, đó là Thái Lan xếp thứ 6, Malaysia xếp thứ 16, Singapore và Indonesia lần lượt xếp thứ 24 và 26.
Là quốc gia đang phát triển, kinh tế nghèo hơn so với mặt bằng thế giới và khu vực, nguồn lực y tế có hạn, thứ hạng GHSI không cao; khi WHO công bố đại dịch, thế giới mặc định Việt Nam sẽ bị virus tàn phá. Thực tế ngược lại, với sức mạnh tinh thần của người Việt, chúng ta đã vượt qua tất cả các cường quốc để trở thành ngọn hải đăng phòng chống dịch với chi phí rẻ nhất và hiệu quả cao nhất.
Nhớ lại những ngày cuối tháng 7 năm 2020, thời điểm dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng, Đà Nẵng là tâm dịch đã nhận được sự hỗ trợ toàn diện, các nguồn lực vượt trội trên toàn quốc được tập hợp để triển khai đội quân tinh nhuệ nhất. Tinh thần anh dũng hi sinh chiến đấu của người Việt được phát huy cao nhất. Tốc độ, quy mô và hiệu quả chống dịch tại thời điểm đó, tôi chỉ có thể mô tả bằng hai chữ “thần tốc”.
Rất nhiều những hình ảnh xúc động tôi đã được chứng kiến.
Một trong số đó là hình ảnh những nam nhân viên y tế cạo trọc đầu xung phong lao vào tâm dịch. Và tôi cũng đã xem đi xem lại clip các nữ nhân viên y tế dùng kéo cắt tóc cho nhau. Phụ nữ ai chẳng nâng niu mái tóc đen mượt, nhưng để chiến đấu với vi rút SARS-CoV-2, thì việc từ bỏ mái tóc càng sớm càng tốt, ở những khoa điều trị hay khu cách li không có thợ cắt tóc, kéo y tế và dao mổ được trưng dụng. Hình ảnh y bác sĩ nam ở độ tuổi hai mươi đầu cạo trọc lốc như dân xã hội đen hoặc những kẻ biến thái, nữ nhân viên y tế tóc nham nhở vì tự cắt cho nhau; ở nơi tiền tuyến chống dịch COVID-19, với tôi đó là những hình ảnh xúc động nhất và đẹp nhất.
Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 không có tiếng súng này, để giành chiến thắng, y tế phải vững vàng đi đầu, mỗi nhân viên y tế chúng tôi dù chiến đấu ở mặt trận nào chăng nữa, đều phải biết gieo niềm tin và không từ bỏ niềm tin.
“Mẹ ơi, khi nào mẹ về nhà, con và bố nhớ mẹ vô cùng!”
Đó là tin nhắn của đứa con gái nhỏ đã nhiều lần soạn cho mẹ nhưng lại không gửi. Ngày ra tiền tuyến, con nhìn mẹ bằng ánh mắt khao khát của đứa trẻ, mẹ nhìn con bằng tình mẫu tử trào dâng, vợ chồng nhìn nhau trong câm lặng, vậy nhưng không ai để lại một giọt nước mắt. Rất nhiều đồng nghiệp của tôi như thế. Họ đã tự nguyện rời bỏ gia đình để xung phong ra tiền tuyến, họ bám trụ chiến đấu không biết bao nhiêu ngày đêm. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ quên câu chuyện xảy ra đêm giao thừa tết dương lịch cách đây 30 ngày, vào thời khắc chuyển giao sang năm mới, một nữ y sĩ 24 tuổi đã quỵ ngã ngay tại khu cách li vì đói lả và kiệt sức, nhưng điều đầu tiên cô nghĩ đến khi tỉnh dậy vẫn là công việc. Mới hôm qua, một cô giáo hỏi tôi về bộ trang phục chống dịch, cô muốn đưa vào đề văn nghị luận xã hội cho học sinh. Tôi gửi cho cô xem những bức ảnh nhân viên y tế ở Đà Nẵng phải truyền dịch hồi sức, trong khi đồng nghiệp xung quanh hỗ trợ nước uống và đổ nước ướt đẫm quần áo. Một phần nguyên nhân từ bộ trang phục giống như phi công bay vào vũ trụ. Khi mặc bộ quần áo bảo hộ dày cộp ấy, kì kinh nguyệt của nhân viên y tế nữ sẽ trở thành ác mộng, đi vệ sinh luôn trở thành điều xa xỉ nên dù đã đóng bỉm vẫn phải uống ít nước, khuôn mặt luôn đặc trưng bởi những vết hằn khẩu trang…
Để giành chiến thắng trong cuộc chiến này chúng ta phải dựa vào sức mạnh toàn dân.
Đối mặt với dịch bệnh, đông đảo các tầng lớp nhân dân nhanh chóng đoàn kết, không phân biệt vùng miền, tất cả nắm tay nhau đi chung một con đường, theo cùng một hướng dưới tấm biển chỉ dẫn. Toàn dân đoàn kết đã tạo nên bức tường thành vững chắc. Một vài người đi ngược lại đang tiến về phía hiểm nguy. Trong cuộc chiến đấu này, tất cả người dân, tất cả mọi khu vực, tất cả các ban ngành đều có chức trách, nhiệm vụ; các lĩnh vực, các ngành đã chân thành hiệp đồng, phối hợp giải quyết những vấn đề then chốt, sự tập hợp chung sức đã tạo thành một lực lượng oai hùng để giành chiến thắng.
Advertisement
Khi những con người mang dòng máu Việt trước đại dịch đã thể hiện sự đoàn kết và cùng chí hướng, thì một Việt Nam hùng mạnh đã xuất hiện. Việt Nam không thể là quốc gia nhỏ bé, chỉ có thể là quốc gia yếu nếu chúng ta không đoàn kết, ngược lại trong đại dịch COVID-19 sự đoàn kết đã làm nên sức mạnh cải thiện đáng kể hình ảnh và uy tín quốc tế của người Việt.
Mấu chốt để giành chiến thắng là phải tuân thủ sự lãnh đạo tập trung, phát huy vai trò nòng cốt lãnh đạo chiến lược, phối hợp các bên hiệp đồng tác chiến, các cấp tổ chức hành động theo mệnh lệnh, dũng cảm gánh vác trọng trách, vai trò pháo đài chiến đấu nổi bật từ cá nhân gia đình cho đến tập thể, y tế đi đầu làm gương, quân đội và công an triển khai các hành động dũng cảm, thiết thực, tiên phong. Mô hình phòng chống dịch thống nhất, đưa ra quyết định chuẩn xác và thực thi hiệu quả, kiên trì chiến lược chiến thuật phòng chống dịch, xây dựng kế hoạch chiến đấu tổng thể và lâu dài, kiên quyết thực hiện các quyết định, toàn dân cùng chung mục đích và lợi ích cơ bản đó là đẩy lùi đại dịch COVID-19 và đảm bảo an toàn tính mạng cho con người.
Đã đến lúc chúng ta kể cho thế giới biết câu chuyện về cuộc chiến phòng chống dịch bệnh của Việt Nam!
BS.Trần Văn Phúc

Giới thiệu Trần Huỳnh Thanh Nhật

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …