[COVID-19] Vaccine COVID-19, có nên trộn nguồn khác nhau giữa các liều? 

Rate this post
Hầu hết các loại vaccine COVID-19 được sử dụng rộng rãi hiện nay, ngoại trừ loại của Johnson & Johnson (J&J) chỉ cần chích 1 liều, thì các loại khác đều cần đến hai liều để có hiệu quả bảo vệ cao nhất. Cơ chế của việc chích 2 liều là với liều thứ nhất, hệ thống miễn dịch sẽ nhận biết hình dạng virus lần đầu tiên, thường thì kháng thể tạo ra để bảo vệ cơ thể sau liều này thấp (hiệu quả bảo vệ chưa cao). Liều thứ hai (thường được chích vài tuần sau liều đầu tiên) giúp tăng cường hệ thống miễn dịch mạnh mẽ hơn, kháng thể tạo ra nhiều hơn dẫn đến hiệu quả bảo vệ cao hơn (xem hình trong bài). Nói cách khác để dễ hiểu, giống như việc gặp mặt một người nào đó, nếu chúng ta gặp lần thứ 2 sẽ nhớ rõ hơn là chúng ta chỉ gặp người đó 1 lần, hệ miễn dịch của chúng ta cũng như vậy.
Hiện nay, do nhu cầu vaccine rất lớn trên thế giới nên nguồn cung cấp vaccine luôn thiếu thốn, hoặc một số vaccine cho thấy hiệu quả kém hơn so với mong đợi (như vaccine của Trung Quốc) hoặc do phản ứng phụ nguy hiểm của vaccine (như hiện tượng đông máu hiếm gặp của vaccine AstraZeneca) thì việc thay thế một vaccine khác cho “liều thứ 2” đang được đặt ra như một giải pháp. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn còn đang tranh cãi hướng giải quyết này là “nên” hay “không nên”. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này thì mình có thể phân tích như sau:
Về mặt lý thuyết thì hầu hết các vaccine hiện nay đều nhắm vào việc sử dụng protein S của virus SARS-CoV-2 (ngoại trừ một số vaccine sử dụng virus SARS-CoV-2 thật nhưng đã làm chết như vaccine của Trung Quốc). Protein S này được sử dụng làm kháng nguyên (antigen) để “dạy” hệ miễn dịch trong cơ thể chúng ta rằng “hình dáng” của virus thật như thế nào, để đến khi có “lỡ nhiễm” virus thật thì cơ thể sẽ chống trả một cách hữu hiệu và nhanh chóng. Do vậy, việc sử dụng một vaccine A cho liều đầu tiên và vaccine B cho liều thứ 2 để chủng ngừa là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, câu chuyện thực tế không phải đơn giản như vậy! Để trả lời “nên” hay “không nên” thì các nhà khoa học cần biết “thật sự” làm như vậy có đảm bảo được: 1️⃣ “hiệu quả bằng hoặc hơn” hay không? và 2️⃣ “có an toàn” hay không?
Thực tế, trước khi áp dụng việc trộn nguồn khác nhau giữa các liều vaccine thì cần thận trọng vì những điểm sau:
1️⃣ Các vaccine có thể cùng nhắm đến protein S nhưng protein S có nguồn gốc từ vaccine này có thể hơi khác với protein S của vaccine khác, ví dụ như hai cái áo giống nhau nhưng 1 cái cổ lọ, một cái cổ hình trái tim. Sự khác nhau ở một vài điểm nào đó có thể làm cho hệ miễn dịch phản ứng khác nhau, dẫn đến hiệu quả của liều 2 không như mong đợi.
2️⃣ Bản chất của từng loại vaccine là khác nhau. Vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna có bản chất là sợi mRNA thông tin, vaccine của AstraZeneca và Sputnik V có bản chất là adenovirus, vaccine của Trung Quốc có bản chất là con virus đã chết và vaccine của Việt Nam (Nanocovac) có bản chất là protein. Do bản chất cơ bản của vaccine là khác nhau nên các thành phần khác trong vaccine (các chất bảo quản, chất kích thích tăng cường miễn dịch (adjuvant), các chất cân bằng pH, cân bằng độ thẩm thấu, v.v…) cũng khác nhau. Tất cả những điểm khác nhau này có thể dẫn đến hiệu quả kích thích hệ miễn dịch khác nếu dùng trộn lẫn so với dùng cùng loại. Ngoài ra, phản ứng phụ cũng có thể sẽ thay đổi về cường độ hoặc tính chất.
Do vậy, để trả lời “nên” hay “không nên” thì điều duy nhất mà các nhà khoa học cần làm đó là “thực nghiệm”. Các kết quả bước đầu trong trong thử nghiệm lâm sàng trên 600 người nhằm khảo sát việc kết hợp giữa vaccine AstraZeneca và Pfizer-BioNTech ở Anh vừa được công bố cho thấy những người chích các loại vaccine khác nhau có nhiều tác dụng phụ hơn sau liều thứ hai. Dựa trên số liệu về sốt thì:
