Cảm ơn bài viết của Bs. TRẦN VĂN PHÚC
Bài viết:
VIÊM PHỔI DO nCoV: CHẨN ĐOÁN CT
==============================
Người đàn ông 73 tuổi, xuất hiện triệu chứng sốt, đã đến bệnh viện khám.
Bác sĩ dùng tăm pông ngoáy họng, cho làm xét nghiệm RT-PCR để tìm vi rút vương miện mới, nhưng phải đợi vài ngày mới có kết quả. Tất cả các bệnh viện ở Hồ Bắc đều rất đông bệnh nhân. Vì thế mà bác sĩ khuyên người đàn ông về nhà nghỉ ngơi, không dùng thuốc hạ sốt để theo dõi nhiệt độ, kết quả xét nghiệm nCoV sẽ được thông báo qua điện thoại.
5 ngày sau bệnh của người đàn ông trở nặng.
Đó là ngày đầu tiên của năm mới, người đàn ông sốt cao liên tục, khó thở, ho có nhiều đờm, đau nhức cơ thể và đau đầu. Cô con gái ở Vương quốc Anh sốt ruột, gọi điện cho cha, nhưng hơi thở của ông quá ngắn đến nỗi 1 câu phải ngắt ra thành nhiều đoạn rời rạc; ước chừng 40 – 50 lần mỗi phút.
Buổi sáng hôm sau, người vợ phải đưa chồng đến viện, họ ra đi lúc 9 giờ sáng, trở về nhà lúc hơn 7 giờ tối. Bác sĩ nói rằng bệnh viện không còn giường. Khu điều trị ngoại trú cũng không còn một chỗ trống. Cô con gái ở bên Anh gọi điện cho thị trưởng thành phố Vũ Hán yêu cầu can thiệp. Nhưng thị trưởng cũng không thể sắp xếp được giường nằm cho người đàn ông.
>>Kết quả RT-CPR trả lời âm tính với nCoV.
Bác sĩ đã hướng dẫn người vợ chăm sóc chồng tại nhà, những nội dung được bác sĩ liệt kê ra cụ thể, ngắn gọn và dễ hiểu.
…
1. Giữ ấm nhiệt độ phòng, ít nhất là không cảm thấy lạnh khi mặc áo len mỏng.
2. Mở cửa, bật quạt thông gió phòng ít nhất một lần trong ngày để giữ cho không khí trong lành.
3. Chọn mua một chất khử trùng, như cồn y tế, sử dụng để lau tất cả các bề mặt trong nhà, đặc biệt là tay nắm cửa, công tắc điện.
4. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, rửa đúng cách, xem kĩ video hướng dẫn rửa tay của chuyên gia và làm đúng các bước.
5. Người chồng phải đeo khuẩu trang, người vợ tiếp xúc gần với người chồng nên cũng phải đeo, thời gian đeo tối đa 4-6 giờ là phải thay. Đi ra đường cũng phải đeo khẩu trang để tránh phát tán mầm bệnh, khi về đến cửa nhà phải tháo khẩu trang đó vất vào thùng rác kín có túi bóng. Kiên quyết không tái sử dụng khẩu trang. Khi đeo khẩu trang, không được phép để ngón tay chạm cả vào mặt trong lẫn mặt ngoài khẩu trang, hãy tưởng tượng mặt ngoài của khẩu trang có vi rút, nên không để mặt ngoài chạm vào tay hay vào da mặt.
6. Bệnh nhân có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, khí phế thũng, vì thế không nên ngủ nằm ngang, mà hãy ngủ nửa ngồi nửa nằm tư thế chếch với gối chèn sau lưng.
7. Bệnh nhân bị bệnh tim mạch người cao tuổi, khi ngủ cần phải mang tất áp lực cho chân để chống huyết khối tắc tĩnh mạch, vì khi ngủ người già bị bệnh tim rất dễ bị huyết khối tắc mạch chi dưới, có thể gây nhồi máu tim phổi và nhồi máu não rất nguy hiểm. Chú ý 2 chân nên được kê cao trên một cái gối đảm báo máu dễ dàng trở lại trung tâm.
8. Khi nhiễm trùng và sốt mạch ngoại vi sẽ giãn, vì thế mà lượng máu lớn từ trung tâm ra ngoại vi để thoát nhiệt, huyết áp sẽ giảm, nên khi sốt phải đo huyết áp để kiểm soát bằng thuốc nếu cần. Chú ý một số thuốc tim mạch, ví dụ thuốc chống đông, cũng gây tác dụng phụ hạ huyết áp; vì thế mà phải đo huyết áp trước và sau khi dùng thuốc.
9. Sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ, gồm thuốc kháng vi rút ít nhất 14 ngày và nên kéo dài 21 ngày, thuốc kháng sinh phổ rộng chống bội nhiễm, thuốc giãn phế quản, khí dung. Sử dụng thuốc hạ sốt phải đúng liều lượng, thời gian an toàn là sau 6 tiếng, nếu cơn sốt đến nhanh thì sau 4 tiếng; nếu sử dụng nhiều có thể gây ngộ độc.
10. Uống nhiều nước.
11. Đảm bảo dinh dưỡng, ăn uống là tốt nhất, nếu không có cảm giác thèm ăn thì tốt nhất là uống sữa hoặc súp. Chế độ dinh dưỡng tốt sẽ nhanh hồi phục hơn rất nhiều.
Từ giữa tuần thứ 2 sau cơn sốt, người đàn ông trở nặng hơn rất nhiều, việc thở ngày càng khó khăn. Cuối tuần thứ 2 bước sang tuần thứ 3, người vợ kể lại mũi người chồng chỉ có thể phập phồng mà dường như không có không khí.
Người vợ phải đưa chồng đến viện.
Bác sĩ nhìn vào CT ngực thấy phổi lốm đốm trắng gần hết. Người bác sĩ đó nói rằng bệnh nhân cần được nhập viện, nhưng bác sĩ khác đã ngăn lại, nói rằng bệnh nhân âm tính với nCoV, không đủ tiêu chuẩn nhập viện theo quy định, bệnh viện cũng không còn giường. Vì vậy, người đàn ông phải nằm điều trị tại khoa cấp cứu 5 ngày, thở ôxy qua mặt nạ và chăm sóc hút đờm rãi, thêm thuốc lợi tiểu và truyền dịch.
Điều trị ở viện đến ngày thứ 6, người đàn ông chưa thấy dấu hiệu đỡ nên muốn trở về nhà để sống nốt những ngày ngắn ngủi cuối đời, ông cũng không muốn người vợ vất vả hay nhiễm bệnh. Sau khi trở về nhà, bác sĩ của phường cũng đến khám xét hàng ngày, cho thuốc và chăm sóc.
Thật may mắn, từ khi về nhà bệnh tình của người đàn ông thuyên giảm dần, khi bệnh viện thông báo kết quả xét nghiệm lại dương tính với nCoV, thì cũng là lúc người đàn ông 73 tuổi bắt đầu khỏi bệnh.
…
Câu chuyện này tôi đọc được trên mạng xã hội từ chia sẻ của người con gái.
Rõ ràng, người đàn ông đã được làm PCR một lần, nhưng không phát hiện ra vi rút nCoV. Thời điểm đó là đầu tháng 2, tiêu chuẩn chẩn đoán COVID-19 vẫn phải là xét nghiệm nCoV dương tính, trong khi vai trò của CT phổi đã bắt đầu được các chuyên gia đề cập.
Ngày 3 tháng 2 năm 2020, Giáo sư Trương Tiểu Xuân – Phó Giám đốc Trung tâm Hình ảnh Y học của Bệnh viện Trung Nam thuộc Đại học Vũ Hán, người đang ở tuyến đầu phòng chống dịch bệnh COVI-19, Giáo sư đăng một dòng trạng thái trên Webchat làm dấy lên mối quan tâm rộng rãi trong cộng đồng y khoa.
“CT. Scanner được khuyến cáo mạnh mẽ là phương pháp chẩn đoán viêm phổi do vi rút vương miện mới.”
Theo Gs Xuân, xét nghiệm gen là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán nCoV, nhưng hạn chế của phương pháp là độ đặc hiệu cao nhưng độ nhạy thấp, để tránh trường hợp âm tính giả thì chụp cắt lớp vi tính với những bệnh nhân viêm phổi là một giải pháp được ưu tiên lựa chọn.
Ngày 12 tháng 2 năm 2020, Ủy ban Y tế Quốc gia Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc đã chỉnh sửa phác đồ chẩn đoán và điều trị nCoV – Phiên bản 5 – bắt đầu từ phiên bản này chính thức cập nhật tiêu chuẩn chẩn đoán bằng chụp CT phổi.
Ngay lập tức số bệnh nhân mắc mới tăng gấp 10 lần: với 14.840 ca công bố sáng 13/2.
