Tín hiệu ‘tốt’ từ dịch Covid-19 và ‘thuyết âm mưu’
GS Nguyễn Tuấn
Một công trình phân tích dịch tễ học về dịch Covid-19 lớn nhứt từ trước đến nay (1) mới công bố cho thấy một tín hiệu tốt là số ca nhiễm SARS-Cov-2 đang giảm và có vẻ sẽ còn suy giảm trong tương lai.
Số ca nhiễm SARS-Cov-2 mới mắc (xác định) đang suy giảm. Nguồn: https://github.com/
Công trình này phân tích dữ liệu của 72,314 bệnh nhân được chẩn đoán [sơ khởi] là nhiễm SARS-Cov-2 tại Vũ Hán và các địa điểm khác ngoài Vũ Hán trong China. Thời gian thu thập là từ 18/12/2019 đến 11/2/20202. Kết quả phân tích có thể tóm lược như sau:
• Trong tổng số 72314 người, phương pháp xét nghiệm NAT xác định có 44672 bệnh nhân (62%) bị nhiễm; 10567 hay 15% được chẩn đoán hình ảnh xác định là nhiễm; và 22% là nghi ngờ bị nhiễm nhưng không chắc chắn.
• Số ca không có triệu chứng chỉ 889 (1.2%).
Phân tích sâu nhóm 44672 bệnh nhân (xác định qua NAT) cho ra những kết quả sau đây:
• Gần 87% bệnh nhân tuổi từ 30 đến 79. Tuổi trung bình là 50;
• 51% bệnh nhân là nam;
• Đa số bệnh nhân được xem là nhẹ (81%), 14% là nặng, và 5% là nghiêm trọng.
• Các bệnh đi kèm phổ biến là cao huyết áp (13%), tiểu đường (5.3%), tim mạch (4.2%), ung thư (0.5%).
• Tỉ lệ tử vong (tính theo case fatality rate) là 2.3%. Tuy nhiên, tuổi càng cao thì nguy cơ tử vong cũng tăng cao. Bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao bao gồm cao huyết áp (6%), tiểu đường (7.3%), tim mạch (10.5%), hô hấp mãn tính (6.3%), ung thư (5.6%)
Hình 1: Tỉ lệ tử vong (%) tính theo độ tuổi. Bệnh nhân tuổi từ 60 trở lên có nguy cơ tử vong khá cao (so với trung bình là 2.3%). Nguồn: https://github.com/
Dịch Covid-19 chủ yếu xảy ra ở bên Tàu, và đa số dữ liệu cũng xuất phát từ Tàu. Dữ liệu mới nhất của nhóm tác giả này cho thấy số ca mới nhiễm đang suy giảm trong mấy ngày gần đây. Đây là một xu hướng tốt, và có vẻ nhất quán với dự báo lạc quan của các chuyên gia dịch tễ học (3). Thật ra, số ca xác định nhiễm giảm từ ngày 27/1 cho đến nay (xem hình). Chúng ta hi vọng rằng dịch sẽ được kiểm soát vào cuối tháng 2/2020 này.
Hình 2: Tỉ lệ tử vong ở những bệnh nhân có bệnh đi kèm. Những người có nguy cơ tử vong tăng cao là tim mạch (10%), tiểu đường (7.3%), cao huyết áp (6%), hô hấp mãn tính (6.3%) và ung thư (5.6%), tức là những bệnh liên quan đến hệ miễn dịch. Nguồn: https://github.com/
Thuyết âm mưu
Cũng nhân dịp này xin nói về một ‘thuyết âm mưu’ rằng virus SARS-Cov-2 là do labo chuyên về virus học sáng chế ra và để ‘xổng chuồng’. Thuyết này được vài người, kể cả một thượng nghị sĩ Mĩ, phát tán trên mạng xã hội và báo chí lá cải. Nhưng thuyết này đã bị nhiều chuyên gia Mĩ bác bỏ ngay từ đầu. Giới khoa học đã phân tích genetic sequence của SARS-Cov-2 và khẳng định rằng không có chứng cớ nào về sự can thiệp của con người. Hôm nay, một nhóm gồm 27 nhà khoa học ngoài Tàu công bố một bức thư trên tập san lừng danh Lancet (2) minh định rằng SARS-Cov-2 xuất phát từ động vật hoang dã, chớ không phải từ labo nào cả.
Thiết nghĩ là những người làm việc trong y khoa, chúng ta không nên tiếp tay phát tán ‘thuyết âm mưu’ vô căn cớ và phi khoa học như vậy. Tiếp tay cho những phát tán như vậy không chỉ gây hoang mang trong cộng đồng, mà còn làm lu mờ cái khoa học tính của giới y khoa.
====
(1) https://github.com/cmrivers/ncov/blob/master/COVID-19.pdf
(2) https://www.thelancet.com/…/PIIS0140-6736(20)30418…/fulltext
(3) https://cmmid.github.io/ncov/wuhan_early_dynamics/index.html