🩺34% số người được tiêm vắc xin AstraZeneca liều 1 và vắc xin Pfizer-BioNTech liều 2 bị sốt, so với 10% những người được tiêm vắc xin AstraZeneca cho cả hai liều.
🩺41% số người được tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech liều 1 và vắc xin AstraZeneca liều 2 bị sốt, so với 21% tình nguyện viên chích Pfizer-BioNTech vaccine cho cả hai liều.
Tuy nhiên, các phản ứng phụ này (sốt, đau đầu, mỏi cơ, lạnh người, tiêu chảy, v.v…) đều biến mất sau khoảng 48 tiếng và chưa có ca đông máu nào xảy ra (hiện tượng đông máu hiếm gặp có tỉ lệ xảy ra khoảng 20 ca trên 1 triệu người, nên có thể cần số lượng người nhiều hơn để đưa ra kết luận chắc chắn hơn ở điểm này!). Nghiên cứu vẫn đang được tiếp tục tiến hành để thu thập thêm số liệu. Hy vọng vào khoảng tháng 6 tới, kết quả cuối cùng sẽ cho thấy toàn cảnh về tính an toàn và hiệu quả của phương pháp kết hợp này (đo các phản ứng miễn dịch, nồng độ kháng thể, v.v…).
Nói chung, cho đến hiện nay Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) vẫn chưa chấp nhận việc trộn nguồn khác nhau giữa các liều, trừ khi có “tình huống ngoại lệ”, chẳng hạn như thiếu vaccine do các vấn đề về sản xuất hoặc phân phối. Cơ quan Y tế Công Cộng ở Anh (Public Health England) cũng có quan điểm tương tự. Trong tình trạng thiếu vaccine, chính phủ đã trì hoãn liều thứ hai đến tối đa 12 tuần để nhiều người được chích liều vaccine đầu tiên hơn nhằm có ít nhất là một số hiệu quả bảo vệ trong đại dịch. Việc sử dụng vaccine của hãng khác để chích liều thứ 2 chỉ được thực hiện khi lúc đó không có vaccine của cùng hãng trước đó sử dụng. Trong khi đó, ở châu Âu, do những lo ngại xung quanh tính an toàn của vaccine AstraZeneca, đã khiến các quốc gia khuyến nghị phối hợp liều từ nguồn khác nhau. Vào ngày 1 tháng 4, Đức khuyến cáo rằng những người dưới 55 tuổi nên chích vaccine mRNA (của Moderna hoặc Pfizer-BioNTech) cho liều 2 để đảm bảo an toàn. Ngay sau đó, Pháp đã khuyến nghị điều tương tự đối với những người dưới 60 tuổi. Na Uy thì đang chờ kết quả thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả của việc phối trộn vaccine trước khi đưa ra quyết định.
Advertisement
Tóm lại, việc sử dụng các vaccine có nguồn gốc khác nhau để phối hợp chích ngừa giữa các liều đang là một xu hướng nhiều nơi trên thế giới đang nhắm đến nhằm giảm áp lực thiếu vaccine, tăng hiệu quả cho “vaccine yếu”, giảm nguy cơ phản ứng phụ nguy hiểm. Tuy nhiên, để biết rõ: kết hợp như thế nào? loại vaccine nào nên kết hợp? cần được nghiên cứu thực nghiệm để có câu trả lời chính thức. Do vậy, nếu trong trường hợp vẫn có đủ vaccine cùng loại để chích đủ 2 liều thì vẫn nên giữ nguyên phương pháp cũ với 2 liều giống nhau. Việc kết hợp các loại vaccine khác nhau giữa các liều chỉ nên thực hiện sau khi có kết quả thử nghiệm lâm sàng đảm bảo phương pháp đó có “hiệu quả” và “an toàn”, hoặc không có sự lựa chọn khác trong trường hợp cấp bách do đại dịch lan tràn.
Bảo trọng nhe bà con,
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
Tài liệu tham khảo:
Shaw RH, Stuart A, Greenland M, Liu X, Van-Tam JSN, Snape MD; Com-COV Study Group. Heterologous prime-boost COVID-19 vaccination: initial reactogenicity data. Lancet. 2021 May 12:S0140-6736(21)01115-6. (https://www.thelancet.com/…/PIIS0140-6736(21…/fulltext)
https://www.cnn.com/…/covid-19-vaccines…/index.html (Mixing Covid-19 vaccines tied to more side effects, early UK data suggests)
https://www.clinicaltrialsarena.com/…/covid-19-vaccine… (Covid-19 vaccine mixing: the good, the bad and the uncertain)
https://www.cdc.gov/…/info…/clinical-considerations.html (Interim Clinical Considerations for Use of COVID-19 Vaccines Currently Authorized in the United States-last updated May 14, 2021)
https://abcnews.go.com/…/official-chinese-vaccines… (Top Chinese official admits vaccines have low effectiveness)
TS. Nguyễn Hồng Vũ

Giới thiệu Lê Hồng Thắm

Check Also

[Thảo luận] Corticosteroid – Câu chuyện con dao hai lưỡi

        Corticoid hay tên gọi đầy đủ là Corticosteroid là một hợp …