Hình ảnh CT viêm phổi do nCoV cũng theo nguyên lí viêm phổi vi rút mà ai làm chẩn đoán hình ảnh cũng phải biết:
1. Tổn thương kính mờ (ảnh a)
2. Tổn thương lát đá hoa cương (ảnh b)
3. Tổn thương đông đặc nhu mô (ảnh c)
Mấy hôm nay, tôi thấy nhiều người đăng hình ảnh chụp CT phổi 3D các màu xanh đỏ tím vàng trông rất rùng rợn, với những chú thích như “vi rút nCoV ăn ruỗng phổi như mối ăn gỗ – có sống cũng chẳng ra gì”.
Trước khi giải thích kĩ về vấn đề này, tôi xin khẳng định, ai đó viết vi rút “ăn ruỗng phổi như mối ăn gỗ” là sai. Tổn thương tại phổi bởi vi rút nCoV, chủ yếu do phản ứng quá mức của hệ thống tự miễn (cơn bão cytokine), chứ không phải là vi rút trực tiếp ăn phổi.
…
Bây giờ tôi xin nói một chút kiến thức về phổi.
Một người bình thường có 2 lá phổi, một bên trái và một bên phải, rất hiếm và bản thân tôi mới chỉ gặp vài người bất thường về số lượng như chỉ có 1 lá phổi. Tôi cũng chưa thấy sách nào viết và chưa thấy bệnh nhân nào có từ 3 lá phổi trở lên.
Cực hiếm, tôi gặp vài ca không có lá phổi nào, đó là những thai nhi chết ngay khi ra khỏi bụng mẹ.
Thực tế, 2 lá phổi ở hai bên lồng ngực, nhưng lại không đối xứng nhau do liên quan đến vị trí của tim. Trái tim nằm giữa hai lá phổi nhưng lại lệch về bên trái, chiếm rất nhiều không gian, đó là lí do làm cho 2 lá phổi trở lên bất đối xứng. Phổi phải chia ra làm 3 thùy: trên, giữa và dưới. Phổi trái dung tích nhỏ hơn nên chỉ có 2 thùy trên và dưới.
Chức năng quan trọng nhất của phổi là trao đổi không khí.
Khi chúng ta thở, phổi sẽ đưa Oxy vào máu và loại bỏ Carbonic ra khỏi cơ thể. Bởi vậy, khi phổi bị tổn thương nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó thở.
Trước đây, bác sĩ sử dụng các kĩ năng nhìn – sờ – gõ – nghe, có thể đoán biết tổn thương ở các vị trí như phế quản, tiểu phế quản, hay phế nang; các dạng tổn thương như đông đặc nhu mô, xẹp phổi, tràn dịch khoang màng phổi, tràn khí khoang màng phổi. Điều này đòi hỏi bác sĩ khám phải có kĩ năng rất thành thục, nhiều kinh nghiệm, giỏi lập luận lâm sàng. Bản thân tôi phải dành ra rất nhiều thời gian từ thời sinh viên y năm thứ 2 cho đến khi làm bác sĩ, chịu khó khám xét cẩn thận, thì mới phát hiện được những tổn thương ấy.
Phổi là cơ quan nội tạng, nên bác sĩ không thể nhìn thấy chính xác hình thái cũng như chính xác vị trí của các tổn thương, nếu muốn nhìn thấy thì phải sử dụng các phương tiện hiện đại.
CT chính là con mắt thần giúp bác sĩ nhìn thấy điều mình muốn.
Với viêm phổi do nCoV, để có một bức tranh đầy đủ, chi tiết, thì phải chụp CT cắt xoắn ốc liên tục, lát cắt phải thật mỏng 1,5mm hoặc mỏng hơn được thì càng tốt. Các phần mềm đọc kết quả phải đầy đủ, từ đơn giản như tái tạo lát cắt 3 chiều, cho đến dựng hình và đo đạc các thông số; bác sĩ chúng tôi coi đó như “trò chơi” nhưng phải rất tỉ mỉ.
Hình ảnh mà nhiều người đăng lên Facebook trông rất rùng rợn: chúng tôi gọi đó là kĩ thuật tái tạo hình ảnh 3D.
