[COVID-19] Việt Nam sáng tác bài hát rửa tay “Ghen Cô Vy”

Rate this post

COVID-19: VIỆT NAM SÁNG TÁC BÀI HÁT RỬA TAY
Cả thế giới điên cuồng hát nó
=======================

BS. Trần Văn Phúc

“Giờ đây, mọi người trên khắp thế giới đang nhảy theo vũ điệu của bài hát trên phương tiện truyền thông xã hội, chia sẻ một thông điệp về tầm quan trọng của việc rửa tay để ngăn chặn sự lây lan của virus chết người mang tên coronavirus.” – Tạp chí CBS News đã viết như vậy vào sáng nay.

Tên bài hát đó ‘Ghen Cô Vy’.

‘Ghen Cô Vy’ là sản phẩm của dự án âm nhạc do Viện Sức khỏe nghề nghiệp & môi trường (thuộc Bộ Y tế) đứng ra tổ chức thực hiện.

– Nhạc sĩ sáng tác: Khắc Hưng
– Ca sĩ biểu diễn: Erik và Min
– Vũ công: Quang Đăng

‘Ghen Cô Vy’ là bài hát của Việt Nam nhưng lại bùng nổ ở Mỹ, sau đó lan rộng ra toàn cầu, sức lan của nó kinh khủng hơn virus SARS-CoV-2 rất nhiều.

Đầu tiên, người dẫn chương trình John Oliver đã mang bài hát lên sóng truyền hình HBO của Mỹ vào tối chủ nhật, mùng 1 tháng 3 vừa rồi. Trong chương trình hài ‘Last Week Tonight’ của mình, chủ nhân của loạt giải Emmys danh giá đã gọi bài hát này là “không thể tin được”.

“Việt Nam đã sáng tác một bài hát về rửa tay để ngăn ngừa lây nhiễm coronavirus và nó rất ấn tương.” – Oliver nói – “Cũng chính Việt Nam là quốc gia tiêu biểu trong việc đẩy lùi dịch Covid-19 một cách nhanh chóng. Trong đó, đất nước này đã đã cung cấp nhiều thông tin đáng tin cậy về việc phòng chống sự lây lan của dịch bệnh cũng như vệ sinh đúng cách”.

Công chúng Mỹ ngay lập tức bị bài hát đốn tim!

Unicef đã dòng trạng thái trên Facebook: “Chúng tôi yêu thích điệu nhảy rửa tay này từ vũ công Quang Đăng của Việt Nam. Rửa tay bằng xà phòng và nước là một trong những bước đầu tiên để bảo vệ bạn không bị nhiễm coronavirus .”

Các tạp chí danh tiếng quốc tế cũng đã bày tỏ sự ngạc nhiên!

‘Ghen Cô Vy’ nhanh chóng bùng nổ, cả thế giới đang điên cuồng hát và nhảy theo nó, một phóng viên Iran xin được chuyển ngữ bài hát từ tiếng Việt sang tiếng Iran.

“Bài hát Việt Nam này có thể sẽ trở thành bài hát đỉnh nhất của năm nay – Cette chanson Vietnamienne va peut-être devenir le tube de l’année”. – Đây là lời bình luận trên đài BFMTV của Pháp trong buổi phát sóng ngày 3 tháng 3.

Hàng loạt báo, đài Pháp thông qua ‘Ghen Cô Vy’ đã đăng những thông tin về Việt Nam với hình ảnh thế hệ trẻ năng động, quan tâm tham gia hoạt động xã hội.

Việt Nam đã ghi thêm một thắng lợi trong trận chiến chống COVID-19.

CHUYỂN SANG CHẨN ĐOÁN & ĐIỀU TRỊ COVID-19
“Phiên bản 7” cập nhật hôm qua có gì mới
==================================

Đầu tiên tôi nói về câu chuyện giải phẫu tử thi…

Tạp chí Pháp y tập 36, số 1, xuất bản tháng 2 năm 2020, Lý Lương và nhóm của ông đã công bố “Báo cáo tổng quát về giải phẫu bệnh tử thi của bệnh viêm phổi do coronavirus chủng mới”. Báo cáo này được cho là không chỉ tiết lộ bộ mặt thật của virus, mà nó còn có thể “lật đổ” phác đồ chẩn đoán và điều trị ở thời điểm hiện tại.