Với người không hiểu về hình ảnh y học, thì 3D sẽ là bức tranh tổng thể 3 chiều lung linh, trở nên vô cùng quan trọng. Nhưng với bác sĩ chẩn đoán hình ảnh chúng tôi, mô hình 3D lại không chắc chắn, dễ gây ảnh giả làm sai lệch tổn thương, dễ gây hiểu nhầm cho số đông. Để chẩn đoán, chúng tôi bắt buộc phải dựa vào hình ảnh 2D với các mặt cắt theo 3 chiều không gian.
Bây giờ tôi bắt đầu nói sâu hơn về tổn thương.
Vi rút nCoV được một số nghiên cứu cho là có ái lực rất cao với thụ thể ACE2, thụ thể này có ở tế bào đường hô hấp, người nhiều tế bào này sẽ dễ nhiễm vi rút và dễ trở bệnh nặng, người ít tế bào sẽ đỡ hơn. Khi vi rút đi vào đường hô hấp, gặp tế bào có thụ thể ACE2 nó sẽ dính vào, rồi hấp phụ, sau đó chui vào trong tế bào và nhân lên.
Cơ thể, có hệ thống miễn dịch cử các thực bào đến bắt các vi rút và các tế bào đã bị nhiễm vi rút, tiêu diệt nó. Thực bào khi đó, giống như viên cảnh sát, phải sử dụng vũ khí để tiêu diệt đối phương, vũ khí ấy chính là cytokine mà tôi nhắc ở trên. Nhưng một khi cytokine bị sử dụng quá mức, còn gọi là “cơn bão cytokine”, thì sẽ gây ra phản ứng tại vùng đó, giống như một bãi chiến trường.
Ta xem xét một vùng nhu mô phổi có nhiều vi rút xâm nhập, ở đó phản ứng cytokine xảy ra quá mức, chụp CT sẽ thấy các tổn thương tiến triển lần lượt theo thứ tự: kính mờ –> lát đá hoa cương –> đông đặc.
TỔN THƯƠNG KÍNH MỜ là giai đoạn sớm nhất của viêm phổi. Rất dễ tưởng tượng, giống như chúng ta đeo kính trắng rồi có bịt khẩu trang, hơi nước trong hơi thở bốc lên bám vào kính, tạo nên hình mờ đục. Tổn thương kính mờ trong phổi cũng giống như thế, các bạn xem minh họa ở (hình a).
TỔN THƯƠNG LÁT ĐÁ HOA CƯƠNG, là giai đoạn muộn hơn và nặng hơn, với hình như nền nhà lát đá hoa cương. Hãy tưởng tượng, phổi tạo bởi các đơn vị là tiểu thùy với kích thước nhỏ, hình giống như lục giác; ngăn cách giữa các đơn vị tiểu thùy là tổ chức kẽ. Khi phản ứng viêm nặng lên, tổ chức kẽ phù nề tăng tiết, làm cho các hình nổi bật như mạch vữa. Đó là lí do ở giai đoạn muộn hơn, chụp CT có dấu hiệu lát đá hoa cương, các bạn có thể xem minh họa (hình b).
TỔN THƯƠNG ĐÔNG ĐẶC NHU MÔ, là giai đoạn muộn nhất và nặng nhất, với hình đám nhu mô phổi đặc hoàn toàn.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc trên hơn 70.000 bệnh nhân bị viêm phổi do nCoV, khoảng 81% bệnh nhân bị nhẹ hoặc trung bình, khoảng 14% bị nặng và chỉ 5% nghiêm trọng.
Trong số 81% bệnh nhân nhẹ hoặc trung bình, hình ảnh CT chủ yếu dừng ở TỔN THƯƠNG KÍNH MỜ. Những nghiên cứu mà tôi đọc được, thì tổn thương kính mờ hầu hết hồi phục cả về chức năng hô hấp cũng như hình CT chụp kiểm tra hết kính mờ.
Vấn đề tôi quan tâm là mức độ nặng nhẹ và thời gian diễn biến bệnh có liên quan như thế nào đến các hình ảnh tổn thương trên phim CT phổi? Để trả lời câu hỏi này thực ra không khó, chỉ cần có đủ cơ sở dữ liệu bệnh nhân, với cỡ mẫu đủ lớn đại diện cho quần thể mắc bệnh.
Vì diễn giải hết thì bài viết sẽ rất dài, nên tôi chỉ nói sơ qua nguyên tắc toán học, mà bất cứ sinh viên đại học nào qua môn thống kê cũng đều rất am tường.
Giả sử trong một quần thể n người mắc bệnh, tôi đặt biến số y là mức độ nặng nhẹ, x là dấu hiệu hình ảnh CT; nếu có sự phân bố hồi quy tuyến tính với hàm số y = f(x) thì việc xác định hàm này không khó. Nhiều người cho rằng, học toán chẳng để làm gì, tích phân vi phân đâu có áp dụng, đó là suy nghĩ cực kì sai lầm. Các bạn nên nhớ, nếu học toán hay bất cứ môn nào khác chỉ để đi thi lấy điểm, thì sau này kiến thức rất chông chênh, cái gì cũng sơ sài hời hợt. Ngược lại, khoa học cơ bản vô cùng quan trọng, khi phát triển lên cao nó sẽ xóa mờ ranh giới giữa các môn, giữa các lĩnh vực, để mọi vấn đề có thể giải thích một cách tường minh từ nhiều hướng.
Trở lại với việc xây dựng hàm số, cụ thể, với n bệnh nhân được chụp CT ta sẽ thu được các giá trị tương ứng (x1,y1), (x2,y2)… (xn,yn). Không giảm tính tổng quát, gọi là (xi,yi) với 1 ≤ i≤ n trong đó n là tổng số người mắc.
Để lập hàm số y = f(x) thì cần tính tổng bình phương các khoảng cách từ (xi,yi) đến đồ thị hàm số, sao cho giá trị tổng đó đạt nhỏ nhất. Suy luận theo Pythagore sẽ có công thức.
Σ[(x-xi)^2 + (y-yi)^2] = (x-x1)^2 + (y-y1)^2 +… + (y-yn)^2 đạt nhỏ nhất.
Quy ước hàm y = f(x) = ax^3 + bx^2 + cx + d chẳng hạn, rồi thay vào tổng để từ đó rút ra các hệ số abcd. Lưu ý rằng các dạng hàm số, đều căn cứ vào số liệu thu được, có thể hàm bậc 4, bậc 3, bậc 2, hay chỉ là hàm số bậc 1 đơn giản y = ax + b.
Ví dụ về nghiên cứu của Feng Pan và cộng sự, ở nhóm bệnh nhân viêm phổi nặng chụp CT, đã cho kết quả là hàm số bậc 3:
y = 0,001x^3 – 0,083x^2 + 1,329x + 0,373
Trong đó y là mức độ nặng tính theo giai đoạn, x là thời gian tính bằng ngày. Hệ số Rᴧ2 = 0,25 và p < 0,001.
Đồ thị hình chữ N xuôi và các lần chụp CT cho bệnh nhân có (xi,yi) rơi vào nửa đầu của chữ N.
– Giai đoạn đầu (y = khởi phát): Thời gian 0 < x ≤ 4 ngày, với mức độ tổn thương CT chủ yếu là kính mờ.
– Gian đoạn hai (y = tiến triển): Thời gian 5 ≤ x ≤ 8 ngày, với mức độ tổn thương CT chủ yếu là lát đá hoa cương, có thể thêm những tổn thương kính mờ mới.
– Giai đoạn ba (y = toàn phát): Thời gian 9 ≤ x ≤ 13 ngày, với mức độ tổn thương CT chủ yếu là đông đặc nhu mô phổi, đương nhiên có thể vẫn có vùng lát đá hoa cương và kính mờ mới.
– Giai đoạn bốn (y = lui bệnh): thời gian 14 ≤ x ≤ 26 ngày, những bệnh nhân viêm phổi nặng bắt đầu ổn định, tổn thương CT giảm dần, có thể bay hết và khỏi bệnh.
Nhóm tác giả này cũng như các nghiên cứu khác đều đưa ra cách tính điểm CT để lượng hóa tổn thương. Theo đó, điểm CT sẽ tính cho từng thùy của phổi, từ 0 –> 5 điểm.
– 0 điểm = không có tổn thương mỗi thùy
– 1 điểm = tổn thương từ 1 –> 4% mỗi thùy
– 2 điểm = tổn thương từ 5 –> 25% mỗi thùy
– 3 điểm = tổn thương từ 26 –> 49% mỗi thùy
– 4 điểm = tổn thương từ 50 -> 75% mỗi thùy
– 5 điểm = tổn thương từ 76 –> 100% mỗi thùy
Như vậy, tổng điểm CT của 5 thùy hai bên phổi, cao nhất sẽ là 25 điểm. Mức độ tổn thương mỗi thùy được coi là không có tổn thương (0 điểm), tổn thương tối thiểu (1 điểm), tổn thương nhẹ (2 – 3 điểm), tổn thương trung bình (4 điểm), tổn thương nghiêm trọng (5 điểm).