Giáo sư Lý Lương là một chuyên gia tại Khoa Pháp y Bệnh viện Đồng Tế thuộc Đại học Kỹ thuật Hoa Trung; ông cũng kiêm Chủ tịch Hiệp hội Giám định Tư pháp tỉnh Hồ Bắc.

Giải phẫu bệnh với tử thi COVID-19, theo Giáo sư Lương mục đích là để tìm ra vị trí chính xác virus tấn công, xem nó đã gây tổn thương tới bộ phận nào; ông gọi gọi đó là cơ quan đích.

Cũng theo Giáo sư Lương, khi lấy dịch tị hầu làm xét nghiệm acid nucleic, ông và các đồng nghiệp cần người bệnh phải ho liên tục, ho ra thứ ẩn sâu bên trong tít ngoại vi túi phổi, thì xét nghiệm mới có thể lấy được virus. Vì vậy, Giáo sư Lương cảm giác virus đang xâm chiếm đết tận màng phổi, vậy thì tại sao nó lại xâm chiếm nơi đó, mục tiêu của virus có phải thực sự là vùng ngoại vi phổi ngay dưới màng phổi?

Sự băn khoăn của Gs Lương, theo tôi cũng phù hợp với hình ảnh CT phổi, vị trí tổn thương hay gặp ở 1/3 ngoại vi ngay dưới màng phổi, là những vùng rất sâu thường gây ứ đọng khí. Tôi đã đọc những nghiên cứu về chức năng hô hấp, ở những người thở không đúng cách hoặc có bệnh lí mãn tính đường hô hấp, thể tích khí lưu thông chỉ bằng 1/3 dung tích sống, nghĩa là lượng khí cặn tồn tại trong phổi khá nhiều. Điều này giúp tôi suy luận, virus ẩn dưới tầng sâu của vùng khí không được lưu thông là ngoại vi 1/3 ngoài dưới màng phổi, nên khi làm xét nghệm dịch tị hầu nếu bệnh nhân không ho sâu, có thể gây nên hiện tượng âm tính giả.

Đó cũng là lí do để phiên bản 5 đưa CT vào tiêu chuẩn chẩn đoán.

Về mặt vị trí, Giáo sư Lương ghi nhận tổn thương là các ổ khu trú nằm ở phổi trái nhiều hơn phổi phải, thuộc ngoại vi phổi ngay dưới màng phổi; điều này cũng phù hợp với hình ảnh CT.

Phẫu tích các ổ tổn thương tương ứng với hình ảnh kính mờ trên CT, Gs Lương phát hiện ra có lượng lớn chất nhày trào ra từ phế nang, đặc quánh và dính một cách đặc biệt giống như keo.

Từ vị trí tổn thương ở rất sâu cho đến chất nhày đặc dính, đó chính là lí do cho phép tôi suy luận bệnh nhân viêm phổi COVID-19 chỉ ho khan, không có đờm; đó cũng là nguyên nhân làm cho xét nghiệm Acid Nucleic bằng ngoáy họng dịch tị hầu có thể âm tính giả.

Giáo sư Lưu Lương đặc biệt quan tâm đến chất nhày trong vùng phổi tổn thương, ông tin rằng điều này rất quan trọng, nó sẽ làm thay đổi quan điểm lâm sàng. Giáo sư Đinh Quang Khánh của Đại học Y khoa Nam cũng chia sẻ: “Gần đây tôi đã xem xét một mẫu phổi từ một bệnh viện ở tỉnh Quảng Đông và thấy rằng trong lòng phế quản và mô phổi chứa đầy chất nhầy. Chất nhầy bị đông lại và chặn đường thở phế quản, làm trầm trọng thêm các triệu chứng khó thở.”

Giáo sư Khánh giải thích thêm rằng, con người có có hai tuyến trên phế quản, một là tuyến tiết chất nhầy và hai là tuyến huyết thanh. Các tuyến huyết thanh chịu trách nhiệm tiết dịch để làm loãng chất nhầy, nhưng sự hiện diện của virus trong tuyến huyết thanh làm giảm lượng chất lỏng tiết ra và không thể làm loãng chất nhầy, do đó chất nhầy đông cứng thành nút trong phế quản và làm tắc phế quản. Hiện tại, kết quả bệnh lý này phù hợp với đánh giá lâm sàng.

Chiều ngày 15 tháng 2, Giáo sư Lưu Lương nhận được thông báo, một gia đình đồng ý hiến xác của người thân để mổ tử thi làm giải phẫu bệnh.

Ca giải phẫu bệnh đầu tiên Giáo sư Lương và đồng nghiệp thực hiện, vào lúc 1 giờ sáng ngày 16 tháng 2 năm 2020. Trước cuộc mổ, Giáo sư Lương cùng đồng nghiệp lật tấm vải niệm, cúi đầu trước thi thể rất lâu thể hiện sự kính trọng bởi có rất ít người tự nguyện hiến xác cho khoa học. Trong 12 ngày sau đó, nhóm của Giáo sư Lương phẫu tích tổng cộng 9 tử thi, tất cả đều cúi đầu lâu như thế.
——-

Tiếp theo tôi xin chép lại KINH NGHIỆM của 1 bác sĩ.

Vào ngày 22 tháng 2, bệnh nhân thứ 26 bị viêm phổi COVID-19 được xuất viện thành công. Dưới sự điều trị cẩn thận của bác sĩ Lý Tịnh và các đồng đội, chỉ còn 1 bệnh nhân cuối cùng ở trong khu vực cách ly của Sở Y tế và Phòng chống dịch bệnh thuộc Bệnh viện Quân đoàn tỉnh Hồ Bắc.

Bệnh viện Quân đoàn tỉnh Hồ Bắc là một trong 61 cơ sở y tế sớm nhất được chỉ định điều trị bệnh nhân viêm phổi COVID-19 ở Vũ Hán.

Vào ngày 13 tháng 1, bác sĩ Lý Tịnh đã tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên. Những ngày sau đó, có rất nhiều bệnh nhân sốt nhập viện, cả 3 khu vực cách li đều chật cứng; xét nghiệm chẩn đoán virus không thể đáp ứng kịp nên phải dựa vào chụp cắt lớp vi tính phổi. Cho đến nay, Bệnh viện Quân đoàn tỉnh Hồ Bắc đã điều trị cho 27 bệnh nhân bị viêm phổi COVID-19. Bác sĩ Lý Tịnh đã ở trong viện hơn 40 ngày chưa trở về nhà.

Bác sĩ Lý Tịnh chia sẻ kinh nghiệm điều trị “5 gạch đầu dòng”:

– Kháng sinh ngăn ngừa bội nhiễm
– Hormone ức chế cơn bão cytokine
– Immunoglobulin cải thiện khả năng miễn dịch
– Thuốc kháng virus
– Thuốc tiêu đờm ambroxol hydrochloride

Phác đồ điều trị “5 gạch đầu dòng”, kết hợp với tình trạng thực tế của bệnh nhân, có thể được hỗ trợ thở oxy và thở máy áp lực dương liên tục, kết hợp với điều trị y học cổ truyền Trung Quốc, đã đạt được hiệu quả điều trị đáng kể.

Bệnh nhân nữ, họ Dư 42 tuổi, đến viện khám vì sốt 5 ngày và ho 2 ngày. Chẩn đoán sơ bộ ban đầu là viêm phổi do virus. Bác sĩ Lý Tịnh sắp xếp cho cô Dư nhập viện. Đến ngày thứ 2, tình trạng của cô Dư xấu đi nghiêm trọng, cô bị khó thở và độ bão hòa Oxy tụt xuống còn 85%.