Vi rút nCoV gây tổn thương nhu mô phổi thành từng đám ở các thùy, tỉ lệ chia đều nhau chứ không có biểu hiện thùy hay gặp và thùy ít gặp, vị trí tổn thương chủ yếu gặp ở 1/3 ngoại vi phổi, phần 1/3 giữa và vùng trung tâm hiếm gặp hơn.
Tôi cho rằng, tổn thương hay gặp ở 1/3 ngoại vi phổi, nơi không khí hay bị ứ lại là rất quan trọng với bệnh nhân đã nhiễm cũng như với cả bệnh nhân chưa nhiễm. Phải biết thở đúng cách, để khắc phục điều này, tôi sẽ viết một bài riêng về cách thở đúng, nếu bạn đọc muốn tôi viết.
CT chẩn đoán viêm phổi do nCoV có độ nhạy = 98% so vơi xét nghiệm RT-PCR = 71%.
Đó là số liệu rút ra từ nghiên cứu của Yicheng Fang và cộng sự. Lí do RT-PCR có độ nhạy thấp, được nhóm tác giả giải thích 1/- có thể công nghệ xét nghiệm gen với vi rút này chưa được hoàn thiện; 2/- sai số khi làm xét nghiệm; 3/- tải lượng vi rút trong cơ thể bệnh nhân ở thời điểm làm xét nghiệm thấp; 4/- lấy mẫu không đúng kĩ thuật.
Từ những kết quả nghiên cứu, Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc nhận định mặc dù xét nghiệm RT-PCR vẫn là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán viêm phổi do nCoV, CT ngực không đặc hiệu nhưng độ nhạy cao, vì thế CT đã được đề xuất là bằng chứng chính để chẩn đoán lâm sàng. CT cũng cho phép đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm phổi do nCoV để hướng dẫn quản lí lâm sàng.
Nhiều người sẽ quan tâm với câu hỏi: khi bị viêm phổi do nCoV thì nhu mô phổi có phục hồi lại được không và phục hồi như thế nào?
Tôi đọc những nghiên cứu cho thấy, nếu chỉ dừng ở tổn thương kính mờ xu hướng sẽ bay hết khi chụp CT kiểm tra lại. Tổn thương lát đá hoa cương cũng có thể bay hết. Điều đó có thể cho chúng ta nhận định rằng nhu mô phổi được hồi phục hoàn toàn.
Tổn thương nặng như đông đặc nhu mô, có thể để lại xơ, sẹo, tổ chức hóa. Điều này cũng giống như mọi trường hợp viêm phổi do vi rút, hay vi khuẩn, nấm cũng vậy; không có gì lạ.
Phổi có 2 loại tế bào quan trọng: tế bào phổi I + tế bào phổi II.
Biểu mô tế bào phổi II có khả năng tăng sinh, biệt hóa, để tạo thành các phế nang mới. Điều này giúp cho phổi có thể hồi phục bằng cách bổ sung phế nang. Tế bào phổi I không có khả năng này. Nhưng may mắn là tế bào phổi II có thể biệt hóa biểu mô thành tế bào phổi I.
Tuy nhiên, khả năng tân sinh và biệt hóa để tạo thành phế nang mới, là không nhiều, còn phụ thuộc từng người. Bởi vậy mà, không để nhiễm bệnh vẫn là cách tốt nhất, không may bị nhiễm thì phải điều trị và phục hồi chức năng thật tốt, biến nặng thành nhẹ, biến nhẹ thành gần như không có gì.
…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Feng Fan et all. Time Course of Lung Changes On Chest CT During Recovery From 2019 Novel Coronavirus (COVID-19) Pneumonia. Radiology. Feb 13 – 2020.
2. Adam Bernheim et all. Chest CT Findings in Coronavirus Disease-19 (COVID-19): Relationship to Duration of Infection. Radiology. Feb 20 – 2020.
3. Yicheng Fang et all. Sensitivity of Chest CT for COVID-19: Comparison to RT-PCR. Radiology. Feb 19 – 2020.
4. Heshui Shi et all. Evolution of CT Manifestations in a Patient Recovered from 2019 Novel Coronavirus (2019-nCoV) Pneumonia in Wuhan, China. Radiology. Feb 7 – 2020.
5. Zi Yue Zu et all. Coronavirus Disease 2019 (COVID-19): A Perspective from China. Radiology. Feb 21 – 2020.