Bác sĩ Lý Tịnh đã tiếp cận chẩn đoán và điều trị theo phác đồ 5 dòng, đồng thời điều trị các triệu chứng, phòng và ngăn ngừa các biến chứng, chăm sóc hàng ngày và tư vấn tâm lí. Cô Dư được hỏi về tình trạng mỗi ngày. “Bác sĩ Lý đến phòng bệnh nhiều lần trong ngày, đôi khi ở buồng bệnh đến nửa giờ. Tôi rất yên tâm. ” – cô Dư kể lại.

Vào ngày 5 tháng 2, nhiệt độ cơ thể của cô Dư đã đạt bình thường được hơn 10 ngày, các triệu chứng khó chịu ở đường hô hấp của cô đã biến mất hoàn toàn. CT ngực kiểm tra, các tổn thương viêm cơ bản đã được hấp thụ, 2 lần xét nghiệm virus liên tiếp đều âm tính.

Trước khi rời bệnh viện, cô Dư đề nghị bác sĩ Lý và cô cùng tháo khẩu trang, để 2 người một lần được nhìn thấy mặt nhau. Bác sĩ Lý đồng ý. Và cô Dư làm một cử chỉ “quyết thắng” gửi đến bác sĩ Lý và các đồng nghiệp của ông.

Bà Tôn, 62 tuổi, bắt đầu ho sau một tuần bị sốt. Đến viện, bà được đưa thẳng vào khu cách ly.

“Tôi không ngờ mình bị viêm phổi do con virus vương miện mới”.

“Lúc đó tôi không biết về căn bệnh này và chỉ nghĩ mình bị cảm lạnh thông thường” – nhớ lại những ngày nằm viện bà Tôn vẫn rùng mình. Sau khi được bác sĩ Lý điều trị, tình trạng của bà Tôn nhanh chóng được kiểm soát và ổn định.

Một ngày nọ, bà Tôn nghe tin người thân của mình qua đời vì căn bệnh COVID-19. Hoảng quá, tình trạng của bà Tôn xấu đi một cách đột ngột, độ bão hòa Oxy giảm xuống còn 80%, huyết áp thì vọt lên 180/100mmHg.

Bác sĩ Ly nhanh chóng cấp cứu, điều trị theo phác đồ “5 gạch đầu dòng”, đến nửa đêm thì tình trạng của bà Tôn bắt đầu cải thiện, hơi thở dần nhẹ nhàng và huyết áp trở lại bình thường.

“Bác sĩ Lý đã chăm sóc tôi như người thân yêu!” – bà Tôn kể lại về bác sĩ Lý như một cách biết ơn.

Nằm cạnh giường bà Tôn là một nam bệnh nhân, vì khả năng miễn dịch thấp, nên tình trạng bệnh khá trầm trọng, đã có lúc người bệnh nản chí muốn từ bỏ điều trị. Bác sĩ Lý đã tìm mọi cách để khơi dậy hi vọng sống. Trong những ngày đó, bác sĩ Lý liên tục đến bên bệnh nhân, quan sát cẩn thận các triệu chứng và dấu hiệu sinh tồn, sẵn sàng giải cứu bất cứ lúc nào. Cuối cùng, bệnh nhân sống sót, khỏi bệnh và ra viện.

Những bài học kinh nghiệm của bác sĩ Lý Lượng là vô cùng quý giá.

PHIÊN BẢN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ 7 có gì mới?

Vào ngày 4 tháng 3, Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc đã ban hành “Phác đồ chẩn đoán và điều trị viêm phổi do virus SARS-CoV-2”.

Đây là lần sửa đổi và cập nhật thứ 7.

Trong phiên bản mới của phác đồ chẩn đoán và điều trị này, những thay đổi bệnh lý đã đề cập ở các mức độ khác nhau của phổi, lách, số lượng tế bào lympho giảm đáng kể và thay đổi trong tủy xương. Phiên bản cũng liệt kê các tổn thương của tim, mạch máu, gan, túi mật, thận và các cơ quan khác. Bao gồm gan to, các tế bào cơ tim có thể bị thoái hóa, hoại tử.

Advertisement

So với phiên bản 6, thay đổi lớn nhất trong phiên bản mới này là lần đầu tiên thay đổi bệnh lý. Kết quả được tóm tắt dựa trên các quan sát bệnh lý mô và chọc dò có giới hạn.

Các tổn thương ở phổi phù hợp với kết quả giải phẫu bệnh đã được nhóm của Giáo sư Lưu Lương mô tả trước đây. Theo đó, nhóm Giáo sư Lương đã chỉ ra rằng tổn thương đại thể của phổi có màu trắng xám, mức độ nặng hơn ở phổi trái. Phổi bị loang lổ, có những ổ tổn thương khu trú màu trắng xám và chảy máu đỏ sẫm. Mất cảm giác xốp vốn có của phổi. Một số lượng lớn chất tiết nhầy rất dính tràn ra từ bề mặt phế nang và các sợi xơ xuất hiện trên nền tổn thương. Đối chiếu hình tổn thương kính mờ trên CT tương ứng với các tổn thương phế nang màu trắng xám nhìn thấy bằng mắt thường, nó gợi ý một dạng viêm phổi tân bào chủ yếu gây ra các phản ứng viêm đặc trưng ở khu vực sâu của đường hô hấp và phế nang.

Báo cáo của Giáo sư Lương cũng đề cập rằng các đặc điểm bệnh lý của viêm phổi do tân sinh rất giống với viêm phổi do SARS và MERS-CoV gây ra. Tuy nhiên, từ quan sát chung về giải phẫu hệ thống trong trường hợp này, xơ hóa phổi và đông đặc nhu mô không nghiêm trọng giống như SARS gây ra. SARS là hiển nhiên rất nặng, nó liên quan đến đông đặc nhu mô, bệnh chỉ có 15 ngày từ khi chẩn đoán đến khi chết và quá trình bệnh ngắn hơn.

Trong phiên bản mới của phác đồ chẩn đoán và điều trị, virus SARS-CoV-2 đã được tìm thấy trong tế bào chất của biểu mô niêm mạc phế quản và tế bào biểu mô phế nang loại II. Nhuộm hóa mô miễn dịch cho thấy một số biểu mô phế nang và đại thực bào dương tính với kháng nguyên SARS-CoV-2, và RT-PCR dương tính với axit nucleic của chủng virus này. Có nghĩa là, nghiên cứu virus học về các mô được lấy mẫu sau khi khám nghiệm tử thi đã có bước phát triển mới. Đồng thời, những thay đổi của các cơ quan khác cung cấp thêm thông tin giúp kiểm soát bệnh lý cũng như giải pháp hồi sức tích cực cho các bệnh nhân nguy kịch.

Ở phiên bản 6, chưa có những thông tin virus được phân phối trong phổi và ruột như thế nào, cũng không cho biết điểm đột phá ở đâu. Để giải quyết vấn đề này, một trong những phương pháp là đánh giá từ hình thái sinh vật học, mô học, tế bào học và thậm chí hình thái học phân tử để xác định nơi virus tấn công. Đây là điều mà bệnh lý lâm sàng bắt buộc phải làm.

Trước đây, một số chuyên gia cho rằng giải phẫu bệnh lý phản ánh trạng thái giai đoạn cuối của bệnh và mối quan hệ nhân quả giữa những thay đổi bệnh lý không thể xác định được.

Thực tế, bệnh nhân chết khi đang trong quá trình bệnh tiến triển, căn bệnh nguyên phát nặng hơn và những tổn thương mới xuất hiện, có thể thấy trong khám nghiệm tử thi. Một số bệnh nhân cũng chết vì các bệnh nền khác, như tăng huyết áp, bệnh tim và tiểu đường. Trong một số trường hợp, có cả tổn thương cũ và mới, vì vậy việc mổ tử thi vẫn có ý nghĩa.

Giải phẫu bệnh là môn khoa học của xác chết giúp bệnh nhân cất tiếng nói trăng trối cuối cùng để cứu sống những người cùng cảnh!

Giới thiệu Donny

Check Also

[COVID-19] “SƯƠNG MÙ NÃO” – DI CHỨNG COVID Y HỌC CHƯA THỂ LÝ GIẢI

“SƯƠNG MÙ NÃO” DI CHỨNG COVID Y HỌC CHƯA THỂ LÝ GIẢI  “Sương mù não” …